Chương 59 Người âm mưu

Trở Về Thời Bắc Thuộc

Chương 59 Người âm mưu

Chương 59 Người âm mưu

Lạc ngồi nghiêm nghị trong soái trướng nhìn chằm chằm vào chiến binh đứng trước mặt. Lê Chân và Đào Kỳ đứng hai bên trông cũng rất nghiêm trọng, bởi mùi nguy hiểm của tên trước mặt quá đậm.

"Tại sao trước đó, các người không trợ giúp nhị vương?".

"Hai nữ vương là người tài, nhưng không phải là thiên mệnh. Tộc Dây Leo chỉ trung thành với thiên mệnh". Người chiến binh đáp lời.

"Vậy nếu ta là thiên mệnh, sao các ngươi không xuất hiện trước đó khi ta đánh quân Hán?".

"Thiên mệnh vốn là do trời định, nhưng cũng dễ có ảo tượng. Vậy nên đó là thử thách của ngài, nếu ngài không vượt qua được, chứng tỏ ngài không phải thiên mệnh".

A, thế mà cũng nghĩ ra được, Lạc bó tay với mấy ông này rồi, lúc tôi đánh xong các ông mới lòi ra. Liệu những người anh em này có thiện lành không đây?

"Ngươi trước trở về tộc, ta sẽ cho người đưa lương thực tới".

"Ngài không cần làm thế, tộc tôi không thích tiếp xúc với người ngoài. Tôi xin lui trước, dù ngài có chấp nhận hay không, chúng tôi vẫn trung thành với thiên mệnh".

Gã chiến binh chắp tay làm lễ rồi lui ra. Đợi hắn đi mất, Lạc mới quay sang hỏi Đào Kỳ.

"Anh biết những người này chứ?".

Đào Kỳ khẽ gật đầu, chàng bắt đầu nói cho Lạc những gì mình biết. Tộc Dây Leo vốn xuất thân từ những người cận vệ trung thành nhất của Vua Hùng. Từ sau khi vua Hùng cuối cùng qua đời, họ chưa từng xuất hiện. Họ sống tách riêng và chỉ trung thành với người có thiên mệnh. Những chiến binh trong bộ tộc đều rất cao lớn, khỏe mạnh bởi họ không kết hôn cận huyết trong tộc mà đi bắt những người nam, nữ khỏe mạnh từ các tộc khác về để duy trì nòi giống.

Trẻ em từ nhỏ được dạy dùng vũ khí, mười ba tuổi bắt đầu sống độc lập, tự sinh tự diệt trong ba năm ở những khu rừng hoang vu. Khi mười sáu tuổi thì được phép quay trở về, sau khi giết được kẻ thù đầu tiên mới được tính là một chiến binh. Họ cũng có cấp bậc, cứ mười người chiến binh được công nhận thì sẽ được ban tên một loài cây, ví dụ Lim nhất, Lim nhị...

Các chiến binh chia làm hai bộ nam và nữ, người đứng đầu không có tên mà gọi là anh cả và chị cả. Mỗi năm các chiến binh được phép thách đấu, người anh cả hoặc chị cả cũ thua thì sẽ được làm lễ cúng tế, người mới lên thay sẽ chặt đầu người cũ và chích vào tay dấu cộng, thay vì mạng một kẻ thù là một dấu gạch ngang. Tổ tiên Đào Kỳ có từng kể cho con cháu nghe rằng họ thường lên phía tây giao chiến, ước chừng khi mười tám tuổi mỗi người cũng có vài chục sẹo.

"Ực".

Lạc không tự chủ được mà nuốt nước bọt một cái, cái thanh niên vừa nãy Lạc thấy nó có ba dấu cộng, với chi chít các gạch ở hai tay. Bảo sao hắn cứ có cảm giác gai gai người, hóa ra trước mặt hắn vừa rồi là thú dữ.

"Nếu anh đấu với gã vừa nãy thì sao?". Lạc trầm mặt hỏi.

Đào Kỳ lắc đầu không nói. Vãi linh hồn, đến võ tướng đình đám như Đào Kỳ mà không ăn được gã anh cả kia, vậy chẳng phải một ngày nào đó họ không coi hắn là thiên mệnh, chả dễ đứt như chơi. Hắn và Đào Kỳ không hẹn mà quay sang nhìn nàng Chân, rồi cả hai người cùng lắc đầu, cả Đại Việt có mỗi một nàng Chân thôi không có người thứ hai.

"Thế rốt cuộc, cậu có nhận những người này không?". Nàng Chân hơi cay cú vì thái độ của hai người, dù sao nàng cũng là hoa khôi trong quân, làm gì mà nhìn nàng kiểu ấy.

"Nhận, không nhận không được, để họ lang thang còn nguy hiểm hơn".

Tuy hơi phản cảm với lối sống của họ và hơi đi ngược với chủ trương. Nhưng vật tận kỳ dụng, nhân tận kỳ tài. Đất nước nào cũng sẽ có những góc khuất, những công việc dơ bẩn, tương lai đất nước hắn cũng không ngoại lệ. Thôi thì coi như, thượng đế đã tạo ra họ để vào địa ngục đi. Hắn quay sang nói với Đào Kỳ.

"Anh về chỗ nàng Nội, nói với nàng vào kho lấy cho em bản vẽ số ba trăm hai tám, gửi cho ông Sửu, rèn xong mang đến cho tộc Dây Leo này nhé. Tiện thể ghé qua xem trang bị cung thủ mới đến đâu rồi nữa".

Đào Kỳ gật đầu rồi bước ra ngoài. Chỉ còn nàng Chân ở lại, Lạc chợt thấy gáy lành lạnh, lúc quay sang thì hắn thấy bà chị đang nhìn mình bằng ánh mắt không mấy thân thiện.

"Chị hỏi thật nhé, mày có phải đàn ông không?".

"Ớ, bà này bị làm sao đấy, em không đàn ông thì đàn gì?".

Lạc càu nhàu, đoán đoán bà này lại đến gây sự đòi hải quân rồi. Phiền quá đi thôi, đánh không lại, mà cãi nhau với phụ nữ thì càng không lại, có lúc có mấy bà chị bá đạo quá cũng khổ.

"Ừ được rồi, thế trước mày bảo gọi mấy thằng ngu là gì ấy nhỉ?".

"Là óc chó, sao thế? Bà chị lại định rủa xả thằng em này đấy à, đòi tàu thì nói luôn trước là em chịu nhá, đang nghèo lắm chưa có tiền đóng tàu đâu, cố nhịn đến cuối năm được không?".

"Thế thì mày đúng là thằng vua óc chó em ạ".

"Đấy, lại bắt đầu đấy, em khất thôi chứ có bảo không đâu, nhìn mặt uy tín thế này cơ mà".

Nàng Chân cười cười lắc đầu.

"Chuyện khác, mày ở chung với cái Nội cũng bốn, năm tháng rồi. Thế mà chả động tĩnh gì, mày xem người ta là công chúa, lại xinh đẹp như thế, ngày nào cũng bận túi bụi mà vẫn nấu cơm cho mày. Mày xem thế không óc chó thì là gì?".

"Đừng tưởng em ngu, nàng ấy một phần cũng là để giám sát em đúng không?". Lạc bĩu môi.

"Ôi chị xin lỗi vì tưởng mày ngu, nhưng hóa ra mày ngu thật. Đánh trận thì khôn mà sao chuyện này ngu thế? Mày tự nghĩ xem, đầu mày hơn được nhị vương chắc mà cần giám sát, với lại thiếu gì người mà phải là nàng. Người ta làm là vì gì nhỉ, à, vì đam mê đúng không?".

A, bà này, học đâu cái kiểu mỉa mai thời a còng thế, có tin tôi xử bà tội khi quân không? Lại còn đam mê cái quái gì? Với cả bà chê tôi mà bà cũng đã chồng con gì đâu? Lạc thầm nghĩ trong đầu thế thôi chứ nói ra chị Chân lại vả cho không trượt phát nào.

"Em…".

"Ông im cái mồm đi, ôi chị thương em Nội quá, nết na thùy mị, thông minh tài sắc…"

"Thôi, thôi, thôi. Đây, của chị đây, em xin, được chưa?".

Lạc hục hặc đứng dậy đi mở chiếc hòm, đưa cho nàng Chân hai tập lụa vẽ chi chít những chi tiết, các mẫu tàu chiến kèm theo một cuốn sách sơ lược những gì hắn nhớ được về hải chiến, thủy chiến, đưa xong thì hai tay chắp vái. Nàng chân đạt được mục đích thì ngừng ngay, mắt sáng quắc hỏi.

"Cái này thì chị thấy rồi, giống giống tàu La Mã sang buôn hàng, nhưng còn cái này thì chưa thấy bao giờ, sao cột buồm cao thế, cả mấy cái này là cái gì?".

"Trong quyển sách kia em ghi hết rồi, một số mẫu là mẫu thí nghiệm, chắc còn lâu mới dùng được. Sau lũ sẽ hạ thủy mấy loại tàu mẫu tập trước, thôi xong rồi thì chị về đi chứ, nhà còn bao việc".

"Mày nhớ mồm đấy nhé". Nàng Chân hí hửng ôm đóng bản vẽ như ôm của quý mà rời đi.

Lạc ngồi lại khẽ thở dài, xem ra chị Chân nói cũng có ý đúng. Thực ra nàng nội xinh đẹp lại khéo, hắn cũng có thiện cảm. Nhưng để mà là tình yêu thì chắc không phải, với cả hắn biết được nàng có thích thật không hay nàng Chân trêu vậy thôi.

Hắn biết tầm quan trọng của việc hôn nhân của quân chủ. Nhưng lúc này hắn thì chỉ muốn tập trung vào đất nước thôi, chả lẽ phải tìm cách đuổi nàng đi. Khổ cái nàng chả có lỗi gì, lại ít người thông minh như nàng, giúp được quá nhiều việc. Nhất là nấu cơm ngon, giờ ăn quen rồi, sợ người khác nấu không ăn được. Thôi kệ, đến đâu hay đến đấy vậy.



Tháng ba âm lịch năm 43, sứ đoàn nhà Hán đã quay trở lại Lạc Dương. Việc này cũng không ảnh hưởng gì lắm tới sự trù bị cũ của Lưu Trang và Lưu Cương. Như đã tính trước, một đoàn thuyền chở sứ giả và chừng hơn ngàn lính hộ tống lấy danh nghĩa đi sứ tiến xuống Phù Nam. Hai đoàn sứ giả nữa cũng mang theo mỗi đoàn một ngàn quân xuôi nam. Một đoàn nhập Thục ở lại, một đoàn mượn đường từ Thục đi sang hướng tây nam.

Hai tháng sau, tại Phù Nam (một số tài liệu gọi là vương triều Kaundinya) có phần lớn lãnh thổ thuộc đồng bằng sông Cửu Long thời hiện đại và ăn sâu sang Cambodia. Vương triều vốn do nữ vương Diệp Liễu (trước khi lên ngôi là công chúa Soma) được nhường ngôi lúc mới mười lăm, sau cưới người chồng là Hỗn Điền và nhường ngôi lại. Cuộc hôn nhân này sẽ nói sau, sơ lược về quốc gia Phù Nam lúc này cũng tính là một quốc gia khá phát triển.

Với địa thế thuận lợi cho cả trồng trọt lẫn phát triển thương mại đường biển, sông và không nhiều mấy người láng giềng đểu nên việc phát triển đất nước có phần thuận lợi hơn ở Đại Việt.

Tôn giáo đang thịnh hành là đạo Bà La Môn, cơ cấu xã hội gồm năm giai cấp là Sát Đế Lợi (Kshastriya) tức là vua chúa, quý tộc được coi như là sinh ra từ cánh tay của Phạm Thiên (Brahma) thay mặt Phạm Thiên cai trị dân chúng.

Giáo sĩ phụ trách và có xu hướng thống trị về mặt tinh thần, họ coi mình sinh ra từ miệng của Phạm Thiên, là những người có quyền hưởng cuộc sống sung sướng và được tôn kính.

Vệ Xá (Vaisya), là thành phần cốt lõi của nền kinh tế, bao gồm những thương nhân và chủ nô, chủ đất, họ coi mình sinh ra từ bắp tay của Phạm Thiên.

Thủ Đà La (Sudra) là tầng lớp tiện dân chủ yếu là tá điền, được dạy rằng sinh ra từ gót chân của Phạm Thiên, họ sống để phục tùng các giai cấp trên. Cuộc sống có thể gọi là bị bóc lột điên đảo, quanh năm suốt tháng cày cấy chỉ mong đủ ăn và nộp thuế cho chủ đất.

Cuối cùng là Chiên Đà La, những người đông đảo nhất và là những người thuộc giai cấp hạ tiện với đời sống gần như nô lệ. Họ chủ yếu là những người lao động thuê, bốc vác, người làm nghề giết mổ, gánh phân… Cuộc sống của họ vô cùng khổ cực và tối tăm, họ bị chà đạp, dè bỉu, thậm chí nếu ai đó thuộc tầng lớp này mà dẫm lên cái bóng của giáo sĩ hoặc Sát Đế Lợi thì sẽ bị trừng phạt.

Nước Phù Nam như vừa nói thì có ba thế lực trong hệ thống chính trị gồm tôn giáo, người nắm kinh tế và quý tộc nắm quyền cai trị.



Trong một buổi triều, quốc vương Hỗn Điền bắt đầu ngỏ ý với các triều thần về việc đánh Đại Việt.

"Các quan thấy, việc lần này người Tàu sang ngỏ ý, ta có nên chấp nhận hay không?".

Tể tướng Bồn Hậu lập tức bước ra tâu.

"Bẩm quốc vương, tin báo về người Chăm, người Chiêm, người Miến ở phía tây đúng là rục rịch. Theo hướng tập kết thì có vẻ là nhắm vào Cửu Chân ở Lĩnh Nam. Hai vua bà ở Lĩnh Nam đã mất, lại mới chiến tranh với người Tàu, có lẽ sức lực của chúng đã yếu lắm rồi. Nước ta phía nam là biển, chỉ có thể mở rộng lên hướng bắc, đây là một cơ hội tốt, nên đánh".

"Thưa quốc vương, gần đây số lượng tàu bè phương tây cũng giảm đi không ít. Một thương lái cho biết sắp tới họ cũng chuyển sang giao tiếp với Lĩnh Nam. Nghe nói vua mới ở đó muốn phát triển giao thương, như vậy nước ta cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Tôi cũng nghĩ nên đánh, dải bờ biển dọc lên phía bắc nếu chiếm được, sẽ xây dựng được rất nhiều cảng tàu, lợi ích rất lớn". Một gã quan dòng dõi thương nhân cũng lập tức lên tiếng.

Hỗn Điền đưa mắt sang nhìn vị cao tăng đứng cạnh, người này lúc này cũng mới gật gù nói.

"Ta cũng được cho hay, vua mới ở đó tuyên truyền thần giáo. Vật không chia chủng loài, người không phân quý tiện, vậy chẳng khác gì chúng công khai chống lại Phạm Thiên, phải đánh, bắt chúng sống đời ti tiện để trả lại sự xúc phạm ấy".

Quả thật là sự phát triển thần giáo được ủng hộ hơn Lạc nghĩ, cũng một phần nó xuất phát từ lợi ích của nhân dân vả lại nó cũng không gò bó nên dễ được chấp nhận. Vô tình điều này đã ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều giai cấp thống trị. Ba lợi không một hại, đương nhiên là vị quốc vương dễ chọn thôi.

"Được, mọi người đã đồng lòng, vậy cho mời sứ giả người Tàu đến để đàm việc chiến tranh với Lĩnh Nam".

Không khí trong cung điện dát vàng sôi lên rừng rực, ai cũng có những quyền lợi và mục tiêu riêng của mình. Chỉ có hoàng hậu Diệp Liễu trẻ tuổi ngồi lặng yên, nét u buồn phảng phất như có thể xuyên qua lớp màng che mặt mỏng manh.