Chương 327: Hồi hai mươi bảy (13)

Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 327: Hồi hai mươi bảy (13)

Nguyễn Trãi cười, bảo rằng:

" Ngày mai thằng em phải đánh tiếng nói chuyện với nó một phen. "

Thầy lang lại hỏi:

" Mấy ông già lại có mệnh lệnh gì sao? "

Nguyễn Trãi nhìn thầy lang một cái, thở dài, lại đưa ra một phong thư. Thầy lang nọ thấy hai chữ " Hộ Long " trên con dấu niêm phong, góc bức thư đề ba từ Khuê Văn Các thì sắc mặt tái hẳn đi.

" Anh Xảo, chúng ta đều là sứ giả Hộ Long, nên đặt tình riêng sang một bên thì hơn. "

Nguyễn Trãi nói xong lọc cọc chống ngọn giáo Mê Linh rời khỏi bệnh xá.

Lê Lợi chờ ở quán nước dưới gốc đa độ nửa tuần trà thì Vũ Uy và Lê Lễ trở lại. Người trước bèn gãi gáy, nói:

" Chúa công thông cảm, việc ngày hôm nay thực có hơi lùm xùm, thanh thế ta xuống rất nhiều. Binh sĩ vừa thẹn vừa căm, muốn dẹp yên e không phải chuyện sớm chiều mà xong được. "

Lê Lợi bèn nói:

" Chuyện đương nhiên thôi, lần này làm phiền hai vị tướng quân làm chuyện đáng lẽ ta phải làm, thật ngại quá. "

Lê Lợi thân là chủ tướng, những chuyện điều động nhân thủ, trấn an lòng quân này đáng nhẽ chàng phải là người chủ trì. Song trước là chàng đi đánh trận trở về chưa lâu, sau là chưa đủ uy vọng phục chúng, nên mới phải phiền đến hai người Vũ Uy, Lê Lễ.

Ba người trở về phủ đệ của Vũ Uy.

Lê Lợi nhìn sắc trời thấy không còn sớm, bèn nói:

" Nay sắc trời đã muộn, chắc là không tiện về phủ nữa. Cảm phiền hai vị sắp xếp cho ta một chỗ nghỉ lại, sớm mai còn về nhà thắp hương. "

Vũ Uy bèn nói:

" Chuyện này chúa công chớ lo, từ trại về Lam Sơn chỉ một chốc thôi. "

Nói đoạn đánh mắt ra hiệu cho Lê Lễ, bản thân thì an bài nơi ăn chốn ở cho Lê Sát.
Nói đoạn

Lê Lễ dẫn Lê Lợi vòng qua mấy căn phòng, đoạn ra một khu vườn hoang vắng ở nhà sau của phủ đệ. Chàng nhìn nơi này cảnh sắc tiêu điều, vắng vẻ hoang sơ, bèn nói:

" Mai anh cho người quét dọn lại chỗ này, chứ một khu vườn hoang ở trong phủ đệ xa hoa dễ gây chú ý. "

Lê Lễ gãi gáy, nói:

" Nơi này là chốn tuyệt mật, ít người lại qua nên cũng ít được chăm chút, thế mới thành vườn hoang đồi vắng thế này. "

Lê Lợi đảo mắt nhìn quanh.

Khu vườn không tính là lớn, hoa cỏ trông rất bát nháo, chẳng ra chỉnh thể cũng chẳng có đường lối gì, chẳng khác nào khu vườn ma ám. Nay tuy là hoang phế, nhưng thiết nghĩ lúc vừa mới làm cũng chẳng đẹp đẽ gì cho cam. Lê Lợi thầm nghĩ:

[Xem ra anh Vũ Uy cũng muốn ngụy trang chốn này, tiếc là sinh ra là bậc thổ hào, những thứ tao nhã này quả thực không hợp với anh ta.]

Chàng lờ mờ mường tượng, khu vườn lúc vừa mới làm ắt là hỗn loạn bát nháo lắm, người ngoài đi qua thể nào cũng cười rằng chủ nhân khu vườn là kẻ lỗ mãng không biết thưởng thức, nhà giàu mới nổi. Tuy Lê Lợi không để ý đến những chuyện này lắm, dù sao cũng chỉ là một lớp ngụy trang, nhưng nghĩ đến Vũ Uy chịu tiếng xấu này trong bụng cũng hơi thấy áy náy.

Bấy giờ, trên thành một cái giếng, đã có một bóng người đang ngồi vắt vẻo, tóc xõa ngang eo. Nhác thấy bóng hai người, cô nàng bèn nhoẻn cười, vẫy tay gọi.

Người đó đương nhiên là Phạm Ngọc Trần.

Lê Lễ bèn nói:

" Từ chỗ này cô Trần sẽ đưa chủ công đi tiếp, về hẳn phủ đệ. Lễ còn ít công chuyện, thứ cho thuộc hạ không tiễn cậu xa hơn được. "

Hai người chắp tay chào nhau, đoạn Lê Lợi lại đến bên thành giếng.

Chàng nhìn xuống miệng giếng, lại lấy một viên sỏi ném xuống đáy, nghe tiếng đánh chủm một cái, đoạn nước giếng bắn vọt cả lên mặt. Thấy vậy, chàng bèn gật gù, cười:

" Xem ra là phải lặn một chuyến. "

" Đi theo em, cẩn thận kẻo trượt chân ngã là no nước đấy. "

Phạm Ngọc Trần nói xong, thì tung mình nhảy xuống giếng.

Lê Lợi cũng có ít võ vẽ, nhưng mấy năm nay đánh trận với quân Minh, võ công giang hồ hiếm khi chàng dùng đến. Nay bất ngờ phải khinh công thì cũng có phần hơi lạ chân lạ tay. Chàng nhắm chuẩn phương vị, rồi cũng nhảy xuống theo.

Xuống giếng rồi, Lê Lợi mới phát hiện cứ cách một quãng lại có mấy viên gạch bị cố tình xây tụt vào trong, tạo thành một cái gờ nhỏ để đặt chân. Thời xưa gạch giếng không đều chằm chặp cũng chẳng có gì lạ, cho dù có kẻ muốn kiểm tra, nếu không chui vào cái giếng này thì tuyệt nhiên không thể phát hiện lối xuống. Người thường thì tuyệt nhiên chẳng thể giữ thăng bằng được với cái gờ nhỏ như thế, nhưng đối với người tập võ thì không thành vấn đề. Hai người lần mò trèo xuống, đến lưng chừng giếng thì phát hiện một cái cửa hẹp.

Phạm Ngọc Trần lách mình tiến vào, lại cố tình nói vọng ra:

" Chỗ này hẹp lắm, chờ em vào một chốc rồi hẵng theo sau. "

Lê Lợi yên tĩnh chờ trên thành giếng, phải đứng lâu ở trên cái gờ bé tí đương nhiên cũng khiến chàng tổn hao nội lực, song cũng không phải là không thể chèo chống đủ lâu. Chờ độ mười mấy hơi thở thì có tiếng Ngọc Trần vọng ra, báo hiệu cho chàng theo vào. Lê Lợi lách mình vào kẽ hở, dùng môn Súc Cốt Công để đi sâu vào trong. Ngách nhỏ này quả nhiên rất hẹp, với hình thể tầm thước của Lê Lợi, đi ngang như con cua mà còn thấy hơi bí bách. Chàng lại càng thấy tò mò không biết những người vóc dáng cường tráng như Vũ Uy, Lê Sát thì vào kiểu nào.

Như đoán được tâm tư chàng, Phạm Ngọc Trần bèn nói vọng ra:

" Dưới đáy giếng còn một cửa nữa rộng hơn, nhưng phải lặn. "

Nói đến đây là Lê Lợi đủ hiểu, Ngọc Trần đang dẫn đường cho chàng, nếu như để xiêm y bị ướt thì cực kì bất nhã, cố tình trách cửa rộng cũng là chuyện đương nhiên.

Đi hết cái ngách hẹp thì đến một đường ngầm, bấy giờ Phạm Ngọc Trần đang tựa lưng vào vách chờ sẵn. Lê Lợi nhảy khỏi ngách, nàng bèn chỉ tay về phía bên cạnh, nói:

" Cái cửa ngầm dưới đáy giếng thì thông lên chỗ này. "

Đường ngầm ở nơi chàng đứng phân làm hai, mé trái thì thông vào cái ngách hẹp, bên phải thì dẫn xuống một đầm nước, chắc là đường nước ngầm thông với đáy giếng. Địa đạo này xây trên ngách thượng của đường nước, thế nên dù mưa nắng thế nào nước giếng cũng không dềnh ngập lên được, cực kì khô ráo.

Phạm Ngọc Trần lại nói:

" Mỗi lần cần tiếp tế, thì u lại cho người đóng thóc thành bao, rồi cất trong mật đạo. Vũ Uy tướng quân nếu cần thì sẽ cho người xuống, lấy lương rồi quay lại đáy giếng. Lúc này binh sĩ buộc bao thóc sau lưng, lần mò dưới đáy giếng tìm cho được sợi thừng, giật một cái sẽ có người kéo lên. "

Lê Lợi biết cô nàng muốn giúp đỡ mình nhanh chóng nắm được tình thế của Lam Sơn, trong lòng thầm thấy cảm kích.

Hai người cầm đuốc, rảo bước trong đường ngầm trải dài tưởng như vô tận, không nói một lời, không khí có đôi ba phần quái lạ mà Lê Lợi chẳng rõ vì sao. Chàng lại mơ hồ cảm thấy có gió lùa vào gáy, thầm nghĩ trong địa đạo hẳn là phải có lỗ thông lên mặt đất, bằng không người ở trong này chưa đi được bao xa đã chết rồi.

Nhẩm thời gian được cỡ năm dặm đường, qua năm sáu lối rẽ thì đường hầm bỗng phình rộng ra thành một căn phòng lớn. Lê Lợi thấy bốn phía có tám cửa đá, trên đề nào là đao thương kiếm kích, nào là giáp trụ hộ thuẫn thì không khỏi kinh ngạc. Phạm Ngọc Trần bèn nói:

" Giặc cử mấy tên tham quan đến giám sát, cũng không thể trắng trợn rèn đúc binh khí như trước được, đúng không? "

Chàng bấy giờ mới sực tỉnh, té ra sơn trại của Vũ Uy thực chất là một lò rèn khổng lồ, chuyên chế tạo vũ khí cho quân Lam Sơn. Hẳn là cứ định kì Vũ Uy lại phái thân tín nhảy xuống giếng, chui vào địa đạo này mang vũ khí đến cất trong kho, rồi lại lấy thóc giấu trong này về sơn trại.

Lam Sơn trên mặt đất thì bị kiểm soát gắt gao, nhưng dưới lòng đất lại cuồn cuộn dậy sóng, thực là khiến người ta nghĩ mà kinh ngạc.

Phạm Ngọc Trần chỉ vào một cái ghế đá, kéo tay Lê Lợi đến cùng ngồi, rồi bảo:

" Giờ anh em ta cứ chờ ở đây, đến sáng ắt có thân tín của u mở cửa cho chúng ta lên. "

Lê Lợi đi xa lâu ngày, nên chỉ ậm ừ rồi cũng ngồi xuống.

Chàng nhìn bốn phía, thấy hầm ngầm này vừa công phu lại vừa chắc chắn, xung quanh mở ra tổng cộng tám kho ngầm khác, đều có cửa đá trấn giữ, không có chìa khóa thì ít cũng phải sức chục người mới mở ra nổi, chỉ biết chặc lưỡi mà than rằng:

" U dùng có mấy năm mà khoét được căn hầm này thì đúng là tài giỏi hơn người. "

Phạm Ngọc Trần thấy chàng như vậy, thì thè lưỡi làm mặt quỷ, nói:

" Lấy đâu ra mà mấy năm? Từ hồi Hồ Quý Li soán ngôi vua Trần là u bắt đầu cho đào đất, lấy cớ là xây am thờ tổ cho dòng họ, tính đến nay là đào hơn mười ba năm lẻ, chỉ là u giữ kín như bưng chẳng nói cho ai biết thôi. "

Lê Lợi càng nghe càng thấy hổ, chỉ biết cúi mặt.

Té ra từ lúc chàng còn đang lông bông chạy khắp chốn, thì bà Thương đã chuẩn bị sẵn sàng từ kho ngầm tới địa đạo. Thậm chí, chỗ mà Vũ Uy lập sơn trại e là cũng do bà chọn.

Nay nghĩ lại, hồi còn trẻ chàng và Lê Sát trách mẹ đớn hèn không chịu ra đánh giặc, đúng thực là suy nghĩ thiển cận, tầm mắt không qua được ngọn cỏ. Bây giờ vỡ ra mọi chuyện, mới biết chim non khi đó chưa hiểu được chí của đại bàng.

Phạm Ngọc Trần bỗng nói:

" Anh theo Trùng Quang đế đánh Minh ba bốn năm, có gặp chuyện gì thú vị chăng, kể em nghe với. "

Lê Lợi thấy hiện tại cũng chẳng có gì làm, ngồi không đợi sáng cũng chán, bèn thuật lại trận Ngọc Ma, chém Nguyễn Chính ở Bài Lâm, tái chiến Mô Độ với Trương – Mộc, đánh trận ở Vân Đồn, Hải Đông, lừa giết được Hàn Quan…v.v… Chàng kể đến đại chiến ở cửa Sái Già thì trời tảng sáng, chớp mắt mà đã kể ròng rã mấy canh giờ, nay sực tỉnh mới thấy họng khô miệng đắng. Ấy thế mà Phạm Ngọc Trần vẫn chăm chú lắng nghe ra chiều thích thú lắm.

Chàng bèn nhủ bụng:

[Cô nàng này tinh nghịch thành tính, chắc là khoái những chuyện chiến tranh này lắm. Đúng là cô hổ cái, con gái Hổ Vương.]