Chương 346: Hồi hai mươi tám (8)
Mà Chu Đệ, thì từ sự xuất hiện của thiền sư Tuệ Tĩnh và mấy yêu cầu cổ quái của ông thì sinh nghi, đoán mấy người An Nam này sang Tàu chưa chắc đã có ý hàng mà muốn làm chuyện khác, nên hết sức lưu tâm. Y thân là vua một nước, sách sử quý hiếm trong thiên hạ nếu không ở trong Ngự Thư phòng của y, thì tuyệt không còn nơi nào khác có được. Chu Đệ dùng chiêu giả chém thiền sư Tuệ Tĩnh, lại đưa Tạng Cẩu Phiêu Hương lên Nhạn Môn quan thực chất còn là một kế hoãn binh để y có thời gian tra cứu tìm tòi. Lúc phát hiện manh mối về nhà sư nước Nam tài phép, lại từng sang phương bắc vào tiến cung, trước đó còn dừng chân ở Thiếu Lâm một thời gian. Những chuyện này sử sách vốn cho là chuyện vặt vãnh, đến lúc biên soạn thì cố tình để ra một bên, duy có bản trong tay Chu Đệ là ghi chép đầy đủ cẩn thận.
Biết được chuyện này, y bèn sai người đi tìm hiểu.
Lúc chùa Thiếu Lâm hồi âm rằng ở Tàng Kinh các của họ quả thực có một quyển Niết Bàn kinh do người phương Nam để lại, thì y mới an tâm rằng manh mối tiếp theo ắt phải ở Thiếu Lâm chứ không đâu khác. Thế là Chu Đệ cho mời lão Bộc vào đánh cờ, giả ý nói lộ ra, để lão Bộc chuyển lời cho Hồ Nguyên Trừng.
Hồ Nguyên Trừng lại viết thư, để hai người Tạng Cẩu lên Thiếu Lâm.
Sở dĩ không muốn để hai người về Nam Kinh vội, là y sợ sự có mặt của Tạng Cẩu và Phiêu Hương sẽ tạo nên biến số trong kế li gián quân Trần, chiêu hàng Nguyên Trừng của lão, mới cố tình hỏi hai câu liên quan đến bọn Tạng Cẩu, ra chiều có hứng thú lắm. Ấy là lão cố tình khiến Hồ Nguyên Trừng bất an, lo lắng tahy cho hai người.
Một khi bất an, sợ hãi, thì sẽ có thư dặn bọn Tạng Cẩu đừng về Nam Kinh, Chu Đệ được rảnh tay bày kế.
Điều ấy cũng giải thích, tại sao phong thư mà Trương Phụ đưa cho Tạng Cẩu và Phiêu Hương lại còn nguyên con dấu niêm phong. Lấy tính cách của Trương Phụ, há lại có chuyện phản lại Vĩnh Lạc? Sở dĩ, lão không thèm lấy bức thư, là do nội dung trong thư đều đã nằm trong sự tính toán của lão mà thôi.
Thậm chí, chuyện chọn Trương Phụ làm kẻ chuyển thư, cũng là tính kế của Chu Đệ. Lão vốn dĩ có thể nhờ một thân tín nào đấy giả ý đến giúp Hồ Nguyên Trừng. Song… vì lão đoán được nhân sinh quan của Quận Gió, nên mới cố tình bảo Trương Phụ đến diễn một màn kịch ra vẻ bất đắc dĩ, đánh đúng vào sơ hở của hai người Phiêu Hương, Tạng Cẩu.
Ấy là những gì Quận đã dạy…
Hồ Phiêu Hương cắn răng, hai tay nắm chặt. Cô nàng bị dắt mũi một lần ở Nhạn Môn quan đã ấm ức lắm rồi, những tưởng sau năm năm đã có thể tái đấu một phen với Chu Đệ. Chẳng ngờ, từ trước đến nay hai người vốn chưa từng nhảy được ra khỏi kế liên hoàn của lão.
Giống như Tôn Ngộ Không không nhảy được ra khỏi tay Phật tổ vậy.
Cô nàng thở dài, lại hỏi:
" Thế bác có đoán được hắn muốn gì không? "
Nguyễn Phi Khanh bèn đáp:
" Ngoại trừ bí mật Rồng Không Đuôi, ắt là có cả thanh kiếm Thuận Thiên của hai đứa. "
Hồ Phiêu Hương thở dài, nói:
" Bác Khanh à, cháu nói thật, nếu như chỉ cần bí mật Rồng Không Đuôi và thanh Thuận Thiên thì hắn chẳng cớ gì bắt cả bác vào đây. Chỉ cần bác Trừng còn trong tay hắn, bọn cháu có thể không ngoan ngoãn vào cung hay sao? "
Nguyễn Phi Khanh gãi gáy, cười khà:
" Y là sao ta? Bác nghe không hiểu… "
Hồ Phiêu Hương trừng mắt nhìn y một cái thật dài, sau đó im lặng không nói tiếp nữa. Song, sâu trong đáy mắt cô nàng, Nguyễn Phi Khanh thấy được vẻ kiên quyết và nhẫn nại. Biết không tài nào qua mắt nổi cô thiếu nữ này, y đành thở dài:
" Chuyện này vốn là một bí mật tày trời của Quốc Tử Giám, do nguyên lão hai phá Hán – Nôm quyết định. Vốn ta đã thề đời này phải giữ miệng như bưng, thủ khẩu như bình, nhưng nếu con đã đoán được thì ta cũng không giấu nữa. "
Ngừng một chốc như thể đang đấu tranh một lần sau chót trong đầu, ông mới nói tiếp:
" Thứ mà Chu Đệ muốn có được, tuy y chưa từng nói ra, nhưng ắt hẳn là sách thánh của Hưng Đạo Đại Vương: Binh Gia Diệu Lí Yếu Lược, hay dân gian ta vẫn gọi vắn tắt với nhau là sách Binh Thư Yếu Lược. "
Hồ Phiêu Hương nghe bốn chữ này mà giật nảy cả người, miệng há to, mất một lúc mới bình tĩnh lại được.
Binh Thư Yếu Lược…
Sách ghi lại cách cầm quân đánh giặc, bày trận phá địch của đức thánh Hưng Đạo Đại Vương.
Chỉ cần có vậy thôi cũng thấy sách này quý giá tới mức nào.
Một khi để Chu Đệ được sách báu, quân Minh bấy giờ đang như mặt trời ban trưa sẽ càng như hổ thêm cánh, dẹp yên hẳn các lộ nghĩa binh Đại Việt e sẽ thành chuyện định sẵn,
Hồ Phiêu Hương nói:
" Lúc ông và cha con đăng cơ, đều từng cho người đi tìm quyển thần thư này về để phòng ngừa quân giặc, tiếc là không thấy tăm hơi. Lẽ nào… sách lại ở Quốc Tử Giám? "
Nguyễn Phi Khanh cười, đáp:
" Chuyện đâu thể đơn giản như vậy. Quyển trong Quốc Tử Giám thực ra chỉ là sách giả, đạo lí thô thiển thấp kém. Còn sách thật được giấu ở một nơi khác, nhưng cụ thể ở đâu thì chỉ có Thiên Cơ lão đạo biết. Không may là lão mất tích từ sau đêm đó, bây giờ không tìm ra nổi, manh mối duy nhất trên đời chỉ còn chiếc chìa khóa Loa thành trong tay hai đứa, vốn là vật được dòng họ lão ta cất giữ mấy chục đời. "
Hồ Phiêu Hương đảo mắt một cái, đoạn cười:
" Xem ra, bác đến hàng giặc, dâng sách chẳng qua là kế che mắt để quân Minh không nghi ngờ sách quý cướp về là giả. Hơn nữa còn bảo vệ được những quyển sách báu của dân ta khỏi bị lửa giặc đốt trụi. Nhưng lại khéo quá hóa vụng. "
Nguyễn Phi Khanh cười thảm, đáp:
" Đúng là trên dưới Quốc Tử Giám ta đã khinh thường Chu Đệ, những tưởng hắn sẽ như các hoàng đế tiền triều khác, coi thường nước Nam ta là man di mọi rợ, sách có thô thiển cũng cho là lẽ đương nhiên. Nào ngờ, Vĩnh Lạc đế hắn lại rất đề cao chúng ta, từ trước đến nay chưa từng khinh địch. Kế của ta tưởng như chu toàn, cuối cùng xôi hỏng bỏng không… "
Người Tàu trước nay vốn có nhiều kẻ không thừa nhận rằng nước Nam ba lần thắng quân Nguyên – Mông, hơn nữa viện đủ lí do để chối bỏ. Lúc thì nói do quân Nguyên bận dẹp họa trong nước, sau thì bảo nước Tàu đã chống người Mông dăm bảy bận liền.
Song… lại quên đi rằng trung nguyên đất rộng người đông, sản vật phong phú. Mông Cổ nuốt được Tống – Kim – Tây Hạ rồi, còn nguy hiểm và hùng mạnh hơn cả đất nước du mục trước đây.
Xét cho cùng, dù có chín mồm mười lưỡi cũng không thể thay đổi được kết quả sau cùng.
Sử Tàu có hơn trăm năm bị người Mông Cổ đô hộ.
Còn sử Đại Việt thì không.
Về sau, có vị học giả nọ đã tổng kết bằng đôi câu đối rằng:
" Địa chuyển ngã chủng Việt cư bắc phương, Âu Châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lí. / Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên… "
(Dịch nghĩa: Nếu như đổi được đất người Việt sống ở phía bắc, thì trong biên giới Châu Âu đã không có cảnh thiết kỵ Mông Cổ tung hoành ngàn vạn dặm / Nếu như người tài này (ý chỉ Hưng Đạo Đại Vương) sinh ở nhà Tống, thì sử Trung Quốc đã không có đoạn bị triều Nguyên đô hộ một trăm năm)
Chu Đệ, tiếc thay, lại là người giống như vị học giả đời sau nọ.
Y cho rằng bằng vào sức một nước bé chưa bằng một quận, mà đánh bạt được thiết kỵ Mông Nguyên lúc đó đang buổi như mặt trời giữa trưa không chỉ một mà đến ba lần, thì há lại có thể đơn giản?
Sách binh pháp của Tiết Chế đại quân thời đó – Trần Quốc Tuấn – tự nhiên cũng là báu vật hiếm có trên đời.
Tuy chưa chắc có thể dùng để luyện binh, nhưng diệu pháp khắc chế Nguyên – Mông hẳn là có đủ.
Thế nên, lão chẳng những âm thầm cho Cẩm Y vệ điều tra về thanh kiếm Thuận Thiên, mà còn cả nơi cất giấu Binh Thư Yếu Lược nữa. Sau khi quân Hồ thất thủ, cho Trương Phụ xông vào đốt sách phá đền, nấu chảy tứ đại khí, vừa để đồng hóa, lại vừa để rảnh rang tìm sách báu.
Quốc Tử Giám sợ trong lúc binh lửa, sách quý của người xưa bị hủy mất, nên để Nguyễn Phi Khanh đầu hàng, dâng sách giả để đánh lừa quân Minh.
Chuyện cũ chỉ có vậy…
Mà nguyên nhân Nguyễn Trãi đột nhiên đổi tính, giả như khùng khùng điên điên đi xem tướng dạo đã sáng tỏ.
Y nhớ lại lúc ở biên ải mình trách nhầm cha là theo giặc bán nước, không nhớ ơn tri ngộ mà không biết Nguyễn Phi Khanh trên người gánh vác trọng trách to tát vô cùng. Đến khi biết được chân tướng thì hối hận, thề quyết phải tìm bằng được quyển Binh Thư Yếu Lược để không phụ sự hi sinh của cha,
Tạng Cẩu bèn nói:
" Vậy… tức là hắn sẽ ép bác giao sách? Nhưng đến chính bác cũng có biết sách báu ở đâu đâu mà tìm? "
Nguyễn Phi Khanh cười, không đáp. Hồ Phiêu Hương lại thúc vào vai Tạng Cẩu một cái, nói:
" Khổ chưa, nếu như bác ấy biết sách thật ở đâu, thì mấy ông già Quốc Tử Giám sao lại nhất chí để bác ấy sang đây được? Nhỡ may biết người biết mặt không biết lòng, bác nói lộ ra chỗ giấu sách, có phải là nước Nam ta đi đời rồi không? "
Tạng Cẩu nghe xong, thấy cũng có lí, bèn gãi đầu gãi tai.
Chuyện liên quan đến cả một dân tộc, một đất nước, cho dù là người thân máu mủ cũng chưa chắc đã dám đặt cược lớn như thế. Càng huống gì các nguyên lão của Quốc Tử Giám cũng chưa chắc đã biết sách báu giấu ở nơi nào.
Nguyễn Phi Khanh cười nhạt, đoạn nói:
" Được rồi, nếu hai đứa đã làm lễ trong mộ của đức thánh Chèm Lí Ông Trọng, thì cũng đã hơn đứt lệnh cha ý mẹ rồi. Bác thay phía nhà trai, bác Trừng của hai đứa thay nhà gái, tác thành cho chúng mày. Chọn ngày không bằng gặp ngày, hôm nay hai đứa ở trong hoàng cung này động phòng luôn đi. "
Hồ Phiêu Hương nghe thế thì mặt đỏ gay gắt cả lên, Tạng Cẩu cũng luống cuống khoa tay múa chân mãi. Mất một lúc thì cô nàng mới nói được:
" Bác à, cháu biết bác và bác nhà cũng ăn cơm trước kẻng mà thành duyên, nhưng chuyện như thế cũng không nên… "
Nguyễn Phi Khanh bèn nói:
" Cứ nghe lời bác, bác lúc nào chẳng muốn tốt cho chúng mày? "
Hai người nghe xong, cũng không biết phải từ chối thế nào, đành phải dắt nhau vào phòng.