Chương 87: Tư tưởng Pháp - Mặc - Hồ

Khí Vận Quốc Gia

Chương 87: Tư tưởng Pháp - Mặc - Hồ

Chương 87: Tư tưởng Pháp - Mặc - Hồ



Ngự thiện phòng,

Đinh Liễn đứng lên cảm tạ đạo trưởng Trương Ma Ni và mời ông ngồi xuống. Sau đó nói với các quan trong phòng.

- Nãy giờ chúng ta đã nghe các vị cao tăng và các vị đạo trưởng khai thị. Như vậy, ta đã có ít nhất ba hệ thống tư tưởng để tham khảo là Nho, Thích, Đạo. Không biết, các ái khanh còn biết loại tư tưởng nào nữa không để chúng ta có thể tham khảo?

- Nên biết, kẻ đi sau muốn thành công thì phải biết đứng trên vai người khổng lồ. Càng có nhiều học thuyết tham khảo, càng có nhiều dữ liệu để soi xét, càng có nhiều điển tích để so sánh, thì khả năng khai sáng ra hệ tư tưởng mới càng dễ dàng.

Lúc này, Thái sư Nguyễn Bặc cũng đã đứng lên tâu:

- Muôn tâu bệ hạ, ngoài ba hệ thống tư tưởng của Nho, Thích, Đạo thì theo thần nên tham khảo thêm tư tưởng của Pháp Gia và Mặc Gia.

- Ồ. Thái sư, ông có thể nói cho tất cả chư vị ở đây về tư tưởng của hai nhà này?

- Tâu bệ hạ. Nói đến Pháp Gia thì phải nói đến thời đại Xuân Thu Chiến Quốc. Ông tổ của Pháp gia là Tuân tử, Hàn Phi Tử, Thương Ưởng. Đất nước ưa thích dùng tư tưởng Pháp gia để cai trị đất nước là nhà Tần, sau này đỉnh cao là Đế Quốc Tần - Tần Thủy Hoàng Đế.

- Pháp gia chủ trương ngoài Đế Vương, tất cả mọi người khác đều bình đẳng trước pháp luật. Dù xã hội có phân giai cấp hay không phân giai cấp thì bất kỳ ai đều phải chịu sự chế tài của Pháp luật. Pháp gia chủ trương xây dựng một xã hội pháp trị.

- Tất cả pháp, luật, lệ, quy định, quy tắc đều được dệt thành một tấm lưới để bao phủ tất cả thần dân. Đế Vương là người duy nhất, sáng tạo, sửa đổi, thay thế quy tắc. Các quan chức là người đại diện thay Hoàng Đế thực thi pháp luật cai trị quốc gia.

- Nếu Nho gia cho rằng: nhân chi sơ, tính bổn thiện có nghĩa rằng con người khi sinh ra vốn đã lương thiện, sau đó vì cuộc sống và xã hội đưa đẩy mới rơi vào việc ác. Vì thế mà Nho gia chủ trương tự kiềm chế hay còn gọi là dùng nội lực của bản thân để dùng.

- Đó là nguyên tắc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trước tu thân mình để hạn chế cái ác xâm nhập, sau thành đạt, lớn mạnh thì bắt đầu chịu trách nhiệm nhiều hơn với gia đình, xã hội và đất nước.

- Pháp gia lại cho rằng: Nhân chi sơ tính bổn ác nghĩa rằng: con người khi sinh ra vốn đã mang tính ác. Ác ở đây là sự chiếm hữu tài nguyên ngay từ trong bụng mẹ, khi ra đời cùng với sự tăng trưởng thực lực nên tham lam hơn, chiếm đoạt nhiều hơn, gây ác nhiều hơn.

- Vì thế mà Pháp gia chủ trương dùng pháp luật tức ngoại lực để kiềm chế các hành vi sai trái. Pháp Gia cho rằng bản tính con người vốn ưa thích tự do, hướng ngoại, phá rào nên để cho họ tự tu thân thì khó, người làm được không nhiều. Vậy, phải lấy ngoại lực là pháp luật răn đe để bổ sung.

Đinh Liễn ngồi nghe như si như say. Tư tưởng này thời hiện đại chính là đang sử dụng. Người càng ngày sinh sôi càng nhiều. Tham sẽ càng ngày càng tăng. Hôm nay kiếm được 10 triệu thì lại muốn 100 triệu, ngàn triệu, ngàn tỷ. Tham quá sẽ sinh ra tội phạm. Như thế tội phạm sẽ càng ngày, càng nhiều.

Nếu chỉ trông chờ vào sự tự ý thức của mỗi người e rằng không thể. Chỉ có pháp luật ràng buộc và chế tài thì mọi người mới cảm thấy an tâm mà sinh hoạt. Những đất nước loạn lạc hầu như đều là do pháp luật không nghiêm mà ra. Cho nên, cái bình đẳng của Pháp gia chính là bình đẳng trước pháp luật. Bình thường xã hội vẫn cần có giai cấp nhưng nếu vượt rào thì sẽ không còn giai cấp ở đây.

Thời này, Pháp luật sinh ra là để phục vụ quyền lợi cho Hoàng Đế. Thời sau pháp luật sinh ra là để phục vụ một giai cấp nắm quyền. Bản chất là như nhau. Sự bình đẳng hay công bằng chỉ là tương đối.

Đinh Liễn quả thật rất yêu thích tư tưởng này bởi nó thực tế, hợp hoàn cảnh và tình huống của hắn. Hắn là Hoàng Đế tất nhiên là không muốn bị Pháp luật ràng buộc nhưng lại cần Pháp luật để quản lý đất nước. Và hắn biết, con đường Pháp trị mới là con đường đúng đắn để cai trị một quốc gia.

- Tốt. Hay cho Pháp gia. Tốt cho Pháp gia. Đứng trước Pháp luật con người cần phải bình đẳng. Thế còn thuyết của Mặc Tử thì sao?

Nguyễn Bặc thấy Đinh Liễn rất hài lòng thì cũng hào hứng chia sẻ tiếp:

- Mặc tử vốn cũng sinh vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc. Ông ta xuất thân từ tầng lớp Thợ thủ công. Ông ấy đề xuất học thuyết Kiêm Ái tức dùng tình yêu thương để cai trị quốc gia, dùng tình yêu để xử lý các mối quan hệ giữa người với người.

- Mặc tử chủ trương con người nên sống tiết kiệm, tránh phô trương, chăm chỉ lao động, đối xử với mọi người bình đẳng, bác ái và có tâm không phân biệt. Ông ấy ủng hộ chiến tranh tự vệ, lên án chiến tranh xâm lược.

Xây dựng một xã hội không giai cấp, không tầng lớp. Vua và quan lại chỉ người tài mới được làm thông qua sự đồng ý của toàn dân. Bệ hạ. Hạ thần thấy, tư tưởng của ông ấy có phần hơi ảo tưởng. Có lẽ vì vậy mà không có quốc gia nào trọng dụng học thuyết này.

Đinh Liễn gật đầu. Tư tưởng này của Mặc Tử quả thật là ảo ma Chi-na. Ra đời ngay trong thời đại Chiếm hữu nô lệ và Phong kiến thì rõ ràng là không hợp thời. Mặc Gia không bị tầng lớp thống trị tiêu diệt ngay thì đúng là rất may mắn.

Nhưng không thể phủ nhận, một số quan điểm của Mặc Tử rất hợp cho một xã hội văn minh, nơi mà quyền tự do dân chủ của cá nhân được đề cao. Ví dụ tư tưởng bình đẳng, bác ái, tư tưởng cần kiệm liêm chính, tư tưởng dân chủ bầu cử...

Học thuyết của chúa Jesu không phải cũng là thuyết Đại Ái hay tình yêu lớn đó sao. Phật giáo có bố thí ba la mật. Thuyết Vô vi của Đạo giáo cũng có ý nghĩa tương tự. Có thể nói thuyết Kiêm ái của Mặc tử chính là nền tảng của chủ nghĩa nhân văn thời hiện đại.

Nghĩ tới đây, hắn lại nhớ tới ông Hồ. Ông Hồ quả lại đại tài và là một nhà lãnh tụ vĩ đại. Không phải tự nhiên mà trên thế giới có hàng trăm viện bảo tàng, di tích và viện nghiên cứu về con người ông. Cả trăm quốc gia đều đã đúc tượng hay dựng tượng đài để tưởng nhớ ngay cả ở những đất nước từng là cựu thù như Pháp, Anh, Trung Quốc... Ngay cả kẻ thù của ông cũng phải tâm phục và khẩu phục gọi là Ông Hồ, hay Hồ Chủ tịch.


Thế kỷ 20, toàn thế giới xuất hiện bốn nhà lãnh tụ lớn. Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh tụ của Trung Quốc. Chủ tịch Phiên Castro của Cu Ba. Thánh Ghan di của Ấn Độ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những nhân vật kiệt xuất này đều có công lao chí vĩ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của chính quốc gia ấy. Nhưng nếu nói đến tầm ảnh hưởng thế giới thì có lẽ Ông Hồ phải xếp hạng đầu. Đây là nhân dân thế giới công nhận chứ chả phải hắn nói.


Hắn nhớ cái thời hắn học đại học có học qua bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng nói thật, lúc ấy hắn chả hiểu gì. Học cho có và đủ thi cho qua môn. Đến bây giờ, trong hoàn cảnh cụ thể, hắn mới ngộ ra cái sự vĩ đại của ông Hồ từ tư tưởng, đạo đức và nhân cách. Hắn không phải là Đảng viên, cũng không phải là dân cuồng cộng sản nhưng hắn khâm phục ông Hồ bởi tinh thần yêu nước, chủ nghĩa dân tộc và sự cống hiến suốt đời.

Đặt tay lên ngực tự hỏi mình, hắn cảm thấy mình quá nhỏ bé. Mình không thể vĩ đại như ông ấy. Bản chất, hắn là một vị Hoàng Đế, là người đứng đầu của chế độ Phong Kiến. Một cách tự nhiên, hai lập trường đã trời sinh đối lập với nhau.

Ông Hồ từng có nói:

"Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Marx có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện của nước ta…

Khổng Tử, Giêsu, Karl Marx, Tôn Dật Tiên chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ ở một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất tốt đẹp như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ."

Đến tận đây Đinh Liễn mới hiểu, hóa ra cái mà hắn đang làm là dung hợp các tư tưởng, học thuyết của bách gia, trăm sông đổ về biển để tạo ra học thuyết cho riêng mình không phải là con đường mà ông Hồ đã đi ư?

Ông Hồ mới chỉ đưa ra các luận điểm chứ chưa hệ thống nên mới chỉ là tư tưởng chứ chưa nâng cấp lên thành Học thuyết hay chủ nghĩa. Cái mà hắn phải làm chính là hoàn thiện hệ thống này.

Đinh Liễn gật đầu với Nguyễn Bặc:

- Tư tưởng Mặc Gia tuy rằng khá ảo tưởng nhưng kỳ thật có thể chọn lọc một số thứ để áp dụng. Ví như tư tưởng dùng yêu thương để đối nhân xử thế trong sinh hoạt cần được khuyến khích trong dân chúng. Tư tưởng cần kiệm liêm chính chí công vô tư cần áp dụng cho các quan chức.

- Nho giáo thật ra cũng có tính chất bình đẳng, đó là bình đẳng trong sở hữu tài sản, phân chia giai cấp cũng là một dạng bình đẳng. Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cũng là những đức tính tốt cần học tập. Quan điểm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cần được giáo dục cho con cháu chúng ta.

- Pháp gia cũng thật cần thiết. Xã hội không có pháp luật nhất định sẽ rối loạn. Vô tổ chức, vô kỷ luật sẽ đem đến tai nạn, tệ nạn, xung đột, chiến tranh. Cho nên xây dựng một chế độ Pháp trị là hoàn toàn chính xác.

- Đạo Giáo thờ phụng chủ nghĩa Vô vi, Phật giáo chủ trương chúng sinh bình đẳng cũng không sai. Bởi nếu sai thì những bậc vĩ nhân ấy đã không trở thành Thánh nhân. Có điều chúng ta nên áp dụng vào giáo dục, văn hóa của mỗi cá nhân để mỗi người đều có thể tự hoàn thiện mình. Ấy là điều tốt.

- Hiện tại, bách tính dân trí chưa cao nên không thể thực thi chế độ bình đẳng như Mặc tử hay Triệt giáo chủ trương. Trẫm cảm thấy sự bình đẳng trong Phật giáo là một tư tưởng khá hay và đúng.

- Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong một xã hội có giai cấp. Đã xóa bỏ giai cấp là không ổn thì ta thay đổi tiêu chí đi.

Quần thần và các vị cao nhân nghe Đinh Liễn tổng kết thì cũng gật đầu đồng ý. Mỗi một học thuyết đều có cái hay, có cái phù hợp. Cùng áp dụng vào chính trị thì có cái hợp cái không. Nhưng nếu áp dụng vào từng lĩnh vực thì quả nhiên sẽ tận dụng hết các ưu điểm. Mỗi học thuyết như một mảnh ghép trong một bức tranh tổng thể. Lấy tinh hoa, bỏ phế phẩm chính là phương pháp tốt nhất.

----------
P/s: Mấy chương này chủ yếu nói về tư tưởng và các học thuyết triết học. Thực tế hàng ngày chúng ta vẫn đang sử dụng. Chẳng qua chúng ta không biết là ai đã đề xướng ra chúng mà thôi.

Triết học chính là các quy tắc vận hành cuộc sống. Thế nên khi chúng ta nắm giữ triết học sẽ khiến chúng ta càng thêm ung dung sinh hoạt trong thế giới này. Thế giới rất phức tạp nhưng cũng thật đơn giản. Đại đạo ở ngay những thứ bình thường nhất.