Chương 105: Hồi môn của trưởng công chúa
Ty Bình Bạc chính là cơ quan hành chính quản lý sự vụ của kinh thành Thăng Long. Đây là cơ quan quan trọng, ở cái đất bảy bước một vương, ba bước một hầu này đi đâu cũng đụng mặt các bậc quyền cao chức trọng. Nếu không phải là người tài hoa thì không thể đảm nhiệm được.
Đứng đầu Ty Bình Bạc chính là một vị Đại Doãn quan hàm tam phẩm. Để chọn người đứng đầu Ty Bình Bạc, triều đình đề ra quy chế tuyển chọn rất cẩn thận. Người được chọn phải kinh lịch công việc ở lộ hay phủ, sau đó qua khảo lệ, duyệt, nếu đáp ứng yêu cầu thì được cử làm An phủ sứ phủ Thiên Trường.
Sau thời gian làm An phủ sứ Thiên Trường, viên quan này lại phải qua lệ khảo, duyệt mới được bổ làm Thẩm hình Viện sự rồi mới đưa về Ty Bình Bạc.
Nguyễn Quang Quan đã làm tất cả các việc ấy, kinh qua nhiều chức vụ lắm mới leo lên được cái vị trí Đại doãn Ty Bình Bạc. Hắn xử án khắp nơi, chuyện gì cũng tin là mình đã từng thấy. Ấy thế mà hai hôm nay, hắn không còn một cái lỗ nẻ nào để chui xuống. Hắn đang lẩy bẩy quỳ dưới thềm rồng, trên đài cao Thái Tông mắng xa xả:
- Ngươi làm Đại doãn cái kiểu gì thế. Lý triều kỳ công mấy trăm năm dựng lên được Tam Đại Thần Khí thì Kinh thành có Nhị Khí. Đây toàn là bảo vật quốc gia chế tác từ đồng đen, còn là mẹ của vàng, cái nhẹ nhất cũng vạn cân. Lý nào sau một đêm mà biến mất được. Người giải thích rõ cho ta.
- Bẩm thượng hoàng, thần nhận được tin báo đã vội vã đến ngay. Đỉnh tháp Báo Thiên ở trên cao 20 trượng, nặng hơn vạn cân. Không hiểu sao biến đi đâu mất. Dưới chân tháp có dấu vết bánh xe di chuyển, nhưng không còn biết chuyển đi đâu nữa.
- Còn Chuông Quy Điền, vốn nằm gọn trong ao chùa chùa Diên Hựu từ lâu không ai để ý, tự dưng cũng biến mất không chút dấu vết. Hai thần khí này to lớn cồng kềnh, không ai nghĩ có thể chuyển đi được nên cũng không canh gác những chỗ này.
- Làm sao có chuyện đó, các ngươi nói biến mất là biến mất sao. Mau tìm cho ta, không tìm được thì ngươi mang đầu về gặp trẫm.
Lại có tiếng quân hầu báo vào:
- Bẩm thượng hoàng có cấp báo trăm dặm từ Vạn Kiếp của Hưng Đạo Vương!
- Cho Hồng Linh Cấp Sự vào?
Một quân hầu chạy vào điện, chưa đến nơi đã quỳ xuống dâng một túi vải. Thái Tông vội vã mở túi, lấy thư tín ra xem. Xem xong thì ngẩn người:
- Xem ra không phải là trùng hợp. Tượng phật Di lặc ở Quỳnh Lâm cũng biến mất. Người làm việc này xem ra là muốn phô trương thanh thế đây.
Bọn quan lại Ty Bình Bạc đang như chó nhà có tang, chạy loạn khắp nơi điều tra thì bọn quan viên Lễ Bộ cũng không kém. Thượng Hoàng nói Công chúa hạ giá phải làm trước tết nguyên đán.
Việc công chúa hạ giá đâu phải chuyện chơi, việc chuẩn bị bình thường diễn ra cả năm, nay chỉ rút lại còn một tháng. Cũng may tên phò mã này thuộc dạng đặc biệt. Tên này chẳng có song thân, bớt được bao nhiêu bước. Nhưng những việc như chọn chủ hôn, chọn ngày đại lễ, chuẩn bị lễ vật cũng là một khối lượng công việc khổng lồ.
Hồi môn của công chúa chuẩn bị đã quá mệt mỏi, trưởng công chúa thì còn mệt hơn nhiều: quy định là 10 vạn quan. Kèm theo đó là vô số: vàng, bạc trang sức, lụa là gấm vóc. Lại còn có cả tam sinh trâu, bò, lợn. Đến rượu cũng phải đủ trăm vò.
Bọn quan viên Lễ bộ lúc này thật muốn tự tự hết cho xong. Tiền chúng có đủ nhưng tất cả những thứ khác đi đâu cũng gặp khó. Bình thường đến phường dệt ở Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Vải đặt trăm tấm lụa, trăm đoạn gấm không khó. Có lẽ phải chờ một chút ít thời gian, nhưng đảm bảo gom đủ. Nhưng giờ thì không thế, tất cả hết hàng, kề dao vào cổ cũng hết hàng, vào kiểm tra kho thì đúng là hết thật. Vải không còn một tấm, gấm không còn một đoạn.
Đáng ghét nhất là bọn thợ kim hoàn ở hàng bạc, mang kim khí cho chúng gia công nhưng chúng nói thợ đi đâu hết rồi. Hỏi ra thì mới biết tất cả đã về quê, tổ nghề bảo tháng này xung khắc với nghề, không được làm. Việc như vậy liên tiếp diễn ra khiến quan viên lễ bộ như kiến bò chảo nóng.
Bọn Lễ bộ nghĩ ra cách muốn lấy hàng ở các châu phủ khác nhưng ngay từ khi ra bến thuyền đã gặp sự lạ. Bến Đông Bộ đầu tất cả thương thuyền đều đậu bến, nói tháng này có giao long xuất thế, việc sông nước nguy hiểm. Bọn này lại dùng quân thuyền đi xuống các châu phủ. Lòng vòng đến nơi thì phường dệt, phường nhuộm, lò gồm khắp nơi đều đóng cửa. CMN! Đây là cái kiểu gì?
Bọn chúng hết cách, quay về kinh đốc thúc các xưởng ngự dụng làm hết công suất, nhưng tính toán vẫn thấy thiếu một ít, thời gian có một tháng, tăng ca không kịp. Lễ bộ thượng thư bẽn lẽn bẩm với Thánh Tông: "Sợ trưởng công chúa lần này hạ giá, không đủ hồi môn".
Không nói thì thôi, nói ra lập tức nhận thịnh nộ của vua. "Em gái đi lấy chồng, anh không lo đủ cho hồi môn là sỉ nhục cỡ nào, chả lẽ báo lên cho Thượng hoàng việc này". Thánh Tông cho thân vệ cùng bọn lễ bộ đi lùng sục khắp thành, xét tất cả nhà bọn phường dệt, xưởng nhuộm, lại xét sang cả nhà thương lái. Miễn cưỡng đủ được hồi mồn cho công chúa, chỉ là không được đẹp lắm.
Ngày 12 tháng chạp đã được chỉ định là ngày thành hôn của trường công chúa và phò mã. Phò mã thời sau thường được hiểu theo nghĩa tích cực, nhưng nguyên nghĩa của từ phò mã đấy chính là thằng đánh xe ngựa. Thời Tư Mã Viêm có một thằng đánh xe ngựa nào đó định giết hắn. Từ đó hắn chỉ cho mấy thằng con rể đánh xe cho mình. Kể từ đó từ phò mã được dùng để chỉ luôn con rể của vua. Chức Phò mã triều Trần chỉ là một danh phận hàm Tam phẩm trên danh nghĩa mà không có quyền lực gì, cũng không thể làm quan. Lúc này phò mã của Trần Thái Tông đang ung dung trong phủ nấu phở.
Cả Hầu phủ vẫn vậy, bị giam kín mít, muốn vào phải có lệnh vua mới được vào, muốn ra thì xin lỗi, không ra được. Người trong phủ cần gì có thể sai người đi mua, chỉ là những thứ mang vào sẽ bị kiểm tra.
Thế nhưng có ngoại lệ, Cao lão ra ra vào vào như đi chợ mà không biết lão đi kiểu gì. Hai hôm nay, hồi môn của công chúa đang được chuyển dần đến Hầu Phủ. Từng xe, từng xe lớn bầy chật mấy gian phòng. Đinh Tú thấy cảnh này, căm tức lắm, chỉ là nàng cũng là phụ nữ, căm tức một hồi rồi vào phòng khóc một mình.
Bách dạo này như nô bộc trong nhà, từ khi khỏi ốm, hắn chỉ có một việc thôi: "Đấy là hầu hạ Đinh Tú". Sáng chờ nàng dậy bưng nước cho nàng rửa mặt, trưa nấu cơm, chiều chường mặt ra cho nàng đánh cho hả giận, tối đến lại ôm sau lưng nghe nàng khóc. Hắn cũng bỏ hẳn cái sĩ diện, làm những trò lố lắng chọc cho nàng cười, nhưng nụ cười chua chát lắm.
Hắn nấu xong, bê phở lên phòng nàng. Gõ vào cánh cửa:
- Mời Đinh Tú cô nương dùng bữa.
Rồi đẩy cửa vào, Đinh Tú thấy hắn cũng chẳng quay lại, tay viết viết gì đó, miệng nói:
- Không dám! Ta chỉ là một con hầu được gả cùng công chúa đến Hầu phủ. Sao làm phiền đến Hầu gia.
- Xin Đinh Tú cô nương đừng tức giận, ăn uống tốt, bảo trọng thân thể.
Trò đưa qua đẩy lại này hai người chơi gần một tháng rồi chưa chán. Nàng bỏ bút xuống, cầm lấy cái muôi, húp một ít nước dùng, thấy đã vừa miệng lại đưa đũa, gắp phở lên ăn. Nàng ăn uống từ tốn, hắn thì chống cằm ngắm nàng. Ăn xong thì thu dọn bát đĩa. Đinh Tú thở dài:
- Hai chúng ta rồi cũng không trốn được thực tại. Chúng ta làm ra những chuyện này, chỉ thương cho cha ta và lão thái thái bên ngoài kia. Dù ta đã viết thư ra giải thích với hai người, nhưng không biết bây giờ đã đau lòng đến mức nào. Lê huynh dúi vào tay ta một bức thư, nói cha ta có chuẩn bị ít hồi môn nhưng bọn quân lính không cho mang vào. Cha ta cũng không dám biên thư về quê nói rõ với đại ca và các tẩu. Chỉ nói đến tết sẽ về thăm.
- Ta chết cũng không đền hết tội với Đinh lão, với Thái Thái. Đinh Tú ta có một việc muốn hỏi nàng?
- Chàng nói đi, đến nước này rồi còn úp mở làm gì?
- Ngày mai ta muốn trang điểm cho nàng.
- Chàng biết trang điểm sao?
- Ta cũng không phải giỏi nhưng ta muốn bù đắp cho nàng chút gì đó.
Đinh Tú cười đáp:
- Chàng muốn làm gì thì cứ làm.
Nàng ngừng lại một lúc rồi nói:
- Từ hôm nay, chàng cũng đừng nuông chiều ta nữa. Một tháng qua là đủ rồi. Ta biết không thế trách chàng được. Tình cảm của chàng ta sao mà không biết. Chàng bị yêu nữ kia hạ dược, cũng không phải là cố ý. Chỉ là ta không bỏ xuống cái ích kỷ của mình được, trong lòng cứ muốn tranh giành danh phận với ả ta. Nhưng một tháng nay ta thấy đủ rồi, danh phận kia làm cái gì chứ, chỉ cần chàng vẫn quan tâm đến ta là đủ.
Bách cảm động, ôm nàng vào lòng:
- Nàng ta cũng rất đáng thương, lúc trên thuyền có nói với ta, số phận của nàng ấy là một con bài chính trị. Có khi phải lấy chính anh em nào đó của mình, cũng có khi phải lấy một tên thổ quan ở biên viễn. Chính vì vậy nàng ấy sinh chán nản, trao thân cho ta. Nàng cũng biết nàng ấy vốn thích ta nên mới làm vậy.
- Ta cũng nghĩ mãi chuyện này, sao thượng hoàng lại gả nàng ta cho chàng? Chàng vốn không phải là nhân tuyển tốt nhất. Nàng ta lấy chàng thì hoàng gia được cái gì?
- Chuyện này rồi sẽ có lúc được giải đáp thôi. Giờ chúng ta cứ vui vẻ mà sống, sau việc này, chúng ta về trang viên ở, không ở chốn thị phi này nữa.
- Chàng có dám bỏ lại công chúa đương triều ở lại đây không?
- Chuyện này do nàng quyết. Ta cưới nàng, rồi mới cưới nàng ta, không phải nàng ta lớn nhất, nàng lớn nhất. Nàng đồng ý thì nàng ta được đi. Không đồng ý thì nàng ta ở lại.
- Ôi cái miệng lẻo mép của chàng kìa.