Chương 71: Phối hợp phát triển kinh tế (1)
Thất bại trong cuộc đi biển đầu tiên không làm Kiệt nản chí, vì những gì đã học được trong sách vở, mạng mẽo ở thế giới cũ đá cho cậu biết tương lai của ngành nghề này sẽ phát triển rực rỡ thế nào. Vấn đề là Kiệt phải khắc phục được yếu điểm của mình: vốn điều động được ít và ngắn hạn, mạng lưới giao thương ít, không được hoan nghênh ở nơi chuẩn bị tới buôn bán; thì mọi thứ mới tốt lên được.
Nhưng những việc đó tạm thời Kiệt sẽ không thể để tâm tới, vì cậu có vấn đề khác phải quan tâm hơn: chi tiêu số tiền lãi cậu kiếm được từ chuyến buôn bán lần này. Số tiền kiếm được lần này là vào khoảng 5000 lạng vàng, nghe thì có vẻ lớn nhưng chỉ cần vào phòng họp, nghe các quan chức của các bộ ngành xin tiền một lúc thôi là ong hết cả thủ rồi. Các cụ nói cấm có sai: tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.
- Bệ hạ, ngân sách dành cho việc làm đường xá giao thông đã cạn, mà chúng ta vẫn còn rất nhiều con đường lớn, phục vụ giao thông chưa hoàn thành, chúng thần đề nghị tăng ngân sách.
- Việc thực hành đồn điền và hợp tác xã diễn ra hết sức thuận lợi, nhưng vì ta vẫn đang miễn thuế cho dân vừa làm, thuế nông nghiệp hầu như không có, lại phải chi tiêu cho công tác thủy lợi, trả lương cán bộ,… Chúng thần đề nghị mở thêm ngân sách.
- Các công xưởng của ta bắt đầu mở rộng, nhưng họ Bùi chưa kịp giải ngân, thần nghĩ Bộ Công Nghiệp cần gấp hơn.
- Bộ Quốc Phòng đang đẩy mạnh chế tạo vũ khí, phải đầu tư vào máy móc và tăng thêm công nhân, …
-…
Hoàng Anh Kiệt bí quá, đầu cứ nóng bừng bừng như sắp vỡ, tai thì lùng bùng vì ô nhiễm tiếng ồn. Việc này không trách họ được, bởi trách nhiệm và nghĩa vụ của các vị này là làm sao đảm bảo công tác của mình có tiến triển, mà muốn thế họ cũng cần tiền đầu tư ban đầu. Song nguồn tiền thu vào lần này có hạn, lại chưa chắc đã có lần tiếp theo, nên Kiệt phải cân nhắc cẩn thận.
- Các vị, tiền lần này tuy nhiều nhưng việc phân bố ta cũng chưa thể thông suốt, hơn nữa số tiền này kiếm được cũng khá ngẫu nhiên, khó có thể có lần sau, nên ta muốn dùng số tiền này thật cẩn thận. Những điều các vị nói, ta chưa hiểu sau, muốn quyết định cũng khó khăn. Bây giờ mọi người hãy về chỗ làm, soạn thảo một bản kế hoạch đầy đủ về việc định làm mà cần chi tiền gấp, từ khâu chuẩn bị tới khâu hoàn công, rồi tiền đồ dự án, ta sẽ cùng các quân sư, tham mưu xét duyệt.
Câu trả lời tuy không khiến các quan chức này thỏa lòng, nhưng họ cũng không lấy làm thất vọng, ít nhất vẫn có cơ hội. Các Bộ Trưởng vội vàng quay về cùng nhân viên chuẩn bị xây dựng kế hoạch. Còn Hoàng Anh Kiệt thì đi gặp Chu Xuân Đạo. Tình hình bên trong thế là tạm ổn, nhưng tình hình bên ngoài thế nào thì cậu đang mù tịt.
Gọi là tình hình bên ngoài cho oai, chứ thực ra là thông tin tình báo thu thập được về Trần Khảng mà thôi. Thông tin này bình thường thi do Chu Xuân Đạo xử lý, nếu có gì thì báo cho Bộ Quốc Phòng và Bộ Nội Vụ đề phòng, hoặc không thì báo lên cho Võ Tông Khải để kịp hành động. Dẫu vậy, Kiệt vẫn muốn nắm bắt phần nào tình hình, không phải vì cậu không tin vào lòng trung thành của Võ Tông Khải hay các thành viên cao cấp trong chính quyền, mà Kiệt mong rằng bằng kiến thức đã tích lũy được ở thế giới cũ, cậu ta có thể đưa thêm được ra những kiến nghị mang tính đột phá hơn. Cũng vì thế Kiệt không giấu diễm gì với các tham mưu, Bộ Trưởng, tướng lĩnh và võ Tông Khải khi cậu ta đi nghe báo cáo của Chu Xuân Đạo.
Tên gián điệp Mai Văn Thanh- tên liều mạng của Bất Lương Nhân đã bị Võ Tông Khải thao túng, mua chuộc (xem lại từ chương 45 nếu muốn biết rõ) chính là kẻ đưa tin tức về. Đống tin tức này sau đó còn được Chu Xuân Đạo tóm tắt sao cho đủ mà ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, giúp Kiệt hiểu được tình hình của nhưng đối thủ hiện tại của cậu ta: cha con Lee Dea Si, Trần Khảng.
Với sự tài trí, liều lĩnh sẵn có của bản thân cộng thêm nhưng sự ủng hộ của chính quyền Hồng Bàng về người, của và quan hệ, Mai Văn Thanh thăng tiến vù vù, giúp y leo cao hơn trong hàng ngũ Bất Lương Nhân, cũng được tiếp xúc với các loại tin tức quan trọng, mật và có độ chính xác cao.
Theo những gì Mai Văn Thanh gửi về, Trần Khảng hiện đang gặp rắc rối lớn hơn cả Hoàng Anh Kiệt: việc đánh vào lực lượng của Thái Chí Phú hóa ra là một đon hỏng- quân của hắn đều là lũ không sợ chết, lại tham tài, ham chơi lười làm, … nên khi Trần Khảng đánh vào Thái Chí Phú cũng là chặt đường tài lộ của bọn chúng. Chặt đường kiếm tiền là ngang thù giết cha mẹ, lại gặp bọn máu liều nhiều hơn máu não, hai tên Phú Tăng An, Thái Chí Phú thấy lửa thêm tí gió, nên bọn Bất Lương Nhân bị giải tán kia đã tự phát hành động: đánh cướp, phá phách, đánh sai nha, làm loạn,… Dù rằng Trần Khảng đã cho quân đánh dẹp thì mọi thứ vẫn cực kỳ nghiêm trọng. Nhưng dẫu vậy, quân Hồng Bàng vẫn không có khả năng vươn tay ra mạn bắc thêm chút nào nữa cả, việc hợp tác làm ăn với Chợ Cá và hãng nước mắm Cá Vàng là cực hạn của quân Hồng Bàng.
Còn về phần cha con Lee Dea Si, mọi thứ vẫn tốt với họ, vì trọng điểm của họ là việc xây dựng hải quân cho Hoằng Hạo. Chính vì người họ phục vụ là Hoằng Hạo- một thế lực quá mạnh so với Kiệt, nên nguồn lực họ nhận được tất nhiên cũng nằm ngoài tầm phá hoại của Kiệt và quân Hồng Bàng. Hơn nữa do Lee Dea Si là dân Cao Câu Ly phải sang tỵ nạn, nương nhờ Hoằng Hạo chứ không phải ngụy quan theo quân Hoa, chưa từng phải dùng việc đàn áp đồng bào để lấy le với người Hoa, nên ông ta dễ dàng hợp tác với quân Hồng Bàng và quân Hồng Bàng cũng có tâm trạng thoải mái khi bàn việc hợp tác. Việc thuyền buôn cỡ lớn của Hoàng Anh Kiệt có thể ra vào cảng Phù Na lần này để bốc- dỡ hàng đi buôn sang Chiêm Thành chính là nhớ Lee Dea Si phối hợp, và ông ta cũng là một trong những người đóng cổ phần trong chuyến đi buôn.
Nghe xong phần tóm tắt của mọi người, Kiệt cùng ban tham mưu đều có sự nhất trí việc quân Hồng Bàng giờ đã trong tình thế nguy khốn nhất: chỉ đợi diệt vong. Không phải Kiệt các phụ tá bi quan, mà đây chính là sự thật mà cậu tổng kết ra từ lịch sử. Thứ nhất là quân Hồng Bàng đã, đang và sẽ luôn là cái gai trong mắt bất kì cánh quân trực thuộc vào Hoằng Hạo- bất kể trên danh nghĩa hoặc thực tế, vì quân Hồng Bàng lấy danh nghĩa là đòi lại giang sơn cho người Bách Việt, vậy nên kẻ họ phải diệt trước hết tất nhiên chính là Hoằng Hạo và bè lũ tay sai rồi. Nếu để quân Hồng Bàng lớn mạnh, thì dù họ có không thành công đi chăng nữa, việc các lực lượng như TRần Khảng hay Lee Dea Si phải chịu sự quấy rối, tấn công của quân Hồng Bàng sẽ là điều tất yếu, nhẹ thì mất tài sản tiền của, nặng thì bị bêu đầu, ai dám bỏ qua cho quân Hồng Bàng chứ. Thứ hai, quân của Lee Dea Si trực thuộc Hoằng Hạo, nên dù đang hòa hoãn, nhưng đó chỉ là tạm thời, và họ sẽ nhanh chóng trở giáo ngay khi quân Hồng Bàng có dấu hiệu lớn mạnh hơn một chút, nghĩa là quân Hồng Bàng mà có khả năng kiểm soát được mạn nam Châu Nam Bình thì quân của Lee Dea Si sẽ bắt đầu thành kẻ thù. Thứ ba, Trần Khảng sẽ sớm giành lại quyền kiểm soát tại mạn bắc Châu Nam Bình, đám lưu manh Bất Lương NHân không đủ trình đấu lại một hệ thống quân sự- chính trị- tài chính đang hoàn toàn bị TRần Khảng nắm giữ. Một khi đám kia bị tiêu diệt hoàn toàn thì quân Hồng Bàng sẽ lại phải đương đầu với cuộc chiến mới với quân Nam Bình. Lần này, quân Hồng Bàng sẽ càng khó khăn hơn, khi mà thương vong lần trước đã khiến người dân của họ lo lắng, sợ hãi và chán ghét chiến tranh.