Chương 58: Bánh tẻ
Giờ thì công việc không cần hắn động tay nữa, hắn chỉ đạo đầu ngày, cuối ngày lượn lờ kiểm tra. Thời gian còn lại rảnh rỗi thì câu cá, hái nấm, lại cùng mấy tên thổ dân thăm thú quanh vùng. Hôm nay hắn đi thăm lúa nương miêu tộc trồng được, lúa này dài ngày hơn lúa nước dưới xuôi trồng nên chất lượng cao hơn.
Ít ai biêt lúa trồng ở châu Á có ba loài cơ bản: Lúa Ấn Độ (Oryza sativa indica); Lúa Nhật Bản (Oryza sativa japonica) và Lúa Indonesia (Oryza sativa javanica). Các giống lúa nước trồng ở miền Bắc đa phần là lúa Ấn Độ, còn lúa nương là lúa Nhật Bản. Đến thời hiện đại thì bằng công nghệ đã lai tạo những chủng này với nhau để tạo ra rất nhiều giống lúa mới có đặc tính quý. Hắn định bụng lấy lúa nương về nghĩ cách lai tạo để chọn giống mới. Một giống Khang Dân e không đủ dùng. Hắn lại quan sát thì thấy phương thức canh tác lạc hậu quá, chỉ điểm trại trưởng Miêu trại mấy vấn đề canh nông, lại dạy bọn hắn cách chăn nuôi lợn gà, người Miêu phục hắn lắm. Dạo gần đây hắn lại còn bày trò, ngày đi kiếm thức ăn, tự tay đạo diễn mấy món ngon cho bọn quân Thánh Dực và công nhân ăn. Tất nhiên, mấy trăm con người không thể nào ai cũng thưởng thức tài nghệ của Minh Tự. Thế là đến hôm nay, có đứa đã than vãn đến tai, chưa được ăn món Minh Tự làm. "Không được, ta hôm nay phải nấu một món, cho các ngươi mở rộng tầm mắt."
Sáng sớm hắn đã dậy, lấy gạo trong kho lương, cho vào thùng lớn để ngâm gạo. Lại đi mượn cối đá của người Miêu, cắt cử 10 tên lính Thánh Dực ở lại xay bột. Hắn sẽ làm món bánh tẻ quê nhà. Bánh tẻ thì nhiều người biết nhưng các vùng sẽ khác nhau. Bánh tẻ nơi khác hay làm hình thuôn dài, bột lọc qua nước và có ít nhân thôi, nhưng quê hắn ở Phú Thọ, bánh tẻ làm rất dày bằng bột tẻ xay. Bên trong là nhân thịt lợn nửa nạc nửa mỡ, lại có mộc nhĩ xào chung. Bên ngoài gói lá dong rồi xôi chín. Hắn mê món này lắm, đây là món ăn gắn với tuổi thơ của hắn. Hôm nay sẽ trổ tài!
Mười tên lính Thánh dực cởi trần thay nhau xay gạo trên cối đá. Hắn lại sai mổ một con lợn rồi theo bọn thanh niên Miêu tộc lên núi lấy mộc nhĩ và lá dong. Mùa này bắt đầu vào mùa mưa rồi. Ở những thân cây mục trong rừng cơ man nào là mộc nhĩ. Chỉ vào sâu trong rừng nửa dặm là hái đủ mấy sọt. Trên đường về khe suối, chặt thêm hai gánh lá dong. Khi về hắn đã thấy bọn công nhân túm túm quanh lũ lính Thánh Dực xay bột.
Hắn vội chửi:
- Bọn băm trợn cút hết cho ta, món này ta làm để tối mới được ăn.
Bọn công nhân cười rộ tản ra, sống cùng nhau một thời gian, chúng đã quen rồi. Minh Tự này không quan cách, trót vô lễ cũng chỉ cười bỏ qua, lại hay nói lời thô tục, duy chỉ có hai điều phải chú ý, đấy là vệ sinh và an toàn. Người này sạch khiếp khủng, quân binh hay công nhân, ngày nào cũng bắt ra suối tắm, trước khi ăn phải rửa tay, đi vệ sinh phải ra rất xa không thì hắn sẽ bắt cúi lạy đống phân nửa ngày. Vào hầm và đứng lò luyện phải theo quy tắc của hắn, không được ở trong hầm quá 4 tiếng, không được đùa nghịch khi làm, trước khi mở lò luyện phải kiểm tra nắp lò … Minh tự viết đến hai chục điều, dán ở từng gian nhà gỗ, ai không tuân thì bon quân Thánh Dực có việc làm ngay. Trần Cung mấy hôm nay ở cùng hắn, thấy những điều kia lúc đầu không hiểu nhưng sau cũng dần ngộ ra. Thầm phục người này nhỏ tuổi mà nhìn xa.
Chiều đến, hắn lấy mấy chảo gang to của đầu bếp, bắt tên đầu bếp béo phi thơm hành rồi xào thịt lợn và mộc nhĩ làm nhân. Mấy chảo khác thì cho nước bột xay lên đánh đều cho đến khi quánh lại. Việc này đúng là phải mấy tay to khoẻ mới làm được, tốn sức vô cùng. Xong việc hắn lại dạy mấy cô gái Miêu cách gói bánh. Lá dong rửa sạch đặt xuống dưới, cho một lớp bột mịn đã được đánh quánh lại xuống, một lớp nhân rồi lại một lớp bột, khéo léo gói thành hình thang sao cho thật chắc chắn rồi buộc lại bằng lạt. "CMN! Cái bánh này nhiều nhân, ta phải đánh dấu để giữ lại cho Mẩy Kun, lại làm một cái nhiều nhân nữa cho ta, Mẩy Kun có thích không". Hắn đánh mắt sang cô gái miêu xinh đẹp nhất làng, lại đưa cái bánh mới gói sang. Cô gái không hiểu tiếng Việt, biết là Bách trêu mình, nhưng chỉ bẽn lẽn cúi mặt. Bọn công nhân cười rộ!
Tất cả chõ xôi của Miêu trại được huy động nổi lửa, mấy trăm cái bánh được đem vào chõ hấp. Tối đấy mấy chục hộ người Miêu cũng ở lại trại quan binh. Bánh được hấp xong để trên giá lớn. Hắn lại dạy cách pha nước chấm. Miêu trại không dùng nước mắm. Hắn đành lấy muối, đường, pha cùng chanh và rất nhiều hạt sẻn, đây là đặc sản vùng này.
Tất bật đến bữa cơm chiều thì bọn công nhân đã về hết, ra suối tắm rửa rồi ngồi chờ bánh. Đầu bếp phát bánh cho từng người. Bách làm mẫu bóc hết lớp vỏ lá xanh, chiếc bánh nóng hổi màu trắng hiện ra, đôi chỗ bám màu xanh của lá dong. Hương thơm đậm đà của nhân thịt, mùi thơm của lá dong chín. Bọn công nhân, quân Thánh Dực và miêu trại đã nước bọt thành hàng. Hắn cũng chẳng đũa bát gì, bẻ miếng bánh, lại chấm cùng nước chấm. Ôi cái hương vị này! Bách lại thầm chửi tục một câu, ngửa đầu phà một tiếng vì vị hạt sẻn cay nồng. Cúi đầu xuống thì thấy tất cả đang nhìn mình, cười ngượng:
- Ăn đi, mọi người ăn đi.
Tất cả mọi người thấy biểu hiện của hắn, nhanh tay bóc bánh, chấm rồi cho vào miệng. Thứ bánh này đúng là sinh ra để dành cho những người lao động. Bánh làm bằng bột tẻ, là thứ người Việt ăn hàng ngày, nhân bánh có thịt có rau, ăn vào no bụng mà lại đủ dinh dưỡng. Bánh tuy không phải là món ăn tinh tế nhưng dùng cho công nhân thì quá phù hợp. Mấy tên trung niên thì còn đỡ, những tay công nhân trẻ và lính mới của quân Thánh dực thì đã chửi bới ỏm tỏi:
- Ta biết ngay mà, thì ra món ăn Minh Tự nấu ngon thế này. Bọn chó các ngươi ăn mấy hôm trước rồi dấu dấu diếm diếm.
- Mấy món hôm trước không ngon thế này đâu. CMN hôm nọ Minh Tự nấu món giả cầy còn bị khét.
- Ơ! Thằng này ông cho ăn rồi còn lắm miệng.
Bách đá tên lính Thánh Dực một cái, miệng chửi. Hắn cười cười:
- Minh Tự tha tội, quả thật bị khét một chút. Nhưng hôm nay món bánh tẻ này thì tuyệt tác, không chê vào đâu được, giá mà có chai rượu ở đây thì không gì bằng.
Trần Cung lườm hắn:
- Bọn các ngươi được đằng chân lân đằng đầu, quân ta ra ngoài làm nhiệm vụ, tuyệt không được có một giọt rượu. Phải biết tiết chế.
Tên lính lè lưỡi sợ hãi. Một công nhân từ xa nói vọng lại:
- Món bánh này tên gọi là gì vậy Minh Tự?
- Món này ở quê hương thầy ta, gọi là bánh tẻ.
Một người Miêu, chỏ vào bánh ú ớ vài câu. Tên thổ dân dịch lại cho hắn lời Bách. Hắn lại chỏ tay ra hiệu khen ngon. Bọn công nhân cười lớn, vài tên còn xì xồ được với nhau. Chỉ cần một thời gian nữa chúng sẽ hiểu được tiếng người Miêu ngay.