Chương 140: Giải bàn tay vàng

Đông A Nông Sự

Chương 140: Giải bàn tay vàng

Chương 140: Giải bàn tay vàng

Lại qua một lúc, Bách lúc này tiếp nhận mấy chục chén rượu từ học sinh nông nghiệp, đã ngà ngà say, đứng lên nói:
- Ta vốn là lão sư ban Nông nghiệp, trước đây mấy tháng đã ra một bài tập về kỹ thuật chiết ghép cây trồng. Hôm nay đã đến lúc nhờ mọi người đánh giá kết quả bài tập này. Qua vòng tuyển chọn đã lựa ra 5 cây xuất sắc nhất từ sinh viên của ta, đã mang từ trang viên lên đây để nhờ mọi người.

Lại quay sang nhìn một cái, Hùng Tam lại gần thềm đá phất tay. Không biết hắn làm cách gì mà 5 tấm vải điều phủ ở trên đều bay mất. Mọi người định thần nhìn lại thì ra là 5 cây trồng cực đẹp được đánh vào bồn gốm. Bách tự hào:

- Đây gọi là cây Ngũ quả, là năm loại hoa quả được ghép để ra quả trên cùng một gốc cây. Đợt vừa rồi có trăm người tham gia. Đa số ghép được ba thứ quả bưởi, chanh và cam trên một gốc bưởi. Có hơn chục người ghép được 4 loại bưởi, chanh và cam và thêm quả quýt. Chỉ có năm người ghép được ngũ quả, thêm quả phật thủ nữa.

- Đây là một kỹ thuật rất khó trong nông nghiệp, đỏi hỏi nắm vững thời gian sinh trưởng của tất cả các loại cây, kỹ thuật ghép cao siêu và kỹ thuật chăm bón sau ghép tỉ mỉ. Những học sinh nông nghiệp đều làm ta rất hài lòng. Duy chỉ có việc chọn ra một người giỏi nhất để trao tặng danh hiệu "Bàn tay vàng" năm nay là ta băn khoăn không quyết được. Đành mang ra đây để mọi người bình phẩm.

Lúc này mọi người đều đã tập trung quanh năm cây ngũ quả. Những người đã đến trang viên thì tấm tắc, ai mới nhìn thấy lần đầu thì thiếu điều lồi cả mắt. Có đứa mạnh dạn sờ sờ mó mó vào, lại bị đánh vào tay. "Thứ này sờ vào rụng mất thì ngươi đền nổi không?"

Qua một loạt bình phẩm, mọi người tuy có một số ý kiến khác nhưng cơ bản thống nhất cây số 3 là đẹp nhất. Không kể đến việc ghép rất khéo, các loại quả đều sinh trưởng tốt, còn nắm vững kỹ thuật tạo thế, làm cho cây này có nét cổ kính.

Bách thấy mọi người thống nhất được, lúc này quay sang năm học sinh đang đứng xếp hàng:

- Các ngươi không có ý kiến gì chứ?

- Lão sư không gắn tên họ, chỉ ghi thứ tự. Mọi người của các ban đều công tâm bình phẩm, bọn học sinh sao dám có ý gì.

- Tốt lắm, vậy kết quả đã rõ. Cây số ba được đánh giá cao hơn cả, người dành được "Bàn tay vàng" của ban nông nghiệp năm nay chính là A Quý. A Quý được phần thưởng là 10 quan tiền. Kèm theo đó có một kim bài của học phủ. Kim bài này ngoài để vinh danh, có một ý nghĩa thiết thực hơn. Đó chính là ai sở hữu kim bài, có thể đề nghị với học phủ một việc, chỉ cần chúng ta làm được, những việc các ngươi yêu cầu không phải thương thiên hại lý. Sẽ đều gắng công giúp đỡ các ngươi toại nguyện.

- Ngoài ra cây của A Quý sẽ được ta mang vào cung dâng lên Thượng hoàng để làm quà tết cuả học phủ, các ngươi thấy có được không?

Bọn học sinh rào rào hoan hô. A Quý thì mặt đã đỏ bừng, "đây là vinh dự bực nào chứ?"

Bách đưa vào tay A Quý một tấm kim bài, trong kim bài khắc hình hai bông lúa uốn xung quanh, ở giữa là hình búa liềm bắt chéo nổi trên trang sách. A Quý say mê ngắm nhìn kim bài. Lại quay sang hỏi Bách:

- Có phải học sinh yêu cầu gì cũng được?

- Chỉ cần trong phạm vi học phủ giúp được, không phải việc hại người lợi ta thì sẽ giúp ngươi.

- Đa tạ các vị lão sư, học sinh cảm kích không để đâu cho hết.

Bách lại quay sang chỗ các học sinh khác:

- Năm nay học sinh ban nông nghiệp đi học sớm nên mới chỉ trao giải này cho chúng. Các ngươi đừng vì thế mà nản lòng. Từ năm sau, cứ đến cuối năm sẽ xét trao giải này một lần, tất cả các ban đều có giải. Cứ gắng công học hành là luôn có cơ hội.

Đám học sinh đồng thanh:

- Xin nghe lời lão sư!

Hắn cầm chén rượu, lại nâng lên hướng về phía Trường Cung và lão Từ:

- Ta chia giải thưởng ra các ban cũng có một vấn đề lo lắng. Đấy chính là các ngươi vì giải thưởng này mà lại đề cao sự độc lập của các ban. Muốn phát triển bách nghệ không thể nào mạnh ban nào ban ấy tiến được. Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng nói cho các ngươi biết, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

- Ta, Từ lão sư và Trường Cung lão sư đã cùng nhau ra một chủ đề cho liên ban. Chủ đề này có tên là "Cơ giới hoá nông nghiệp". Các sinh viên ban nông nghiệp, cơ khí và khai mỏ ngồi lại với nhau, cùng nghiên cứu các máy móc để làm cho các quá trình canh tác được nhanh hơn. Việc này tất nhiên cần các ngươi có kỹ năng làm việc nhóm, không thể mạnh ai nấy làm được?

- Ta ví dụ thế này, chúng ta lên ý tưởng làm một dụng cụ gieo hạt tự động, hoặc làm một máy tách vỏ lúa, máy sấy hạt [1] … đều cần đến sắt thép, phải có ý kiến của ban khai mỏ, máy cấu tạo thế nào thì hợp lý, khoảng cách lỗ ra sao, sấy đến khi độ ẩm đạt bao nhiêu thì đủ … đều cần ý kiến của ban nông nghiệp. Ban cơ khí dựa vào đó vẽ bản vẽ, lên ý tưởng … ba bên ngồi lại chỉnh sửa thì hiệu quả mới đạt được. Cái này đòi hỏi các ngươi phối hợp phải nhịp nhàng giữa các ban. Chúng ta ba lão sư rất mong chờ các ngươi …

Nói đoạn khoác tay Trường Cung và lão Từ, ba người cụng chén rồi uống cạn.

Trần Uyên thấy ba người uống cạn, lại quay sang chỗ bọn học sinh in ấn:

- Các ban khác có chủ đề liên ban, ban in ấn chúng ta sao có thể không có được.

Lại với tay kéo Trường Cung và lão Từ về phía mình:

- Ta và hai lão sư cũng đã thống nhất chủ đề của chúng ta. "Cơ giới hoá ngành in". Các ngươi có làm được không?

Bọn học sinh in ấn vốn tưởng mình bị bỏ qua cuộc chơi. Đang ủ dột thì nghe Trần Uyên nói vậy, đổi giận làm vui.

- Bọn học sinh sẽ cố gắng hết sức.

Cao lão vuốt râu:

- Ban in ấn còn nhiều vấn đề để khai phá, cách in còn quá phức tạp, chất lượng bản in chưa cao. Các ngươi nghiên cứu cách chế bản in bằng sắt đi. Lão Từ sẽ giúp làm ra loại sắt, thép thích hợp. Còn những khâu chưa được cơ giới hoá, ban cơ khí cũng chung tay cùng các ngươi.

- Xin đa tạ Tế Tửu gợi ý.

Học sinh ban Kinh tài thấy còn trơ lại mình, không cam lòng nhìn sang chỗ Đinh lão. Đinh lão thấy cảnh này, mắng bọn chúng ngu ngốc:

- Ủ rũ cái gì? Các ngươi là người buôn bán mà cái đầu không nhanh nhẹn lên được à? Bọn chúng có làm đến rách giời, đến lúc những máy móc đấy không bán đi được. Chả phải sẽ lại đi cầu các ngươi sao. Học phủ không nuôi bọn ăn không ngồi rồi, những chủ đề kia cái đích cuối cùng là phát triển các sản phẩm ứng dụng thực tế, để có nguồn lợi lấy ngắn nuôi dài. Cho chúng nghiên cứu chán đi!

Bọn này vỡ lẽ, mặt tươi như hoa. Có đứa vỗ đầu tự chửi. Học sinh ban khác thì cười rộ lên.

[1] Cảm ơn Lehoang vì ý tưởng này