Chương 297: Đại chiến Trấn Hoài Nhân (6)

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 297: Đại chiến Trấn Hoài Nhân (6)

Chương 297: Đại chiến Trấn Hoài Nhân (6)


Quyển III: Cao Nguyên Sắc Máu
Chương 61: Đại chiến Trấn Hoài Nhân (6)

Quân lương bị đốt cháy, tuy vẫn có thể gom góp thêm một đám, nhưng sẽ cần thời gian, chưa kể sĩ khí tất sẽ sa sút, quân sĩ e khó một lòng chiến đấu. Các tướng lĩnh cũng có phần e ngại trước thủy quân đối phương có vũ khí kỳ lạ rồi kỵ binh địch quá cơ động... Theo nhiều tướng lĩnh, trận chiến này không còn dễ như họ tưởng, và việc tiếp tục chiến đấu là không nên, thay vào đó, nên tìm hướng đột phá khác, như là hướng tây chả hạn.

- Mạt tướng nghĩ ta nên thử bắt chước lấn đánh trấn Nam Bàn, dụ cho người dân miền cao nổi loạn, đánh phá, thì địch rối loạn hậu phương, ta khi đó sẽ dễ đánh hơn!

- Khó đấy! Sau khi tướng quân Shiha Mala chơi dân Nam Bàn một vố, danh tiếng chẳng còn mà xú danh lan khắp! Nghe bảo đã định chiêu mộ quân Pơtao Lia và Pơtao Anui mà có được đâu!

Haman không nói câu nào, nhìn chư tướng bại trận, lòng dạ rối bời mà còn lòng dạ đấu đá và đổ lỗi, ông ta thực hiểu ý của thầy mình, tể tướng Kosem. Khi chuẩn bị có lệnh xuất quân, thầy ông đã gọi Haman lại mà hỏi

- Lần này trò mang quân đi đánh, địch ta mạnh yếu thế nào, đã nắm rõ chưa?

- Thưa thầy, về ta, thì quân ta mạnh về thủy quân, tượng binh, yếu về cung tiễn, không có kỵ binh, trong khi địch cung tiễn mạnh, có kỵ binh,....

- Như vậy là anh mới chỉ thấy được cái bề mặt.- Tể tướng Kosem cười khẩy

- Xin thầy chỉ lỗi!- Haman vội khom lưng chắp tay hỏi kế thầy mình

- Nước ta sau trận chiến giữ nước cách đây hơn 20 năm vô cùng kiệt quệ, còn động binh là mất nước, ta vì thế thường dùng phép ngoại giao để giữ gìn nước nhà, thành ra nước ta ít chiến tranh. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mới bắt đầu động binh trở lại, nhưng cũng chỉ là những trận chiến làng nhàng. Ít chiến tranh nên binh lười tướng kiêu, đánh trận ít kinh nghiệm, nếu như vạn sự thông thuận thì không nói, gặp điều cản trở thì tự nhiên co đầu rụt cổ. Khi Shiha Mala chạy trốn, bỏ đồng minh Nam Bàn, ta không trách nặng cũng là vì thế. Lần này ta để anh kéo quân đi, nếu có thể thắng, là không gì bằng, nhược mà thua, thì anh cũng chỉ cần không nản lòng thoái chí, gắng sức mà đốc quân chiến đấu kiên cường, từ trong chiến trận này luyện quân quen với chiến đấu, lại đoán chọn được kẻ nanh vuốt, bậc tài năng, thì chuyến này đã là không tệ. Theo ta tính, nước ta sắp tới khó lòng bình an, Nam Giao Đô Ty đã chỉ kiếm về nam, nếu không sớm đào tạo một đám tinh binh hãn tướng, tương lai nhất định khó lường.

- Tướng quân Haman!- Đột nhiên, có người vỗ vai Haman, hóa ra ông nhập tâm nhớ lại lời thầy nên nãy giờ lặng thinh không nói gì, chư tướng cãi cọ chán chê. Haman ho hắng để các tướng im lặng, sau đó chỉ đạo các tướng trước tiên tăng cường phòng thủ, tránh địch sĩ khí lên cao, tiếp tục tấn công vào mở rộng thành tích. Nếu có thể thủ vững tầm chục ngày, khiến sĩ khí địch tiêu tán, vừa lúc hậu phương vận lương tới, sẽ có thể bắt đầu phản kích lại. Không ai dám nói gì, quyết định như vậy kể ra là hợp lý rồi.

Thậm chí, ngay đêm đó, rất nhiều phu phen được điều động trong đêm, gia cố hệ thống phòng thủ, bất chấp mệt mỏi. Tới sáng tinh mơ, quả nhiên quân Hoài Nhân bắt đầu tổ chức tấn công, nếu không có công sự làm gấp trong đêm, có thể hôm nay quân Vitariji đã chịu thêm nhiều thiệt hại hơn. Đặng Toán thấy đối phương vừa thua một trận không nhẹ, quân lương bị đốt nhiều, vậy mà có thể trong đêm gia cố công sự, cũng là kẻ tướng tài, trận tấn công sáng nay có sự chuẩn bị chưa chu đáo, nên ra lệnh lui quân để củng cố.

- Tướng quân, địch hôm qua bị ta đốt lương, tự nhiên sĩ khí suy giảm, sao tướng quân vừa đánh đã ra lệnh lui binh.

- Địch tuy bị đốt lương, nhưng chưa mất hết lương thảo, lại sẽ sớm được tiếp tế, ta thấy vừa rồi công sự của địch chắc chắn hơn, nghĩa là ngay đêm qua gia cố thêm. Tuy thua một trận, lại có thể tổ chức gia cố phòng thủ trong đêm, tướng địch có tài chỉ huy, lại có uy tín thu lòng người, mà quyết tâm thủ của chúng cũng cao. Quân ta tuy thắng, sĩ khí có lên, nhưng nếu đánh lâu không thắng, thì còn nguy hơn là bại. Nếu để địch có cơ quật lại, thì là đại họa. Vì thế, ta quyết định trước tiên lui binh, chỉnh đốn, rồi đánh tiếp.

Đặng Toán răn dạy chư tướng, lệnh họ phải điều chỉnh tâm thái chiến đấu, phải coi trọng đối thủ, thông qua chiến đấu cẩn thận thăm dò điểm yếu, rồi một đòn trúng tử huyệt, giống như trận hôm qua, chứ tuyệt không được lao đầu vào đánh vô tội vạ. Đặng Toán dặn dò xong, cho các tướng thời gian chuẩn bị rồi chiều sẽ công tiếp. Đặng Lượng trầm ngâm một hồi, liền đi theo cha, cho rằng chư tướng có phần bị chiến thắng làm mất sự cẩn trọng, đáng lẽ ông nên nghiêm khắc hơn.

- Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, đợi khi có chuyện thì tự khắc chúng sẽ biết cả.- Đặng Toán lắc đầu, rồi quay sáng chỗ Đặng Lượng, căn dặn hắn một phen. Đặng Toán biết rõ, nếu chư tướng không nghe lời mà ăn quả đắng, Lượng chịu nghe mà có thành quả, thì mọi thứ mới càng hay. Đặng Lượng cũng biết thế, dốc hết tâm sức, cùng cha thảo luận việc chiến đấu lúc chiều, từ bày binh bố trận cho tới phương thức tác chiến. Đặng Lượng không chỉ hỏi rồi để đấy, đi về cũng bắt tay vào chuẩn bị ngay.

Đúng như Đặng Toán nghĩ, cuộc tấn công lúc chiều, quân Hoài Nhân sau chút hăng máu ban đầu, dần dần bị hệ thống phòng ngự của quân Vitariji bào mòn thể lực, không những không thể tiến sâu, mà còn giống như rơi vào đầm lầy bị vây hãm, tiến lùi không xong, phải phơi người chịu trận, kết quả tới khi lui về cũng phải chịu hao binh tổn tướng. Chỉ có cánh quân của Đặng Lượng là có chuẩn bị tốt hơn cả, tuy chưa phá được trại giặc, vẫn tiến lùi thong dong, bảo toàn quân số lui về. Chư tướng lúc này hết sức xấu hổ, đành tới trước mặt Đặng Toán nhận sai, ông ta cũng không tính toán, chỉ căn dặn phải chú ý. Dù vậy, cái thế đã mất, những ngày sau, hai bên chỉ có đánh qua đánh lại ở thế hòa...................................................

Chiến trường Vitaraji- Hoài Nhân ở thế hòa, thì chiến trường thành Đại Định, quân Hiên Giáo đã thất thế và đang phải tháo lui khỏi thành. Vốn dĩ Phạm Thời Trực đã có kế diệt Hiên Giáo, theo đó là định dụ cho Hiên Giáo với bên mình quyết chiến, sau đó trận tiền bắn hạ giáo chủ Lijutoja, khiến đối phương xuống tinh thần. Phạm Thời Trực cam đoan có thể làm được, xạ nghệ của hắn rất khá, biểu diễn trước mặt quan tổng trấn một phen, mũi tên bắn trúng tâm bia, trên vẽ khuôn mặt Lijutoja. Vốn căm hận Lijutoja lừa gạt bản thân, Lữ Liêm chọn kế hoạch này.

Quân Hoài Nhân ở thành Đại Định chiến đấu nửa vời, lúc thì ào lên, xong không đánh giết tới cùng, chỉ ép đối phương tới nỗi tưởng vỡ. Làm như vậy, tới khi giáo chủ Lijutoja xuất hiện, sĩ khí quân Hiên Giáo lên cao một chút, thì Phạm Thời Trực sẽ để quân mình thả ra một chút, cho đối phương có cơ hội phản kích lại. Cứ thế, hắn tạo giả tượng giáo chủ Lijutoja xuất trận, quân Hiên Giáo vực được tinh thần và có thể chuyển bại thành thắng vậy. Đến nỗi, Amira cũng bắt đầu chuẩn bị một kế hoạch chiến đấu, trong đó Hiên Giáo sẽ dùng sức mạnh tinh thần quật cường khi được giáo chủ Lijutoja xuất trận cùng, từ đó cầm chân quân Hoài Nhân, trong khi đội tượng binh từ Pơtao Lia và Pơtao Anui có thể đột phá.

Đây quả là chui đầu vào rọ, bởi một khi Lijutoja bị Phạm Thời Trực giết giữa trận tiền, quân Hiên Giáo khác gì ba ba trong rọ. Còn may trời thương Hiên Giáo, Trương Văn So, với thân phận riêng, không muốn Hiên Giáo tiêu vong, đã ngăn cản điều này.

Trương Văn So cho rằng, giết Lijutoja giữa trận tiền thực có thể đánh quân Hiên Giáo tan tác, nhưng Hiên Giáo 20 năm truyền đạo, giáo chúng đông đảo, nếu giáo chủ chết, toàn thế giáo dân bi phẫn làm loạn, thì e không dễ dàng. Thậm chí nếu có kẻ ám sát đại nhân trả thù thì sao? Trương Văn So lấy tích thích khách Dự Nhượng định trả thù cho Trí Bá Dao (Tuân Dao) ra để khuyên. Lữ Liêm cũng biết giáo dân ngu muội, ai biết được liệu có kẻ vì giáo chủ mà làm liều hay không. Cuối cùng, lòng sợ chết lấn át nỗi hận thù, Lữ Liêm liền đồng ý.

Nhân tin tức thắng lợi mà Đặng Toán truyền về, Trương Văn So đem tin này loan ra. Sau dó ông ta tự thân đi gặp gỡ bên Hiên Giáo, đề nghị việc hòa đàm. Trước mặt cao tầng Hiên Giáo, Trương Văn So lý luận, việc quân Hoài Nhân do tướng Đặng Toán chỉ huy thâm nhập và phá hủy kho lương sẽ khiến quân Vitariji thiếu lương. Có câu đại quân chưa động lương thảo phải đi trước, giờ mất lương, nặng thì thu binh, nhẹ cũng án binh bất động.

- Các người đánh bao lâu này, dựa vào liều lĩnh cũng coi như giữ được mảnh đất dưới chân, nhưng liều mãi được sao?

Lời của Trương Văn So nói không sai, dùng số đông liều chết, có thể tạo được chút chiến quả, song khó lâu dài, hơn nữa những người đó đều là những giáo chúng trung thành nhất, mất sạch rồi, những người khác độ trung thành không bằng, nếu như chiến quả không cải thiện, nhẹ thì ly giáo, nặng thì quay giáo giữa chừng. Amira nghe báo lại, đường lên chiến khu tuy mới được một nửa, nhưng thà vậy còn hơn không, chấp nhận hòa giải, Hiên Giáo chuyển đi khỏi thành Đại Định, rút lên chiến khu, quân Hoài nhân không truy kích, đổi lại Hiên Giáo sẽ triệu tập những tín đồ trung thành lên cùng, đảm bảo không phá hoại Trấn Hoài Nhân. Từ nay, hai bên nước sông không phạm nước giếng.