Chương 76: Tết trung thu

Đông A Nông Sự

Chương 76: Tết trung thu

Chương 76: Tết trung thu

Bách về nhà chuẩn bị Trung Thu, năm nay hắn mở phủ, mọi người ưu ái nên sẽ đến nhà hắn làm tết Đoàn viên. Bách cũng hứng thú lắm, sáng đã dạy sớm, tập một bài quyền cước vớ vẩn Đinh Nhu dạy cho, kêu là La hán quyền. Xong xuôi thì cùng Đinh Tú đi chợ mua sắm đồ đạc. Hắn vốn cũng chẳng cần đi đâu nhưng háo hức nên đòi đi cùng.

Hai người cùng hai gia nhân sang phủ Phụng Thiên sắm sửa, chợ bến Tây Nhai cũng có nhưng chợ lớn nhất Kinh thành ở Phủ Phụng Thiên, sang đấy sẽ đầy đủ hơn. Hôm này chủ yếu mua mứt kẹo, hoa quả, đồ trang trí và nguyên liệu làm bánh trung thu. Hai người lượn lờ phố hàng Đường, hàng Mã mua sắm rồi vào chợ mua hoa quả, thế mà cũng mất cả buổi sáng. Hắn còn mải mê chơi tiếp nhưng Đinh Tú nhắc nhở phải về sớm. Chiều còn phải chuẩn bị mâm cúng.

Đỗ lão thái đích thân sang phủ của hắn để bố trí cỗ bàn. Hắn cũng đã lập một từ đường, bên trên bài vị chỉ viết "Hoàng cao tổ khảo". Đỗ lão thái hướng dẫn hắn làm lễ cúng gia tiên, các quan thần linh bản xứ, lại bắt Đinh Tú đứng bên cạnh, theo bà nói là để biết mà chuẩn bị cho nhà chồng sau này.

Thắp hương xong thì hắn háo hức đi làm bánh trung thu. Bọn Đinh Đang đang hăng hái nặn bánh. Năm nay hắn dặn đầu bếp chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu, cả bánh nướng và bánh dẻo. Cách làm so với thời sau vẫn không khác biệt. Bánh nướng thì nặn vỏ bột mì với hỗn hợp nhân bánh gồm mỡ phần, xá xíu, lạp xường, trứng muối rồi đem nướng.

Vất vả hơn là làm bánh dẻo, tay khoẻ mạnh như Đinh Nhu mà còn đang vật lộn với thau quấy bột. Hỗn hợp vỏ bánh dẻo gồm nước đường và nước hoa bưởi cho từ từ bột gạo nếp rang rây mịn vào quấy, lúc đầu thì nhẹ, càng về sau càng nặng. Đinh Nhu đang chửi bới thau bột om tỏi.

Bánh làm xong mùi thơm ngào nhạt bay khắp phủ, đều hình tròn chứ không có loại bánh vuông như sau này. Bách cùng mọi người gói hai cái bánh nướng bánh dẻo thành một cặp, lại sai gia nhân đi mang sang biếu Trần Quang Khải, Trần Nhật Duy mấy cặp, biếu nhà Chu Đại Lực và Mã Quốc An mấy cặp, số còn lại thì xếp vào giỏ, mang ra Đông Bộ Đầu, phát cho trẻ em ở bến tàu, chỉ giữ lại một ít cho mọi người và gia nhân trong phủ ăn. Bận rộn đến chiều muộn thì mọi người đến đông đủ, nhà họ Đinh và họ Lê hôm nay đều sang hết đây để làm lễ đoàn viên.

Ba mâm cỗ lớn bày ra, mọi người lại cùng nhau nâng chén. Trong phủ vốn có hoa viên rất đẹp, mọi người bày cả ra đấy ngắm trăng, chỉ là trẻ con quá ít, nhà họ Lê mới có mấy đứa cháu, nhà họ Đinh thì con cháu ở hết Thậm Thình, trung thu mà vắng trẻ con đúng là không có đủ phong vị. Đinh lão xem chừng cũng nhớ nhung các cháu, ngồi ngắm bọn trẻ nhà họ Lê chơi đèn kéo quân thở dài. Đỗ lão thái bèn nói:

- Đệ đệ mấy hôm nữa là về Thậm Thình rồi, sao phải buồn rầu như thế.

- Mấy năm nay đệ đều ở nhà. Trung thu là không ở trên đền nữa, về nhà chơi với các cháu. Tất cả chúng cũng hơn chục đứa, năm nay về Kinh mới thấy nhớ nhung, xin tỷ đừng cười.

- Ta sao lại cười chứ, người già chẳng có thú gì hơn ở bên con cháu, nhìn chúng lớn lên. Nhưng nhà ta và đệ đúng là nhân khẩu ít quá, ta cũng thấy không ổn. Đến đời sau phải bắt chúng sinh nhiều con cháu để vui cửa vui nhà.

- Mấy năm trước chiến tranh loạn lạc, nhân khẩu suy giảm là đương nhiên. Nhưng ta tin vào Thái Thượng hoàng và Quan Gia, cũng tin vào quan viên nhà Trần sẽ làm cho đất nước thay đổi. Đại Việt sẽ trở thành nơi đất lành chim đậu, nhân khẩu đông đúc.

- Đấy là người ngoài, nhà ta vẫn là nhà ta. Con cháu nhà mình phải đông vui cái đã. Chỉ trách toàn một lũ khó dạy bảo. Tú nhi! Chuyện của ngươi sao rồi?

- Lão thái bảo gì cơ? Chuyện gì của con.

Đinh Tú đang cắn miếng bánh ngơ ngác:

- Còn chuyện gì nữa, cho ngươi kỳ hạn một năm, thế thời gian này người không đi tìm hiểu thì một năm sau ngươi kết hôn với ai? Mà ta nói trước, cứ đến kỳ hạn, không tìm được người thì phải nghe ta bố trí.

Đinh Tú ngượng ngùng, khẽ gật đầu:

- Vâng ạ!

- Vâng cái gì, kết hôn xong phải sinh ngay mấy đưa nhi tử cho ta.

- Chuyện này …

- Chuyện này làm sao?

- Không sinh có được không?

Đỗ lão thái tức giận, chỉ tay vào Đinh Tú, không nói nên lời nữa, Nguyễn Thị giải vây:

- Chắc muội muội nói nhầm, không sinh nhi nữ cũng được, nhưng nhi tử thì phải sinh.

- Vâng! Vâng …

- Hai vợ chồng ngươi nữa, năm nay cũng phải sinh thêm cháu cho ta, nếu không ta phải nạp thiếp cho Văn Hưu.

Lê Văn Hưu mặt như quả táo tàu, Nguyễn Thị thì cúi gằm mặt xuống:

- Chuyện sinh con, bọn con sẽ cố gắng nhưng ngoài nàng ra con không lấy thêm ai đâu.

Nói đoạn lại nắm tay Nguyễn Thị nước mắt đang trực rơi ra. Bách chen vào:

- Ta biếu huynh một bình rượu ngọc cẩu, thứ này rất tốt, huynh dùng trong bữa ăn chiều một chén là ta nghĩ sẽ có hiệu quả đấy.

- Vậy sao? Từ hôm đó ta vẫn chưa dùng, thứ này thật có hiệu quả?

- Chắc chắn, ta thấy nhiều người trên Miêu trại nói thứ này dùng rất tốt.

- Được, được.

- Còn Đinh Nhu, ngươi không lấy vợ thì còn định rong chơi đến bao giờ.

Đinh Nhu khôn ngoan hơn mấy người này, giọng dõng dạc:

- Báo cáo thái thái, con đã có cô nương ở Thậm Thình, xong việc ở Kinh sẽ về Thậm Thình xin cưới, cưới xong sẽ sinh ngay nhi tử mập mạp rồi mang lên Kinh cho lão thái thái nuôi nấng.

Hắn nói xong đắc ý nhìn Bách. Miệng nở nụ cười đểu.

- Cháu ngoan! các ngươi nhìn xem. Hầu tước, Học sĩ cái gì, toàn bọn vô dụng. Phải nhìn vào Đinh Nhu mà học tập.

Thằng khốn này, Bách biết hắn làm gì đã có cô gái nào ở Thậm Thình, hắn chỉ tát nước theo mưa thôi. Nhưng đành im miệng, chủ đề này là cấm kỵ, khi người già nói đến, chỉ nên nhận lỗi vì nói thế nào thì vẫn có lỗi thôi. Hắn khéo léo đổi chủ đề:

- Hai hôm nữa cháu về đất phong, xem việc trang viên rồi. Hầu phủ chỉ còn lại Đinh Tú, mong lão thái ở lại vài hôm để hầu phủ đỡ vắng vẻ.

- Việc này thì được.

Mọi người đang trò truyện thì gia nhân vào báo, có vợ chồng Vũ Uy Vương đến chơi. Bách ra đón rồi mời hai vợ chồng vào hoa viên luôn.

Mọi người đứng dậy chắp tay:

- Cung nghênh Vũ Uy Vương và quận chúa!

- Mọi người ngồi đi, ôi sao lại có cả Quốc Sử Viện Giám ở đây, ngươi quen với Viện giám hả?

- Lê Văn Hưu là huynh của ta, đây là Đỗ lão thái, thân mẫu của huynh ấy còn đây là Đinh lão, sư phụ của ta.

Đỗ lão thái và Đinh Bản đứng dậy chắp tay.

- Mời thái thái và Đinh lão ngồi. Hai vợ chồng ta năm nay cũng mở phủ, phu nhân ta lại không muốn ăn tết đoàn viên trong cung nữa, có mời tỷ tỷ ta đến nhưng nàng là trưởng công chúa, lễ đoàn viên của Hoàng gia không được vắng mặt. Vừa rồi nhận được bánh trung thu của Hầu phủ gửi sang. Muốn sang đây đáp lễ.

Hắn nói đoạn ngồi ngay xuống bàn, tay bốc một miếng bánh nướng cho vào mồm. Bách thầm nghĩ "đáp lễ CM ngươi, ăn chực thì có". Mọi người vui vẻ ngồi xuống. Ý Ninh ăn một miếng bánh, lại khen:

- Sao cái gì ở nhà ngươi ăn cũng ngon thế. Vừa rồi ta và tên béo … phu quân ở nhà cũng cắt bánh, nhưng dở tệ, không ngon như ở đây.

- Đấy là cảm giác thôi. Bánh trung thu có hình tròn, là tượng trưng cho sự toàn vẹn đoàn viên. Nếu ít người ăn bánh có làm khéo mấy ăn cũng không thấy ngon.

- Đúng thế, những thứ hoa quả bánh trái trong vương phủ cũng chẳng thiếu gì, nhưng chỉ có mỗi hai ta, ăn cũng khống thấy ngon. Nhà các ngươi thật tốt, đông vui thế này!

Ý Ninh nói xong mặt có chút đượm buồn, nàng vốn là cô bé tốt. Chỉ là gia đình có nhiều biến cố mà sinh ra tính ngang ngược. Nhưng những lúc còn lại một mình, thường lại là người cô đơn nhất. Từ khi lấy chồng, nàng cũng muốn thay đổi nhưng khổ nỗi Trần Nhật Duy nghe thấy nàng là sợ, suốt ngày lẩn tránh. Một mình trong vương phủ rộng lớn làm sao chả thấy buồn. Bách cũng an ủi.

- Nhà ta còn kém nhà các ngươi, dù sao cũng có hai người. Ta chỉ một thân một mình, cũng may có Lê gia và Đinh gia chiếu cố. Ta cũng sắp về đất phong, sẽ chỉ còn lại Đinh Tú ở đây. Các ngươi thích thì sang chơi.

- Đất phong của ngươi ở đâu?

- Ở Trấn Sơn Tây, Tam Giang Lộ.

- Vậy là cách Bình Lệ Nguyên không xa.

Ý Ninh trầm mặc một lúc, nước mắt trào ra, Nhật Duy thấy vậy lấy khăn tay đưa cho vợ an ủi:

- Huynh trưởng là bậc hào kiệt, trung can nghĩa đảm. Lưu danh muôn đời, nàng đừng buồn phiền.

Văn Hưu thở dài:

- Quân Ngũ Yên của Phú Lương Hầu đến nay cũng không nhận chủ. Thượng hoàng cũng không giao cho ai. Tên cứng đầu Tăng Quốc nói nếu Ý Ninh không làm chủ bọn chúng, ai cũng không theo. Giờ vẫn đóng quân trên Tam Đảo, hắn nói để ngày ngày nhìn thấy Bình Lệ Nguyên. Nhìn thấy Phú Lương Hầu.

Ý Ninh nước mắt lại trào ra:

- Ta không dám về Bình Lệ Nguyên nữa, cứ về là đau lòng, nếu ta không bỏ huynh ấy lại thì chắc huynh ấy không chết như thế.

Trần Nhật Duy gắt lên:

- Hồ đồ! Nàng là một tiểu cô nương. Nàng và tẩu tẩu ở lại chỉ làm huynh ấy vướng bận tay chân. Huynh ấy hy sinh là vì cứu cha ta.

Không khí lặng đi một lúc. Bách lại chen lời:

- Phú Lương Hầu là bậc nhân kiệt, hy sinh vì để cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ta tin rằng ngài ấy cũng không muốn vì việc này mà Quận chúa tự trách, quân Ngũ Yên ủ rũ như vậy. Người còn sống nên làm tiếp những việc con dang dở. Để cho ngài ấy thấy sự hy sinh của mình là xứng đáng.

- Ngươi nói phải lắm. Huynh ta khi còn sống, ở chốn biên thuỳ nhận được thư từ Kinh Thành, nói sứ giả nhà Nguyên kiêu ngạo, gặp Thượng hoàng không quỳ, lại uốn lưỡi xúc phạm đòi vật cống. Huynh ấy chỉ hận không thể mang quân Ngũ Yên kéo sang Vân Nam, đánh một trận cho bõ tức.

- Vậy giờ nàng lên gặp tên Tăng Quốc, lấy lại binh quyền, rèn tập cho tốt để hoàn thành nguyện vọng của huynh ấy. Ta tin sẽ có lúc chúng ta đánh vào đất giặc, làm lại chiến công của Thái uý Lý công. Nếu để bọn chúng ủ rũ như thế, không phải uổng sự hy sinh của Phú Lương Hầu hay sao.

- Đúng vậy! đã thế ngày mai ta phải vào cung xin phép Thượng hoàng. Ta sẽ đi gặp Tăng Quốc, không thể để bọn chúng như thế được.

- Phải lắm, như vậy đúng là vẹn cả đôi đường, chúng ta cùng xuôi Tam Giang Lộ. Ba ngày nữa xuất phát.

- Cứ quyết định như vậy.

Nàng là người nhanh quên, thông suốt rồi lại trở nên vui vẻ. Bắt Đinh Đang dạy nàng võ công. Đinh Đang nói đằng nào lần này cũng lên Tam Đảo, nàng sẽ hỏi sư phụ. Ý Ninh lại vui vẻ không thôi.

Đến giờ thì Bách sao không hiểu được Trần Nhật Duy. Tên béo này đúng là người tốt, nhưng chưa đúng cách. Hắn vì báo đáp công ơn Phú Lương Hầu nên lấy Ý Ninh. Hết lòng chiều chuộng nhưng vì nể sợ nên kệ nàng tự tung tự tác. Nhưng đạo vợ chồng đâu phải thế. Ý Ninh không thiếu nhất chính là quyền thế, Thái Tông cho nàng đủ rồi, cái nàng cần là mái ấm, sự quan tâm. Nhưng Nhật Duy thì chỉ nghĩ cách tránh nàng đi. Mình cần nhắc nhở hắn mới được.