Chương 129: Lý Chiêu Hoàng
Chiều nay hắn mời toàn bộ công nhân dùng cơm. Lần này hắn thi triển tuyệt kỹ Bún hải sản. Hắn đã dạo một vòng quanh vùng biển này, hải sản phong phú. Những thứ ở đời sau đã khan hiếm thì hiện nay đầy trên biển. Cơ man nào là ốc móng tay, con ruốc … lại thêm món sá sùng, lại còn con tu hài Vân Đồn, giờ toàn tiền triệu một ký.
Hắn sai bọn công nhân xay bột, lại đi kiếm bột củ năng. Thứ này giờ mọc đầy khắp các vùng nước đọng, dân hay lấy lá của nó để dệt chiếu. Hắn hướng dẫn bọn chúng pha bột gạo và bột năng rồi ngâm nước ủ bột. Để làm được bún tươi cũng kỳ công, ép được bún để luộc cũng mất cả buổi.
Nồi nước dùng xương ống lợn đang đun sùng sục rồi, vùng này là thương cảng, gia vị từ các vùng tập hợp lại đây rất đầy đủ. Những thứ hải sản kiếm được đều đã sơ chế, hấp chín với gừng sả hết rồi.
Hắn đích thân làm mẫu, cho vào bát một ít bún, trụng sơ rồi sắp xếp các thứ rau hành, lại cho thêm bề bề, tôm nõn, ruốc, lại còn cả tu hài … đám ngao chín trong nồi đã vớt ra. Bách còn có sát chiêu, khi bọn học sinh từ Trang viên xuống hắn đã có ớt dùng rồi. hắn làm mấy lọ giấm tỏi ớt, lại đặt lên trên bát vài miếng ớt tươi rồi tưới nước dùng vào.
Hai bát đầu tiên, tất nhiên là bưng cho Trần Quốc Tuấn và Lê Phụ Trần:
- Mời Hưng Đạo Vương, Bảo Văn Hầu dùng đi
Nói đoạn lại làm cho mình một bát, bọn khác thì có đầu bếp lo. Hắn đặt bát bún, hít hà hương thơm. "Khá chuẩn! quả ớt thân yêu của ta, hơn một năm rồi chưa được thưởng thức". Lại nhắc nhở:
- Thứ màu đỏ có vị cay, các vị ăn nên chú ý.
Trần Quốc Tuấn thấy hắn đã xong, lúc này mới nói:
- Vậy chúng ta dùng đi.
Lê Phụ Trần lấy muôi, múc một miếng nước dùng, hương thơm ập vào khoang miệng. Nước dùng ngọt thanh, có vị cay chua vừa miệng, lại dùng đũa gắp bún, ăn cùng với một miếng tôm nõn đã hấp chín. Lão thở ra một hơi:
- Mòn mì này của Sơn Tây Hầu, không thể dùng lời mà diễn tả được.
Quốc Tuấn gật gù:
- Ta ở gần miền biển, ăn hải sản rất nhiều. Nhưng đây là món đậm phong vị biển nhất từng ăn. Lại thêm thứ quả cay này nữa. Đây là vị cay ngọt, khác với cay tê của hạt tiêu hay hoa tiêu, vô cùng dễ chịu.
Bách cười khì khì:
- Sản vật ở biển chính là kho báu lớn nhất trên đời, chỉ là chúng ta giữ gìn khai thác cho bền vững thì câu Đại Việt có "Rừng vàng, biển bạc", đến muôn đời sau vân còn đúng.
- Đúng thế! Đúng thế …
Ăn xong hắn lại dạo quanh bếp ăn của xưởng tàu, bọn công nhân thấy Hầu gia thì rối rít khen ngợi. Hỏi món này nấu thế nào. Hắn nói cứ yên tâm, cách làm đã nói rõ với đầu bếp, sau này các ngươi thích ăn cứ báo lên là được. Đoạn hắn cao giọng:
- Một tháng nay đã được mọi người chiếu cố, nhưng ta sự vụ bận rộn, cũng không thể ở một chỗ lâu được. Xin phép mọi người được hồi kinh để lo việc khác. Thượng hoàng và Quan gia rất kỳ vọng vào xưởng tàu này. Hy vọng chúng ta vì Đại Việt đóng ra được con tàu như bản vẽ ta đưa hôm trước, dài trăm trượng, rộng năm mươi trượng, chứa được ngàn người. Ta tin với tài nghệ của các ngươi, không có gì là không thể cả. Nếu một ngày con thuyền ấy tung hoành trên biển, ta sẽ xin quan gia đặt tên cho nó. Gọi là chiến hạm Vân Đồn, các ngươi có đồng ý không?
- Đồng ý! Đồng ý …
- Phải có khí khái như thế chứ, chúng ta không thể mãi đóng thứ chiến thuyền con con kia được. Hưng Đạo Vương và Bảo Văn Hầu còn đang chờ các ngươi đóng chiến thuyền cho ngài ấy Hàng Nguyên, Bình Chiêm, Diệt Tống. Các ngươi không làm được là phụ công Hưng Đạo Vương ưu ái các ngươi.
- Bọn chúng tôi không để Đại Vương thất vọng.
Quốc Tuấn chắp tay cảm ơn đám công nhân, lại quay lại hỏi:
- Ngươi về kinh có việc gấp?
- Có việc gì đâu, ta thấy công việc sắp xếp đã ổn thoả, lại cũng đã truyền đạt hết những thứ mình biết. Nhưng việc khác thì đành nhờ những người công nhân lành nghề này thôi.
- Lười biếng.
- Huynh đừng giận, quả thật ta ở lại cũng không giúp được gì nữa. Vả lại ngày mai Thái Đường và Đinh Tú xuống đây rồi, ta phải đưa các nàng đi chơi.
- Cái lý do khốn kiếp gì vậy?
- Huynh không nói nghĩa khí, huynh lấy vợ sinh liền mấy nhi tử. Ta có hai vợ mà còn chưa có động tĩnh gì. Huynh định cho nhà tuyệt hậu hay sao?
Hôm sau hắn đón hai nàng từ bến, đưa vào phủ đệ của Lê Phụ Trần. Từ hôm đến, hắn vội vã chuyện xưởng tàu mà rời đi luôn. Lê Phụ Trần vẫn có ý trách về việc này, lão nói hắn không cho lão tận tình gia chủ.
Bách trong tâm cũng háo hức, đón được Đinh Tú và Thái Đường là nhận lời về Hầu phủ của Lê Phụ Trần ngay. Lão có thể không gặp nhưng có một người trong phủ này hắn nhất quyết phải gặp.
Người hắn mong ngóng cuối cùng cũng thấy. Nàng vận cung trang xanh đậm, tóc vấn cao, khuôn mặt đượm buồn. Thoạt nhìn sao nhận ra nàng năm nay đã bốn mươi tuổi, khuôn mặt kia tĩnh lặng, đôi mày liễu rủ xuống. Ai có thể ngờ đã có lúc nàng là con Phượng hoàng uy quyền nhất Đại Việt, đôi lông mày kia chỉ hơi nhích lên sẽ có kẻ mất đầu.
" …. Chuyện đời đâu ai đoán được, đôi mày kia vì gặp được một người mà tán loạn. Lần đầu nhìn thấy hắn bưng nước rửa mặt cho nàng, nàng đã yêu thích hắn rồi. Người đâu mà đẹp đẽ đến vậy, dáng bưng cái chậu đồng cũng nho nhã hơn người. Nàng rửa mặt, vấn tóc, không nhịn được cho tay vào chậu, hắt nước vào mặt hắn rồi phá lên cười. Hắn sợ hãi, chẳng dám lau nước trên mặt. Nàng thương hại lấy một cái khăn ném cho hắn.
Từ đó nàng nhớ nhung khôn nguôi, không có hắn trong cung là thấy nhớ. Nhác thấy hắn đến là trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Hắn cũng biết ý nàng. Một đêm, nàng vời hắn vào, hắn đến bên giường đã quỳ mọp xuống:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh.
Nàng cười:
- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó.
Hai đứa trẻ con cuốn lấy nhau, nào đã biết làm gì. Chỉ là thúc phụ đáng ghét của chàng, đêm đó đóng chặt cửa cung, loan ra bên ngoài: "Bệ hạ có chồng rồi". Nàng vui mừng khôn xiết, nghĩ đây là ngày vui nhất đời mình nhưng sau này mới biết, đấy là ngày bi kịch của nàng bắt đầu.
Nàng chỉ vì yêu lầm một người mà đánh mất giang sơn. Nhưng nàng vẫn yêu hắn đắm đuối, chỉ đến khi nàng nhận ra. Hắn chỉ yêu giang sơn của nàng, nào có coi tình cảm của nàng ra gì. Hắn giết 300 người nhà nàng, bức cha nàng tự tự. Nàng điên cuồng rồi, ngay cả Trịnh nhi cũng không cần.
Phải! nàng đã giết chính con đẻ của mình, chỉ vì nhìn thấy nó là thấy hắn, nàng không chịu nổi nữa, cha hôm nào cũng về tìm nàng, nói nàng là Mị Châu thứ hai …
Nàng giết Trịnh nhi làm hắn điên cuồng, đày đoạ nàng không đủ. Lại làm cái việc còn khó chịu hơn giết nàng, đem nàng ban cho người khác. Với nàng thì chết có gì đáng sợ, nhưng hắn bắt nàng sống, chỉ cần nàng phản kháng là một mầm mống ít ỏi còn lại của nhà họ Lý sẽ bị hắn giết …
Từ khi ấy, đôi mày kia không bao giờ nhích lên nữa, nó chỉ tĩnh lặng mà tô điểm cho khuôn mặt tuyệt sắc kia thôi …"
Thấy Bách thất thần, Đinh Tú khẽ huých vai, hắn giật mình:
- Đa tạ thịnh tình của Bảo Văn Hầu và Phu Nhân, ta xin được làm phiền mấy ngày.
Chiêu Thánh nhìn Bách, hôm nay có khách đến nhà, phu quân mời nàng ra đây nhưng nàng gặp người thanh niên này, như quen như lạ, gây cho nàng cảm giác tò mò.
Thái Đường nhún chân chào:
- Thái Đường thỉnh an phu nhân.
- Là Thái Đường sao? Ta nghe nói con đã hạ giá.
- Thưa phải, đây là phu quân của con, Sơn Tây Hầu Hoàng Bách.
- Họ Hoàng ư … ngươi là người ở đâu?
- Thưa phu nhân, ta là trẻ mồ côi, đến giờ cũng chưa tỏ tường gốc tích.
- Một đứa trẻ mồ côi mà lại cưới được trưởng công chúa đương triều sao? Họ Trần sao có thế làm việc này? Ta không tin đâu.
Nàng ngửa đầu cười giễu.