Chương 153: Lợi và nghĩa
C 6: Lợi và nghĩa
Một quyển sách, tờ biên lai với vài trang thư không có đáng mấy thời gian, xong cũng mất non tháng mới tới được tay của Minh, vì đường xá xa xôi cách trở, và người đi đưa thư là Xủ Lu, vì cậu ta vừa nói được tiếng Kinh, ăn mặc đã na ná dân dưới này, lại trung thành, không hỏi han nhiều. Ngoài cuốn sách trên, Kiệt cũng tiện thể gửi tặng anh trai vài đồ vật tiện lợi nho nhỏ, chứ còn hàng giá trị quá cao thì không có, nhằm giúp giảm bớt tải trọng đi đường, Xủ Lu có thể lên trên kia nhanh hơn.
Thấy Xủ Lu tới, Minh ngạc nhiên lắm, vì cậu cần một thợ thủ công, chứ đâu phải là một vệ sĩ nữa. Xủ Lu chào hỏi cần thận rồi đưa cho Minh bức thư trước tiên. Minh mở lá thư ra, đập ngay vào mắt cậu ta là đoạn văn: Hoàng Anh Minh, anh có ơn gì với làng Hồng Bàng, để làng phải cùng anh gánh chịu hậu quả từ vụ đốt phá Phố Đêm, anh có thân thích gì với người thợ làng Hồng Bàng, mà đòi họ lên Trấn Nam Bàn xa xôi, lam sơn chướng khí để làm việc cho anh. Những câu chữ vô cùng nghiêm khắc, thậm chí có thể nói là khắc nghiệt này là sao chứ.
Minh vội đọc thêm bức thư gửi kèm. Bức thư này khá dài, viết hai mặt mà tới tận 5 trang giấy, bởi nó không chỉ thuật lại những điều mà Nhung nói với Kiệt, mà còn gửi kèm một bản tóm tắt việc kiểm toán lại tài sản làng Hồng Bàng trước và sau sự kiện Phú Tăng An bắt đền, không chỉ tính ra số lợi nhuận giảm sút mà còn chỉ rõ một vài hậu quả của việc này với cá nhân những người dân trong làng và sự phát triển của làng. Ở đây, Kiệt cũng không phân tích vụ cậu ta định dùng Phú Tăng An để củng cố làng Hồng Bàng vì mục tiêu bức thư là đưa anh trai cậu quay lại thực tế, nhìn nhận cuộc đời dưới lăng kính của một con người chứ không phải một thư sinh có sự tiền hô hậu ủng ngày xưa.
Càng đọc, Minh càng thấy xấu hổ. Cậu thấy được hậu quả của việc mình làm với cá nhân người dân Hồng Bàng. Làng Hồng Bàng mấy năm qua tuy phát triển rất tốt, nhưng chi tiêu cũng không ít, vì tiền kiếm được còn phải chi cho nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển, kho bãi,… Tiền để trả công cho mọi người tính ra cũng chỉ gọi là dư dả một chút chứ không phải là nhiều. Đến cuối cùng, có một khoản để lại để dự phòng, chuẩn bị cho tình thế bất ngờ, tới cuối năm còn bao nhiêu thì chi một ít từ đây ra chia cho mọi người làm quà ăn tết. Mấy năm nay, năm nào cũng có mấy việc chi từ khoản này ra, song năm nay là lớn nhất, mọi người không còn tiền tiêu tết nữa. Không có tiền tết, tức là những người trong nhà không có tiền mua sắm đồ mới, thịt, gà, quần áo mới, sửa sang nhà cửa,… Còn ở cấp làng, mất khoản dự phòng này, mọi kế hoạch phát triển sẽ phải cẩn trọng hơn, sự phát triển của làng trì trệ, để rồi khiến tiền kiếm được giảm sút,…
Không chỉ mất tiền, làng Hồng Bàng còn phải dính vào Phú Tăng An, một sự cực kỳ nguy hiểm. Công việc Phú Tăng An bắt họ làm luôn tạo cơ hội để người thường sa ngã: muốn kiếm được tiền nhanh ở nơi đó có gì ngoài ép phụ nữ bán dâm. Mà Phú Tăng An luôn thúc ép tiền bạc, Bang Bất Lương thì là lũ không có liêm sỉ gì, sẵn sàng kích động dân Hồng Bàng tha hóa.
Ngẫm lại thì thấy rõ, làng Hồng Bàng trả giá nhiều như vậy cho Minh, cậu lại không thể làm cho làng bất cứ lợi ích gì. Đúng vậy, Minh thanh cao, không muốn nhúng chàm, nhưng để giữ sự thanh cao đó, cậu đạp lên đầu bao nhiêu người khác, ấn họ xuống bùn đen để làm đường đi cho bản thân. Hành vi này ngẫm ra có khác gì Phú Tăng An dùng Bang Bất Lương kinh doanh Phố Đêm hay là Đại Hoa đào tạo Thái Học Sinh. Nghĩ tới đây, cậu ta nhìn sang Xủ Lu, thấy cậu ta vô cùng mệt mỏi, nhớ lại chuỗi ngày lên trên này của mình mà suy ra, việc lên tận đây đâu có dễ. Minh có lý do chính đáng, có quyết tâm, song người thợ sắp phải lên đây theo lời nhờ vả của cậu với em trai thì có lý do gì ngoài lời thúc ép của cậu.
- Kiệt có dặn dò gì nữa không?- Tâm trạng nặng nề, Minh hỏi Xủ Lu thêm để rồi cho Xủ Lu về xuôi sớm, không nên ở đây mà
- Cậu Kiệt nói rằng cậu Minh lâu nay đi học các nơi là nhờ tiền của làng Hồng Bàng làm ra, song cậu lại không mang lại được ích lợi gì cho làng Hồng Bàng. Để cảnh tỉnh mọi người, khiến tất cả không ai có ý định ngồi chơi xơi nước như cậu, thì từ nay cậu Minh sẽ nhận một khoản tiền dành cho những người ít đóng góp, gọi là tiền cứu trợ, cậu Kiệt cũng sẽ cho cậu một khoản tiền do riêng cậu ấy hoặc bố mẹ cho. Nhưng nếu có thể, mong cậu Minh hãy thử làm kinh tế xem sao, trồng trọt, chế máy, buôn bán,... rồi dùng tiền đó để mà làm việc cậu muốn làm, có thế mới hiểu cảm giác người dân trong làng khi phải vung tiền ra cho cậu.
Xủ Lu thông báo việc Kiệt phải mạnh tay cắt giảm quyền lợi của Minh cuối cùng, nhưng với Minh không quá quan tâm tới tin này. Cậu ta cảm ơn Xủ Lu đã phải vất vả lên tận trên này để đưa thư, rồi hỏi thêm Xủ Lu ở lại hay về ngay. Xủ Lu bảo cậu ta sẽ ở lại xem xét tình hình mấy ngày để báo cho Kiệt, hiển nhiên là ý của em trai cậu cũng muốn tìm cách gỡ cho anh. Kiệt sẽ cố tìm lý do gì đó để lên đây đầu tư, khi đó có muốn giúp đỡ Minh cũng dễ. Minh và Kiệt là anh em trai cùng một mẹ đẻ ra, sống cạnh nhau lúc còn nhỏ, nên tình cảm có sự khăng khít nhất định. Minh không từ chối vì cậu ta thấy nếu Kiệt đầu tư lên trên này sẽ giúp đỡ người dân trên này nhiều, đó là thứ Minh quan tâm nhất.
Hoàng Anh Minh sau đó tới gặp ngụy quan Dương Quốc Lộ để nói sơ qua tình huống. Mời nghe Minh nói tới đoạn làng Hồng Bàng không thể gửi thợ có tay nghề lên đây để truyền nghề, Dương Quốc Lộ đã mặt nặng mày nhẹ, song nhớ rằng Minh thuộc về Học Phủ chứ không phải là thuộc hạ, nên ông ta chỉ nhắc nhở Minh lần sau không có năng lực đừng có mà nói trước với người ta, gieo hi vọng cho họ để rồi tới lúc không làm được, khiến người ta thất vọng. Mà thất vọng là còn nhẹ, với Dương Quốc Lộ, đợi chờ Minh mang người lên giúp ông ta đã khiến ông ta tốn thời gian quá lâu, may mà chưa hỏng việc của ông ta. Nói xong rồi, Dương Quốc Lộ phất tay mà đi, bỏ lại Minh mặt lúc trắng lúc đỏ.
Minh biến sắc không phải vì thẹn, nhục hay giận. Cậu ta biến sắc mặt là vì nghiệm được phần nào cuộc sống, là nếu Minh không thể đem lại lợi ích cho người khác, thì lý gì mà người khác phải tôn trọng cậu và mang lợi ích tới cho cậu ta. Thế mới thấy rằng, bây lâu nay cậu ta đã sống thật vô tâm biết bao khi mà cứ tiêu sài phung phí tiền bạc em trai mình cùng toàn thể người dân làng Hồng Bàng kiếm ra. Ý nghĩ này còn bám lấy Minh lâu lâu nữa khi cậu quay lại với công việc thường ngày ở Học Phủ như xây dựng công trình, tăng gia sản xuất, dạy học,... Dù cố tỏ ra là mình ổn, nhưng vì mải tự trách móc sự vô tâm của bản thân bấy lâu nay, sự hứng thú thường ngày của Minh đều không còn nữa. Sự bất thường này lập tức bị Vi Thúy Liên chú ý tới ngay, dù gì cô cũng rất quan tâm Minh.
Từ lúc đi lên đây tới nay, Minh là người rất hăng say trong mọi công tác kiến tạo nên Học Phủ, đặc biệt là các cơ sở vật chất. Lúc mới tới, nơi đây là một bãi phế tích, ai tới đây ở chính là đợi chết. Dưới sự chỉ huy của Minh, nơi đây đã có chỗ che nắng che mưa, nước để tắm giặt, đồ đạc để sinh hoạt, dụng cụ học tập,... Khi đã có những thứ này, dù thực sự còn khó khăn, không ai có thể lấy một cớ nào ra để trốn việc, vì từ một bãi phế tích còn có thể làm nên một Học Phủ, thì mọi khó khăn đều sẽ được khắc phục. Vi Công Tín đã nói như thế để ép các Thái Học Sinh kia phải bắt tay vào việc dạy học cho đám dân Trấn Nam Bàn và cùng Minh cải tạo Học Phủ tiếp nữa.
- Có chuyện gì mà cậu lại trông chán nản thế!- Thúy Liên bước tới, đưa cho Minh cốc nước để giải khát, rồi bắt chuyện.
- Cảm ơn cô!- Minh uống cốc nước, song cậu cũng chẳng kể lể gì nhiều, chỉ đơn giản bảo rằng bản thân có chỗ làm chưa tốt, cần phải suy nghĩ lại. Cậu không phải kẻ hơi tí là kể lể sướt mướt với người khác, với cả việc cậu đang gặp phải là nỗi xấu hổ vì sự vô tâm, chứ có gì khác đâu. Muốn kể ra hết, có khi mất cả ngày ấy chứ.
Minh không chịu chia sẻ, Liên càng thêm tò mò. Cô dùng hết khả năng để tìm hiểu sự việc, khi biết Minh có bị Dương Quốc Lộ trách mắng thì liền tìm tới người chị gái kết nghĩa Dương Ánh Hồng. Dương Ánh Hồng vẫn tạm ở lại Học Phủ Trấn Nam Bàn vì nơi đóng quân hiện vẫn chưa ổn định gì hết, Dương Quốc Lộ xót con nên bảo cô ta ở lại đây.
Dương Ánh Hồng thì biết nguyên nhân tại sao vì vừa nãy chồng của cô là Vương Vĩnh có tạt qua nhà lấy mấy đồ trước khi cùng cha cô đi lên quân doanh. Trước khi đi lên trên quân doanh, Vương Vĩnh phàn nàn qua về Minh. Việc phải mất hơn một tháng đợi chờ người thợ khéo từ làng Hồng Bàng lên đã thành việc vô ích, giờ họ phải lên gấp trên kia để tiếp tục củng cố lại tinh thần binh sĩ theo cách thông thường là ban thưởng tiền tài các thứ. Vì lẽ đó, Hoàng Anh Minh thực là kẻ nói như rồng leo, làm như mèo mửa.
Nghe Dương Ánh Hồng kể tới đây, Thúy Liên hơi bực. Dù cô không rõ lý do gì khiến làng Hồng Bàng không cho thợ lên đây, xong quả thực lời trách móc của chú Lộ với Minh cũng là quá nặng. Minh là Thái Học Sinh chứ có phải chủ xưởng mộc mà có thể quyết định việc thuê được thợ hay không. Cô nghĩ tới đây, liền vội chạy tới chỗ Minh để an ủi cậu ấy.
Minh lúc này tâm trạng chưa lên nổi thì đã bị Vi Thúy Liên chạy tới làm phiền. Nghe Vi Thúy Liên ở bên cạnh lải nhải cái gì mà không cần quá để ý, rồi tập trung vào việc ở Học Phủ thôi, rồi chuyện chú Dương cũng là vì chú ấy đang có việc gấp thôi mà,... làm Minh to đầu vì chả hiểu gì. Cậu phải cẩn thận hỏi lại mới hiểu được ra điều Vi Thúy Liên định nói.
Thấy cô nàng quan tâm mình thực tâm, mà cũng để cô an tâm và không tới đây tiếp tục làm phiền lỗ tai của bản thân, Minh đành kể ra phần nào câu chuyện, đặc biệt nhấn mạnh cái sai sót của bản thân trong toàn bộ mọi việc. Vi Thúy Liên ban đầu nghe thấy việc làng Hồng Bàng trách Minh không thể cúi người xuống, giúp làng kiếm lợi ích thì định mắng họ, song rồi nghe lời Minh nói về hoàn cảnh làng Hồng Bàng: bị các đối thủ chèn áp, quan lại đòi tiền liên tục, tiền công phải trả cho những người làm thuê, các khoản hỗ trợ những người yếu thế,... thì cũng liền ngập ngừng không biết nói thế nào nữa. Những điều làng Hồng Bàng làm thực vĩ đại, thực cao thượng, thậm chí cô còn tưởng là Minh nói phét nếu không biết rõ tính tình cậu qua suốt thời gian qua. Làng Hồng Bàng để làm vậy đã phải tiêu tốn nhiều tiền của lắm, Minh cứ nhận tiền mà không hề góp sức gì được cho làng, họ giận cậu cũng không khó hiểu. Một bên là là người muốn giữ gìn đạo đức cá nhân, một bên là những người đòi hỏi sự trao đổi hết sức công bằng, khó mà nói ai đúng ai sai.
- Vậy giờ anh định làm gì?
- Tôi sẽ thử làm như em trai tôi nói, làm một người nông dân, thợ thủ công, thương nhân để hiểu cảm nhận của họ. Dù sao muộn vẫn hơn không chứ!
Lời của Minh, Thúy Liên không biết nói gì thêm nữa. Cô về nhà mà vẫn rất trăn trở. Nếu Minh từ giờ lại đi làm mấy việc nông tang, thủ công hay buôn bán, thì quá phí phạm, còn cậu ấy không làm thì không bao giờ có thể tự giải khúc mắc được. Thúy Liên cứ suy nghĩ mãi mà không có cách nào, thế là cô liền tìm tới người chị em Dương Ánh Hồng để hỏi chuyện. Dương Ánh Hồng nghe Liên kể, cũng phải khâm phục Minh lắm, song cô ấy không có cách nào giúp Minh cả.
- Chị nói thật, càng là người quân tử, càng là người đọc sách, thì cái mâu thuẫn này sẽ càng làm họ khổ sở. Có lẽ cái em có thể làm, là cố gắng ủng hộ cậu ta thôi.