Chương 55: Phủ Thái sư (2)

Đông A Nông Sự

Chương 55: Phủ Thái sư (2)

Chương 55: Phủ Thái sư (2)

Bách tỏ vẻ cảm thông:

- Ta hiểu những điều ông nói. Cũng chưa từng nói không ủng hộ ông, những việc ông đã làm đều vì gia tộc, vì đất nước. Nếu đặt ta vào địa vị của ông, cũng sẽ vào tuyệt lộ mà vẫy vùng, không thể chờ chết được.

- Ngươi hiểu được thì tốt. Cho nên Đại Việt đối với ta là tất cả, ta hy sinh cả danh tiếng, không màng người đời phỉ nhổ, cũng quyết làm cho giang sơn này vững chãi. Ta già rồi, giang sơn sau này sẽ cho các ngươi nắm giữ, thế nên ai ta cũng có lòng ngờ vực, sợ dùng phải dạng gian manh hại nước. Vì vậy mà Linh Từ chỉ xin riêng cho một người làm chức lại nhỏ. Ta cũng phải xem người ấy thế nào, biết là dạng vô dụng mới dùng kế chặt tay doạ hắn. Từ ấy không tên nào trước mặt ta dám giở trò xin xỏ chức tước. Nay ngươi là người có thực tài, sau này sẽ được Quan gia trọng dụng, ta dùng kế hôm trước doạ ngươi, cũng đừng thấy thế mà làm buồn.

- Ta sẽ tận chức, ông đừng lo, nhưng ta là người không kham được việc lớn. Những việc nông sự nhà cửa còn biết một ít chứ chuyện khác thì đừng hy vọng gì.

- Người mới 15 tuổi đầu đã nói vậy sao, cái gì chẳng phải học. Ngày xưa, Vua Đường Thái Tông hỏi Lý Tịnh: Hiện nay, về tướng súy chỉ có Lý Tích, Đạo Tông và Tiết Vạn Triệt. Ai có thể kham được việc lớn? Lý Tịnh đáp: Lý Tích và Đạo Tông dùng binh không thắng lớn mà cũng chẳng thua to. Còn Vạn Triệt nếu không thắng lớn thì phải thua to. Cho nên tướng soái có người nọ người kia. Có tướng dũng mãnh sa trường, có tướng cứ ra quân là lấy cái không thua làm chính, ngươi sao không từ cổ nhân mà chọn sở trường cho mình.

Làm tướng soái sao? Không được, con người không nên tham lam. Triều Trần tướng tài như sao sa. Ta học làm tướng có ích gì? Những bậc anh kiệt như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão được coi là Ngũ hổ, như vậy còn thiếu tướng tài cầm binh đánh trận sao? Việc của ta là xây dựng nền móng vững chắc. Cùng nhân dân Đại Việt tăng gia sản xuất, làm đầy kho lương, làm cho tráng đinh trong nước được vững vàng khoẻ mạnh. Ta sẽ đóng thật nhiều tàu. Không phải lũ Thát Đát chúng mày giỏi phi ngựa sao, ông sẽ cho quân lương, vũ khí lên thuyền hết, xem chúng mày làm thế nào.

Theo đúng lịch sử, mười lăm năm nữa, khi người Mông Cổ vững chân ở Trung Nguyên sẽ đánh báo thù Đại Việt, mà không phải đánh như lần đầu, dùng Ngột Lương Hợp Thai ve vãn một lượt rồi chạy lên Vân Nam. Lần này là tổng tấn công, dùng quốc lực ba châu biên cảnh nhà Nguyên đánh Đại Việt, Cửu hoàng tử Thoát Hoan lãnh binh giáp quân ba mặt tiến đánh. Hắn biết nhà Trần sẽ giành chiến thắng, nhưng cái giá phải trả của cuộc chiến này thảm khốc vô cùng, cơ sở vật chất bị phá huỷ hết, đến cung điện của nhà vua cũng bị tổn hại nghiêm trọng, hai vua còn phải ở tạm nơi khác. Hắn không muốn như thế, ra sức thay đổi nhưng lại tự hỏi. Sự xuất hiện của mình có làm cản trở tiến trình lịch sử hay không?

Hắn trầm ngâm suy nghĩ, Thủ Độ thấy vậy bèn hỏi:

- Ngươi đang nghĩ điều gì?

- Ta suy nghĩ đến quan hệ ba nước Nguyên-Tống-Đại Việt hiện nay. Hai nước mạnh mà một nước yếu, nhưng đồ rằng Tống không còn bao lâu nữa, tình thế sẽ như Tam Quốc chi tranh khi xưa, trở thành một nước mạnh mà hai nước yếu, cần liên kết với người Tống chống Nguyên.

- Việc nay đâu chỉ ngươi, triều đình đã nhìn thấu từ lâu.

- Vậy theo ông nên đối xử với người Tống như thế nào?

- Dự mưu của triều đình là liên kết chặt chẽ với người Tống, giúp đỡ bọn chúng nếu được, làm thành cái thế môi hở răng lạnh.

Bách ngửa mặt cười:

- Không được đâu, nếu Tống bị diệt thì sao?

Trần Thủ Độ ớ người:

- Vớ vẩn, Tống là nước văn minh mấy ngàn năm, sao dễ dàng bị diệt được.

Bách ngửa mặt cười to:

- Thế nên năm năm trước, triều đình đánh cược chuyện này, quyết không nghe theo người Nguyên, để cho bọn chúng mở đường đánh thốc lên Vân Nam đúng không. Nói cho ngài nghe, vừa rồi chúng ta may mắn đấy. Chắc các ngài biết vua Tống Lý Tông bây giờ chính là hôn quân, dưới trướng thì toàn bọn gian thần a dua nịnh hót. Tướng tài nước Tống thì dần mất hết, các ngài nghĩ sẽ tồn tại được bao năm nữa.

Thủ Độ thở dài, đây cũng là lo lắng của hắn:

- Vậy theo ngươi phải làm thế nào?

- Vẫn phải liên mình với Tống, nhưng không phải liên minh theo kiểu xưng thần với bọn chúng. Tình thế nay đã khác xưa, bọn chúng đã suy yếu lắm rồi. Tống Lý Tông lại sắc dục quá độ không có con trai, ta đồ rằng ông ta mà chết là nước Tống loạn. Các ngài không cần phải kính nhi viễn chi như thế.

- Cũng có ý định này từ lâu, tuy nhiên người Tống nắm giữ nhiều công nghệ, không thể không triều bái mà lấy về.

- Có cách khắc phục việc này.

- Ngươi có cách?

- Xây dựng học phủ, nhưng không phải kiểu học phủ dạy Tứ thư, ngũ kinh mà là Bác vật học phủ, chỉ dạy những môn tính toán, nông sự, bác vật. Ta sẽ mang hết kiến thức sư phụ dạy ra mà cống hiến. Chỉ năm năm, chúng ta sẽ vượt người Tống về công nghệ.
Trần Thủ Độ run run:

- Việc này một mình ngươi liệu có làm được xuể không?

- Tất nhiên là không được, đấy chính là lý do tại sao phải liên minh với người Tống, nhưng không phải triều đình nhà Tống mà là người Tống lưu vong. Nói cho ngài hay, ta đoán nước Tống loạn ly như vậy, không tránh khỏi nhiều người chuẩn bị hậu sự, di dời tài lực ra bên ngoài, ngài nghĩ xem, gần Tống nhất là ai, chính là chúng ta. Vậy chúng ta tạo cho chúng môi trường làm ăn tốt, lại dùng cái thế địa chủ ép chúng nôn ra bí kỹ về công nghệ, thậm chí chiêu nạp chúng dạy học trong Bác vật học phủ. Như vậy không phải chúng ta đứng trên vai người khổng lồ hay sao?

- Bọn chúng có nguyện ý không?

- Cái loại chó nhà có tang! Muốn biết chúng đồng ý hay không, chỉ cần hỏi Hoàng Bính [1] thì biết. Chẳng phải khi họ sang hàng ngài còn thử Huệ Túc phu nhân sao?

Trần Thủ Độ ánh mắt lờ mờ như sợi chỉ:

- Đúng là thần toán nhà Tống danh bất hư truyền. Ta sẽ dò hỏi xem, đúng như ngươi nói thì cơ nghiệp nhà Trần sẽ vững như bàn thạch. Trò chuyện với ngươi rất thú vị. Ngươi nghỉ ngơi đi, chúng ta sẽ theo đường thuỷ xuôi theo Thiên Đức Giang, đến Lục Đầu thì ngược dòng Như Nguyệt Giang để lên châu Thái Nguyên. Hai ngày sẽ đến nơi.

[1] Đậu tiến sĩ, ở phủ Tư Minh nước Tống. Hoàng Bính thuần phục Đại Việt xin được lập nghiệp. Con gái được Trần Thái Tông nạp vào cung và ban hiệu là Huệ Túc.