Chương 326: Hồi hai mươi bảy (12)
Trần Nguyên Hãn bèn cười, nói thầm:
" Chúa Lam Sơn thực không phải vật trong ao. Ngày sau ắt sẽ cá kình vượt biển giương vây nhảy, cọp dữ lìa rừng mượn cánh bay (*). "
Lê Lợi gãi đầu tỏ vẻ bối rối, đoạn hỏi:
" Tướng quân tại sao lại đoán ra thân phận của tôi? "
Trần Nguyên Hãn cười, không đáp ngay mà chậm rãi ngâm:
" Hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu.
Gian nhân tiểu lộ vạn khách hành. "
Nghe được lời thơ của người cũ, Lê Lợi chợt sực tỉnh. Ngày trước chàng có lòng mời Nguyễn Trãi ở lại Lam Sơn phò trợ mình, nhưng người sau nói trên người còn có chuyện cần làm, chưa thể theo ngay. Nay Trần Nguyên Hãn ngâm đọc hai câu này, thì chàng đoán lần này y đến đây hẳn có liên quan đến Nguyễn Trãi.
Lê Lợi bèn nói:
" Nơi này tai vách mạch rừng, tướng quân vào sơn trại cũng không tiện. Tạm thời ngài cứ về phủ, sớm mai tôi sẽ đến gặp. Còn chuyện ở đây cũng xin ngài giữ kín cho. "
Trần Nguyên Hãn cũng biết nơi này không phải chỗ để nói chuyện, bèn thi lễ với Lê Lợi và chư tướng một cái, đoạn vác khí giới lên vai, giáp trụ treo ở đầu kích, nghênh ngang rời khỏi.
Bấy giờ, Lê Lợi mới đánh mắt với Vũ Uy, ra hiệu cho mọi người thu quân về trại.
Lần này có người đến tận cửa khiêu chiến, đánh trọng thương cả Nguyễn Xí, tự nhiên là khiến cho sơn trại náo loạn lên một hồi. Vũ Uy, Lê Lễ chia nhau ra lệnh trấn an mọi người, lại đốc thúc ba quân đề cao cảnh giác, canh phòng nghiêm ngặt.
Tạm thời giải quyết được Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi bèn đến hỏi Lê Sát, hi vọng có thể biết được thân thế của đối phương. Nhưng y chỉ lắc đầu, bảo:
" Không giấu gì cậu, sư phụ của tôi là danh tướng Trần Khát Chân. Ngoài ra, người còn nhận một đệ tử nữa là tên Lương Nhữ Hốt táng tận lương tâm kia, nhưng tuyệt không lấy đâu ra đệ tử thứ ba. Sau này, sư phụ bị Hồ Quý Li giết chết, bọn tôi mỗi người trốn đến một phương. Chỉ đáng hận là tên sư đệ không ra gì kia của tôi lại theo quân giặc, bán nước cầu vinh! "
Nói đến tên Lương Nhữ Hốt làm ô uế tiếng thơm của Trần Khát Chân, vấy bẩn thanh danh của sư môn mà Lê Sát hận đến ngứa răng, không nén nổi dậm chân một cái.
Lê Lợi nghĩ kỹ lại những gì hai người nói với nhau, rồi lên tiếng:
" Nếu tôi nhớ không nhầm, phái anh có hai môn võ công là Tung Hoành Thiên Hạ và Uy Trấn Bát Phương. Mà cậu thanh niên kia lại biết cả hai. "
Lê Sát khi nãy nghiêm cẩn đối chiến, không suy nghĩ được nhiều đến thế. Nay Lê Lợi nhắc đến chuyện này, y cũng cẩn thận ngẫm lại, phát hiện đúng là mình bỏ qua điểm quan trọng ấy.
Hồi còn học với Trần Khát Chân, Lê Sát tính chuyên cần, trước sau chỉ để tâm đến luyện võ mà không nghĩ đến chuyện gì khác. Mà Trần Khát Chân dạy trò lẽ nào còn bận chiến giáp ngoài sa trường? Tên Lương Nhữ Hốt vốn là hạng tắt mắt, lân la gợi chuyện với bộ tướng của Trần Khát Chân nên biết sư phụ có bảo vật, mà bảo vật này chính là thần giáp đã mất tích lâu nay Giáp Phù Đổng. Thành ra, lúc nãy Lê Sát thấy giáp báu của sư phụ nhưng lại không nhận ra.
Lê Lợi vỗ vai Lê Sát, nói:
" Sư phụ anh chỉ nhận hai học trò, nhưng sư tổ anh chưa chắc chỉ có mình thượng tướng bình Chiêm Trần Khát Chân là đồ đệ đâu. "
" Ý cậu là… thiếu niên vừa rồi có thể là sư thúc của tôi hay sao? "
Thấy vẻ ngạc nhiên của Lê Sát, chàng chỉ cười mà không đáp. Nói đoạn, chàng nhờ một binh sĩ dẫn mình đến thăm Nguyễn Xí một chuyến. Tuy bộ hạ từng khẳng định cậu ta không bị nguy hiểm tới tính mạng, nhưng Lê Lợi cũng vẫn đến kiểm tra một chốc cho an tâm.
Trong sơn trại có mấy gian nhà dùng làm bệnh xá.
Gian ngoài cùng là nơi bốc thuốc kê đơn, ở giữa là nơi thầy lang và học đồng nghỉ lại, trong cùng mới là chỗ cho bệnh nhân nằm nghỉ. Lúc Lê Lợi tìm đến, thầy lang chính đang bốc thuốc kê đơn cho Nguyễn Xí. Lang y này tuổi không quá lớn, chắc độ ba mươi mấy, để ria con kiến, tóc búi củ hành. Gương mặt y có phần đôn hậu, nhưng chân mày rất sắc, giống như hai thanh kiếm quắc lên trời vậy.
Lê Lợi lễ phép chào hỏi thầy lang, mở lời xin được vào thăm cậu ta một lúc. Người sau bèn nói:
" Tính mạng tướng quân không đáng ngại, nhưng thương thế đúng là không nhẹ, hiện tại cần phải được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, không nên làm phiền. Xin cậu cứ về cho, ngày khác lại đến thăm hỏi. "
Lê Lợi còn hỏi thăm cậy nhờ thêm mấy chuyện, rồi mới tạ từ rời khỏi.
Lê Sát theo sau quan sát tất thảy, lúc ra khỏi bệnh xá mới chạy tới kề tai chàng nói nhỏ rằng:
" Ông lang này rất quái lạ. "
Lê Lợi cũng gật đầu, nói:
" Người ta là người tài năng kiệt xuất, chỉ là chưa muốn ra giúp nước. Không cần phải miễn cưỡng làm gì. "
Mà trong bệnh xá, một học đồng nãy giờ ngồi vê thuốc thấy khách đã đi khuất cũng ngóc cổ lên hỏi ông lang:
" Thầy trước giờ nói chuyện với đại vương cũng giữ thái độ ngang hàng, nay hà tất lại phải lễ phép với người thanh niên đó vậy? "
Người lang y nọ ngừng tay, không đáp mà hỏi:
" Theo con thì người thanh niên đó ra sao? "
Học đồng nghĩ ngợi một chút, rồi nói:
" Con thấy thì y trông cũng thường, so với đại vương và Lê Lễ tướng quân, Nguyễn Xí tiên phong thì không uy dũng bằng. So với kẻ đi sau y còn hơi kém phân. "
Nó tự nhiên đang nhắc tới Lê Sát.
Thầy lang bèn trách:
" Thằng này đúng là biết một chẳng biết hai, số không làm chuyện lớn được là phải. "
Nói đoạn, y nhìn ra phía xa, nói nhỏ:
" Táo Tháo khi ruống rượu luận anh hùng từng nói: rồng có thể biến lớn, có thể hóa nhỏ, lúc thì bay cao, lúc thì ẩn nấp. Khi biến lớn thì đạp mây, nhả sương. Lúc hóa nhỏ thì thu mình ẩn tích. Khi bay cao thì lượn khắp vũ trụ. Lúc tạm ẩn thì nấp trong sóng lớn.
Lúc ẩn mình thì nội liễm hàm súc, khi xuất thế thì hùng phong vạn trượng. Ấy mới là rồng. Những kẻ hùng hùng hổ hổ, hết chín là thùng rỗng kêu to, bề ngoài sơn son bên trong mục nát. Một phần còn lại, thì là bậc hổ tướng trên sa trường như Đinh Lễ, Nguyễn Xí. Song chắc chắn không phải bậc vương giả đáng theo hầu. "
Học đồng thấy thế, lè lưỡi nói:
" Nếu như thầy đánh giá y cao như thế, sao còn chưa đến đầu phục, ẩn nhẫn ở đây làm một thầy lang bốc thuốc kiếm cơm, che giấu hết tài hoa bản lĩnh, thực là chuyện quái lạ. "
Lang y còn chưa kịp đáp, thì ngoài cửa đã có người nói chen vào:
" Anh Xảo đây cao giá, muốn được người ta tam cố mao lư mới chịu xuất sơn kia. "
Học đồng nhìn ra ngoài cửa, phát hiện một ông thầy tướng số ăn mặc rách rưới.
Thầy lang thì lại nói:
" Giọng ai như giọng ông Ức Trai đây mà? "
Nói rồi ra cửa mời người xem tướng đó vào, dẫn vào buồng ở, lại bảo học đồng châm trà mời rồi ra nhà ngoài chờ tiếp khách.
Người xuất hiện tự nhiên chính là Nguyễn Trãi.
Y đón chén trà từ tay thầy lang, nhấp một ngụm nhỏ. Vị trà vừa đắng vừa chát, lại không thơm, đương nhiên không phải thứ trà gì tốt cả. Song Nguyễn Trãi vẫn từ tốn uống hết nguyên một cốc.
Bấy giờ y mới lên tiếng:
" Nếu tôi nói tiện đường đi qua xin ngụm nước uống chắc anh Xảo chẳng tin. "
Thầy lang cười, đáp:
" Chúng ta ai nấy đều có nhiệm vụ cần hoàn thành càng sớm càng tốt, đương nhiên không có thì giờ để phí phạm. "
Y lại sắp lại chồng giấy, đảo đảo cây bút trên tay, nói:
" Hôm nay chỗ tôi có một bệnh nhân. "
" Ông anh mua may bán đắt, nhưng thằng em đây lại không biết nên vui hay buồn đây. "
Nguyễn Trãi chắp tay, đáp.
Thầy lang lại nói tiếp:
" Bệnh nhân thì không đáng nhắc tới, đáng nói là cách y bị thương. "
" Xin rửa tai lắng nghe… "
Nguyễn Trãi nghe giọng của thầy lang, đồ rằng có sự quan trọng gì đây, bèn nghiêm hẳn sắc mặt.
Thầy lang tằng hắng một tiếng, rồi nói:
" Cậu ta bị thương bởi thần công hộ quốc trong Quốc Tử Giám ta: Tung Hoành Thiên Hạ. Lúc binh sĩ dìu bệnh nhân đến đây, có nói hung khí đả thương là một ngọn thanh long kích. "
" Thằng Hãn?? Chết thật, bảo nó đến ra mắt chúa Lam Sơn, nó lại đi gây sự với người ta, đánh thương cả một tướng thế này. "
Nguyễn Trãi nghe thầy lang tả lại mọi việc, người đầu tiên y nghĩ tới chính là Trần Nguyên Hãn.
Lại nói về thân thế, mẹ của Nguyễn Trãi và Trần Thúc Dao – cha của Trần Nguyên Hãn đều là con của quan tư đồ cũ nhà Trần là Trần Nguyên Đán. Thành thử, hai người là có thể coi là anh em họ. Sau này Nguyễn Trãi làm thái học sinh nhà Hồ, cha y Nguyễn Phi Khanh làm Tế Tửu của Quốc Tử Giám hai nhà mới ít đi lại.
Mà sau trận chiến Đại Ngu – Minh năm nào, Trần Thúc Dao, Trần Nhật Chiêu quy hàng nhận phong của nhà Minh càng khiến Nguyễn Trãi coi thường, nên từ đó không qua lại nữa. Mãi đến lúc Trần Quý Khoáng dấy binh, cao tầng của Quốc Tử Giám mới bảo y đến khuyên em họ ra giúp nước, hai người mới gặp lại.
Nguyễn Trãi thử khuyên Trần Nguyên Hãn đầu quân cho Hậu Trần đánh giặc, thì cậu ta lấy lí do có thù giết cha với quân Hậu Trần, không chịu ra tay. Nguyễn Trãi khuyên bảo không được, lại có chuyện hệ trọng trên người đành phải bỏ đi. Trước khi chia tay, ngồi bên bàn rượu, y có nói mấy lời về chúa vùng Lam Sơn là Lê Lợi với Trần Nguyên Hãn.