Chương 228: Uy Vọng Hãy Còn
"Sao? Tay ngươi bị gãy? Chẳng thành vấn đề. Hai chân ngươi vẫn có thể đi được." Lâm Hào, hắn đại khái đã nói như vậy đấy.
...
Từ Kiến Ninh trở về kinh thành, đoàn người vẫn theo lộ trình cũ mà đi. Tuy nhiên lần này, dẫn dắt đã không phải Trần Tĩnh Kỳ. Lâm Hào mới là người đưa ra mọi quyết định.
Chắc có lẽ nhờ hào quang đại tướng quân của vị gia chủ Lâm gia này mà suốt quãng đường đi, thời tiết diễn ra vô cùng thuận lợi, trái hẳn với hành trình từ kinh thành đến Kiến Ninh của Trần Tĩnh Kỳ dạo trước.
Mưa gió thì thỉnh thoảng vẫn mưa gió, song nó chỉ diễn ra ban đêm, khi đoàn người đã tìm được chỗ dừng chân tạm trú; chứ ban ngày, lúc di chuyển, tiết trời khá là dễ chịu, nhiều đoạn thậm chí còn có mấy che.
Cũng chính vì sự tương phản rõ rệt ấy mà Trần Tĩnh Kỳ đã bị người bóng gió chê bai, nói lời châm chọc. Và cái "người" này, chẳng ai khác ngoài Bình phi Lâm Thục Nhu. Những lần chạm mặt, cao hứng nàng sẽ nhắc.
Thôi, đành chịu. Ông trời thích trêu ngươi như vậy, Trần Tĩnh Kỳ hắn còn biết nói sao đây?
...
Ngày đi đêm nghỉ, dưới sự chỉ đạo của Lâm Hào, đoàn người tiếp tục nhắm phương bắc tiến lên. Càng đi, khoảng cách với đế đô càng gần. Tới hôm nay thì đã chính thức tiếp cận.
Toà thành lớn nhất của Đại Hạng, nó đang nằm ở phía trước, chỉ còn cách bọn họ chưa đầy một dặm.
- Phụ thân, kinh thành đã ở ngay trước mặt rồi.
Lâm Chấn thúc ngựa đi đến bên cạnh phụ thân mình, thấp giọng nói.
Trái với Trần Tĩnh Kỳ và Lâm Thục Nhu, Lâm Hào không ngồi trong xe; hắn cũng giống như mấy đứa con trai của mình, cưỡi ngựa mà đi. Dõi mắt trông toà thành hùng vĩ phía trước, hắn nhẹ gật đầu, thanh âm ít nhiều cảm khái:
- Cũng đã lâu lắm rồi...
- Chấn, ngươi nói xem. Kinh thành hôm nay sẽ có dạng gì?
Lâm Chấn hồi đáp:
- Con nghĩ nó đã thay đổi nhiều so với trước.
- Hẳn rồi. Thời gian trôi qua, nhiều thứ đã thay đổi. Chúng ta cũng đã thay đổi...
- Được rồi, vào thành thôi.
...
Tại cổng thành nam cửa lớn đã sớm được mở. Lúc đoàn người Lâm Hào đi tới, lập tức có mấy vị quan viên chạy ra nghênh đón. Theo lệnh Lý Uyên, bọn họ đã chuẩn bị sẵn một cỗ xe vô cùng tráng lệ dành riêng cho Lâm Hào, mời hắn ngồi lên. Song, vị hầu gia này thẳng thừng từ chối. Hắn cứ vậy cưỡi ngựa đi vào trong thành, mặc cho đám quan viên kia cố nài nỉ, khuyên can.
Trong xe ngựa, Trần Tĩnh Kỳ đưa tay vén màn ngó xem. Càng xem, hắn càng nhận ra nhiều điều khác lạ. Kinh thành hôm nay đông đúc hơn hẳn mọi khi, không khí chung quanh rất là náo nhiệt. Hai bên đường, thỉnh thoảng hắn còn nghe thấy những tiếng tung hô.
"Uy vọng của Lâm lão gia tử này cũng thật là lớn a."
...
Đoàn người đi thêm một lúc thì dừng lại. Từ trên yên ngựa, Lâm Hào hiện đã xuống đất mà đi. Trên xe, Trần Tĩnh Kỳ và Lâm Thục Nhu cũng vừa mới nhanh chân bước xuống.
Thánh giá ở ngay trước mặt, bọn họ sao dám vô lễ?
Đại Hạng kể từ khi khai quốc đến nay, chuyện hoàng đế tự thân xuất cung nghênh đón thần tử, duy nhất cũng chỉ có một lần. Đó là lúc mà Thái Tông Lý Trị muốn cầu hiền nhân Chu Quảng Đức về kinh giúp nước. Hôm nay, Lý Uyên học theo tiên tổ, âu cũng thể hiện được cái dạ minh quân.
- Lão thần khấu kiến Hoàng thượng!
- Chúng thần khấu kiến Hoàng thượng!
Một nhà Lâm gia ai nấy đều theo chân Lâm Hào quỳ xuống. Trần Tĩnh Kỳ, hắn cũng cung kính hướng Hạng đế Lý Uyên khom người hành lễ.
Nơi đối diện, trong bộ hoàng bào, Lý Uyên rời khỏi xa giá, đi thẳng về phía Lâm Hào. Cử chỉ thân tình, hắn đưa tay ra dìu đỡ, miệng nói:
- Lâm khanh gia, nào, mau đứng lên.
- Hoàng thượng.
- Lâm khanh gia, ngươi già đi nhiều.
- Phải, lão thần đã già đi nhiều. Hoàng thượng người cũng vậy.
Lý Uyên nhoẻn miệng cười, lại bảo:
- Tóc khanh tuy đã bạc, da đã nhăn, song phong thái thì vẫn giống như xưa. Sức khoẻ của khanh xem ra hãy còn rất tốt.
- Cũng nhờ hồng phúc của Hoàng thượng.
- Hồng phúc của ta sao? Nói vậy chắc là ta phải đem chỗ phúc phần này thu lại cho mình dùng rồi.
Nói xong Hạng đế bật cười.
Chừng khi tiếng cười thu liễm, lúc này hắn mới phẩy tay bảo những người còn đang quỳ bên dưới đứng lên. Rồi hỏi:
- Lâm khanh gia, tại sao khanh lại cưỡi ngựa đi vào? Ta không phải đã cho người chuẩn bị một cỗ xe cho khanh rồi hay sao?
Ngay lập tức, tên quan viên phụ trách nghênh đón Lâm Hào tại cổng thành nam nhanh chân bước lại chỗ Lý Uyên, khép nép thưa trình.
Bản thân Lâm Hào cũng lên tiếng nói hộ:
- Xin Hoàng thượng đừng trách hắn, là tự lão thần từ chối, không muốn ngồi xe. Lão thần vẫn quen cưỡi trên lưng ngựa hơn.
Lý Uyên nhìn tên quan viên nọ khoát tay, tỏ ý mình chẳng trách cứ chi. Kế đấy, hắn xoay lại nói với Lâm Hào:
- Lâm khanh gia đúng là không thay đổi gì cả, tính tình vẫn vậy.
Ngưng trong giây lát, hắn lần nữa lên tiếng, thanh âm so với trước có phần trầm thấp, như nhớ nhung, như hoài niệm:
- Cũng đã rất lâu rồi ta không cưỡi ngựa. Hôm nay gặp lại khanh, nghe lời khanh nói, trong lòng bỗng thấy nhớ quãng thời gian đó - những ngày tháng cùng khanh xông pha giết giặc. Khi ấy cũng chính khanh là người đã dìu dắt ta.
- Hoàng thượng...
- Đại tướng quân, ta rất vui mừng khi thấy khanh trở lại kinh thành.
Quân chủ, thần tử, một cuộc tái ngộ mang nhiều cảm xúc. Sau ngần ấy năm, hôm nay họ lại cùng nhau gắn kết, chung tay góp sức vì nước Hạng. Đối với bách tính muôn dân Đại Hạng, điều ấy thật tốt biết bao. Những người đã tận mắt chứng kiến, hầu như ai cũng đều xúc động. Nhất là bậc trưởng bối, thế hệ cha ông, thúc bá. So với lớp trẻ bây giờ, bọn họ càng hiểu rõ lão tướng quân Lâm Hào, càng hiểu rõ Lâm gia.
Lâm gia, đó là trung nghĩa chi gia, chi tộc.
Sau bao nhiêu năm chịu ủy khuất, rốt cuộc hôm nay Lâm gia họ cũng được trọng dụng lại rồi...
"Hoàng thượng thánh minh", không ít người đã ca ngợi Lý Uyên như vậy.
...
Chức vị Đại tướng quân nhanh chóng được triều đình xác nhận, cho công bố rộng rãi. Theo đó, Lâm Hào một lần nữa được bổ nhiệm, nắm giữ quyền binh. Song, hơi khác trước là bây giờ, đi kèm với Đại tướng quân còn có thêm Tả tướng quân và Hữu tướng quân. Cùng với Đại tướng quân, cả ba sẽ thống lĩnh quân đội toàn quốc. Binh phù, theo quy định cũng được chia thành ba ấn phù, lần lượt là kim hổ phù, thanh ngọc hổ phù và hắc ngọc hổ phù. Trong đó, kim hổ phù cấp bậc cao nhất, được giao cho Lâm Hào nắm giữ; còn thanh ngọc hổ phù và hắc ngọc hổ phì thì được giao cho Khúc Long, Khương Nhị nắm giữ.
Khỏi phải nghĩ, sự phân chia này, mục đích đương nhiên là vì muốn phân tán quyền lực, không để tập trung vào trong tay một người giống như thuở trước. Lý Uyên, hắn vẫn có những lo ngại của mình.
Sự nghi kị, hay đúng hơn là cẩn trọng ấy, Lâm Hào cũng tự mình hiểu lấy. Hắn tuy có hơi bất mãn, song không hề phản đối. Lâm gia của hắn, ai nấy đều tỏ ra là mình biết đủ, xử sự khiêm nhường, hành vi luôn luôn chính trực.
Cũng chính vì vậy, dân chúng đối với Lâm gia lại càng thêm kính trọng. Trên dưới nhà họ Lâm, mỗi khi ra đường đều nhận được những cái nhìn đầy thiện cảm. Ở đất kinh kì này, có không ít người từng đi theo Lâm Hào xông pha trận mạc, gìn giữ biên cương. Ấn tượng tốt đẹp năm xưa, cho đến hôm nay bọn họ hãy còn lưu giữ. Sự hi sinh của Lâm gia vì đất nước, họ vẫn chưa quên; con cháu họ, chúng cũng được dạy phải ghi nhớ...