Chương 135: Minh tuyền tiểu lâu

Đông A Nông Sự

Chương 135: Minh tuyền tiểu lâu

Chương 135: Minh tuyền tiểu lâu

Điền Công chậm rãi:

- Ân Công, công trình này đã bắt đầu xây dựng rồi, cơ bản tính toán được tốc độ và hao phí. Trong này đã bao gồm mấy tiểu lâu kiểu mới bên sườn núi. May mắn là đá ong vùng này quá sẵn, vừa rẻ vừa đẹp, lại thêm những công cụ tời và ròng rọc của ngài nữa, đã đẩy nhanh tốc độ rất nhiều. Trước khi mùa đông đến cơ bản có thể vào ở.

- Không thể nào, chỉ riêng gia công gỗ đã tốn rất nhiều thời gian rồi.

Cao lão lúc này mới chậm rãi:

- Ân công nghĩ chúng ta là ai. Cao gia đã nhúng tay vào là phải kinh thiên động địa. Khi xưa nhà ta xây thành Cổ Loa, làm gì có con rùa nào giúp chứ, thiên hạ toàn đồn láo. Khởi đầu của tổ tiên Cao gia là xây cất nhà cửa thành quách, mỗi một quá trình đều nắm rõ, thời gian cần thiết cũng hiểu, nếu ngay cả chuyện này không tính ra, ta về lại Nhân Sơn cho rồi.

- Cao lão quá lời! Chỉ ta có chút vui mừng quá độ. Giờ háo hức muốn đi xem sao?

- Vậy chúng ta đi thôi.

Hắn theo Điền Công và Trường Cung dẫn đường theo đường lên núi. Đến một cổng đá cao lớn, phía trên đã được khắc bốn chữ "Bác Vật Học Phủ" uy nghi, bên cạnh có một hàng chữ nhỏ hơn, "Lập Thu Đệ Tứ Thiệu Long Nguyên Niên". Cổng đá uy nghi sừng sững, cao mười mấy trượng. Lại đi tiếp lên phía trên thì thấy công nhân đang rộn rã làm việc trên những con đường lớn hai bên sườn núi.

Lại đi tiếp thì bước vào một dãy nhà gỗ hai tầng, tường gạch đá ong màu vàng sậm. Các dãy nhà nối nhau, cứ năm căn nhà liền nhau thành một tổ hợp. Trường Cung chỉ tay:

- Đây chính là lớp học của các học sinh.

Cuối những dãy nhà là một căn lầu lớn, cao ba tầng, kiến trúc to lớn, năm gian hai trái. Đây có lẽ là nhà hiệu bộ của học phủ. Trước toà nhà này là một sân rộng, lát gach đỏ toàn bộ, xung quanh bày hàng dãy ghế đá nối dài.

- Đây là khu vực sân sinh hoạt chung.

Sau nhà hiệu bộ là từng dãy nhà xây theo lối nhà sàn nối tiếp nhau. Bên trên có vách gỗ kín, ở dưới để trống, đang cất chứa nhiều vật liệu xây dựng.

- Đây là nhà ở của học sinh, hiện nay cả học sinh và công nhân đều trú tại đây, phía dưới vốn thiết kế để học sinh tuỳ nghi sử dụng không gian chung, nhưng hiện nay đang để vật liệu xây dựng.

Lại đưa mọi người vòng ra đằng sau núi. Ở đây có một con đường lát đá uốn quanh. Đi ra phía sau thì Bách giật mình. Ở đây có hơn chục toà tiểu lâu đã xây dựng hoàn thành, chỉ là còn phần trang trí đang tiếp tục.

Bách và Cao lão vào thử một tiểu lâu, trong nhà gạch xây đá ong, nền nhà lát gỗ, một số bức tường quét vôi trắng toát, cửa sổ chạm trổ trang nhã, trên nóc lưu ly điếu đăng, trời vừa tối mà thắp lên thì cả nhà rực rỡ. Cao Điền Công nghĩ ra một cách rất hay, làm thêm một ống khói nhỏ để khói dầu thắp bị hút toàn bộ ra ngoài.

Đồ đạc trong nhà vô cùng đơn giản, để ở thì được nhưng để theo ý chủ nhân thì còn cần người trực tiếp đến góp ý. Nhưng dù là ai thì khi nhìn gian nhà tốt như vậy cũng yêu thích.

Đây chính là những tiểu lâu xây cho các lão sư của học phủ. Bách ra ngoài, định xem vị trí để chọn cho mình một tiểu lâu đẹp nhất. Nhìn đi nhìn lại thì thấy toà tiểu lâu số 5 là đẹp nhất, không gần không xa, lại tựa núi hướng sông. Bước ra phía ấy, chợt nghe Trường Cung nói:

- Ngươi định làm gì?

Ta đi chọn tiểu lâu, chẳng phải sau này sẽ do chúng ta vào ở sao?

- Ngươi chọn căn khác đi.

Bách trầm ngâm, nhất định có gì đó. Lại nhất quyết đi về phía đó. Căn tiểu lâu này bên ngoài không khác gì những căn khác. Chỉ là bước vào bên trong, từng thứ từng thứ đều khiến hắn há hốc mồm. Ghế mềm lông dê dày một tấc, ghế, đôn đóng toàn bằng Đàn Hương. Thảm chuyển từ Tây Vực, án kỷ hình dạng kỳ lạ, giường gỗ hoa văn tỉ mỉ bằng gỗ Ngọc Am có hương thơm, khi ngủ chẳng cần đốt trầm.

Hắn cay cú quay lại, thấy Trường Cung cười cười:

- Căn này đã làm xong nội thất, chính là làm để hiếu kính ông nội ta.

Cao lão bước vào, thấy căn tiểu lâu như vậy, vô cùng ưng ý. Nói luôn:

- Từ nay ta sẽ ở đây.

Bách ngậm ngùi lườm Trương Cung một cái, lại đi ra. "Không được, ta phải chọn một tiểu lâu khác, đẹp hơn mới được". Hắn lững thững đi lên lưng chừng núi. Đến một toà nhà, thấy nơi này núi xa, mây gần, lại có thác nước tuyệt đẹp. Sớm có thể ngắm mặt trời mọc, đêm có thể nghe minh tuyền, quả là độc nhất vô nhị, thế gian ít có.

Vừa mở cửa tiểu lâu đã thấy thác nước róc rách, có thể cảm nhận được vẻ tráng lệ ngay gần, cái gọi là nhân giả vui sơn, trí giả vui thủy chính là như vậy. Trường Cung ở bên cạnh:

- Căn này đẹp nhất đấy, chỉ là có tiếng thác nước bên cạnh, cả ngày róc rách, ồn ào như vậy sao ông nội ta ở được, đành tiện nghi cho ngươi.

Bách giờ mới hiểu ý tứ của hắn, lại trách mình hiểu lầm, cao giọng nói:

- Nế tình ngươi nghĩa khí như vậy, sẽ nói tốt một chút với Đinh Đang.

- Thật sao?

- Thật, mà dò hỏi ý tứ ông ngươi xem. Cái thuật đơn truyền nam đinh nhà ngươi ta khá lo ngại.

- Bỏ rồi, bỏ rồi … Ông ta nói từ nay Cao gia thoải mái, hôm nọ còn muốn cha ta nạp thiếp. Nhưng cha ta không làm đâu.

- Vậy còn cô hầu của ngươi?

- Cô ấy ở với ta từ bé, nhưng chưa từng làm gì, ngươi phải tin ta.

- Ta tin thì làm gì? đi mà nói với Đinh Đang ấy.

- Chúng ta là huynh đệ, giúp một chút không được sao? Toà nhà này, nội thất ta sẽ làm giúp ngươi.

- Nghe vậy còn được, nhưng cháu gái ta còn nhỏ, đến khi nó 15, 16 hãy nói.

- Ta cũng có ý đó.

Bách tạm vào ở Tiểu lâu số 5 của Cao gia. Hắn yêu thích nơi này rồi, chỉ là không mê nổi phong cách thiết kế của Trường Cung. Quá cầu kỳ, bộ bàn ghế tạc long, tạc phượng, rối rắm vô cùng. Nhà hắn khi xưa có một bộ như vậy, cứ đến tết là cha mẹ bắt lôi ra cọ rửa, lúc ấy hắn chỉ muốn đốt nó đi cho xong.

Hắn dặn dò Trường Cung, đồ bên nhà hắn, vật liệu phải tốt nhất, thiết kế phải tối giản nhất. Chẳng phải "Đơn giản là đỉnh cao của sự tinh tế" hay sao?

Bọn học sinh cũng đã học qua mấy tháng cơ bản ở Trang viên, một số nhóm được đưa lên Học phủ. Bọn này ở các chuyên ban cơ khí, in ấn, khai mỏ. Bọn học sinh nông nghiệp buôn bán thì chỉ ở lại 10 đứa nghiên cứu hệ thực vật núi Đá Chông, còn lại đi chỉ đạo sản xuất, theo Đinh Gia đi khắp nơi. Hắn gửi cả bọn chúng vào chỗ Mã Quốc An và Chu Đại Lực để đào tạo thuật buôn bán, kế toán.

Vất vả nhất là học sinh cơ khí xây dựng, ngày ngày theo Điền Công và Trường Cung vừa học vừa làm từ sáng tới tối. Nhưng đứa nào cũng háo hức. Cuộc sống của chúng là mơ ước của nạn dân rồi.

Bọn học sinh in ấn, khai mỏ cũng đã xây xong xưởng thực hành. Ngày đêm luyện tập làm giấy, in ấn, luyện sắt. Hắn đã mời được Trần Uyên và thợ giỏi trên mỏ sắt về dạy, lại hao phí thêm hai căn tiểu lâu rồi.