Chương 20: Bố Cục Cho Tương Lai
Có bao giờ mọi người thắc mắc, vì sao mãi đến năm 2022, Việt Nam mới có một cầu thủ xuất ngoại đá bóng ở một giải chuyên nghiệp của châu Âu không?
Điều thắc mắc này cũng đã từng có trong Tùng sau khi Đoàn Văn Hậu ê chề quay về Việt Nam năm 2020 sau vỏn vẹn 4 phút thi đấu ở giải vô địch Hà Lan trong màu áo câu lạc bộ SC Heerenveen. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng một trong số các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề này, đó là …. Tiền
Phải, hầu hết các cầu thủ Việt Nam có đủ khả năng thi đấu ở các giải châu Âu, đương nhiên chỉ là các giải hạng 2, hạng 3 châu Âu, nhưng riêng ở Việt Nam, họ đã nhận được các hợp đồng khủng về tiền lương và đãi ngộ. Bên cạnh đó, chi phí giải trừ hợp đồng của các cầu thủ này cũng cao một cách thái quá. Năm 2020, vớ i giá tiền từ 3-4 tỷ đồng giải trừ hợp đồng, tương đương với giá cầu thủ tầm 160.000 euro. Trong khi đó, với giá tiền này, hầu hết các câu lạc bộ nhỏ ở châu Âu đều phải cân nhắc rất nhiều trước khi xuống giá, bởi bỏ một số tiền lớn để mua một cầu thủ ngoài EU không phải là một ý kiến tốt, trong khi có rất nhiều sự lựa chọn, nhất là ở những nước như Pháp hay Bồ Đào Nha, nơi vẫn chấp nhận song quốc tịch đến từ các nước thuộc địa cũ của mình ở châu Mỹ và châu Phi.
Do đó, vì giá quá cao như vậy, nêu hầu hết các cầu thủ chúng ta đều không thể xuất ngoại thi đấu, dẫn đến việc trình độ của cầu thủ do không được rèn luyện ở môi trường cạnh tranh cao nên càng lúc càng khó bắt kịp với xu thế chung của Thế giới. Mãi về sau này, ở những năm từ 2018 trở đi, khi tiếp nhận sự chỉ đạo của huấn luyện viên Park Hang-Seo, bóng đá Việt Nam mới có sự khởi sắc.
Bởi vậy, ngay từ đầu, Tùng rất rõ ràng về thái độ trước sự mời chào của các câu lạc bộ. Bởi cậu hiểu rằng, ngay khi kí kết với các câu lạc bộ trong nước, thì cánh cửa thi đấu ở nước ngoài của cậu gần như sẽ bị khép lại, và bản thân cậu sẽ mãi mãi không thể thoát khỏi được cái ao làng mà vùng vẫy giữa biển khơi.
Do đó, Tùng rất kiên quyết từ chối tất cả các hợp đồng đào tạo từ những câu lạc bộ khác, kể cả các lò đào tạo lớn như Sông Lam Nghệ An hay Hà Nội, mà giữ vững lập trường ở lại lò đào tạo của trung tâm đào tạo trẻ tỉnh Đồng Nai.
Hôm ấy, sau khi kết thúc thời gian huấn luyện, Tùng nằm ra giường và suy nghĩ. Cậu lấy một quyển sổ và lập ra kế hoạch xuất ngoại của mình.
Đầu tiên, vấn đề trước mắt cần phải giải quyết là chi phí. Điều này đối với một đứa trẻ 11 tuổi có vẻ là quá sức, nhưng đối với một người nắm giữ tin tức từ tương lai như Tùng thì cũng không phải là điều gì quá sức tưởng tượng.
Từ những năm 2000, kinh tế Việt Nam bắt đầu bắt kịp xu hướng của thế giới, và điển hình là thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu mở cửa, và vẫn luôn thịnh vượng cho đến đầu năm 2006, khi chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế mới bị sụp đổ và gây ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ nền kinh tế. Trước thời điểm đó, thị trường này vẫn là một mỏ vàng dành cho tất cả mọi người biết khai thác chúng.
Lúc này, Tùng đã vạch ra kế hoạch cho mình. Cậu cần ít nhất là 50.000 Euro, tương đương với hơn 1 tỷ ở năm 2006, để có thể tự trang trải chi phí xuất ngoại rèn luyện bóng đá của mình trước khi có thể tự cấp tự túc tại nơi đất khách quê người. Đích đến đầu tiên cậu nhắm tới là giải Bồ Đào Nha, một trong số những nơi có hệ thống đào tạo trẻ xuất sắc nhất thế giới. Tại đây, hầu hết các câu lạc bộ từ lớn đến nhỏ đều có hệ thống đào tạo từ đội thanh niên đến đội dự bị, làm tiền đề cho đội chủ lực, đồng thời liên kết với các đội ở những cấp bậc cao hơn nhằm vận chuyển nguồn nhân tài, tạo thành một vòng khép kín. Do đó, chỉ cần có thể bắt đầu ở một câu lạc bộ nhà nghề, dù ở giải đấu thấp nhất, thì cơ hội để leo lên cao của Tùng cũng rất rộng mở, nhất là khi cậu quyết định xuất ngoại ở lứa tuổi 15, nhiều cơ hội để vào được các lớp đào tạo trẻ của các câu lạc bộ.
Bên cạnh đó, việc trau dồi kiến thức, nhất là về mặt ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Tùng quyết định, trong thời gian nghỉ ngơi sẽ tiếp tục học thêm ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Đức. Với khả năng đã đọc qua là không quên được thì trong 3 năm học 5 thứ tiếng đến mức có thể giao tiếp được đối với Tùng cũng không phải là việc quá khó khăn.
Bên cạnh đó, Tùng cần có một người dẫn đường, nhất là các thủ tục để có thể học tập và thi đấu ở nước ngoài mà không bị liên đoàn bóng đá trong nước sờ gáy là một chuyện cũng quan trọng không kém. Tùng lập tức liên hệ thầy Tuấn để trình bày ý nghĩ của mình, đương nhiên là giấu chuyện kiếm tiền từ thị trường chứng khoán.
Thầy Tuấn nhìn cậu với ánh mắt sửng sốt, quả thật ông hầu như không tin vào tai mình khi nghe một cậu bé 11 tuổi lại có thể quy hoạch tương lai của mình một cách bài bản như vậy. Thầy lập tức suy nghĩ kĩ về ý tưởng của Tùng và bất ngờ thay, ông nhận thấy ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện.
Ông lập tức đảm bảo với Tùng sẽ hỗ trợ hết mình. Các thủ tục trong nước sẽ được ông lo liệu, còn Tùng sẽ phải tự lực cánh sinh cho cơ hội được tham dự một buổi thử huấn ở nước ngoài.
Tùng lập tức bắt tay vào việc. Cậu liên hệ ngay cô của mình, đang làm việc ở Long An, để nhờ hỗ trợ trong việc mở tài khoản chứng khoán và tham dự vào thị trường. Trong tay số tiền ít ỏi chỉ 3 triệu đồng có được từ tiền thưởng của ngôi vô địch và tiền tiết kiệm của Tùng, cậu lập tức đầu nhập số tiền này vào thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hái ra tiền này.
Hành trình của Tùng cho con đường bóng đá bắt đầu một cách gian truân như vậy, nhưng cậu hiểu, chỉ cần kiên trì theo đuổi ước mơ, ước mơ chắc chắn sẽ không rời bỏ cậu.
Hằng ngày, cậu vẫn liên tục đều đặn tập luyện trước sự chỉ đạo của các thầy ở trung tâm, đồng thời tiến hành học tập ở trường và ngôn ngữ mới, khiến thời gian của cậu đã eo hẹp nay lại còn eo hẹp hơn.
Đã có lúc, cậu suy nghĩ tại sao mình không lợi dụng trí nhớ của tương lai để làm giàu, tội vạ gì phải cắm đầu khổ luyện như thế này. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy sự tiến bộ hiển thị rõ hằng ngày bằng việc tăng điểm kinh nghiêm và đôi khi là điểm thuộc tính, khiến cậu càng thêm có động lực hơn.
Số tiền trong tài khoản chứng khoán của cậu do cô cậu đứng tên vẫn tăng trưởng đều đều, vì đã cơ bản nắm được những cổ phiếu có thể tăng trưởng trong thời gian này do đã từng đọc qua về thị trường chứng khoán trong quá khứ, nên cậu không hề khó khăn trong việc tìm được nguồn lợi lớn để tích lũy cho việc du học sau này của mình.
Hằng ngày, lịch học tập và làm việc của cậu vẫn không có gì thay đổi. Sau khi hoàn thành giải đấu và thực hiện xong các bước đệm cho tương lai, Tùng lại vẫn như các đứa trẻ khác, bước vào năm học mới. Với khả năng đọc qua là không quên được của mình, cậu nhanh chóng trở thành học sinh xuất sắc nhất lớp, và vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất của trung tâm từ trước đến nay, bất chấp việc hiện giờ Tùng đã tiến hành luyện tập chung với tuyển U13 của tỉnh, trong đó có rất nhiều gương mặt đến từ lò đào tạo trẻ của câu lạc bộ Đồng Nai.
Chưa xong còn tiếp!!!