Chương 78: Ngũ Yên Quân (2)
Bọn chúng sợ hãi, dập đầu.
- Sao tiểu thư lại có ý nghĩ này? Bọn tiểu nhân sống đến giờ này cũng là đợi tiểu thư quay lại, nếu tiểu thư không về, chúng tiểu nhân còn sống làm gì, cũng chết theo Hầu gia thôi.
Bách thấy bọn họ tình nghĩa như thế, cũng cảm thán. Tình chủ tớ, quân tướng đến bực này là cùng. Thảo nào khi xưa Phú Lương Hầu đoạn hậu, quân sĩ liều chết mà theo, 5 vạn binh của Ngột Lương Hợp Thai đánh suốt 10 ngày mới phá được. Nếu không có 10 ngày chậm trễ này thì Đại Việt khéo đã mất từ hai năm trước. Hai bộ tướng này cũng đâu thua gì Yết Kiêu, Dã Tượng.
Ý Ninh ngậm ngùi một lát, nâng hai người dậy. Lại chỉ vào Nhật Duy:
- Đây là phu quân của ta, Vũ Uy Vương Nhật Duy. Từ nay thấy chàng như thấy ta, các ngươi phải hết sức nghe lời.
Cả ba người chắp tay:
- Mạt tướng tham kiến cô gia!
- Không cần đa lễ, ta đã nghe tiếng Tăng Quốc đã lâu, lại nghe nói hai người là một cặp bộ tướng của Phú Lương Hầu, gọi là Côi Sơn Song Ưng, Mao Tiềm và Mao Bát đúng không?
- Trước mặt Uy Vương, chúng thuộc hạ sao dám xưng song ưng gì chứ.
- Các ngươi là người đã dạn dày nới chiến trường, ta thì chưa từng ra trận. Sau này có gì nên góp ý để ta và phu nhân điều chỉnh.
- Cô gia quá lời rồi.
Ý Ninh lại chỉ sang chỗ Bách và Đinh Đang:
- Đây là Sơn Tây Hầu và Đinh cô nương. Là bằng hữu của ta. Đinh cô nương là cao đồ của Lăng Già thiền sư.
Ba người ngạc nhiên:
- Mạt tướng đóng quân ở đây đã hai năm, đã đôi lần lên thỉnh giáo Lăng Già thiền sư. Cũng được ngài chỉ điểm đôi chút. Chỉ là chưa từng gặp Đinh cô nương.
Đinh Đang nhu thuận chắp tay chào, nàng cũng cảm động với tình cảm của ba người dành cho Phú Lương Hầu:
- Gặp qua ba vị tướng quân.
Mấy người lại trò truyện vui vẻ, hôm nay quân doanh nhộn nhịp hẳn lên. Ý Ninh vốn sinh trưởng trong quân ngũ. Cai gì cũng quen thuộc, giơ tay nhấc chân là có vẻ khí khái, không thua gì nam tử. Bách cảm thấy quân doanh mới chính là nhà của nàng. Quay sang nói với Nhật Duy.
- Ngươi thấy không, nàng vào quân doanh là như một người khác. Ta thấy đời này ngươi không thoát được khỏi doanh trại rồi.
- Ta cưới nàng vì trách nhiệm, nhưng hôm nay cũng mới lần đầu được thấy. Thì ra nàng còn có mặt như thế. Nếu con chim ưng kia bị nuôi trong cái lồng son. Thì cái lồng có đẹp đến mấy cũng không thể làm nó vui vẻ được.
- Đúng vậy! Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nàng là nữ nhân, chẳng qua đang cố gồng mình lên thôi. Ngươi vẫn phải là người đứng ra. Sau này quan tâm nàng chút nhưng đôi khi ngươi cũng phải tỏ thái độ cứng rắn với nàng. Hôm ngươi ở nhà ta, gắt lên với nàng rất uy phong. Ta thấy nàng nhìn ngươi đã khác hẳn mấy hôm trước.
- Ngươi cũng nhận ra? Ta đang tự nhủ có phải đúng là do hôm đấy không. Từ hôm đó đến nay nàng rất nhu thuận.
- Chắc chắn rồi. Trước kia ngươi để nàng tự tung tự tác nhiều quá. Nhưng phu thê là vậy, có khi cần làm cho nàng thấy ngươi mới là chủ. Thế mới làm cho nàng càm thấy ngươi có khí khái nam tử, làm cho nàng yên tâm nương tựa vào ngươi. Mấy hôm trước ta có cảm giác ngươi còn nhu nhược hơn cả lão già Phòng Huyền Linh.
Hôm sau, Bách trở dậy ở quân doanh, thấy bọn quân sĩ đã khác hẳn hôm trước. Đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở, tuy hôm trước bị phạt, lại ăn cơm muộn, thức dậy sớm nhưng rất vui vẻ. Hắn dạo một vòng, không khỏi cảm thán cho trang bị binh sĩ thời nay, quá thô sơ.
Trang bị điển hình của bộ binh là giáo và khiên, cũng có một số quân sĩ không được trang bị giáo nên phải dùng gậy. Cung tên rất ít, còn nỏ thì chỉ thấy một hai cái. Khiên làm bằng gỗ, tròn như cái gương, sơn màu xanh, rộng khoảng sáu thước, trên có vẽ hình Mặt trăng, Mặt trời, ngôi sao. Từ Doanh trưởng trở lên thì có sóc với mũi sắt tốt hơn và được trang bị thêm kiếm.
Doanh trại cũng có kỵ binh, nhưng ngựa nước ta lùn và nhỏ, kỵ binh chỉ được trang bị giáp mây và sóc. Sức chiến đấu rất kém. Hắn hỏi Tăng Quốc hoả khí ở đâu để hắn thử bắn một phát thì Tăng Quốc ngơ ngác.
Bách thầm kêu hỏng rồi. Không phải người Tống đã dùng hoả khí phòng ngự quân Nguyên từ lâu rồi sao? Ở nước ta từ đời Lý đã biết đốt pháo mừng năm mới rồi, sao đến giờ trong quân vẫn không có hoả khí. Hắn biết khi đánh Ung Châu, Lý Thường Kiệt bắt được một tù binh tên là Triệu Tú, biết được cách đánh hoả khí, bắn chất cháy vào thành. Bách đinh ninh quân đội nhà Trần đã có hoả khí rồi, chỉ là không nhiều và có thể thiết kế thô sơ thôi. CMN Không phải cuối đời Trần, Chế Bồng Nga bị hoả khí quân Đại Việt giết chết sao. Hoả khí là một thứ không thế thiếu được trong kế hoạch của hắn, thứ này giờ đây không khác gì bom nguyên tử trong thời hiện đại. Có nó giống như đứng vào thế thượng phong trong chiến tranh lạnh vậy.
Kế hoạch của hắn trình bày hôm trước với hai vua dựa nhiều trên sự đột phá về công nghệ. Tuy nói có thể mở học phủ để nâng cao tri thức, nhưng giống như bao nhiêu cuộc chiến trong lịch sử nhân loại. Bên nào nắm ưu thế công nghệ thường chiến thắng.
Người Hy Lạp sở dĩ có một nền văn minh rực rỡ tại Địa Trung Hải, chính là vì họ luyện ra sắt đầu tiên ở vùng này. Sau này ai cũng luyện ra sắt rồi thì kỵ binh chính là phát triển công nghệ tiếp theo. Việc lai tạo những giống ngựa chiến đấu đã mở rộng phạm vi và tăng tốc độ khi tấn công khiến lực lượng kỵ binh trở nên bất khả chiến bại. Ví dụ điển hình nhất chính là người Mông Cổ.
Nhưng Bách biết, công nghệ sẽ không dừng lại. Vũ khí nóng sẽ là cáo chung cho lực lượng kỵ binh. Anh có tài giỏi đến đâu, nếu gặp vũ khí nóng được chuẩn bị đầy đủ cũng sẽ vô ích thôi. Thời đại chủ nghĩa anh hùng cá nhân sắp hết rồi. Người Tống sở dĩ sắp thua Mông Cổ cũng vì họ có hoả khí, nhưng hoả khí đấy chưa được cải tiến đầy đủ. Thời gian nạp đạn lâu và lực sát thương không cao thôi.
Hắn tự tin kế hoạch của mình vì hắn biết, mình còn thời gian, không ngờ Đại Việt thời này mới chỉ có thứ pháo hoa vớ vẩn, còn hoả khí vẫn chưa làm được. Ước mơ về một khẩu súng lục của hắn không biết có thực hiện được không? Thôi lại nghĩ cách vậy, việc luyện được sắt khiến hắn vững tin hơn, chỉ cần biết phương hướng, không ngừng thử nghiệm sẽ ra được kết quả tốt.
Thăm thú một hồi thì bọn họ lên Thiên Ân Thiền Tự để bái kiến Lăng Già thiền sư, sư phụ của Đinh Đang. Thời Lý – Trần đạo Phật rất hưng thịnh, chùa chiền khắp nơi. Thiên Ân Thiền Tự là cổ tự lưng chừng núi Tam Đảo. Núi này có nhiều chùa chứ không riêng gì Thiên Ân Thiền Tự, nhưng đây là chùa lớn nhất vùng này, có lịch sử rất lâu đời. Chỗ doanh trại đóng quân gọi là Sơn Tang, cũng chính là tên một con sông nhỏ. Đường lên núi chính là men theo sông này, dưới sông sắc nước như chàm, sâu thẳm, không thấy đáy, ghềnh thác không biết bao nhiêu mà kể.
Núi này vốn có ba ngọn nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Tam Đảo và Ba Vì là hai ngọn núi đối diện nhau qua sông Hồng, chính là hai danh sơn của đất Việt.