Chương 6: Nâng chén rượu, luận chuyện thiên hạ. Đất Nam Giao, Thập Nhị sứ quân.

Thạch Sanh Diễn Nghĩa

Chương 6: Nâng chén rượu, luận chuyện thiên hạ. Đất Nam Giao, Thập Nhị sứ quân.

Chương 6: Nâng chén rượu, luận chuyện thiên hạ. Đất Nam Giao, Thập Nhị sứ quân.

Sau khi Thiên Sách Vương chết trận, tàn binh chạy dài, kéo về Ái Châu. Con Sách Vương là Ngô Xương Xí đóng giữ ở Triệu Sơn, Ái Châu hay được tin cha mất, khóc lăn xuống đất ngất lịm đi. Binh sĩ xung quanh phải chạy tới dìu đỡ, bấm vào huyệt Nhân Trung mới chịu tỉnh lại.



Ngô Xương Xí vội truyền lệnh bắt mấy tên binh lính trốn chạy trở về, hỏi rõ ngọn ngành. Quan quân tra hỏi rồi thưa lên:

Thiên Sách Vương bị trúng khổ nhục kế của Đinh Bộ Lĩnh. Khiến Phạm Cự Lạng trà trộn vào quân doanh cứu Đinh Liễn đi. Đồng thời nửa đêm dụng hỏa công trại. Sách Vương chạy đến chân núi Phi Vân thì bị một tướng chặn lại chém chết.



Xương Xí hỏi xem vị tướng kia hình dong thế nào.



Người kia đáp:

Một vị tướng khôi ngô tuấn tú, tay cầm đao. Tên là Thạch Sanh.



Ngô Xương Xí cả giận, đập bàn quát:

Ta phải cất quân báo thù rửa hận mới được!



Lúc đấy, một vị quan tên Đỗ Thắng chạy tới tâu rằng:

Tướng quân xin bình tĩnh chớ đau lòng, chúng ta nên tính chuyện lớn trước mắt cái đã.



Ngô Xương Xí mặt buồi rười rượi, hỏi:

Tính chuyện chi?



Đỗ Thắng đáp:

Bây giờ Đinh Bộ Lĩnh mới công phá vòng vây, tuy thắng trận nhưng binh lực cũng hao hụt già nửa. Tạm thời không cần lo đến. Còn như chú của ngài Nam Tấn Vương còn đang ở Kinh đô. Nếu biết chuyện Thiên Sách Vương tử trận ắt điều quân đòi lại Vương quyền. Chúng ta nên lo đi là hơn.



Xương Xí giận mắng:

Thù giết cha sao có thể không báo?



Đỗ Thắng khuyên:

Không phải không báo mà chưa thể báo ngay được. Bộ Lĩnh có tướng giỏi, binh tinh, có kéo quân sang hỏi tội ngay cũng chưa làm gì nó được. Theo hạ quan nghĩ, ta nên chiếm được quyền hành trong triều, rồi hẵng viết thơ triệu tập anh hùng thiên hạ mà báo thù mới xong.



Xương Xí gật đầu khen phải, ngay ngày hôm đó liền điều binh điểm tướng chạy về Kinh. Quân lính đều để tang, đầu buộc khăn trắng, treo cờ giận, thanh thế ngợp trời.



Nói tới Đinh Bộ Lĩnh vừa công phá vòng vây vừa cứu được con, trong lòng mừng khôn xiết, ngày hôm sau liền mở tiệc khao ba quân. Lại cho gọi hai anh em Phạm Hạp cùng Phạm Cự Lạng vào dưới trướng, kể lại mọi sự tình cho chư tướng cùng nghe.



Kể xong, Đinh Bộ Lĩnh trỏ Lý Thông rồi bảo:

Liên hoàn kế là do Lý tiên sinh nghĩ ra đấy.



Chư tướng nghe rồi đều tỏ vẻ khâm phục lắm.



Phạm Cự Lạng đến trước bàn Lưu Cơ, cúi người nói:

Tôi mấy ngày trước vì chứng minh cho Sách Vương khỏi sanh lòng nghi ngờ, nên bữa ra trận có chém ông một đao. Nay cho ông chém lại một đao coi như huề. Thế có được chăng?



Lưu Cơ đập bàn quát:

Ông khinh ta là tài không bằng ông hay sao? Có giỏi đợi năm hôm nữa, cánh tay ta khỏi rồi lại đánh vài trăm hiệp?



Phạm Cự Lạng cười nói:

Thế đợi ông khỏi tay rồi lúc đấy mình hẵng so tài.



Hai người nói rồi cùng nhìn nhau bật cười. Chư tướng xung quanh cũng cười ầm cả lên, tiệc rượu rất là vui vẻ.



Rượu qua được nửa tuần, Đinh Bộ Lĩnh chợt hỏi Lý Thông rằng:

Tiên sinh nghĩ sao về thiên hạ đất Nam?



Lý Thông cười đáp:

Cái đó thì tướng quân am hiểu hơn tôi, còn hỏi làm gì?



Đinh Bộ Lĩnh không tin, gặng hỏi tới ba lần, đều bị Lý Thông khước từ không đáp. Chư tướng xung quanh đều tỏ ra bất mãn, khốn nỗi có Thạch Sanh đứng hầu một bên nên cũng không ai dám đứng ra quát mắng. Thạch Sanh vẻ ngoài thoạt nhìn khôi ngô tuấn tú, nhưng vừa ra trận liền một đao trảm bốn tướng của Sách Vương. Quả là bậc dũng tướng trên đời.



Đinh Bộ Lĩnh lâm vào thế khó không biết làm sao, bèn lệnh cho chư tướng lui ra hết khỏi trướng. Rồi đến trước bàn của Lý Thông cúi người bái lễ.



Lý Thông giật mình, vội lánh sang một bên, bảo rằng:

Tướng quân làm lễ như vậy, tôi sao dám nhận.



Đinh Bộ Lĩnh chân thành nói:

Năm xưa Tề Hoàn Công muốn gặp hiền sĩ nơi Ðông Quách mà cần phải đi năm lần mới được thấy mặt. Lưu Huyền Đức ba lần lên lều tranh mới mời được Gia Cát Khổng Minh xuống núi. Tôi đây chỉ làm một cái lễ nhỏ thì có đáng gì?



Lý Thông không biết nói gì, đứng trơ ra đó, đợi Đinh Bộ Lĩnh bái lễ xong rồi mới thở dài, nói:

Tướng quân đây là làm khó tôi ư?



Đinh Bộ Lĩnh đáp:

Đất Nam Giao từ khi Tiền Ngô Vương băng hà, rồi Tam Kha truất ngôi cho đến Thiên Sách Vương lộng quyền. Khiến dân chúng lâm vào cảnh lầm than. Tôi đây lòng nuôi chí lớn, nhưng mưu nhỏ, thế không thành, cần người như tiên sinh tới bầu bạn cùng nhau làm việc đại sự. Chẳng hay, tiên sinh...



Bộ Lĩnh chưa nói xong, Lý Thông đã thở dài, đáp:

Phàm là thế cuộc trong thiên hạ, ắt không tránh khỏi bốn chữ: Chia hợp, hợp chia. Tỷ như đất Trung Quốc thời nhà Châu mất, dẫn tới thất quốc phân tranh, sau đó Tần Thủy Hoàng triệt sáu nước, lập ra Tần Quốc. Rồi như khi nhà Hán suy; Tôn, Lưu, Tào ba nhà tranh nhau lập quốc tạo thành thế chân vạc. Nhưng cuối cùng bị họ nhà Tư Mã thâu về một mối... Đất Nam Giao từ khi Ngô Quyền xưng Vương thì trị được loạn. Song từ khi Vua mất, cái thế loạn này còn ai trị được nữa?



Đinh Bộ Lĩnh gật đầu, nói:

Vậy mới phải nhờ những người như chúng ta đứng lên dẹp loạn, thống nhất đất Nam lần nữa.



Lý Thông hỏi:

Tướng quân nghĩ dễ lắm, nhưng ngài có biết đối thủ của mình là những ai hay chưa?



Bộ Lĩnh lắc đầu.



Lý Thông trầm tư một lúc rồi nói:

Khi Dương Tam Kha truất ngôi Vua, lòng người không phục, hùng chủ các ấp nổi lên. Trong đấy Thông tôi thấy được mấy người. Tỷ dụ như:

1. Đỗ Cảnh Thạc tự xưng làm Đỗ Cảnh Công trấn giữ Đỗ Động Giang.

2. Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm.

3. Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu.

4. Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc.

5. Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái.

6. Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt.

7. Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du.

8. Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê.

9. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại.

10. Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố.

11. Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang."![](https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2a/Map_of_12_Warlords_in_Anarchy_of_the_12_Warlords.svg)



Lý Thông đọc ra một loạt tên, Đinh Bộ Lĩnh ghi nhớ không chút sai sót, lát sau mới hỏi:

Thế tiên sinh không tính Nam Tấn Vương vào hay sao?



Lý Thông lắc đầu, nói:

Loạn thế chỉ dành cho kẻ hùng tài, người nhu nhược tính vào làm chi? Bất quá, tôi mấy ngày trước xem tinh tượng, thấy mệnh sao của Nam Tấn Vương lu mờ. Chắc là sống không được bao lâu nữa. Tấn Vương không có con, dòng dõi nhà Ngô cũng chỉ còn lại Ngô Xương Xí ở Triệu Sơn. Người này cũng có thể tính một chân vào.



Dừng một lát, Lý Thông đến trước án treo địa đồ, trỏ tay chỉ mà nói rằng:

Theo như tôi dự tính, thế cục đất Nam sau này, sẽ có cả thảy mười hai lộ sứ quân. Tướng quân trấn giữ đất Hoa Lư, là nơi hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nên tạm thời cứ để mặc cho Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, Phạm Phòng Át, Trầm Lãm cùng các lộ sứ quân khác chiếm cứ phía Bắc. Việc của tướng quân nên làm hiện tại là chiếm đất Ái Châu, bình định vùng phía Nam. Cứ coi như đất Giao Châu bấy giờ là một miếng bánh lớn, mười một kẻ cùng ăn tất sinh sự tranh giành. Tướng quân một mặt gửi thơ xin hòa hoãn, một mặt bán lương thảo, làm sao khiến mấy lộ sứ quân kia tranh giành càng gắt càng tốt. Còn tướng quân ở Ái Châu an nhàn luyện binh, luyện khí giới, rồi lại giành miếng bánh này sau cũng chưa muộn. Tôi đã vì tướng quân mà vạch ra đường như thế, âu cũng là gắng hết sức rồi. Tướng quân hãy lo mà làm đi.



Đinh Bộ Lĩnh nghe nói, cúi đầu lạy tạ.



Chỉ qua cuộc đàm luận này đủ thấy Lý Thông tài trí hơn người. Có tầm nhìn xa trông rộng, quả là một bậc khoáng thế kỳ tài.



(*) Thế mới rõ là:

Đất Nam hiện thế vận gieo neo,

Đương lúc gặp cảnh thật rõ bèo.

Thiên hạ phân chia rồi sẽ thấy,

Kỳ nhân cười trỏ địa đồ treo.



Đinh Bộ Lĩnh vái mời Lý Thông và nói:

Tôi đây tuy chí lớn nhưng khốn nỗi danh hèn đức kém, cũng xin tiên sinh chớ bỏ rơi kẻ ngu hèn này mà ra tay giúp đỡ, âu cũng là tạo phúc cho lê dân bá tánh. Tôi xin chắp tay cúi đầu nghe lời dạy bảo.



Lý Thông đáp:

Hai anh em chúng tôi chém chằn tinh, nhưng lại bị Sách Vương ghi hận mà đuổi giết. Mẫu thân cũng vì đó mà chịu tai kiếp. Nay thù đã báo, cũng nên trở về quê nhà là hơn. Tướng quân xin hiểu cho.



Nói rồi cùng Thạch Sanh cáo từ, đi ra khỏi trướng.



Đinh Bộ Lĩnh đuổi theo, khóc mà nói rằng:

Tiên sinh nỡ lòng nào nhìn lê dân bá tánh khắp thiên hạ chịu khổ?



Thạch Sanh thấy Đinh Bộ Lĩnh tỏ dạ chân thành, cũng không nhịn được hết lời khuyên lan.



Lý Thông thở dài, đáp:

Thôi vậy, nếu Tướng Quân đã không chê bai thì hai anh em tôi xin đem hết tài khuyển mã ra phò tá.



Đinh Bộ Lĩnh mừng lắm, vội truyền lệnh ba quân phong Lý Thông làm Quân Sư, Thạch Sanh làm Đốc Thị Quân Mã. Lại dạy cho người dâng lễ vật vàng, lụa… Lý Thông từ chối không nhận.



--------------------------------------------

Chú Thích:

(*) Bài thơ này phóng theo bài:

"Dự châu đương oán bước đường cùng

Nay tới Nam Dương gặp Ngọa Long

Muốn biết sau này chia thế vạc,

Địa đồ cười trỏ đứng mà trông!"