Chương 89: San Fransixco

Tây Sơn Cảnh Thịnh Triều Đại Mới

Chương 89: San Fransixco

Chương 89: San Fransixco

Nửa tháng sau thì Smith đi tàu tới. Từ lúc Thịnh đi hắn luôn cảm thấy không an tâm, nên vài ngày sau lên tàu thủy đi California để kiểm tra tin tức. Gặp thấy Thịnh hắn rất vui mừng.

- Ơn chúa, ngài vẫn rất khỏe mạnh chỉ hơi gầy một chút nhưng rắn rỏi hơn.

Thịnh cười nói.

- Ta rất cảm kích sự giúp đỡ của ngươi. Ta cũng đang có một số việc muốn bàn với ngươi. Hiện tại ta cần ngươi giúp mua thêm năm nghìn nô lệ khỏe mạnh nữa. Ngoài ra ta muốn mở rộng phát triển vùng đất ở đây nên muốn mua thêm đất để phát triển nhà xưởng sản xuất vũ khí, trung tâm thương mại buôn bán... Ngày mai chúng ta đi tàu tới Yerba Buena để thăm quan xem sao.

San Fransixco ở trên một cái vịnh cũng mang tên đó. Những người Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân lên vịnh năm 1776, dựng trên một giáo dường bằng gỗ, mấy căn nhà ván, thế là thành thuộc địa của họ và đặt tên là Yerba Buena, mãi đến năm 1840 nó mới mang một tên mới là San Fransixco.

Ở kiếp trước Thịnh được nghe nhiều đến nó anh tưởng tượng đó đông đúc náo nhiệt như ngoại ở Luân Đôn, New york nhà cửa vườn tược đẹp đẽ, đường sá rộng rã, cửa hàng sầm uất, thợ thuyền thương nhân, công chức chen chúc nhau, nhưng đến nơi anh đã thất vọng. Đông đúc thì đông đúc thật đấy, nhưng nhà cửa thật tổi tàn. Chỉ một vài ngôi nhà bằng gạch, còn toàn bằng gỗ và lều. Nhà gỗ nào mà vách ngoài trát một lớp bùn khô đã coi là sang trọng rồi. Nhiều nhất là lều, đâu đâu cũng lô nhô những mái lều dựng tạm bợ. Tóm lại San Fransixco chỉ là một thứ Ragtown lớn thôi, một thứ thị trấn lều.
Đường sá bằng phẳng vuông vức như bàn cờ, những đường từ dưới vịnh lên dốc đến nỗi không xe nào leo nổi, trái lại những đường song song với bờ vịnh lúc nào cũng đông nghẹt. Xe cộ qua lại không có luật lệ nào cả, đụng nhau, lấn nhau, bọn đánh xe lực lưỡng, quất bò hay ngựa túi bụi, văng tục luôn miệng, cho xe xông đại tới, chẳng kể gì tới người đi bộ. Hai bên đường, đám đông lầm lũi, hấp tấp, chen lấn nhau đi lại Sở thuế Quan một ngôi nhà lớn nhưng xấu xí ở đầu tỉnh hoặc lại thị trường chứng khoán cất ở khu ăn chơi, hai bên là hai kho bạc.

Trừ vài vị mục sư, y sĩ, luật sư, không có một người nào ăn mặc đàng hoàng. Đủ mọi giống người, đủ các trang phục. Đông nhất là bọn tìm vàng ở mỏ về, quần áo bẩn thỉu, rách rưới vì quần áo ở đây bán đắt quá, ít người dám may sắm. Người nào cũng đầu tóc bù xù, râu ria xồm xoàm. Cạo râu làm quái gì, thị trấn này có khoảng mười lăm nghìn người mà chỉ có vài chục là đàn bà.

Đứng trên một ngọn đồi nhìn xuống, thấy mấy trăm cái lều nằm theo bờ biển hình vòng cung, lác đác có vài ngôi nhà, trên một khoảng dài non hai cây số. Trên sườn đồi trông xuống biển, nhà cửa chen chúc nhau thành từng bậc, trông như đấu trường La mã, nhiều nhà đang cất vì thành phố đang phát triển mạnh. Gió biển thổi vào, bụi mù và làm tốc các cửa lều lên, đó là khu bình dân.

Khu sang trọng mang tên là Phúc thành ở cách đó khá xa. Muốn cất nhà phải nộp thuế, các thợ mỏ và phu bến tàu không nộp thuế, chỉ dựng chòi bằng các thùng gỗ cũ, hoặc những cái lều bằng vải cánh buồm ăn cắp từ những con tàu đậu ở bến. Bờ biển là khu trộm cướp, sát nhân.

Trong hải cảng có mấy ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ, đủ các xứ, nằm ụ, bỏ không, tồi tàn, thảm hại. Thủy thủ và cả thuyền trưởng nữa, khi tàu cập bến rồi, thì bỏ mặc tàu đó, nhảy phắt lên bờ, vác một cái bao, đi lại miền mỏ đào vàng. Có khi hàng hóa cũng không dỡ lên nữa, hư hại hết. Chỉ có một chiếc tầu tuần tra của chính phủ Mỹ ráng bảo vệ hàng hóa được chút nào hay chút ấy. Dĩ nhiên không sao ngăn được hết bọn gian, chúng xuống tàu gỡ ván, chặt cột buồm, cắt cánh buồm đem về dựng nhà hoặc lều. Nhiều tàu có vẻ hoang toàn như trải qua cơn bão tố, nhiều chiếc mang tấm bảng " Kho chứa hàng", "Nhà trọ ", "Bán rượu, Bắp, Gạo ", " Khách sạn " … Muốn xuống các tàu đó phải chèo thuyền nhỏ, cặp hông chiếc tàu gần nhất rồi chuyền từ tàu này sang tàu khác, có khi cả chục chiếc mới tới vì những chiếc xa nhất cách bờ đến một cây số.

Dân chúng trong thị trấn hầu hết là dân tứ chiếng, thợ mỏ, ăn mặc thật lố lăng, quần áo thì tồi tàn, rách rưới, mà dây chuyền vàng, vòng vàng, nhẫn vàng đeo khắp người. Có kẻ nghêng ngang với những khẩu súng rất tốt, rất đắt tiền, ở dây lưng bằng da bò giắt dao găm, đoản kiếm chuôi nạm vàng, khảm xà cừ.

Thịnh nhận thấy người Mỹ nào cũng lăng xăng, nóng nảy khác hẳn với người Anh, người Pháp, nhất là người Á Đông. Miệng lúc nào cũng nhai lép nhép một thứ gì, tay không để yên, vung vẩy hoặc múa may, hoặc nắm chặt lại. Nhiều kẻ ngồi uống café mà móc con dao díp ra khắc bậy lên bàn, lên ghế rồi bỗng phi con dao cắm vào mặt bàn hay mặt đất mà cười ha hả. Đã đi mấy nước trên thế giới Thịnh thấy càng thấy ở đây tiềng bạc nhiều mà đời sống lại man rợ.
Thịnh và Smith vào khách sạn Eldorado, một trong hai khách sạn có tiếng nhất, đông khách nhất. Chủ quán đã có hồi kiếm đâu được hai gái nhảy và một chị hầu bàn nên cả San Francisco(gọi vậy cho dễ nhớ) đổ xô lại đây, ông tha hồ hốt bạc mặc dầu quán không ngày nào không xảy ra những vụ ẩu đả, phá phách lung tung. Rồi bỗng hôm ba cô gái đó biến mất làm cho dân San Fransico ngẩn ngơ, chắc một triệu phú Mexico hoặc một tên tướng cướp nào đã cuỗm mất các cô gái đó.

Eldorado có hai phòng rộng mênh mông, một phòng ăn uống và một phòng đánh bạc. Một bồi bàn lại tiếp họ, Thịnh để ý thấy đầu ngón tay cái của hắn to khác thường, sau mới biết rằng ở San Francisco bồi bàn hầu hết đều như vậy, vì khách hàng trả bằng vàng vụn, cứ một ly whisky là một nhúm vàng. Ngón tay cái càng lớn bao nhiêu thì nhúm vàng được nhiều bấy nhiêu. Thịnh đặt mỗi người một quả trứng tráng, một miếng bò bít tết, một miếng bánh và một ly rượu vang ăn xong lúc tính tiền Thịnh bo thêm cho hắn. Người bồi bàn cám ơn và nói.

- Nhìn các ông có vẻ tử tế tôi khuyên các ông một điều nhé, đừng đánh bạc.

Anh ta ngó quanh phòng rồi nói.
- Chủ quán này dọn các món ăn cho người đánh bạc mà không tính tiền. Các anh có thể qua bên đấy ăn được, nhưng đừng đánh bạc đấy.

Smith cười hỏi

- Chủ quán điên hay sao mà bao ăn các con bạc như vậy?

- Khôn chứ đâu có điên, có vậy mới dụ được bọn thợ mỏ chứ.

Thịnh nói cám ơn rồi hỏi thăm về thị trấn. Đường phố San Fransico không được sửa sang, giữ gìn vì chưa có cơ quan nào phụ trách. Rác rưởi ngập tới mắt cá chân, lều lấn hết lề đường. Người bồi bàn bảo.

- Các ông coi chừng đường Montgomery đấy, sau mấy trận mưa vừa rồi, nó như cái ao. Mới đầu người ta đem cỏ, rác, lá cây, cành khô lấp lại. Những thứ đó sụp xuống và hôm kia có hai chiếc xe bị sa lầy, không sao kéo ra được, đành bỏ xe lại. Các con đường khác khá hơn, vì người ta lấp các hố bằng bao bột hay bao hạt cà phê.

- Ủa bột và cà phê đem lấp đường ư?

- Chính vậy? Từ Nam Mỹ, Hawai, ở khắp nơi chở tới đủ các thực phẩm, hàng hóa, mà không có người dỡ hàng, không có kho chứa hàng nữa, để lâu hư nát hết, đem lấp đường chứ dùng làm gì bây giờ?

- Không ai ăn cắp những hàng đó sao?

- Có chứ, nhưng ở đây về sở hữu tài sản luật lệ nghiêm lắm. Nói đúng hơn là lệ chứ không phải luật. Dân trong thị trấn đều tôn trọng sở hữu tài sản, tục lệ ở đây đặc biệt lắm. Bạn bè gây lộn mà đâm chém nhau, con chửi cha, vợ bỏ chồng, những cái đó có thể bỏ qua được hết nhưng hễ đụng tới tàu sản của người khác là tội nặng lắm không tha thứ được. Một tên ăn trộm đã bị treo cổ trên một cột buồm tàu biển ở ngoài vịnh, Ngoài đường hễ có ai hô " Ăn cắp, ăn cắp!" là tức thì có cả trăm tiếng súng nổ lên ở khắp bốn phía, từ trong nhà, từ trong lều phát ra một loạt. Và cả trăm người đàn ông, đàn bà, già trẻ, thợ mỏ, con buôn, nội trợ, công chức, bất kể đang làm gì, dù đang đánh bài.. làm tình đi nữa, thì cũng bỏ hết đổ xô ra đường để đuổi bắt quân gian … y như săn đuổi một con sói ở rừng lạc về vậy.

Thịnh hỏi

- Vậy ở đây có giết và cướp tiền vàng không.

- Bộ ông tưởng ở đây không có chuyện đó sao! Các ông mới tới hả! Đợi tối nay các ông sẽ thấy, cứ chốc chốc lại có tiếng súng nổ. Người ta thanh toán nhau như ở giữa rừng vậy. Đời sống ở đây đắt đỏ lắm thiếu gì các nhà quí tộc Nga, Pháp làm bồi bàn như tôi, mỗi ngày kiếm được trăm đô la sóng tạm thời ấy mà. (số tiền thực tế là mười mĩ kim nhưng qui đổi ra tỷ giá hiện nay để độc giả dễ hình dung).

Người bồi bàn nói không phóng đại, một lát sau Thịnh và Smith tới một con đường ngổn ngang những bao bột, bao hạt café xanh từ Chile chở tới, cả những bao thuốc thơm Virginie nữa… Và mới xẩm tối họ đã nghe thấy lác đác vài tiếng súng nổ, mà người ngoài phố cứ thản nhiên như thường. Sau khi đi một vòng bọn họ thấy mệt mỏi liền quay về khách sạn Eldorado nghỉ ngơi.