Chương 328: Hồi hai mươi bảy (14)
Lê Lợi nào có biết, thực ra những chuyện chàng kể Phạm Ngọc Trần sớm đã biết, hơn nữa còn mắt thấy tai nghe nữa là khác.
Hai vị cao thủ Hổ Vương len lén đưa vào hàng ngũ quân Hậu Trần, kì thực bảo vệ chàng chỉ là nhiệm vụ hạng dưới, chủ yếu vẫn là bảo vệ bằng được cô con gái rượu của Hổ Vương.
Sau trận Sái Già, cô nàng nghe ngóng chàng sắp về Lam Sơn, bỗng nhiên thấy ngường ngượng, bèn tự mình về trước. Hai cao thủ thì cẩn thận hộ tống Lê Lợi về Lam Sơn xong xuôi, hội họp với nàng rồi mới quay lại bản thưa chuyện với Hổ Vương.
Mấy năm liền cô nàng âm thầm quan sát Lê Lợi, tận mắt chứng kiến nhiều phen chàng ở nơi tiền tuyến chiến đấu quên mình. Tuy chẳng thể xông pha trong trận địch như Lê Sát, Lê Văn An, Đinh Lễ…v.v… nhưng chẳng hề mất vẻ hào sảng, kiên cường. Có vậy, cô nàng mới hiểu đánh giá của cha về Lê Lợi chẳng giả.
[Cái thằng này ấy, nó như viên ngọc thô. Nhìn qua thì rất bình thường. Nhưng con phải chú tâm vào, càng nhìn kỹ sẽ càng thấy sáng.]
Không hiểu tại sao, nàng lại bất chợt nhớ lại lời Hổ Vương từng nói về Lê Lợi, mặt bất giác đỏ lên.
Đúng lúc này, phía trên đầu cả hai chợt có tiếng mở cửa, đoạn lại có một đoạn thang gỗ thò xuống.
" Lên mau lên, u gọi mình đấy. "
Một câu không có nhu tình mật ý, cũng chẳng có lấy một lời hỏi han chăm sóc, song cái dịu êm nhẹ nhàng lại khiến Lê Lợi bất giác cười ngây ngốc. Lúc này, bao nhiêu mệt mỏi đắng cay trong mấy năm chinh chiến bỗng bay biến sạch.
Ý ở ngoài lời, thiết nghĩ cũng chỉ như vậy mà thôi.
Buổi sáng hôm đó, Lê Lợi đến bàn thờ thắp hương cho tiên tổ báo bình an, buổi trưa thì vào hầu chuyện mẹ. Kể từ khi Chu Đệ xuống chiếu năm ngoái, Lam Sơn cũng bị quản lí chặt hẳn, từng giây từng phút đều phải đề phòng tai mắt của Trương Phụ. Thành thử, thư từ qua lại giữa hai mẹ con vốn đã chẳng bao nhiêu buộc phải ngưng hẳn.
Nay thấy con trai trở về, chẳng những bình an mà càng trưởng thành rắn rỏi, bà Thương không khỏi gật gù tỏ vẻ hài lòng. Bấy lâu nay được lửa hồng chiến trận hun đúc tôi rèn, Lê Lợi đã trưởng thành hơn trước nhiều, từ phong thái đến bản lĩnh đều hơn xa khi trước. Chàng sớm đã không còn là cậu thiếu niên nông nổi ở thành Tây Đô năm nào nữa.
Mà hơn ai hết, bà Thương hiểu rất rõ loại trưởng thành tựa như lột xác này, nếu cứ để con ở nhà dùi mài binh thư thì có chục năm cũng không đạt được.
Thành thử, mới mạo hiểm cho chàng đầu quân.
Bà Thương hỏi kỹ chuyện nửa năm qua, nghe đến trận Sái Già và chi viện quân bí ẩn, thì bà bèn cười:
" Thế thì ắt là cậu ta chứ không ai vào đây cả. "
Lê Lợi bèn hỏi:
" Mẹ đang nói đến tướng quân mặc giáp đen, tay cầm thanh long kích phải không ạ? "
" Không sai. Hai đứa biết nhau từ trước à? "
Nghe bà Thương hỏi, Lê Lợi cũng thuật lại chuyện lùm xùm ngày hôm qua ở sơn trại. Kể xong, đến lúc nhận định nguyên nhân tại sao Trần Nguyên Hãn đánh lên núi, thì chàng bảo:
" Chuyện này con cứ nghĩ mãi, cậu ta không phải hạng ngốc nghếch lỗ mãng, có nhẽ nào không nhìn ra chiêu gắp lửa bỏ tay của kẻ khác? "
Bà Thương bèn đáp:
" Chuyện này u đoán được bảy tám phần rồi, nhưng mày cứ ra nói chuyện với thằng nhóc, cậu ta sẽ tự trả lời cho mà biết. Bây giờ u mà đáp thay, lấy cá tính của thằng nhóc này ngoài mặt không biểu hiện, trong bụng cũng ắt chẳng vui vẻ gì đâu. "
Lê Lợi nghĩ đến vị tướng cao ngạo hôm qua, cũng gật đầu.
Chàng hầu mẹ cơm trưa xong, thì ra nhà ngoài.
Bấy giờ Trần Nguyên Hãn đã ngồi chờ sẵn ở ghế khách, trên tay còn đang nâng chén trà thơm. Lúc Lê Lợi vào phòng, thì y cũng ngước mắt nhìn lên, đoạn nhoẻn cười mà rằng:
" Chúa Lam Sơn đây sao? Hôm trước chưa có dịp nhìn rõ diện mạo của ngài, nay được gặp thấy cũng không giống lời đồn cho lắm. "
Lê Lợi ngồi xuống ghế chủ vị, đoạn nói:
" Tôi bấy lâu nay lu bu nhiều chuyện, chẳng rõ người ta đồn đại về mình ra sao, là khen hay chê. Tướng quân đi nhiều nghe rộng, có thể cho biết chăng? "
Trần Nguyên Hãn mới nén cười mà đáp:
" Lúc nhỏ, tinh thần và vẻ người coi rất mạnh mẽ, nghiêm trang; mắt sáng; miệng rộng; mũi cao; mặt vuông; vai trái có bảy nốt ruồi; đi như rồng; bước như hổ, tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông; ngồi như hùm ngồi! Kẻ thức giả biết là bậc người cực sang! Kịp khi lớn, thông minh, khôn, khỏe, vượt hẳn bọn tầm thường; làm Phụ đạo làng Khả lam. "
Lê Lợi thấy dân gian người ta miêu tả chàng như vậy, cũng thực không biết phải nói gì cho phải đạo.
Chàng ngừng một chốc rồi ho khan, nói:
" Nay tướng quân đã gặp, thì biết Lợi bề ngoài chỉ tầm thước, vóc người tính là trung đẳng, tuyệt không như những gì giang hồ đồn thổi rồi. "
Trần Nguyên Hãn bèn nói:
" Hôm trước đánh lên núi, tôi quả có chỗ không phải. Nhưng nay xin được tặng cho ngài một món quà, coi như là tạ lỗi. "
Đoạn lấy trong ngực áo một cuộn giấy mỏng, dâng lên cho Lê Lợi.
Chàng thản nhiên tiếp lấy, giở ra đọc, thì thấy trên giấy điền độ ba mươi cái tên. Lê Lợi đọc qua, thì thấy nếu không phải quan viên mới về thì là cường đạo ác bá một phương. Những người này ban nãy dùng bữa mẹ chàng cũng có nhắc đến một số, đương nhiên không thể đầy kín một mặt giấy như Trần Nguyên Hãn được.
Lê Lợi nhìn ba mươi cái tên, lại nhìn Trần Nguyên Hãn một cái. Rốt cục, chàng cuộn giấy nhét vào ngực áo, nói:
" Quả thực là lễ vật lớn. "
Ba mươi cái tên trên giấy đều phải đề phòng. Ý của Trần Nguyên Hãn đơn giản như vậy, chàng sao có thể không hiểu? Tuy không biết y làm sao có thể thu thập được những cái tên này, nhưng Lê Lợi từng đánh trận với quân Minh mấy năm, cũng hiểu cài người vào lòng địch đã khó, nhổ tai mắt của đối phương lại càng không dễ dàng gì.
Bản thân mẹ chàng nắm trong tay cả Lam Sơn cũng chẳng thể phát hiện được ai là kẻ gian ai là người ngay, mới buộc phải di dời cơ nghiệp lên núi, ngụy trang làm sơn trại.
" Tôi cũng có một việc muốn hỏi tướng quân đây. "
Trần Nguyên Hãn thấy vẻ mặt chàng nghiêm trang, bèn đáp:
" Xin cứ hỏi. "
" Tướng quân có phải người đã nhân đêm dẫn quân tập kích Minh doanh ở Sái Già, khiến cho quân ta thắng hiểm được một trận hay không? "
Trần Nguyên Hãn không ngờ đến chàng lại hỏi câu này, song cũng không đáp thẳng thừng là có hay không, mà nói:
" Hồi ấy để xổng hai thằng giặc già Trương – Mộc, đúng là chuyện đáng tiếc của đời người! "
Y nói câu này, cũng mặc nhiên thừa nhận chính y là người đã dẫn quân đánh Minh bất ngờ ở trận Sái Già.
Lê Lợi nghe y, không tỏ ra mừng rỡ, mà trái lại rầu rĩ, đáp:
" Tiếc là tướng quân không theo Trùng Quang đế từ đầu. Trận Sái Già ta đã binh tàn tướng bại, có thắng mà không giết được hai thằng giặc thì cũng không lật nổi mình. Nếu như là lúc sung túc, lại có thêm ngài, lo gì việc lớn không thành? "
Trần Nguyên Hãn cau mày, nói:
" Chúa Lam Sơn đang trách tôi hay sao? "
" Nào dám. Ngài đã không theo Trùng Quang đế, tức là có nguyên do của ngài. Tôi chỉ tiếc cho trăm họ phải trải cuộc binh đao thêm dăm năm nữa, ngày thái bình lại lui về xa, mà bậc anh hùng như Đặng Bình Chương phải nuốt hận. "
Lê Lợi nói xong thì không nén được một tiếng thở dài.
Trần Nguyên Hãn bèn nghiến răng mà nói:
" Ngài có điều không biết, ta là con của Trần Thúc Dao, vốn là hàng quan. Ngày xưa Giản Định lấy cớ không ra nghênh đón, chém cha ta cùng năm trăm đồng liêu. Loại người vô đạo như thế, bảo ta làm sao mà theo? Hà huống thù giết cha vốn không đội trời chung, ngài bảo ta làm sao mà theo quân hung tàn ấy? "
Lê Lợi cười xòa, bảo:
" Tướng quân nếu muốn thử lòng Lợi, chẳng cần diễn kịch như thế làm gì. Năm xưa Hưng Đạo Vương cãi lời cha, không nhân lúc quốc gia trong cảnh nước lửa mà soán ngôi đoạt quyền, tuy mang tiếng bất hiếu nhưng tận trung tận nghĩa. Ngài vốn là bậc anh hùng vị tất đã thua đức thánh Trần bao nhiêu, nếu như nói vì chuyện thù riêng mà bỏ qua nghiệp lớn, để trăm họ lầm than, Lê Lợi tôi có chết cũng chẳng tin đâu. "
Trần Nguyên Hãn nghe vậy, bèn cười vang, nói:
" Ngoài lời đồn ngài có dị tướng ra, còn một lời đồn khác: ấy là chúa Lam Sơn trí tuệ bình bình, không phải bậc minh chủ. Hôm nay Trần Nguyên Hãn ta gặp tận mắt ngài, thì biết cả hai lời đồn đều là láo toét cả. "
Y ngừng một chốc, nhấp ngụm trà, rồi tiếp:
" Lời này của ngài quả là xảo diệu. Nếu như ta thực có dạ nhỏ nhen, thì ắt sẽ bị ngài khiến cho hổ thẹn, bị cái đức của ngài thu phục. Mà nay ta bị ngài nhìn thấu, lại được so với bậc thánh nhân là đức thánh Trần thực là mát lòng mát dạ, nhất thời lòng cũng có cảm giác như tuấn mã gặp Bá Nhạc. Ấy là bị cái tâm thu phục. Kẻ có mắt nhìn người như điện thế này, mà chúng dám bảo không có đại trí, thì thực là đám đui què câm điếc! "
Lê Lợi nói:
" Nào tôi đâu có suy nghĩ sâu xa như tướng quân, chỉ nói lời thực lòng mình thôi. "
Hai người chuyện trò thêm một chốc, thì biết sở dĩ Trần Nguyên Hãn lấy thù cha làm cái cớ không ra giúp nhà Hậu Trần, vì y cho rằng cả Trùng Quang lẫn Giản Định đều không phải người mình đáng theo phò trợ. Nguyễn Trãi đến khuyên không được xin về, trong bữa tiệc chia tay lại nhắc đến Lê Lợi. Lần đó Đặng Dung nhờ Hoàng Thiên Hóa gửi thư cầu viện, tặng kiếm Long Tuyền, cũng bảo nếu việc lớn không thành, kháng Minh thất bại, thì có thể đến nương nhờ Lê Lợi ở Lam Sơn.
Bởi thế, Trần Nguyên Hãn mới tò mò, tìm đến tận nơi để gặp.
Còn chuyện hôm qua đánh lên sơn trại, mục đích chỉ là dò xét phản ứng của đám quan lại mới về, xem xem tên nào cần phải đề phòng. Y lại cố tình giả thua rời khỏi, đương nhiên khiến thanh thế của sơn trại lên như diều gặp gió, tặc khấu trong vòng năm mươi dặm đều phải đề phòng.