Chương 72: Danh sĩ chưa gặp thời

Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 72: Danh sĩ chưa gặp thời

Chương 72: Danh sĩ chưa gặp thời

Chương 72: Danh sĩ chưa gặp thời

Các thợ thủ công bắt đầu bu lại, ngoại trừ bản vẽ tổng thể để cấu tạo nên được một cái máy xúc như vậy cần rất nhiều chi tiết nhỏ cấu thành, thậm chí Vô Niệm một đêm dù có giỏi cách mấy cũng không thể vẽ được đầy đủ tất cả những chi tiết này, vì thế hắn chỉ có thể chọn lựa những chi tiết quan trọng, cần độ chính xác cao bảo đảm việc vận hành của máy móc, còn những chi tiết đơn giản hơn các thợ thủ công phải dựa theo bản vẽ tổng thể mà chế tạo ra. Bọn thợ thủ công không ngừng hỏi Nguyễn Vô Niệm về những chi tiết trong máy móc, khiến cho Nguyễn Vô Niệm nói khản cả cổ. Đặc biệt là đến nguyên lý điều khiển, Vô Niệm phải lấy gỗ và dây làm ra một cái cánh tay máy đơn và bộ điều khiển đơn giản. Đám thợ không khỏi xuýt xoa nói.

- Trên đời lại có thứ kỳ công như thế, Bá tước đại nhân thực sự quá thông minh.

Thứ này xuất hiện quả thực đã kích thích nên sự sáng tạo của bọn hắn, lâu nay bọn hắn luôn phải làm đi làm lại những công việc đơn giản, có sẵn nên vốn rất nhàm chán, lần này Nguyễn Vô Niệm đưa đến máy xúc khiến cho bọn hắn cảm thấy vô cùng mới lạ, đồng thời cũng không ngờ những nguyên lý đơn giản gộp lại lại có thể tạo ra những thứ kỳ công. Nguyễn Vô Niệm nói.

- Đây chỉ là ý tưởng của ta, hiện tại liền giao cho các công tượng chế tạo thử xem như thế nào, đô giám xin phụ trách giám sát cẩn thận, cần phải làm ra thứ này càng nhanh càng tốt, để tiết kiệm chi phí các ngươi trước tiên có thể làm tất cả các chi tiết bằng gỗ theo tỷ lệ nhỏ hơn gấp nhiều lần bản vẽ, thử xem xét các bộ phận hoạt động tốt hay không, sau đó mới tiến hành phóng to các chi tiết đó lên.

- Bá tước đại nhân nói phải. Ngài yên tâm, ta sẽ giám sát việc này cẩn thận.

Trình Phổ cũng cam kết nói, thân làm Đô giám của Bách tác cục, hắn đối với những thứ máy móc này cũng thực sự thích thú. Nguyễn Vô Niệm nói.

- Các vị công tượng xin cố gắng một chút, nếu thực sự làm xong, riêng ta sẽ thưởng trăm quan, còn xin Đô giám xem xét sự cố gắng của từng người rồi chấm công, ta sẽ có thưởng thêm.

Muốn con ngựa chạy thì phải cho nó ăn cỏ, chế độ công tượng lại như một chế độ tuyển lính, lao động cưỡng bức, lính thì ít ra còn chia phiên, còn bọn hắn cả đời phải lao động trong cục Bách tác với đồng lương thấp, bù lại thì người nhà được miễn sưu thuế và lao dịch, do đó ngoại trừ những thợ thủ công lão làng ở đây còn lại những thợ phụ phía dưới làm việc rất ít nhiệt tình. Nguyễn Vô Niệm dù muốn thay đổi, thế nhưng hiện tại chưa phải lúc, chỉ có thể dùng tiền riêng của mình thưởng cho, dù sao một trăm quan cũng chỉ là lợi nhuận một ngày mà thôi.

- Tạ ơn bá tước đại nhân.

Các thợ thủ công vui mừng quá đỗi, bọn hắn tuy không xài tiền mấy thế nhưng nếu được ban thưởng thì vợ con ở nhà sẽ có được cuộc sống sung túc hơn, ai cũng phấn khích quyết tâm chế tạo ra được thứ máy móc này. Trình Phổ làm đô giám ở đây đã hơn chục năm, còn chưa từng thấy đám thợ thủ công tích cực như thế bao giờ.

======ta là đường phân cách====

Trong khi đó bên trong Quốc Tử giám lúc này sự việc về đào sông ở Hải Tây đạo cũng gây nên nhiều tranh cãi, có nhiều người thì ủng hộ bảo rằng đó là việc ích nước lợi dân, có người lại cho rằng đây lại là việc không cần thiết, hao tổn sức dân, đào sông để cho bọn thương lái qua lại làm giàu thì có ích gì, chú trọng nông nghiệp mới là thượng sách.

Đào Công Soạn cũng hiểu được phần nào ý định của bệ hạ, lần trước hắn cùng bệ hạ nói chuyện, Đào Công Soạn đã biết tâm tư của bệ hạ quyết tâm khuyến thương, do đó việc đào sông ở Hải Tây đạo nối các con sông tự nhiên với nhau tạo thành một hệ thống đường thủy nội địa đã là chuyện bắt buộc. Gặp phải các Thái tể ở trong triều bàn tới bàn lui cũng không tìm ra được cách, Đào Công Soạn không khỏi thở dài. Phần vì thương học trò, phần vì năm nay hắn thực sự đã giả, cảm thấy mình không còn sống được lâu nữa, Đào Công Soạn liền muốn giúp cho bệ hạ một việc cuối cùng này.

Ngày hôm nay hắn đi đến Quốc tử giám là để tìm gặp "đế sư" của tiên đế - Trần Thuấn Du. Trần Thuấn Du vốn là một danh sĩ đương thời, sánh ngang cùng với danh sĩ Lý Tử Tấn, vốn Trần Thuấn Du đỗ Thái học sinh thời Trần, nhưng không lâu sau nhà Trần sụp đổ, đến năm Kỷ Dậu (1429), Trần Thuấn Du lại thi đỗ nhị giáp cập đệ chỉ sau Triệu Thái. Thế nhưng tài năng như thế Trần Thuấn Du vẫn không được trọng dụng mấy, ngoại trừ việc đi dạy cho vua Thái Tông ở tòa Kinh Diên, còn lại Trần Thuấn Du chỉ được giao cho quản lý văn chương triều đình ở Nội mật viện. Có thể nói Trần Thuấn Du như một danh sĩ không gặp thời vậy.

Thế nhưng Đào Công Soạn biết rõ Trần Thuấn Du tài năng như thế nào, hiện tại triều đình rối ren, bật đại tài như Triệu Thái cũng cáo lão hồi hương, Trần Thuấn Du lại bị ném vào nơi nhàn rỗi như thế, Đào Công Soạn nghĩ chẳng phải tiếc lắm thay.

- Đào đại nhân!

Đào Công Soạn ngồi chờ một hồi thì Trần Thuấn Du mặc trên người quan phục đã đi đến, có lẽ hắn vừa rời nhiệm sở. Đào Công Soạn rót ra một ly nước chè mời Trần Thuấn Du ngồi lên chõng nói.

- Hôm nay mời Trình đại nhân đến đây, hi vọng không làm phiền đại nhân.

Trần Thuấn Du vốn họ Trần, thế nhưng vì kỵ húy của Cung Từ Cao hoàng hậu (Phạm Thị Ngọc Trần - mẹ của vua Lê Thái Tông) nên phải đổi sang thành họ Trình. Trần Thuấn Du nói.

- Đào đại nhân quá lời, được đại nhân mời đến đây là vinh hạnh của ta.

Hai người đều là Nhập nội Kinh Diên, cũng xem như là đồng liêu. Đào Công Soạn lại mời Trần Thuấn Du ăn trầu, Trần Thuấn Du bỏ têm trầu vào miệng nhai, xong lại uống một miếng nước chè, lúc này Đào Công Soạn mới nói.

- Không giấu gì Trình đại nhân, hôm nay ta đến cũng là vì việc đào sông ở Hải Tây đạo, không biết ý của đại nhân về việc này như thế nào?

Trần Thuấn Du miệng nhai nhóp nhép không khỏi dừng lại, hắn không ngờ Đào Công Soạn lại nói đến việc này, nếu như không phải biết Đào Công Soạn không thuộc phe phái nào trong triều, Trần Thuấn Du chắc chắn sẽ đứng dậy cáo từ đi ngay, việc này quá nhạy cảm. Trần Thuấn Du nói.

- Việc này ai ai cũng đều đã biết. Quả thực đào sông sẽ hao tài tốn của, thế nhưng về lâu về dài đây chính là cái lợi của trăm năm. Nên làm. Đáng tiếc, các bậc Thái tể không thể nghĩ ra được cách xoay tiền lương, bệ hạ lại lâm bệnh, lúc này đành phải dừng lại.

Đào Công Soạn nghe xong như mở cờ trong bụng, chỉ cần Trần Thuấn Du ủng hộ điều này chuyến đi này của hắn coi như không bỏ phí. Đào Công Soạn nói.

- Vậy xin hỏi đại nhân, nếu bệ hạ giao việc này cho đại nhân thì đại nhân sẽ xoay sở như thế nào?

Trần Thuấn Du nghe xong cười khổ nói.

- Ta đúng là có cách thật, thế nhưng các Thái tể sẽ không nghe theo...

Nghe Trần Thuấn Du trình bày, Đào Công soạn không khỏi sáng mắt lên, hắn nói.

- Nếu như Thái tể không nghe theo, vậy chúng ta trực tiếp đi gặp bệ hạ.

=========Ta là đường phân cách=======

Vạn Thọ cung, sau khi mê mang một ngày được Thái y chăm sóc, Lê Bang Cơ lúc này cũng dần dần hồi phục lại, hắn chỉ là vì suy yếu về tinh thần nên thể chất lại không thể trụ vững được. Vừa tỉnh lại Bang Cơ liền muốn đến Cần Chánh điện, thế nhưng bị Nguyễn Thị Anh cản lại, yêu cầu hắn nghỉ ngơi vài ngày, khi nào khỏe thì mới tiếp tục việc chính sự, còn đe dọa Đào Biểu, nếu hoàng đế lại đi đến Cần Chánh điện thì nàng sẽ chặt chân hắn. Kết quả Lê Bang Cơ cũng không dám đi ra khỏi Vạn Thọ cung.

- Đào Biểu, hiện tại triều chính do ai nhiếp chính?

Lê Bang Cơ ngồi lên giường bệnh hỏi lấy, Đào Biểu liền đáp.

- Bẩm bệ hạ, hiện tại triều chính do ba vị đại nhân Đại tư đồ Lê Bí, Thượng thư lệnh Lê Khang và Nhập nội bình chương Lê Ê cùng nhau bàn việc. Mấy ngày hôm nay Trung thư sảnh cũng không có đưa tấu chương lên.

Lê Bang Cơ không khỏi thở dài, trong ba người thực tế hắn chỉ có thể tin tưởng được mỗi Lê Khang, còn Đại tư đồ Lê Bí dù rằng nắm quyền to thế nhưng năng lực rõ ràng có hạn, Lê Ê thì càng không phải nhắc đến. Lê Bang Cơ lại hỏi.

- Vậy sự việc đào sông ở Hải Tây đạo bọn hắn đã quyết thế nào?

Đào Biểu nghe bệ hạ hỏi đến đây thì không khỏi lo lắng, hắn biết bệ hạ quan tâm đến vấn đề này như thế nào, thế nhưng... hắn cũng không có cách giúp đỡ bệ hạ. May mắn lúc này một nội thị đi vào nói.

- Bẩm bệ hạ, Nhập thị Kinh Diên Đào Công Soạn và Hành khiển nội mật viện Trình Thuấn Du cầu kiến.