Chương 159: Xây dựng xưởng rèn
C 12: Xây dựng xưởng rèn
Bàn chuyện thì thống nhất là xây xưởng rèn có lợi, nhưng lợi nhuận không tự dưng xuất hiện. Trước tiên, cần phải xây dựng xưởng, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguyên liệu, nhiên liệu. Sau đó là nơi tiêu thụ, vận chuyển, quản lý kho bãi. Hàng bao thứ phải lo. Nhưng mà quan trọng nhất là nhân lực. Không có người làm việc, tất cả những thứ đó đều vô vọng.
- Vậy để tcha bảo lính tới bắt mấy chục tên man là xong, có gì mà trông con có vẻ khó khăn thế.
- Cha, cha quên Hoàng Anh Minh sao lại chịu giúp rồi ư? Cậu ta không tham tài, không tham chức, không tham sắc, là một người quân tử chính hiệu, muốn thực hiện hoài bão lớn lao là việc dùng sức bản thân mà giúp người. Con nói rằng làm việc này có thể kiếm lợi cho dân bản địa, thì cậu ta mới chịu làm việc.
- Chà, làm việc mà lằng nhằng quá đi!
- Cha, nghe con lần này đi. Con đã hỏi thăm về làng Hồng Bàng rồi, thực sự nơi đó đã thay da đổi thịt sau khi phát triển các loại máy móc này đấy. Chỉ vì chỗ đó xa xôi quá, cho người tới học hay thuê người lên sẽ tốn thời gian, chứ không con đã cho người tới đó rồi.
- Được rồi, cha sẽ nghe con. Vậy làm sao để giải quyết việc nhân công đây.
- Dạ, cái này thì con cũng chưa thực nắm rõ, mà có làm lắm khi ngược ý Hoàng Anh Minh là không hay. Vì thế con mong cha nói với bác Tín, nhờ bác ấy để Hoàng Anh Minh đi giúp chuyện này.
- Cần tới mức vậy sao? Với cả ta sợ tên đó làm bung bét rồi bỏ lại ta một khoản nợ lớn quá.
- Cha à, cứ tin con đi. Con sẽ theo sát vụ này, nếu như Hoàng Anh Minh đòi hỏi thiếu thực tế, con sẽ cản tay hắn lại.
- Được rồi, nghe con.
Theo lời của con gái, Dương Quốc Lộ tới gặp ông bạn, đề nghị giúp đỡ. Vi Công Tín ban đầu từ chối lắm, Dương Quốc Lộ phải lấy tình cảm ra nằn nì mãi mới xong. Nhưng Vi Công Tín lại bảo Minh được cử lên đây làm thầy giáo, chứ không phải đi làm mấy việc này, Dương Quốc Lộ đành phải viết một cái giấy đề nghị, xin cho Hoàng Anh Minh tới giúp ông ta dạy chữ cho mấy người lính mới danh chính ngôn thuận.
Biết được mấy điều Dương Ánh Hồng và Dương Quốc Lộ làm để đem mình ra giúp họ, Minh tặc lưỡi một cái, nếu cậu ta chỉ là một người dạy học như bao người ở đây, không đem lại được lợi ích thực tế cho họ, có lẽ họ đâu có thể làm bao nhiêu việc như vậy. Khi tới gặp Dương Quốc Lộ, Minh không hứa hẹn nhiều, chỉ trình bày cơ bản ý tưởng xây dựng một xưởng rèn tận dụng kim khí cũ thôi. Dương Quốc Lộ nghe vậy cũng hỏi rằng sau bao lâu thì có lợi nhuận. Dương Ánh Hồng có ý bấm tay cha, nhưng Minh nói thẳng luôn, cần ít nhất một năm.
- Lâu vậy sao?
- Nghe tiểu thư kể lại khoản tiền ngài đang chịu nợ, với số tiền đó, ít nhất trong vòng vài năm, ngài cũng chưa thể có lãi để mua chức quan mới, vậy sao lại phải vội vàng.
- Thì nếu như mà cậu có thể làm cho việc tích tiền của nhanh hơn, thì ta sẽ sớm mua chức quan ở nơi khác, và thấy vui vẻ hơn nữa. Cậu nghĩ sao?
- Nguyên nhân tôi đề nghị chậm, là bởi vùng đất này dân số tản mát quá, lại là dân Thượng chiếm đa số, những điều dễ làm ở xuôi chưa chắc có thể làm ở vùng này, cần phải điều chỉnh theo tình hình thực tế. Nếu cứ nghĩ nắm chắc mọi sự, không chịu điều tra, bị dưới lừa trên gạt, thì thật không hay! Nói đâu xa, nếu ngài đây chịu tìm hiểu kỹ mọi sự, thì đâu đã tới nỗi mất khoản tiền to.
Minh nói xong, Dương Quốc Lộ mặt đỏ bừng lên, nhảy dựng lên và nắm cổ áo Minh, Dương Ánh Hồng hốt hoảng can ngăn. Minh nét mặt vẫn nghiêm trang nhìn lại, không chút sợ sệt, một lúc sau thì Dương Quốc Lộ thả lỏng tay. Con gái can lại thành ra lão không làm gì được, đầu lại nhớ lại cảnh mà Minh thể hiện sức mạnh với thằng con rể khi hai bên gặp nhau lần đầu, cộng thêm việc mấy ngày ở đây thấy Minh luyện võ. Mình đấm nó chắc chắn nó đấm lại, không lãi.
Thấy cha chịu thôi, Dương Ánh Hồng thấy may mắn, lại toan trách Minh liều lĩnh khi nói thế với cha cô, câu "tú tài gặp anh lính" toan tuôn khỏi miệng thì Hồng kịp ngưng lại. Minh là anh thư sinh thật, nhưng mà cô thấy anh thư sinh này luyện võ rồi, thừa sức đỡ, né tùy ý. Nghĩ lại, Minh dám nói thế, phần vì cậu ta là người quân tử không sợ nói thẳng, phần vì đủ sức tự vệ. Nếu so với những người cô từng gặp qua, hoặc nói mà không có sức làm, hoặc không dám nói.
Dương Quốc Lộ sau buổi gặp mặt không còn chịu thấy Minh nữa, tránh bị cậu ta chọc tức, chỉ bảo con gái làm việc với Minh. Hai người Hồng và Minh cũng không phản đối, mà bắt tay vào việc đầu tiên, tuyển người.
Người ở trên Trấn Nam Bàn đa phần là dân Thượng, Minh thích gọi thế hơn là gọi họ là mọi, man gì đó. Kiệt từng nói, hai bên văn hóa khác nhau sẽ luôn thấy bên kia mọi rợ hơn bản thân, thực ra không phải, hoàn cảnh sinh tồn, địa lý, thiên nhiên,... hai phe khác biệt sẽ tạo nên nền văn hóa khác biệt. Có vùng núi cao hay cho đàn bà ra ngủ với khách, sao vậy. Vùng đó hẻo lánh, cả làng hay bị hôn nhân cận huyết, con cháu sinh ra dị dạng. Vì lẽ đó người con gái đi ngủ với người lạ đi qua thì sẽ tránh được nạn cận huyết là vì bảo vệ cả làng vậy. Nên trước khi phê phán hay gọi họ là mọi, hãy tìm hiểu tận cùng nguyên nhân cái đã. Quay lại vụ tìm nhân công, Minh không muốn bắt người tới làm theo kiểu Dương Quốc Lộ bàn, bởi dân Thượng sống ở chỗ khó khăn, thiên nhiên không thuận lợi, đất đai không quá màu mỡ, mọi người dân đều phải lao động mới có cơm ăn, và đàn ông là trụ cột chính của gia đình, nếu ngang nhiên bắt người ta tới làm việc cho mình là đẩy gia đình người ta vào chỗ chết đói.
- Cô đừng nói rằng cô sẽ nuôi hết gia đình họ chứ?- Minh giễu cợt hỏi
- Tất nhiên là không rồi, cha tôi làm gì có tiền mà làm thế. Nhưng mà nếu anh để cho tất cả đàn ông được nuôi gia đình thì lấy đâu ra người làm việc cho ta.
- Ai nói rằng việc bây giờ cần có đàn ông?
- Chẳng lẽ tuyển phụ nữ, trẻ em.
- Không được sao?
- Phụ nữ trẻ em tay chân mềm yếu, làm đâu nổi mấy việc này, chậm trễ tiến độ nhiều lắm.
- Không lo, phụ nữ trên này khỏe không khác gì nam giới, còn trẻ em thì sẽ lớn!- Minh nhún vai
Cậu ta sau đó tuyển toàn phụ nữ và trẻ em, nhờ những người ở trong Học Phủ quay về bản làng đánh tiếng, chọn lấy những nhà có mẹ góa con côi tới để làm thuê. Trên vùng cao nguyên đất đỏ như thấm máu này, mẹ góa con côi là những người yếu thế do không có đàn ông chống lưng, lại hay bị kỳ thị, làm được ít, nghèo, nên được thuê thì đều cố xin vào làm. Tính ra số lượng không phải là ít, vì dân Thượng hay đánh nhau giành tài nguyên, người chết không ít. Thấy Minh tìm người, nhiều làng bản nhận lời, đuổi những người yếu thế này đi để chiếm đất đai luôn, hoặc giả có người vì không muốn phải ở lại chịu khổ, cũng nài theo bằng được. Kết quả là tổng số nhân lực lên gần 100 người, một con số khổng lồ, vượt quá tưởng tượng của hai người. May mà Minh ép họ phải chuẩn bị lương ăn 2 tháng, đồng thời vận động được Dương Quốc Lộ ủng hộ cho một tháng lương thực, mà còn bị ông ta nói này nói nọ mãi.
Có trong tay 100 lao động thế này là Minh lập tức bắt tay vào làm nhà xưởng. Xưởng rèn Minh chuẩn bị xây trên một khu vực không cách quá xa Học Phủ bao nhiêu, để tiện việc quay lại Học Phủ lấy ít đồ nếu cần thiết. Minh để cho Xủ Lu là người phụ trách việc chỉ huy xây dựng các công trình, vì khi làng Hồng Bàng xây dựng khu vực cho dân Đá Vách ở, Xủ Lu với vai trò người trung gian giữa dân Đá Vách với làng Hồng Bàng đã được tiếp xúc nhiều với việc quy hoạch các thứ.
Vì vừa xây nhà ở vừa chuẩn bị cho việc làm xưởng rèn, mọi thứ được tối giản nhất có thể: khu nhà đất để ở tạm, lợp lá che nắng mưa, nhưng đủ vững để ở trong mà không lo đổ, và kín che chuột vào, vậy thôi. Cái được chú trọng là hệ thống nền móng, cống rãnh, chỗ để chất thải,... với bất cứ ai xuất thân từ làng Hồng Bàng, mấy thứ này mới quan trọng, vì không giữ được vệ sinh coi như cầm chắc cái chết.
Ngay cạnh khu nhà ở là chỗ lò rèn. Lò rèn này sẽ sử dụng củi để đun chảy sắt ra, cho chảy ra khuôn rồi rèn lại. Củi gỗ chỉ có nhiệt độ cao nhất là 700 độ C, còn sắt và hợp kim nóng chảy ở nhiệt độ 1500 độ, khoảng như vậy, nên muốn dùng củi nung chảy sắt, thì phải cho thêm khí oxi ở mức điên cuồng nhất có thể.
- Mấy cái nào làm sao cậu biết rõ vậy?
- Do em trai tôi nói ra, nó là một đứa thông minh, và hơn tôi rất nhiều. Tôi sở dĩ chọn việc rèn là vì lần duy nhất tôi đi làm thực vụ, đã được hiểu sơ sơ về nghề này, mấy nghề khác làm sẽ không chi tiết được như nghề rèn. Ví dụ như cái lò nung kim loại này, tôi may mắn được nhìn ở trong khu luyện kim loại nên biết, lại có em trai tôi tặng cuốn sách mới biết, không thì toi đặc.
- Được rồi, à mà nói về vụ thổi hơi ấy, sao không làm hộp thổi hơi mà lại đi làm cái bánh xe nước này thế.
- Vì tôi đâu muốn dùng sức người để thổi hơi. Sức người còn dành cho việc khác cơ.
Với bánh xe nước, Minh có thể làm ra một trục truyền chuyển động để làm một máy thổi hơi tự động, và qua vài điều chỉnh thôi, sức gió của thứ này không thể coi thường.
- Cậu có thể làm một cái này thành quạt không? Vậy thì không bao giờ sợ nắng nữa rồi, ngồi trong nhà cũng được mát.
- Làm một đống thế này để làm quạt gió thì có mà điên.- Minh lắc đầu
Công việc cậu ta cần dùng nhân lực ở đây, là việc lấy củi về làm nhiên liệu và đi thu gom nguyên liệu- các loại đồ kim khí cũ từ các thế lực trên đây. Hai việc này quả thực là gian nan như Minh suy tính trước.
Cây cối trên đây to lớn, muốn chặt xuống đã là khó khăn, chặt xong lại cắt thành củi để phơi khô rồi đun càng khó nữa. Còn về đồ kim khí, thì rất khó lấy được, vì Minh và Hồng đều ít vốn, không có gì để mua đồ này, dân Thượng ít mỏ kim khí, không luyện được sắt để dùng, phải mua mấy thứ đồ sắt giá cao, nên dùng tới hỏng không chữa được vẫn cứ giữ lại, tận dụng. Ví như cái cuốc, cái liềm mòn vẹt đi dùng làm vũ khí, hay con dao cây kiếm mài tới nhỏ tí cũng không bỏ đi, cứ giữ mãi, mà khi hai người muốn mua lại hét giá quá cao, thực khó lòng trả giá được.
Minh ban đầu định dùng cách thương lượng, đổi đồ kim khí cũ lấy đồ mới, cân đồ cũ lên, được bao cân kim khí thì khi trả lại đồ mới phải nặng bằng 70% đồ cũ. Nhiều người ban đầu chịu đổi thế, những cũng chỉ là số ít, đến bọn người có thế lực, thời đòi đồ mới phải bằng tới 90% cân nặng đồ cũ mới chịu. Thế là lỗ vốn. Dương Ánh Hồng liền ra tay. Biết vụ dân trên này dùng mấy đồ sắt làm vũ khí, cô xúi cha mình tịch thu lại, phòng việc gây gổ đánh nhau.
Khi cha cô chưa kiểm soát được bọn lính dưới, đám dân Thượng mượn cơ hội đánh nhau tùm lum hết cả, chết bao nhiêu, để mà phân chia địa bàn, lợi ích, mà không cần đếm xỉa tới cha cô, vậy giờ chúng phải nôn lại một ít. Lý do không phải không chính đáng, với cả thu toàn đồ cũ hỏng và Dương Quốc Lộ tay cầm binh chắc rồi, không ai nói lại, lượng đồ sắt cũ thu lại đạt tới vài tạ. Lúc này tạm coi như đủ để bắt đầu làm.
- Giờ chỉ còn thiếu củi đun thôi!- Dương Ánh Hồng chỉ vào đám đồ sắt cũ được mang tới này rồi nhìn sang Minh hơi khiêu khích. Từ trước vụ này, Minh đều tỏ ra không muốn dùng tới những thủ đoạn của cha cô, giờ phải dùng tới uy từ người mình coi thường, xem tên thư sinh này đã hiểu đời hơn chưa.
- Được thôi!- Minh không tranh cãi gì, cậu ta đánh giá thấp lòng tham của những thế lực cầm đầu dân Thượng nên suýt không làm được việc, không có cường quyền của Hồng và cha cô, thì hỏng hết. Nghĩ lại những điều Kiệt làm ở Phố Đêm, có lẽ cũng là ở cái thế phải chịu vậy.
Minh nghĩ một chút, xốc lại tinh thần, coi như đây là bài học cần ghi nhớ. Đôi khi muốn làm việc tốt, không thể không chuẩn bị vài thủ đoạn đối phó đám người xấu bụng. Việc chuẩn bị củi nghe khó thực ra cũng đơn giản. Đầu tiên là hạ cây to xuống đất, chặt thành các khúc vừa, dùng ròng rọc buộc vào các cây lớn xung quanh, nhấc nó lên để lên xe kéo về, rồi cho chạy qua máy cưa.
Tận dụng cái trục của bánh xe nước, Minh cho lắp một cái khoan tròn, quay bằng lực nước chảy, chả mấy mà cây gỗ bị cắt thành những đoạn củi đều, đủ để cho vào lò nung. Tới giữa tháng thứ ba kể từ ngày bắt đầu tuyển thợ, những cây củi cơ bản là khô, xưởng rèn có thể hoạt động.
Đốt củi lên, cho sắt vào lò nung, cho bánh xe nước quay và chạy máy bơm khí, chẳng mấy mà lò bắt đầu nóng nên, nóng tới chảy cả sắt ra. Các công đoạn sau đó diễn ra trong thuận lợi, vì Minh có kinh nghiệm một chút qua thời gian ở gần khu mỏ huyện Thanh Sơn. Lần rèn đầu tiên cũng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm, đồ chưa tốt nhất, kim loại bị dính lại cũng nhiều nhưng cũng kiếm được một khoản khá để mà mua được chút lương thực để nuôi 100 miệng ăn kia.