Chương 153: Số Liệu Cùng Tiếng Vọng (2)

Ta Muốn Ngủ Phạm Gia

Chương 153: Số Liệu Cùng Tiếng Vọng (2)

Nếu thông số của Lotus không đủ làm căn cứ bởi nó còn quá trẻ, còn chưa đủ uy tín thì cũng có rất nhiều người khác đứng ra, rất nhiều người nói về vấn đề này.


Những nhà phê bình, những tác giả, những cây đại thụ trong làng nhạc Việt, bọn họ có đủ uy tín cũng đủ công bình để 'định hướng dư luận'.


Cái gọi là định hướng dư luận thật ra rất dễ dàng, chỉ cần có tiền, có đủ tầm ảnh hưởng là được, ví như một công ty nào đó ra sản phẩm trên thị trường liền đi thuê vài tờ báo, vài chuyên gia viết bài khen ngợi thực sự không có gì lạ.


Chỉ cần sản phẩm không quá nát, không quá thảm họa vậy cơ hồ nói sao cũng được.


Đánh giá của nhân sĩ chuyên nghiệp là thứ có thể mua.


Tuy nhiên có thể mua không đồng nghĩa với việc dùng tiền giải quyết được tất cả, có một số nhân sĩ chuyên nghiệp... dùng tiền không mua được.


Người ta đã đạt đến trình độ một chữ ngàn vàng, bất cứ phát biểu nào đều có tiếng vang cực lớn trên thị trường cũng như trong chính nền âm nhạc của Đại Nam, những người như vậy mua không nổi bởi bọn họ đã không cần tiền.


Một trong những nhân vật đủ trọng lực ấy là nghệ sĩ nhân dân Doãn Trọng.


Doãn Trọng nổi lên với dòng nhạc cách mạng, dòng nhạc 'đỏ' hơn nữa địa vị của Doãn Trọng cực kỳ đặc thù, con người này là một NSND nhưng đồng thời cũng là một quân nhân, thời kỳ đỉnh cao nhất Doãn Trọng làm đến chức 'Trưởng Ban Văn Hóa Tuyên Truyền Mặt Trận Tây Trung Bộ', hàm vị lên đến trung tướng.


Sau này NSND Doãn Trọng rời khỏi quân ngũ đồng thời cũng chuyển hướng sáng tác từ dòng nhạc 'đỏ' sang nhạc 'vàng', là một cây đại thụ trong dòng nhạc dân ca trữ tình.


Một người như Doãn Trọng vốn không thể mua bằng tiền hơn nữa nhiều năm cũng không phát biểu trước báo giới ấy vậy mà thời điểm Bùa Yêu hot nhất, Doãn Trọng lại làm một bài văn đăng trên báo Nghệ Thuật.


Nói về sự nghiệp sáng tác đặc biệt là sau khi cách mạng thành công, Doãn Trọng không phải nhạc sĩ thành công nhất nhưng nói về địa vị, cả cái Đại Nam này đúng là không có mấy người có thể nói ngang bằng chứ đừng bảo vượt qua.


Sau nhiều năm NSND Doãn Trọng mới lại có một bài đăng báo hơn nữa lại nhận xét về Bùa Yêu, một bài nhận định này có sức nặng cực lớn, tiếng vang không cần phải nói bất quá tương đối 'dị' ở chỗ Doãn Trọng cũng không nâng Lam Linh, không nâng Bùa Yêu mà lại nâng Người Đàn Bà Hóa Đá hơn nữa cũng không phải phiên bản trữ tình thế mạnh của Doãn Trọng mà là bản Rock.


Thời điểm nhìn thấy bài đăng này, chính Minh cũng giật mình.


Lúc đó là khoảng 2 ngày sau tết trung thu, cũng từ bài đăng này Người Đàn Bà Hóa Đá mới chính thức làm thị trường âm nhạc nổ tung.


Ban đầu Minh nhìn thấy họ Doãn, hắn liền nghĩ Doãn tỷ sau đó bắt đầu cảm thấy là Doãn tỷ đang giúp đỡ Lam Linh, giúp đỡ Sony thậm chí là giúp đỡ chính Minh.


Tuy nhiên khi đọc xong bài báo, chính Minh cũng cảm thấy rung động thật sâu.


_ _ _ _ _ _


Ta đã từng đi lính, ngày đó cả trung đoàn có dịp đi qua Núi Bà, đường hành quân cũng rất gấp, chỉ có thể ở lại nghỉ ngơi nửa ngày sau đó lại đi suốt đêm qua tiền tuyến nhưng mà ngay cả thế thủ trưởng vẫn để vài người trong chúng ta trèo đèo lội suối, thay thế các anh em lên Núi Bà, đi nhìn Hòn Vọng Phu.


Ta may mắn là một trong số những người khi đó được cử lên núi, được ngắm nhìn Hòn Vọng Phu sau đó thay mặt cho cả trung đoàn, vì nàng Tô Thị thắp xuống 3 nén hương.


Thời điểm đó với chúng ta, với những người lính đại khái chỉ học hết cấp 3 mà nói thì nàng Tô Thị chỉ là một truyền thuyết dân gian không hơn không kém, cũng không có quá nhiều cảm xúc nhưng ngày đó thủ trưởng ở trước mặt chúng ta nói vài câu, vài câu nói mà bất cứ anh em nào trong trung đoàn 307 khi đó cũng không thể quên, khắc sâu vào tâm hồn.


Thủ trưởng nói.


"Chiến tranh là hy sinh, là mất mát, là không ai muốn, là không thể tránh khỏi ".

"Chiến tranh vệ quốc trước không phải vì đất nước, đất nước rộng lớn lắm biết thế nào mà lường?, chiến tranh của chúng ta là bảo vệ, bảo vệ những thứ gần gũi thân thương nhất, chỉ có bảo vệ những thứ gần gũi thân thương nhất mới có thể hướng đến những thứ xa xôi hơn, những thứ vĩ đại hơn ".

"Chúng ta chiến đấu là để bảo vệ gia đình, bảo vệ lũy tre làng, bảo vệ cả những nét đẹp ngàn năm văn hóa của dân tộc ta, những nét đẹp gắn với bất cứu ai từ thuở ấu thơ ".


"Chung ta chiến đấu để mấy chục năm sau, mấy trăm năm sau thậm chí mấy ngàn năm sau con cháu chúng ta vẫn là người Việt, vẫn đi qua Núi Bà, vẫn vì nàng Tô Thị chắp tay cúi đầu, ít nhất để nàng Tô Thị biết nàng không cô đơn, ngàn năm sau những người con đất Việt vẫn ở đây bảo vệ nàng, vẫn ở đây nhớ về nàng ".


"Hòn Vọng Phu sừng sững giữa trời cũng là một cột mốc, cột mốc cho những người lính như chúng ta hướng về, là một ngọn hải đăng về tinh thần soi rọi con đường của chúng ta ".


"Để chúng ta biết sau lưng còn có ai, sau lưng còn có những người ngày ngày chờ chúng ta trở về, những người như nàng Tô Thị có thể chờ chúng ta cả đời ".


Thời điểm đó cả trung đoàn đều là người trẻ, thủ trưởng nói vài câu cả đám đều khóc, cả đám đều nhớ nhà nhưng không ai nghĩ đến việc trở về, giặc chưa đánh xong chúng ta cũng sẽ không quay đầu.


Chúng ta chiến đấu để bảo vệ những người thân thương nhất, bảo vệ những người ngóng chờ chúng ta trở về, những người có thể chờ chúng ta cả đời.


Chúng ta có thể chiến tử sa trường, có thể mãi mãi không về được nhà nhưng họ vẫn sẽ ở đó, vẫn sẽ chờ đợi chúng ta, như nàng Tô Thị chờ chồng ngàn năm.


Càng là như vậy, càng muốn về nhà, càng muốn đánh tan quân thù, muốn bảo vệ quê cha đất tổ, bảo vệ bình yên phía sau.


Ngày đó khóc xong, đứa nào đứa nấy cứ như bị điên vậy, lại khóc lại cười, lại bắt đầu nghĩ đến chuyện về nhà sẽ làm gì, có đứa nói giúp cha mẹ đào cái giếng mới, có đứa nói muốn về ôm cô vợ trẻ, có đứa lại nói chỉ cần đánh giặc xong về quê với con trâu cùng dăm mẫu đất cũng đủ lắm rồi.


Thế là chúng nó lại kháo nhau, nói nếu tao không về được thì mày về thăm u tao, thăm thầy tao, cả đám cứ như an bài xong hậu sự vậy.


Sau nửa ngày, trung đoàn lại hành quân, vượt qua địa phận Núi Bà sau đó cả đám lại hướng về Hòn Vọng Phu mà chắp tay.


Khi đó trong trung đoàn có vài đứa bỗng khóc to lắm – thủ trưởng hỏi vì sao chúng nó lại khóc, chúng nó nói mọi người còn có người đợi, chúng nó đã không còn ai, không cha không mẹ, không còn cả quê hương làng xóm.


Thời của chúng ta, những đứa mất đi tất cả trong chiến tranh nhiều lắm.


Khi đó thủ trưởng lại chỉ lên núi Bà mà nói.


"Không sao, không ai chờ thì có nàng Tô Thị chờ ".


Không ai rõ thủ trưởng đùa hay thật nhưng mà sau đó chúng nó vậy mà không đứa nào khóc nữa, trong mắt những thanh niên 18-19 tuổi năm đó bỗng có một ngọn lửa vô danh.


Ta cũng không biết OV là ai, chưa từng gặp qua, trước đây cũng chưa từng nghe thấy nhưng thật sự muốn thay mặt rất nhiều người cảm ơn OV, cảm ơn OV đã để lại một tuyệt tác như vậy.


Người Đàn Bà Hóa Đá là tuyệt tác nhưng không phải là thứ nhạc trữ tình mà là dòng nhạc Rock.


Ta từ trước đến nay không quá yêu thích Rock, căn bản không nghe được nhưng lần đầu tiên nghe bài hát này cũng không nhịn được mà bồi hồi, mà mê man.


Rock có lẽ cũng không khô khan, không gai góc, không như những lão già chúng ta tưởng tưởng, Rock hóa ra còn có một mặt gần gũi, một mặt nhu mì như vậy.


Càng đáng nói là ta cảm thấy không phải phiên bản trữ tình của Người Đàn Bà Hóa Đá không được mà là Người Đàn Bà Hóa Đá vốn là nhạc Rock mới phải, cũng không hiểu được sao mà nó hợp đến thế, sao mà thứ giai điệu kia tuyệt vời đến thế.


Chờ chồng ngàn năm vốn không còn là nét đẹp trữ tình nữa, nó là sự chung thủy ngàn năm, là thứ ý chí kiên cường ngàn năm không đổi, mang theo ngũ vị tạp trần, mang theo bi ai đời người nhưng lại mang theo thứ sức mạnh ảnh hưởng đến cả ngàn năm sau.


Người Đàn Bà Hóa Đá nói là Rock cũng không quá Rock, nói là dân gian lại càng không phải.


Ta thật sự rất muốn gặp OV để hỏi nhạc sĩ này suy nghĩ ra sao nhưng tiếc là không gặp được, thời điểm này ta cũng chỉ có thể đứng từ góc độ bản thân ta nói ra suy nghĩ của mình, ta cảm thấy Người Đàn Bà Hóa Đá là Rock Dân Gian mới đúng.


Rock đi cùng với dân gian?, trước đây chưa từng nghĩ tới, tại Đại Nam cũng chưa từng hiện hữu, OV chính là người bước ra bước đầu tiên.


Nếu trước khi nghe bài hát này, ta là người đầu tiên phản đối nhưng sau khi nghe bài hát này, toàn bộ suy nghĩ của ta đều thay đổi, không thể không vỗ tay khen hay, không thể không mở mang tầm mắt.


Bài hát này gọi nó là tuyệt tác cũng không đủ bởi chính nó đang khai sáng cả một dòng nhạc mới, một con đường mới cho Rock, cho cả dòng nhạc dân gian.


_ _ __ _ _ _