Chương 141: Hồ Suối Hai
Cuối năm, bọn gia nhân ở Hầu phủ đứa nào cũng muốn về trang viên. Đứa về rồi, kể cho đứa chưa về nghe khiến cho chúng háo hức. Tuy rằng chúng sống ở Tây Sơn Hầu Phủ đã là thoải mái nhất kinh thành rồi.
Người thành Thăng Long làm gia nhân cho người ta thì có ai không mong được tới Sơn Tây Hầu Phủ, nghe nói nhà bọn họ xa hoa nhất kinh thành. Ngày cho gia nhân ăn ba bữa, tiền thưởng đầy đủ. Còn nghe nói nha hoàn trong nhà làm vỡ món đồ quý cũng không bị đánh đòn, chỉ bị quản gia gõ đầu, nói "Lóng nga lóng ngóng, lần sau phải nhớ". Nếu là nhà người khác sớm mất nửa cái mạng rồi.
Mỗi tháng những đứa có gia đình còn có bốn ngày được về nhà thăm cha mẹ, riêng điều này thôi đã khiến nha nhân nhà khác hâm mộ hoa mắt, quanh năm suốt tháng bị quý tộc coi như trâu ngựa, trừ cha mẹ ở ngoài cửa có thể cách đại môn nhìn con mình từ xa, muốn quang minh chính đại về nhà thì nằm mơ đi.
Chỉ có Sơn Tây Hầu Phủ dùng xe ngựa đưa nha hoàn phó dịch nghỉ luân phiên về nhà, Thăng Long mà có nha hoàn được một mình ra ngoài đi chơi, vậy nhất định là của Sơn Tây Hầu Phủ, quân tuần thành trên đường hỏi một câu: "Người Sơn Tây Hầu Phủ à?" Chỉ cần nha hoàn lấy yêu bài bằng gỗ, trên có hình cây Bách, quân tuần thành sẽ không quản tới nữa, tùy ngươi đi đâu thì đi.
Nhiều công tử ca kinh thành rất bất mãn với tên Hầu gia này. Có gì giỏi giang đâu, chỉ là lọt vào mắt xanh của Trưởng công chúa. May mắn hiến giống lúa quý, không biết còn lấy đâu mấy loại cây kỳ lạ ở phương xa nên được Thượng hoàng ưu ái. Đúng là số chó má, ta nếu tìm được từ bọn thương nhân mấy loại cây như vậy, có phải cũng hiến cho triều đình hay không? Nghe nói công chúa mang theo hồi môn vạn quan về nhà chồng.
Đám thái học sinh thì càng ghét hơn. Nghe nói tên này là loại cờ bạc, đứng sau cái quỹ kiến thiết quốc gia, thu lợi bất chính không biết bao nhiêu tiền. Hắn còn may mắn giải được một hộp khoá nên được thần toán tiên tử để ý, hái đi bông hoa đẹp, làm cho nhân thần công phẫn. Thần toán tiên tử này cũng là người bất phàm, mang về cho hầu phủ số hồi môn còn gấp đôi công chúa.
Bản thân tên này đúng là loại bất học vô thuật, nghe bọn trong phủ nói chữ hắn viết ra, dặn gia nhân xem xong phải đốt ngay, sợ để người khác nhìn thấy. Nhưng nhìn nhà hắn xem, đúng là số con lợn. Cái Hầu phủ kia không biết làm những gì, tiền tiêu như nước. Thú ăn chơi ở Kinh Thành đều từ nhà hắn mà ra cả. Nào là món ăn ngon nhất, quần áo đẹp nhất. Trong nhà kỳ hoa dị thảo không thiếu thứ gì. Thỉnh thoảng còn mời đoàn hát về tận nhà, mà không hiểu hắn hát hò những gì, chỉ mấy hôm là điệu hát mới lại từ Hầu phủ đi ra, ngôn từ ô uế, nhưng bọn trai gái chim chuột thì thích nghe lắm.
Ở đời dễ dãi sẽ sinh ra bất tuân. Ai đi qua cũng nói cái phủ này đã có chút luông tuồng rồi, ngự hạ có vấn đề, có đứa con hầu đang cự cãi với quản sự trong nhà để được về Trang viên. Hoàng Thông đi qua thấy như vậy, nẹt:
- Ngươi im miệng ngay. Hầu phủ cần có đứa ở lại trông nhà. Về hết thì lấy đâu người. Năm nay các ngươi ở lại, năm sau sẽ được về trang viên. "Nhờn chó, chó liếm mắt". Có muốn ta tống cổ đi không?
Con hầu nghe thế, sợ hại không dám cãi nữa, mắt ầng ậc nước. "Chỉ là nó muốn về trang viên mà lú hết đầu óc"
Hôm nay đã gần tất niên, đứa có nhà cửa đã được nhận tiền thưởng về thăm quê rồi. Đứa có văn tự bán mình, bơ vơ không có nơi nương tựa ở lại. Đến tám phần là về trang viên. Hoàng Thông đang đưa nốt chúng để kịp ăn bữa cơm tất niên của Hầu phủ.
Lão về đến trang viên, lòng mừng khấp khởi. Năm nay kế toán Đinh tán đã tổng hợp lại việc làm ăn, thu lợi từ quỹ kiến thiết, từ xưởng in ấn, từ tô thuế của Hầu phủ bắt đầu có chiều hướng đi lên. Hơn nữa có vốn liếng từ hồi môn của chính phòng, nhị phòng, hầu phủ còn mở rộng thêm kinh doanh các mặt hàng sắt, lại thêm cổ phần tiệm ăn của Đinh gia. Đều là các khoản thu không nhỏ. Lão là quản sự chính, thấy từ khi từ Vương phủ chuyển sang đây, trong cái rủi có cái may. Chỉ là Hầu gia tiêu tiền khiếp quá, có những khoản cực lớn biến đi đâu mất mà không thu về được đồng nào. Hay Hầu gia đi đánh bạc …? Thôi kệ, người có tiền mà, người ta làm gì kệ người ta … mình yên thân, thu nhập cao là được.
Hoàng Thông đã xin Hầu gia cho về trang viên khai hoang một diện tích đất. Giờ lão mới thấy mình đúng đắn. Trang viên đang dần trở thành một nơi truyền kỳ của Đại Việt. Lão nghe dân Kinh Thành nói, Thượng Hoàng nhận được quà tết của Hầu gia. Long nhan vui vẻ suốt từ hôm đấy. Bọn sứ giả các nước và thổ quan biên viễn về chầu, thế nào cũng phải dẫn chúng đi khoe thứ cây ngũ quả kia. Lão cười mỉa, thứ mà Kinh Thành cho là trân quý, giờ bọn trẻ con trang viên đang chạy quanh gốc cây, có đứa lỡ làm rơi mất một, hai quả ghép cũng chỉ bị trưởng bối mắng mỏ vài câu, chúng còn bĩu môi chửi cây này học sinh nông nghiệp nào ghép kém thế, chưa đạt yêu cầu. Ở Trang Viên Cát Tường chỉ cần chăm chỉ, không lo chết đói, đấy đã thành câu nói cửa miệng …
Lão hiện nay giờ khắc đều muốn về ngôi nhà nhỏ tường đá ong ngói đỏ của mình ở Trang Viên. Lão đã đưa đích tôn của mình khóc lóc cầu xin bằng được hầu gia cho học ban kinh tài. Lão thấy nó đi học ngót nửa năm, tính toán đã có biểu hiện vượt cả mình, hơn nữa lão thấy thằng nhóc 13 tuổi này không còn giống xưa nữa. Nó nhìn đời rất khác, "Nói thế nào nhỉ?". Có cảm giác nó nhìn mọi thứ đều hận không bán đi được để kiếm lợi. Lão vừa mừng vừa lo, có lần bẽn lẽn hỏi hầu gia như thế có sao không. Hầu gia quay ra bảo lão:
- Làm thương gia phải có gan bán cả thiên hạ, nếu không thì làm thương gia làm gì? Chỉ có điều phải dạy nó, nó bán thiên hạ vì mục đích gì, nếu bán để tư lợi cá nhân thì không được, nhưng bán vì ưu quốc thì nhất định có thể bán.
Lão nghe thế giật cả mình, sợ hãi cứng đơ người, từ đó không dám hỏi gì chuyện học hành ở học phủ nữa.
Tiệc tất niên của Trang viên ngày càng quy mô. Năm ngoái hơn chục bàn, năm nay đã mấy chục bàn rồi. Hoàng Thông bần thần, điều này thể hiện nhân khẩu càng ngày càng tăng. Giờ Cao gia ở Trang viên đã thành người nhà. Tuy thế Cao lão cũng vẫn giữ ý. Lão nói gốc gác người Cao gia chính ở Thiên Trường, nhưng khi xưa ẩn cư, Thiên Trường thành tổ miếu của nhà Trần, lão không muốn tu sửa Cao gia dềnh dang làm gì, tránh hiềm khích không đáng có. Mỗi năm chỉ sai người về nhà cũ quét dọn thắp hương. Từ đây đều ở lại Trang viên làm chốn dung thân. Bách nghe vậy thì cười mừng, muốn Cao lão thành trưởng bối trong nhà luôn, coi Điền Công và Dương Thị như bá phụ còn mình xưng huynh gọi đệ với Trường Cung, từ đấy không có tỵ hiềm gì cả.
Cao lão khai tiệc, cầm chén rượu lên mời mọi người. Hắng giọng:
- Năm nay, sau khi kết thúc vụ mùa, trang viên tiếp tục thay đổi kế hoạch sản xuất theo cách mà Hầu gia nói. Chính là công thức luân canh 2 lúa 1 màu, lại có chỗ 2 lúa sau đó vụ đông trồng ngô và khoai tây. Sản lượng trung bình của lúa đã lên đến 20 thạch một mẫu. Như vậy, không kể hoa màu một năm 2 vụ lúa thì một mẫu đất trang viên thu được 40 thạch lúa.
- Hôm trước, ta lại đi thăm ruộng ngô và khoai tây đang trồng vụ đông, thấy cây sinh trưởng tốt. Hầu gia nói có thể thu thêm được khoảng 20 thạch một mẫu nữa.
- 60 thạch lương một mẫu đất một năm. Đây là sản lượng chưa từng có trước đây. Ta từ bé theo cha đi khắp Đại Việt, cũng chưa bao giờ nghe nói có vùng nào được như thế. Để làm được những việc này, đều do tài trí của hầu gia, do các ngươi chăm chỉ việc nông sự. Hôm nay đã đến cuỗi năm, ta có mời các bậc cao niên trong làng trong xã đến. Lại mời tất cả quản sự của Hầu phủ các nơi về để chúng ta cùng vui chung niềm vui của quốc gia, dân tộc. Mời mọi người cạn chén!
- Kính mời Cao lão!
Mọi người ngửa đầu uống cạn, lại vui vẻ chúc mừng nhau, ai ai cũng bừng bừng khí thế. Rượu được vài tuần, lý trưởng trong làng đứng dậy.
- Hội làng ta chính là ngày kỵ của Bố Cái Đại Vương, nhưng từ năm năm trước xảy ra chiến loạn đã không tổ chức được rồi. Năm nay thóc lúa đầy bồ, lại dùng lúa, ngô, khoai tây giống đổi được rất nhiều lương thực từ nơi khác. Phải tổ chức cho ra trò, vậy mời Hầu gia và Cao lão cho phép để làng còn chuẩn bị.
Cao lão vuốt râu:
- Hội làng vào lúc nào?
- Ngày kỵ của Đại Vương là ngày mùng tám tháng Giêng.
- Vậy còn có chục ngày nữa, vậy thì không có gì gấp gáp. Các ông cứ theo lệ làng mà làm. Năm nay Hầu gia sẽ đến tế Bố Cái Đại Vương, những phí tổn lễ nghi sẽ do Hầu phủ chi trả. Người làng cứ mặc sức mà vui chơi. Nhưng tuyệt đối không được để trai tráng bê tha đến quá Nguyên Tiêu. Các ông cứ liệu mà làm …
- Chúng tôi xin vâng.
Bách lúc này quay sang:
- Tiện đây ta có việc bàn với các ông.
- Xin Hầu gia cứ dạy bảo.
Bách đứng lên, nhìn các bô lão nghiêm túc nói:
- Năm nay sản xuất của chúng ta có nhiều biến chuyển, sản lượng tăng cao. Nhưng không thể vì thế mà ngủ quên trên chiến thắng được. Ta đã khảo sát quanh vùng, thấy rằng vấn đề tưới tiêu của chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nước trời. Lại thấy giữa núi Ba Vì và hai sông có một khu vực đồng trũng, không canh tác được. Ta muốn bàn với các ông, năm nay ra xuân, nhân lúc nông nhàn thì huy động trai tráng đến chỗ này. Đầu tiên là nạo vét lại kênh mương, sau đó đắp đê, kè lại các chỗ xung yếu. Ta sẽ cho công nhân công bộ và kỹ sư ở học phủ thiết kế hệ thống cống chảy và kênh dẫn. Từ đấy mùa mưa chúng ta trữ nước từ suối chảy trên Ba Vì xuống, đến khi khô hạn thì tháo cống dẫn nước về ruộng đồng của trang viên. Các ông thấy thế nào?
- Được như lời Hầu gia thì có lợi trăm bề, chúng tôi đồng ý góp sức.
- Tốt lắm, hồ này dẫn nước từ suối trên Bà Vì chảy xuống, ta sẽ lấy làm tên gọi luôn, gọi là hồ suối Hai. Các ngươi đồng ý không?
- Đồng ý! Đồng ý …
Mọi người hồ hởi đáp ứng …
Bách lại tiếp lời:
- Hồ này theo ta tính toán cũng không hề nhỏ đâu. Hàng năm sẽ thả các loại cá ngon xuống đây. Cũng sẽ trở thành thắng cảnh, là chỗ thu lợi chung của cả làng.
Bô lão xung quanh lại cười vang.