Chương 12: Bán đường
Chương 12: Bán đường
Hiện tại Đại Việt trồng lúa vẫn là giá đỡ chính cho ngành nông nghiệp cũng như kinh tế của quốc gia. Với 1 năm 2 vụ, năng suất tuỳ theo vùng, Đại Việt tuy không nói rằng là đói kém, nhưng không quá dư thừa lương thực, chỉ cần một năm mất mùa thì tình hình lương thực lập tức căng thẳng, hoàn toàn không có đủ lương thực cất giữ để đem buôn bán. Do đó mặt hàng lương thực nằm trong danh mục cấm xuất khẩu cùng với đó là đồng, sắt, muối, đều là các vật tư mang tính chiến lược của quốc gia.
"Dân dĩ thực vi thiên", các triều đại phong kiến đều thấm nhuần điều này, vì vậy bọn hắn luôn luôn cố gắng kiểm soát lấy ruộng đất công, nhờ đó vừa đảm bảo được nông dân có ruộng cày, dân chúng có cái ăn, triều đình có nguồn thu tô thuế, triều đại khi nào còn kiểm soát được ruộng đất công thì khi đó sẽ thịnh vượng, ngược lại khi ruộng đất công của triều đình bị thu hẹp thì cũng có nghĩa là đến lúc đó triều đại sẽ bị diệt vong.
Thế nhưng lúc này Nguyễn Vô Niệm lại lấy ra được một giống lúa có thể nâng cao gấp đôi năng suất, điều này có nghĩa là triều đình đang được gấp đôi nguồn thu, dân chúng có gấp đôi cái ăn, đối với một nền kinh tế còn thiếu ổn định như dưới thời Diên Ninh hiện tại mà nói chẳng khác nào một liều thuốc trợ tim.
- Bất quá phương pháp này hiện tại còn chưa thể giao cho huynh trưởng.
Nghe Nguyễn Vô Niệm nói Lê Bang Cơ liền rõ ràng Nguyễn Vô Niệm chính là đang chờ việc có kết quả thì mới tiết lộ phần tiếp theo. Lê Bang Cơ vỗ ngực nói.
- Hiền đệ cứ yên tâm vào ngu huynh, rất nhanh thôi sẽ có tin tức đến.
Hai người nói chuyện một hồi lâu, đoàn người Lê Bang Cơ liền viện cớ trở về. Lê Bang Cơ vốn dĩ phải trở về Lam kinh từ ngày hôm qua, thế nhưng bởi vì Nguyễn Vô Niệm lại phải chậm lại một ngày. Hoàng đế trăm công nghìn việc, vắng mặt ở kinh đô một ngày đã là chuyện tương đối lớn, chưa kể Đại tư đồ cũng ở đây. Nhân tiện hắn còn mang theo cả mấy bao lúa giống để cho cận vệ vác trở về.
Nguyễn Vô Niệm đưa tiễn bọn hắn rời đi xong cũng bắt đầu suy tính đến một số việc. Xem chừng hắn cũng phải nhanh chóng đẩy nhanh kế hoạch một chút. Huỷ bỏ công việc ngày hôm nay, Nguyễn Vô Niệm đi vào trong nhà cầm lấy một cây gậy gỗ bịt đồng, hắn muốn đi xuống dưới huyện một chuyến, lần này đi có thể đến chiều mới đến nơi, trên đường nguy hiểm tuyệt đối không nói chơi. Đại Việt xưa nay lại cấm người đi đường mang theo vũ khí, Nguyễn Vô Niệm phải mang theo gậy để phòng thân.
Chuẩn bị xong vũ khí, đồ ăn, thức uống, Nguyễn Vô Niệm lại thắp lên một nén hương nói.
- Thưa mẹ, con đi!
Nói xong liền đội lên mũ rộng vành đi ra ngoài, dặn dò con chó giữ nhà cẩn thận xong hắn liền xuống núi đi xuống huyện. Đường đi xuống huyện Nguyễn Vô Niệm đã khá quen thuộc, xe nhẹ đường quen. Chỉ riêng ruộng đất của hắn cũng đều là thuê người dưới huyện làm chứ không phải hắn đích thân làm, làm một người trải qua nhiều kiếp, hắn cũng không muốn phải đi lao động chân tay. Thay vì làm ruộng hắn sẽ dành thời gian đi làm những chuyện khác.
May mắn hắn đi nhanh, đến chừng ba giờ chiều, trước khi huyện thành đóng cổng thì đã vào được bên trong thành. Huyện Lôi Dương diện tích cũng không phải quá lớn, nhưng được cái là nhân khẩu đông đảo. Dù sao cũng là nằm cận vùng Lam Kinh, xung quanh làng mạc nhiều, do đó người tương đối nhiều.
Đường đi vào thành là đường đất cũng tạm gọi là quan đạo, rộng ước chừng có sáu mét, hai bên lại là đồng ruộng. Đi qua cổng thành cũng không phải là nhà cửa sang sát như trong phim ảnh vậy mà là mấy cái hàng quán rong để phục vụ cho đám lính canh, đi thêm một đoạn nữa cũng không thấy được nhà cửa mà lại là đồng ruộng. Không sai, vẫn là đồng ruộng. Đặc điểm của thành thị phương Đông và phương Tây chính là tại phương Đông thành thị mang tính chất là một cứ điểm quân sự nhiều hơn là một trung tâm kinh tế, vì vậy tại phương Đông là "thành" – "thị", còn tại phương Tây là "thị" – "thành". Chính vì tính chất đó mà thành thị của phương Đông không thể phát triển được như các quốc gia phương Tây. Đồng thời thành thị phương Tây phát triển kinh tế chủ yếu là thủ công thương nghiệp thì ở các thành thị phương Đông có từ 4 đến 6 phần người sống bằng hoạt động kinh tế nông nghiệp. Do đó ở Đại Việt cũng như các quốc gia phương Đông khác đương thời, bên trong cách thành trì không chỉ có các khu dân cư, khu chợ mà còn có một lượng lớn diện tích là đất nông nghiệp, chăn nuôi, điều này chính là một sự phổ biển của một nền kinh tế tự cung tự cấp và hạn chế về thương nghiệp.
Vô Niệm quen đường, rất nhanh tìm đến một cửa hàng chỉ có một chữ "Điềm" (甜: ngọt), nhân viên vừa thấy Vô Niệm đi đến lập tức chạy đến cúi đầu chào nói.
- Ông chủ, hôm nay ngài lại đến kiểm tra sổ sách sao?
Đúng vậy, đây chính là cửa hàng của Nguyễn Vô Niệm. Từ năm 10 tuổi hắn đã thành lập nên cửa hàng này tại huyện thành Lôi Dương để kiếm đồng tiền lớn. Phi thương bất phú, hắn không thể làm nông được, như vậy cực kỳ mất mặt người trọng sinh. Thế nhưng phải mua bán thứ gì để làm giàu mới được. Nhiều kiếp trước đọc được thấy đám người trọng sinh trở về quá khứ liền mở quán ăn, Nguyễn Vô Niệm trực tiếp bỏ qua, làm quán ăn thì phải có thị trường, trong khi Đại Việt mới chiến loạn xong, tầng lớp trung lưu trở lên còn ít ỏi, dân chúng đa số rất nghèo, làm sao có thể xa hoa lãng phí vào quán ăn. Tiếp đó liền nghĩ đến phát triển thủ công nghiệp, phát minh máy dệt gì đó Vô Niệm cũng trực tiếp tạm gác lại, những thứ này hắn cũng biết, nhưng mấy thứ này cần số tiền quá lớn, mà hắn một nghèo, hai túng, không thể nào chơi được con đường này.
Suy tính kỹ, Nguyễn Vô Niệm cần một mặt hàng trên thị trường ít có, giá vốn rẻ, lãi cao, lại tốn ít công sức phù hợp với lứa tuổi của hắn, cuối cùng Nguyễn Vô Niệm liền để ý đến gia vị. Hiện tại gia vị của Đại Việt cũng khá phong phú, nhưng lại rất quý, bởi không có lượng lớn trồng trọt cây gia vị, cũng như thủ công nghiệp sản xuất gia vị không phát triển, do đó sản lượng ít, theo quy luật của thị trường khi cung thấp hơn cầu thì giá cả sẽ tăng, riêng muối được sản xuất nhiều, giá cả rẻ hơn nhưng cũng bị quản lý chặt chẽ, thương nhân ăn lời nhờ thị trường lớn, mà những thương nhân này đa số là có chỗ dựa trong triều đình, Nguyễn Vô Niệm không chen vào được.
Vì vậy mà trong vòng 3 năm, Vô Niệm cố gắng tiết kiệm tiền, sau đó bắt đầu mua trồng mía, tạo đường. Trước khi đường xuất hiện, người ta nấu ăn muốn tạo vị ngọt sẽ dùng đến mật ong, tuy nhiên mật ong sản lượng ít, khó thu thập và bảo quản, do đó con người cần một loại gia vị khác để thay thế mật ong, và cuối cùng người ta tìm đến mía.
Tại Đại Việt hiện tại không có các khu vực trồng mía lớn để cung cấp nguyên liệu nấu đường, đồng thời kỹ thuật nấu đường cũng không phát triển, sản phẩm làm ra duy nhất lại là mật đường. Phải đến những năm của thế kỷ 17 trở đi khi các khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam phát triển trồng mía, kỹ thuật nấu đường phát triển được đến mức tạo được đường nâu, đường phèn, đường tán, đường phổi thì Đại Việt mới tạo ra được lượng đường dồi dào để tiêu dùng và cũng để cung cấp cho cảng Hội An xuất khẩu, vào thế kỷ 17 – 18 Đại Việt chính là một trong những cường quốc về xuất khẩu đường ra thế giới bên cạnh Ấn Độ, thương nhân phương Tây cũng tìm đến cảng Hội An cốt để săn tìm cho được những loại đường này.
Nấu đường tuy tốn sức một chút, thế nhưng bởi vì chưa ai phát triển kỹ thuật, giá thành cây mía rẻ, nên khá phù hợp với tình hình của Nguyễn Vô Niệm. Hắn quyết định đầu tiên là nấu ra đường nâu. Không phải là tự mình mua mía sản xuất mà là mua lại các bánh đường mật, sau đó lần nữa tách đường ra, tạo thành những hạt nhỏ màu nâu khô ráo, vô cùng đẹp mắt.
Đường là một thứ gia vị có thể nói là xa sỉ, đương nhiên Nguyễn Vô Niệm sẽ không dại gì mà ở tại chỗ để bán, hắn chủ ý liền đem xuống huyện Lôi Dương để bán. Dù sao ở huyện Lôi Dương người giàu cùng lớp trung lưu nhiều, còn có một số quán rượu đều cần những loại đường này.
Đường mật rất ngọt, nhưng nhớp và dính, nhìn rất xấu, khó bảo quản, nếu so sánh với đường nâu của Nguyễn Vô Niệm, hơn nữa việc các hạt đường được tách rời ra cũng dễ dàng hơn trong việc nấu ăn, vị ngọt của đường nâu cũng dịu và thanh hơn đường mật nhiều, do đó rất nhanh được chào đón. Nguyễn Vô Niệm đương nhiên biết rõ muốn đánh thị trường thì cần phải dạy cho thị trường cách sử dụng thứ mặt hàng đó, Nguyễn Vô Niệm không chỉ cung cấp một phần cho khách hàng dùng thử, đối với những quán ăn hắn còn cung cấp cả một số bí kíp nấu ăn dùng đến đường nâu này như sườn nướng, cánh gà nướng, bánh rán đường nâu.
Những món ăn mới lạ vừa ra lò lập tức được khách hàng vô cùng khen ngợi, doanh thu của các cửa hàng này cứ như thế tăng lên, bọn hắn đều cam kết với Nguyễn Vô Niệm sẽ mua đường duy nhất từ hắn. Đồng thời Nguyễn Vô Niệm cũng tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với các ông chủ cửa hàng tại huyện thành Lôi Dương.