Chương 339: Hồi hai mươi tám (1)

Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 339: Hồi hai mươi tám (1)

Cao sơn, lưu thủy nghênh nghĩa sĩ
Bóng đao, ánh kiếm tiễn anh hùng

Trước kể đến ở Lam Sơn, bà Thương chợt đưa ra đề nghị hai người Lê Lợi, Phạm Ngọc Trần, kết mối duyên lành giữa Lam Sơn và Hổ Vương Đề Lãm. Chư tướng, bao gồm cả Đinh Lễ, nhiệt thành ủng hộ, mà bên đàng gái lại không có ý kiến gì. Lê Lợi là bậc nam nhi, chẳng nhẽ lại từ chối cho được?

Bản thân Lê Lợi cũng biết, hiện giờ đang lúc Lam Sơn tự lực, nếu có trợ giúp của Hổ Vương thì ắt chuyện sẽ xuôi chèo mát mái hơn nhiều. Song, chàng vẫn có điều chưa yên trong dạ, bèn nói:

" Nếu thế thì xin u cho con mấy ngày, con nghĩ kỹ rồi sẽ tính tiếp. "

Bà Thương thấy cô nàng Ngọc Trần cúi gằm mặt, thì bảo cô dẫn mình vào buồng. Giữa đường lại đánh mắt nói khẽ:

" Thằng Lợi nhà bác trông thế thôi chứ nó cứng cỏi lắm, chuyện xin thánh chỉ con cũng biết rồi. Chuyện này để nó nghĩ thông thì xong, đừng có gượng ép. "

Nói đoạn, bà lại bảo:

" U đoán chắc nó còn chưa hiểu sao con lại thích nó, trong dạ lại đang áy náy với con Lữ đấy. Mấy chuyện trai gái lứa đôi này chỉ có người trong cuộc chúng bay gỡ mới xong, chứ u bó tay thôi. "

Phạm Ngọc Trần bèn thở dài, hỏi:

" U này, trước con nói thích Đinh Lễ, mà sau lại phải lòng anh Lợi, liệu có phải con hai lòng không? "

Bà Thương nhìn cô nàng một cái, chớp chớp mắt, rồi cười:

" Đúng là thiếu nữ mới yêu, vừa lên tiếng một cái là lộ ra ngay. "

Phạm Ngọc Trần cúi đầu, nói:

" U à… "

Bà Thương thấy cô nàng trông có vẻ khổ sở, bèn không trêu chọc nữa, nói:

" Đứa ngốc, tình yêu theo kiểu vừa gặp đã yêu, cả đời không đổi cố nhiên là rất đẹp, nhưng chỉ có thể ngộ, không thể cưỡng cầu, lại càng không phải cách duy nhất tim con rung động. Cho dù không có duyên được tình yêu đẹp như thế, thì cũng có làm sao? Con càng cố chấp rằng cả đời con chỉ có thể yêu một người, không thể rung động với người khác, thì tình cảm chân thành của con bỗng chốc hóa thành gông cùm nhà ngục, tự làm khổ bản thân. Tình yêu như thế mà đẹp nỗi gì? "

Phạm Ngọc Trần nghe bà nói, như có điều vỡ ra, bèn hỏi:

" Thế… u tại sao không tái giá? Mà theo u, yêu thế nào mới là đẹp đây? "

Bà Thương lim dim mắt, cười mà đáp:

" Câu hỏi thứ nhất của con, thì u xin đáp trước. Sau khi thầy thằng Lợi mất, thằng Học cũng bỏ u mà đi, thì u có bao nhiêu việc phải lo. Từ chuyện của Lam Sơn, chuyện nhà họ Lê, lại dạy dỗ nuôi nấng thằng Trừ và thằng Lợi, bận bù đầu bù cổ tối mặt tối mũi, thời gian đâu mà yêu với đương? Hà huống, u bệnh thế này, sức vóc đâu dư thừa được như người ta, không đủ tinh lực phân tâm. Hơn nữa, cạn tình còn nghĩa. Thầy thằng Trừ tận tình với u, u cũng phải hết nghĩa với chàng thôi. "

Nói xong, bà lại tiếp:

" Giờ trả lời câu hỏi thứ hai, thực ra đơn giản lắm. Tình yêu đẹp ấy mà, là thứ tình cảm khiến người ta cố gắng sống tốt hơn, vì yêu mà tự cải thiện. Con cứ nhìn thằng Lợi là thấy, từ hồi nó phải lòng con Lữ nó biết nghĩ hơn nhiều, càng ngày càng ra dáng nam nhi đội trời đạp đất. Con Lữ ở bên khuyên can chồng, hỗ trợ chồng cùng gánh vác nghiệp lớn kháng Minh. Hai đứa nó như thế, thì người đời há dám nói con Lữ là hồng nhan họa thủy? "

Xưa nay, người ta vẫn nói hồng nhan họa thủy.

Nhưng xét kỹ lại, thì chẳng phải cả vị hồng nhan kia, lẫn vua đương thời đều có lỗi hay sao?

Người đẹp mà như nguyên phi Ỷ Lan, biết khuyên bảo đấng chí tôn, cùng gánh vác trọng trách của ngai vàng thì người đời khen chẳng hết lời, nào dám bàn ra tán vào? Nhưng tuy là các nàng có lỗi, cũng chỉ là tội nhỏ.

Đế vương nếu như vì tình yêu với khách má hồng mà biết tu tỉnh bản thân, chăm lo chính sự, vì dân vì nước, thì liệu có mang tiếng hôn quân ngàn đời? Nhưng đắm chìm trong biển hoa, quên đi việc dân việc nước, để bản thân sa vào nữ sắc, thì ấy là tội to! Vì một người mà vứt bỏ cả thiên hạ, có người nghe thì thích tai khoái chí, khen ngợi ầm ầm, kẻ khác nghe lại chỉ cười nhạo chê bai.

Suy cho cùng…

Đắc Kỷ, Muội Hỉ, Bao Tự, Dương Ngọc Hoàn.v.v… thực chất đều chỉ có một cái lỗi: đó là các nàng không biết cách yêu vua chúa.

Người đời sau biết các nàng bị gọi là hồng nhan họa thủy, mà cũng quên mất Thương Trụ, Hạ Kiệt, U Vương, Đường Huyền Tông cũng bị hậu thế chê cười, tiếng xấu ngàn đời hay chăng? Tuy hồng nhan không tránh khỏi liên quan phần nào, nhưng nếu bao nhiêu tội lỗi đều đổ hết lên đầu nữ nhi yếu đuối cũng thực là chuyện chẳng vẻ vang gì.

Lại nhắc đến Lê Lợi, sau khi bàn chuyện với các tướng thì trở về phòng mình, tiếp tục chong đèn xem sổ sách mấy năm qua của Lam Sơn.

Trịnh Ngọc Lữ nấu một ấm nước chè đặc cho chồng, đặt bên án sách, lại nói:

" Hôm nay mình từ chối như vậy, Ngọc Trần mất mặt lắm đấy. "

" Đâu đã từ chối, tôi cần mấy ngày suy nghĩ thôi. "

Chàng uống cạn cốc chè, rồi mới nhún vai, đáp chỏng.

Trịnh Ngọc Lữ thở dài, nói:

" Tính mình sao em biết. Nếu như mình thực sự cân nhắc chuyện này, thì bây giờ đang ngồi vắt tay lên trán nâng lên đặt xuống mãi, chứ đâu có thảnh thơi ngồi xem sổ sách như bây giờ. "

Lê Lợi ngẩn người, chợt cười vuốt tóc vợ, nói:

" Đúng là tôi không qua mắt được mình. "

Trịnh Ngọc Lữ thở ra một hơi, rồi lại hỏi:

" Ngọc Trần có gì không tốt đâu, xinh đẹp hoạt bát, lại môn đăng hộ đối, sao chàng cứ phải chối từ? "

Chàng không ngờ vợ cũng ủng hộ ý của bà Thương, bèn nghiêm sắc mặt:

" U nhờ mình đến thuyết phục tôi à? "

Trịnh Ngọc Lữ cười, lấy ngón tay đẩy trán chàng một cái, nói:

" Chàng tưởng u rảnh rỗi đến thế sao? Chuyện chúng ta là do chàng chưa con cháu gì, nên u mới phải can dự vào đấy thôi. "

Lê Lợi bèn nói:

" Dẫu là thế, nhưng nếu là vì chuyện nàng bị chòm xóm lời ra tiếng vào, thì vợ chồng tối lửa tắt đèn là được, đâu cần phải lấy thêm vợ làm gì? U cũng không phải người quan tâm đến những chuyện này… "

Trịnh Ngọc Lữ nhìn chồng, rồi nói:

" Đã nghĩ được đến thế rồi mà mình vẫn còn không hiểu thì em cũng hết cách. "

Lê Lợi chau mày, chợt nghĩ tới một khả năng mà chàng đã mấy lần tự mình bác bỏ, ấy là Ngọc Trần thực sự có tình cảm với chàng. Nhưng… từ bao giờ? Và tại sao? Những chuyện này chàng không hề biết. Thành thử, mới nghĩ khả năng này chẳng thể xảy ra được.

Nhưng nay, được vợ nhắc nhở, chàng mới cẩn thận nghĩ kỹ lại tính cách của người trong cuộc, tức thì thấy được nhiều điểm đáng ngờ.

Bà Thương không phải người để bụng những chuyện nhỏ nhặt, càng chẳng để tâm đến lời thiên hạ. Bằng không, bà đã không chọn cách nhẫn nhục, chịu tiếng đớn hèn, đút lót quân Minh và bọn hàng tướng để đổi lấy thời gian âm thầm xây dựng Lam Sơn.

Phạm Ngọc Trần cá tính cứng cỏi có khi còn hơn cả Lê Lợi. Có lí do đàng hoàng tử tế mà muốn ép cô nàng gả cho người mà nàng không có cảm tình đã là chuyện khó hơn lên trời. Huống chi, nguyên do giữ thể diện cho Ngọc Lữ thực sự quá mức vô lí, bất công, Con gái nhà bình thường chưa chắc đã đồng ý, huống chi là con gái rượu của bá chủ một phương như Hổ Vương, người kiêu ngạo như Phạm Ngọc Trần?

Thế nên, rất có thể hư danh của Ngọc Lữ chỉ là cái cớ bà Thương dùng để tác hợp lứa đôi theo đúng nguyện vọng của cô nàng Ngọc Trần mà thôi.

Lê Lợi nghĩ thầm:

[Không khéo bác Lãm nhúng tay vào chuyện này, cố tình giúp cô nàng trà trộn vào doanh trại quân Hậu Trần cũng nên. Có câu lâu ngày sinh tình, chẳng nhẽ…]

Chàng nghĩ đến cảnh có một cô nàng âm thầm quan sát mình trong tối suốt mấy năm qua, mà toàn thân nổi da gà, sống lưng ớn lạnh, giật mình sặc cả nước trà.

Trịnh Ngọc Lữ thấy chồng lúng túng, bật cười mà nói:

" Hiểu ra là tốt. Mai mình mau cho cô nàng một câu trả lời thỏa đáng, bằng không em cấm cửa không cho vào buồng đâu. "

Nói đoạn, nhẹ nhàng tựa đầu vào vai chàng.

Lê Lợi nhìn ra cửa sổ, hướng về vầng trăng khuyết treo giữa rèm mây, thở dài:

" Lữ, tôi phát hiện ra một chuyện. Kẻ thích làm vua, tuyệt không thể là một vị vua tốt. Mà kẻ không thích làm vua, lại có thể trở thành một đấng minh quân. Mình thử nói xem là vì sao? "