Chương 127: Vân Đồn
Vân Đồn thời lúc này là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi giao thương của nhiều thuyền buôn nước ngoài dẫn đến vấn đề quản lý an ninh quốc phòng rất được Thái Tông chú trọng. Việc quản lý, trấn giữ thương cảng này đang được giao cho Thủy quân đại tướng quân Lê Phụ Trần, người có công cứu giá ở Bình Lệ Nguyên đảm nhiệm. Muốn làm được việc phát triển hải quân không thể không gặp người này.
Dòng Mang chỉ vỏn vẹn dài chừng 3 cây số, để đi hết cái dòng xanh chỉ có ba cây số ấy bằng tàu gỗ cũng mất cả canh giờ. Cũng quãng đường ấy mà chạy ngoài biển động, có khi mất cả ngày, mà nếu gặp gió mùa đông bắc nữa thì không tài nào nhích lên được.
Cũng may thuyền xuôi dòng thuận lợi. Trước mắt Bách hiện ra cảnh tàu thuyền san sát, tập nập một vùng biển rộng, xung quanh là núi non lô nhô, vươn lên nền trời, chiếu xuống mặt nước phẳng lặng như gương.
Thuyền cập bến ở Vân Đồn thì đã thấy trên bến có rất nhiều người. Đứng đầu là một nam nhân quắc thước, năm nay độ 50 tuổi. Trần Quốc Tuấn xuống thuyền thì ở bến đã trải gấm đỏ, quân nhạc tấu mừng, quan viên nô nức. Nam nhân chắp tay chào:
- Quân dân Lộ Hải Đông cung nghênh Hưng Đạo Vương, chúc đại vương thân thể khang kiện.
Trần Quốc Tuấn đón tay ông:
- Làm phiền Bảo Văn Hầu ra đón, ta không dám nhận.
Lại đưa tay sang chỗ Bách:
- Đây là Sơn Tây Hầu, cũng đảm nhận chức Thiết sử của triều ta. Bên cạnh là Cao lão, hậu nhân của Tướng quân Cao Lỗ, lần này cùng ta xuống đây để bàn việc hải quân.
Nam nhân tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi lại mừng rỡ:
- Ta là Lê Phụ Trần, đang đảm nhiệm Thủy quân đại tướng quân, xin được có lời chào Sơn Tây Hầu và Cao lão.
Bách khiêm tốn:
- Không dám, đã nghe Ý Ninh quận chúa kể chuyện khi xưa ở Bình Lệ Nguyên, Bảo Văn Hầu vì chúa quên thân, đại danh của ngài như sấm bên tai.
- Quận chúa quá lời thôi. Mời các vị vào …
Cao lão cũng chắp tay chào cho có lệ. Mọi người cùng nhau về phủ đệ của Lê Phụ Trần nghỉ tạm một đêm. Hôm sau, Quốc Tuấn đưa Bách ra xưởng đóng tàu ở Vân Đồn. Xưởng này hiện nay quy mô nhỏ bé, chỉ có khả năng sản xuất thuyền có độ dài lớn nhất khoảng 20 mét, chính là chiếc quân thuyền hắn và Hưng Đạo Vương dùng để đến đấy.
Hắn dạo quanh một vòng thì thấy không ổn. Cách bố trí mặt bằng, các khâu không liên hoàn được với nhau, y như việc lắp ráp xe hơi trước khi hình thành khái niệm "dây chuyền sản xuất" vậy? "Không được! điều đầu tiên là phải thiết kế lại quy trình sản xuất đã".
Những năm đầu thế kỷ 20, một cộng sự của ngài Henry Ford lừng lẫy bỗng nhận ra rằng: "Công việc lắp ráp xe sẽ trở nên dễ dàng hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn nếu chạy theo một dây chuyền". Chính vì vậy ông ta đã cùng một đốc công thử nghiệm và thành công mỹ mãn. Giờ xưởng tàu cũng vậy, mỗi một bộ phận cần được sản xuất ở một khu vực nhất định, tối ưu hoá theo kích thước được đo đạc để đến khi lắp ráp vào thân tàu được đồng bộ.
Bách xem xét một hồi, lại ra thử mấy con thuyền đã hạ thuỷ. Ghi nhớ những chi tiết lại trong đầu rồi mời mọi người vào phòng khách của xưởng để thảo luận. Bách mời Lê Phụ Trần, Quốc Tuấn, Cao lão và các quan viên và công nhân lành nghề của xưởng yên vị, bắt đầu trình bày:
- Đầu tiên xin được thông báo với mọi người trong xưởng về chỉ dụ của Thượng hoàng và Quan gia, nhưng đây là cơ mật, xin mọi người giữ kín. Trước tình hình phát triển hàng hải, mấy năm tới triều đình đã thống nhất cần phải mở rộng xưởng đóng tàu.
- Ta được Hưng Đạo Vương giao cho phụ trách việc này, rất muốn mọi người hiến kế để xưởng tàu chúng ta hoàn thành mục tiêu, không phụ sự kỳ vọng của hai vua.
- Giờ xin mời một vị phụ trách kỹ thuật cho mọi người biết sơ qua về những loại thuyền hiện nay chúng ta đang chế tạo.
Một người tướng ta cao to, da đen nhẻm chắp tay:
- Báo cáo Hầu gia, hiện nay xưởng thuyền chúng ta chủ yếu đóng chiến thuyền phục vụ thuỷ binh Đại Việt. Có ba loại tàu thường xuyên làm. Thứ nhất là lâu thuyền thường làm tướng phủ cho các vị đại nhân điều binh khiển tướng. Thứ hai là loại thuyền mẫu tử.
- Từ từ đã, ngươi nói rõ hơn về thuyền mẫu tử đi.
- Thưa hầu gia, thuyền mẫu tử có cấu tạo hai thuyền lồng vào nhau và có thể tách rời nhau, chuyên dùng đánh hỏa công. Thuyền mẹ dài khoảng 20 thước, trong khung chứa vật cháy; đầu mũi cắm các đinh lớn, nhọn bằng sắt, hông thuyền cũng đầy đinh sắt. Thuyền con là chiến thuyền nhỏ. Khi chiến đấu, thủy thủ trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương, khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi, khung thuyền mẹ cắm vào mạn thuyền đối phương, sau đó châm lửa đốt thuyền mẹ, rồi tách thuyền con ra khỏi thuyền mẹ, rút lui hoặc tiếp tục chiến đấu như một chiến thuyền thông thường.
- Ta biết rồi! Nói tiếp đi.
- Loại thứ ba, cũng là phổ biến nhất chính là thuyền Mông đồng. Là thuyền chiến có chiều dài khoảng trên 30 thước, vỏ bọc đồng để tăng độ bền và chống tên của đối phương. Mỗi thuyền tiêu chuẩn chứa được 32 tay chèo, mang theo được khoảng 25 lính chiến đấu.
- Ít như vậy? Còn gì không?
Người này ngơ ngác chắp tay đứng đó, Bách vẫy tay cho hắn ngồi. Lại quay ra:
- Sáng nay ta đa tham quan một vòng xưởng đóng tàu. Trước hết xin nói thế này, ta là người ngoại đạo, không có nhiều hiểu biết về việc này nhưng ngẫu nhiên đã được thấy một số hải thuyền, cùng với những kiến thức sư phụ ta truyền dạy. Ta so sánh các loại thuyền xưởng tàu hiện nay làm ra thì thấy không thể chấp nhận được.
- Thứ thuyền các ngươi đóng ra chưa đạt yêu cầu, bơi lội vớ vẩn trên sông còn được, làm sao tung hoành trên biển đây. Cứ nhìn loại thuyền các ngươi tự hào nhất, chính là Lâu thuyền kia mà nói, thiết kế không cân xứng, thuyền đáy bằng còn dựng cao lầu, thân thuyền thì hẹp, ta đảm bảo ra biển gặp cơn gió to là chìm. Các người chưa nghe chuyện khi xưa Tôn Quyền lệnh Lữ Mông dẫn lâu thuyền đến Tam Giang khẩu, kết quả còn chưa đánh nhau, đã bị gió Trường Giang thổi chìm hay sao mà làm lênh khênh thế kia?
Đám công nhân thấy thượng quan trách mắng, trong lòng ấm ức nhưng không dám nói ra, bấm bụng chửi tên trẻ ranh này. Bách thấy cảnh này, sao chả hiểu chúng nghĩ gì, cao giọng nói:
- Không phục phải không. Ta cho các ngươi xem mấy bản vẽ này, đây chính là thuyền người Tống đóng ra ở xưởng tàu ở Phúc Châu của họ. Các ngươi xem đi, họ còn làm ra loại guồng xoay (đạp xa hải thu thuyền) trong trận hải chiến Thái Thạch chống quân Kim từ trăm năm trước rồi. Vậy mà giờ các ngươi vẫn ngủ quên trên chiến thắng. Tưởng thứ thuyền Mông đồng kia dùng mãi được sao?
Bọn công nhân và quan viên chuyền tay nhau, ngơ ngác nhìn. Bách cho chúng định thần lại một chút:
- Nói như vậy không phải ta chê các ngươi, kỹ thuật đóng tàu của các ngươi rất tốt nhưng cái ta ghét nhất là tâm lý bo bo giữ mình của các ngươi. Sáng nay ta quan sát, ai tự làm việc nấy, không một sự phối hợp, đứa đang bào gỗ thì bắt đi ghép mộng, người đang sơn thuyền thì lại dừng lại bắt cưa đục, loạn hết cả lên, có hiểu thế nào là làm việc nhóm không?