Chương 17: Mới đến Đông kinh

Diên Ninh Thịnh Thế

Chương 17: Mới đến Đông kinh

Chương 17: Mới đến Đông kinh

Nguyễn Vô Niệm không hề biết rằng lúc này ở trong triều Lê Bang Cơ đang vì hắn mà phấn chiến. Sau năm ngày sắp xếp xong công việc ở huyện Lôi Dương liền dẫn theo mấy người lên đường đi Đông Kinh. Đoàn đội không nhiều, chỉ có 6 người, thế nhưng đều là người thân tín của hắn do Mạc Khoa dẫn đầu làm chủ sự, đằng sau 5 người đều là những người trẻ tuổi, nhỏ nhất là Lê Hốt mới 14 tuổi, người lớn nhất là Nguyễn Lộc mới 20 tuổi. Còn lại bốn đứa trẻ lần lượt là Thái Sung, Hoàng Võ 16 tuổi, Nguyễn Trình. Bọn hắn đều được Nguyễn Vô Niệm nhận vào tiệm làm, dạy chữ, dạy toán, dạy cho cả cách làm ăn.

Nguyễn Vô Niệm rất rõ ràng một mình hắn không thể làm nên được trò trống gì mà cần phải có một đoàn đội hỗ trợ phía sau, cũng vì vậy mà hắn mới liên kết lại với Lê Quốc. Thời gian để Nguyễn Vô Niệm phát triển không còn nhiều, hiện tại đã là Diên Ninh nắm thứ 3, còn chưa đến ba năm nữa Lê Bang Cơ sẽ bị Lê Nghi Dân giết chết, mấy tháng sau Lê Tư Thành lên ngôi hoàng đế, đến khi đó cũng chấm dứt luôn con đường làm giàu của Nguyễn Vô Niệm.

Lê Tư Thành cái gì cũng tốt, là một minh quân ngàn năm có một trong lịch sử Đại Việt đưa nền phong kiến Đại Việt lên đỉnh phong, thế nhưng cũng chính hắn là người đặt ra nền móng cho sự lụi tàn kéo dài đến hàng trăm năm không thể ngóc đầu lên được của nước Việt. Vấn đề duy nhất chính là chính sách khuyến nông ức thương quá triệt để của Lê Tư Thành và sự độc tôn của Nho giáo bên trong quốc gia.

Việc trọng dụng Nho giáo chính là do hoàn cảnh lịch sử khi tư tưởng này là cần thiết để xây dựng một bộ máy chính quyền phong kiến trung ương tập quyền, thế nhưng việc hạn chế thương nghiệp đã khiến cho nền kinh tế của quốc gia chậm phát triển, không thể thoát ra được một nền kinh tế tự nhiên tự cung, tự cấp, nội thương phát triển chậm chạp trong khi ngoại thương hoàn toàn vắng bóng Đại Việt.

Phải biết trong lịch sử hai thời kỳ trước Lê Tư Thành và sau Lê Tư Thành nền ngoại thương của Đại Việt hoàn toàn khác nhau. Từ đời Bang Cơ trở về trước, Đại Việt là một mắc xích quan trong trong việc giao thương với các triều đại phương Bắc và các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, trong đó cảng Vân Đồn nổi lên là một điểm cầu nối trung chuyển quan trọng giữa Trung Hoa đại lục và các quốc gia phía Nam Đại Việt. Sau lệnh "Hải cấm" của nhà Minh, đồ gốm của nhà Minh hoàn toàn không thể xuất khẩu ra bên ngoài, nhờ đó mà đồ gốm Đại Việt được dịp phát triển, các làng nghề gốm cũng xuất hiện từ đây, sản xuất hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu đi các quốc gia phía Nam, lúc này là Vân Đồn mới là đô thị cảng sầm uất nhất của Đại Việt. Đây chính là thời cơ tốt nhất khi trên thị trường quốc tế lúc này nhu cầu cao về gốm sứ thương mại của thị trường Tây Á cũng như Hồi giáo ở các khu vực Phi Luật Tân và Nam Dương là rất cao, các loại gốm sứ men nâu và gốp sứ Chu Đậu được nước ngoại rất ưa chuộng.

Thế nhưng khi Lê Tư Thành lên ngôi lại không nhìn thấy điều đó, sau khi hắn lên ngôi được 7 năm, Vân Đồn từ một thương cảng sầm uất nhất trong khu vực đã lụi tàn biến mất khỏi dòng lịch sử, các sứ thần Xiêm, Nam Dương đến xin giao thương cũng bị khước từ. Kết quả thương nghiệp Đại Việt không phát triển, đến khi lượng lớn người Hoa tràn vào Đại Việt thì khi đó nền thương nghiệp của Đại Việt đã hoàn toàn nằm trong tay người Hoa. Chính cái chính sách sai lầm đó đã đặt nền móng cho những hệ luỵ kéo dài cho đến sau này.

Do đó Nguyễn Vô Niệm càng phải phấn đấu trong ba năm đến hắn phải tìm được chỗ đứng ở thị trường hải ngoại, nếu sau này Lê Tư Thành lên ngôi hạn chế ngoại thương thì khi đó hắn đã là một cự đầu có thể vớt vát được một chút trong vũng nước đục đó, hoặc chăng có thể trốn ra nước ngoài sinh sống.

Còn việc thay đổi tư tưởng của Lê Tư Thành hắn càng không dám nghĩ, một nguyên nhân là Lê Tư Thành là một người cấp tiến, có chủ kiến, nhưng càng vì vậy mà hắn càng khó bị những tư tưởng mới của Nguyễn Vô Niệm thuyết phục, đơn giản vì hắn là một người sùng nho và cực kỳ bảo thủ trong vấn đề này. Nguyễn Vô Niệm không nghĩ rằng chỉ một mình hắn nếu không có sự ủng hộ của hoàng đế thì có thể làm nên được trò trống gì, thậm chí nếu bị hoàng đế xem là cái gai trong mắt chỉ sợ hắn sẽ bị trảm trước. Vì vậy trong khi chế độ thương nghiệp còn đang được Lê Bang Cơ thả lỏng, hắn phải phấn đấu để kiếm chác, tìm đường ra cho mình.

- Ông lão ơi, cho hỏi nơi đây là đã đến Đông kinh hay chưa?

Nguyễn Vô Niệm tìm gặp một lão nông đang làm ruộng ở bên quan đạo hỏi. Thời đại này cũng không có biển chỉ đường, bảy người kể cả Dương Vô Niệm lại chưa hề đi tới Đông kinh nên bọn hắn chỉ có thể vừa đi vừa hỏi đường mà thôi. Nhìn đội hình bảy người tuổi tác không đều, nhưng trên người đều mặc áo lụa, bên cạnh còn có 2 con ngựa để thồ hàng, dù chỉ là ngựa thồ già thế nhưng cũng đã rất không tệ, vừa nhìn liền biết là người có tiền. Ông lão liền nói:

- Đây đã là Đông kinh rồi, ngài đi thêm chừng 4 dặm đường nữa sẽ nhìn thấy được cổng thành.

- Cảm ơn lão!

Nói rồi Nguyễn Vô Niệm để cho Lê Hốt đưa cho ông lão một đồng tiền coi như ban thưởng rồi lên đường. Ông lão trong lòng không khỏi vui vẻ, xem ra chiều nay lại có thể uống xị rượu rồi. Đoàn người Vô Niệm đi dọc theo quan đạo, hai bên đều là đồng ruộng, đầu năm nay mưa thuận gió hoà, lúa lên tươi tốt, xem ra có thể được một mùa bội thu, nông dân cũng hăng say làm việc, mong đời cuối mùa có thể được ăn no.

Thời kỳ nào cũng vậy, dù đây là xứ kinh kỳ, thế nhưng không phải ai cũng có cuộc sống tốt đẹp, nơi kinh kỳ có số người giàu nhiều nhất, thế nhưng cũng là nơi có nhiều người bán mình làm nô nhất.

Đi không bao lâu Nguyễn Vô Niệm liền thấy được mấy đoạn luỹ đất được xây đắp trên đê. Đây chính là đoạn Thanh Trì, hai bên luỹ đất được Thái Tổ Lê Lợi xây khi vây hãm Đông Quang, cũng có vài đoạn luỹ là do quân Minh đắp lên để kháng cự lại quân Lam Sơn. Luỹ đất rất lớn, được xây dựng trên đê kiêng cố, trên mặt phẳng rộng rãi, người ngựa có thể cùng lúc chạy trên luỹ mà không hề có vấn đề gì.

Lại mất thêm một giờ đi bộ, bọn hắn cuối cùng cũng thấy được tường thành ở phía xa. Đông kinh theo Nguyễn Vô Niệm biết có 3 lớp tường thành, 1 lớp ngoài cũng là Đại La thành xây trên nền móng cũ của La thành thời kỳ Lý – Trần, dựa theo địa thế xung quanh dọc địa hình mà đắp lên thành đất nên độ cao cũng không đồng đều, Đại La thành được xây phía Đông dọc theo đê sông Hồng lên đến hồ Tây, sau đó lại dọc theo tả ngạn sông Tô Lịch đến Ô Cầu Giấy xong đến Ô Chợ Dừa, Kim Biên sau đến Ô Đống Mác rồi về lại đê sông Hồng tạo thành một vòng khép kín. Do đó cũng không biết hình dung Đại La thành cuối cùng có hình dáng gì.

Lớp thứ hai của Đông kinh gọi là Hoàng thành, cũng là nơi ở của quan lại, các phố phường cũng được đặt ở bên trong Hoàng thành này, mãi đến thời kỳ Lê Sơ thì Thăng Long mới có Hoàng thành. Lớp cuối cùng là Phượng thành hay Cung thành, được xây dựng bên trong Phượng thành cũ thời Trần, bên trong là cung điện của hoàng đế.


Phía trước cổng thành có chốt binh lính canh gác kiểm tra người đi vào bên trong kinh thành, sau khi đóng xong phí một đoàn bảy người đi vào từ cửa Tây. Đi qua cổng thành vẫn là con đường đất, khắp nơi vẫn là đồng ruộng, thực sự không khác lúc chưa đi qua cổng thành là bao, khắp nơi vẫn là cảnh tượng người nông dân đang chăm chỉ làm việc. Đây chính là một đặc điểm của thành thị ở Đại Việt hay Đại Minh cũng không khác nhau là bao, thành chỉ mang tính là một căn cứ quân sự, vòng thành xây dựng dựa vào tự nhiên dọc theo các khu hiểm yếu, do đó có lượng lớn ruộng đất bên trong cũng không có gì lạ.

- Thật mẹ nó thối!

Lê Hốt che lại mũi nói, một mùi cứt heo xộc thẳng lên mũi bọn hắn. Nguyễn Vô Niệm lập tức phát hiện ra nguồn thúi này xuất phát từ hai con heo nái đang tắm dưới đống bùn. Nông dân vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi cũng ít khi làm chuồng mà hay chăn thả tự do, do đó dọc đường có thể thấy không ít heo, dê được chăn thả, trên đường đi không chú ý tuyệt đối sẽ dẫm phải một đống phân, đối với đám người Mạc Khoa, Lê Hốt đi chân đất mà nói thực sự là thảm hoạ. Nguyễn Vô Niệm lúc này mới nhớ ra mình đi vào khu thành Tây, Nguyễn Vô Niệm từng hỏi thăm qua, đây chính là khu được quy hoạch để làm nông nghiệp, hắn muốn đi đến khu buôn bán thì phải vào hoàng thành đi vào bên trong khu thành Đông, điều này có nghĩa là hắn đã đi vào nhầm cổng mất rồi. Nguyễn Vô Niệm buồn bực nói:

- Đi, đi nhanh thôi, ở lại nữa lỗ mũi của ta sẽ hỏng luôn mất.

Bọn hắn lập tức vắt chân lên cổ mà chạy, đám nhà quê lần đầu lên kinh thành ấn tượng đầu tiên vậy mà lại là kinh thành thật…thúi.