CHƯƠNG 8: ĐẠI CHIẾN THÀNH BÌNH DƯƠNG- 12

Đế Quốc Thiên Phong

CHƯƠNG 8: ĐẠI CHIẾN THÀNH BÌNH DƯƠNG- 12

Vào lúc hoàng hôn.
Trời nổi cơn mưa phùn rả rích, làm ướt đất khô, thấm xuống hóa thành bùn lầy.
Trong phạm vi mười dặm của chiến trường, máu pha lẫn nước loang đỏ đất, thi thể phơi ngổn ngang la liệt, khắp nơi đều có những phần còn lại của tứ chi bị cụt, quả thật là địa ngục chốn nhân gian.
Thiển Thủy Thanh một mình đi ra chiến trường đẫm máu, quét mắt nhìn khắp nơi, chỉ thấy đâu đâu cũng là thi thể, tay gãy chân gãy nằm ngổn ngang. Hắn tiện tay vốc một nắm đất lên, sau đó buông ra cho nó tung bay theo gió, trên lòng bàn tay ẫn còn lại một vệt máu đỏ sẫm.
Một trận chiến này đã có rất nhiều người chết đi.
Bao gồm người Đế quốc Kinh Hồng, cũng bao gồm ngươi bên mình.
Từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, Thiết Huyết Trấn gần như chỉ có việc truy sát địch nhân, cũng gần như bọn họ không gặp phải sự phản kháng nào đáng kể.
Hiện giờ vầng dương đã lặn về Tây, trên chiến trường thành Bình Dương không còn thấy chiến sĩ Đế quốc Kinh Hồng nào còn sống.
Hàng vạn thi thể nằm ngổn ngang trên mảnh đất này, ai nấy trợn trừng đôi mắt, đến lúc chết còn không hiểu rõ là chuyện gì xảy ra, vì sao lại trở thành như vậy.
Trong trận chiến này, thật ra số địch mà Thiết Huyết Trấn giết chết cũng không nhiều, cái thật sự làm cho quân Đế quốc Kinh Hồng chết nhiều như vậy chính là trận tháo chạy hỗn loạn, xô đẩy té ngã, giẫm đạp lên nhau, tự giết người phe mình.
Nếu quét mắt nhìn quanh, một đường thẳng về phía Tây toàn là hình bóng quân bại trận của Đế quốc Kinh Hồng đang tháo chạy khắp cả núi đồi. Bọn chúng tháo chạy điên cuồng như dân chạy nạn, phía sau là kỵ binh của Thiết Huyết Trấn đuổi theo sát nút, làm cho bọn chúng không dám dừng lại.
Trận đại chiến thành Bình Dương là một trận chiến điển hình trong lịch sử về chênh lệch nhân số, thời gian chiến đấu ngắn ngủi, tình hình chiến đấu cực kỳ thảm thiết, vả lại phe ít người chiến thắng phe nhiều người.
Nó cũng là một trận chiến quan trọng làm thay đổi cục diện bị động của Thiết Huyết Trấn ở Đế quốc Kinh Hồng, tranh thủ được ưu thế về thời gian.
Đồng thời nó cũng là một trận chiến công phòng vội vàng nhất, ít chuẩn bị nhất. Hai phe công thủ không thèm chuẩn bị kỹ càng đã tiến hành công thủ, vận dụng các loại khí giới nguyên thủy nhất, cũ kỹ lạc hậu nhất, giống như là kỹ nghệ chiến tranh đã bị lùi lại hai trăm năm, về tới trạng thái chiến đấu nguyên thủy nhất. Phe tiến công đương nhiên không nghĩ tới chuyện Thiết Phong Kỳ không đột phá vòng vây mà tử thủ đến cùng, phe phòng thủ bởi vì thiếu thốn trang bị cho nên khó mà thi thố được hết các thủ đoạn phòng ngự.
Ngoài ra còn có một điểm cực kỳ quan trọng chính là, đây là trận chiến có thương vong nặng nề nhất từ khi Thiển Thủy Thanh cai quản Thiết Phong Kỳ tới nay.
Gần chín ngàn chiến sĩ Thiết Phong Kỳ trong bốn ngày trải qua trận chiến thủ thành, trước sau chết khoảng trên dưới bốn ngàn người, con số thương vong còn vượt hơn thương vong trong trận chiến phá vây thành Đại Lương ngày trước. Một vạn tướng sĩ Thiết Phong Kỳ lúc xuất chinh sau trận đại chiến này chỉ còn lại không tới năm ngàn, vả lại gần như ai cũng bị thương. Có ít nhất một phần ba trong số đó chỉ sợ trong vòng một tháng tới không thể nào ra trận, còn có một ít người bởi vì thương thế quá nặng mà chết đi trong đau đớn.
Một đám lão binh ưu tú nhất đã chết đi trong trận chiến này, bản thân Chưởng Kỳ Phương Hổ cũng bị trọng thương mù một mắt, các tướng còn lại chỉ bị thương nhẹ mà thôi. Thân binh các Doanh gần như chết hết, Thiết Sư Doanh gần như đánh tới người cuối cùng, rốt cục chỉ còn lại ba trăm tên lão binh kiên cường chống đỡ danh hiệu Thiết Sư Doanh. Hữu Tự Doanh và Trường Cung Doanh còn hơn tám trăm người, thương vong gần với Thiết Sư Doanh. Hổ Báo Doanh xem như giữ được lực lượng tương đối đầy đủ một chút, chuyện này chủ yếu là vì bọn họ không ra chiến trường ngay từ đầu. Lúc ấy Phương Hổ còn định mượn lực tấn công của Hổ Báo Doanh trợ giúp mọi người phá vòng vây chạy thoát.
Về phần đại quân Đế quốc Kinh Hồng, vì bị Thiết Huyết Trấn tập kích bất ngờ mà thảm bại. Ngoại trừ năm vạn quân bao vây ba cửa khác lúc ấy thấy tình thế không ổn, nhanh chân rút lui khỏi chiến trường, đại quân mười lăm vạn do Khương Trác thống lĩnh tấn công cửa Tây bị binh sĩ Thiết Huyết Trấn giết hơn một vạn, có hơn hai vạn tự giẫm đạp nhau mà chết. Sau ba ngày truy kích liên tục, mười hai vạn đại quân cắm đầu bỏ chạy, nhưng vẫn bị kỵ binh Thiết Huyết Trấn đuổi theo giết gần một nửa cuối cùng chỉ còn không đầy bảy vạn người còn sống rời khỏi chiến trường.
Thiển Thủy Thanh lệnh cho Linh Phong Kỳ và Huyết Phong Kỳ đuổi theo sát nút, cho đến khi thấy sắp sửa chạy tới miền Trung Đế quốc Kinh Hồng mới chịu buông tha. Hắn không thể không cho quân đuổi theo, nếu không, để cho quân Đế quốc Kinh Hồng có cơ hội nghỉ ngơi chấn chỉnh lại, lúc ấy sẽ phát hiện ra sự thật là không có cả Quân đoàn Bạo Phong tấn công, chỉ là kỵ binh đầy khắp núi đồi làm cho tầm nhìn bọn chúng bị sai lệch mà thôi.
Trận chiến này Thiển Thủy Thanh chỉ dùng binh lực một Trấn tiêu diệt gần tám vạn đại quân Đế quốc Kinh Hồng, là trận chiến quan trọng nhất, huy hoàng nhất từ lúc hắn chào đời cho tới nay.
Trong lịch sử đại lục Quan Lan, kỷ lục về chênh lệch binh lực lớn nhất giữa hai bên là do Đại đế Sa Tư Hãn sáng lập năm xưa, là một so với bốn mươi tám. Ông ta lấy hơn một vạn quân đại phá hơn năm mươi vạn đại quân của địch vào một lần tập kích bất ngờ ban đêm, khiến cho vô số chiến sĩ chạy trốn như điên cuồng, cuối cùng địch chết khoảng hai mươi vạn, binh sĩ dưới trướng Sa Tư Hãn chỉ chết khoảng một, hai phần mười.
Mặc dù trong trận chiến thành Bình Dương, Thiển Thủy Thanh cũng không lập nên kỷ lục mới về chênh lệch binh lực lấy ít thắng nhiều. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng chính trận đại chiến thành Bình Dương đã lập nên cơ sở vững chắc cho trận chiến Thiết Huyết Trấn tung hoành ba ngàn dặm trên đất Đế quốc Kinh Hồng, ý nghĩa của nó không hề thua kém trận chiến của Đại đế Sa Tư Hãn năm xưa.
Hai mươi vạn đại quân Đế quốc Kinh Hồng tan tác, tám vạn người tử trận, Khương Trác, Lâu Thiên Đức hy sinh vì nước, khiến cho lúc ấy cả miền Đông Đế quốc Kinh Hồng gần như không còn lực chống lại Thiết Huyết Trấn. Mặc dù người Đế quốc Kinh Hồng có thể sẽ tập trung binh lực lại tiêu diệt Thiết Huyết Trấn, nhưng có thể khẳng định rằng chắc chắn trong thời gian ngắn, bọn họ chưa làm được, nhờ vậy mà Thiết Huyết Trấn có được một khoảng thời gian quý báu.
Bởi vì quân Đế quốc Kinh Hồng thua chạy tán loạn, tin tức truyền đi nhanh hơn, ý đồ tác chiến chân thật của Thiển Thủy Thanh rốt cục đã được công bố ra khắp thiên hạ, làm cho người đời khiếp sợ. Nhưng sự thật chính là, mặc dù Thiết Huyết Trấn đạt được toàn thắng trong trận đại thắng thành Bình Dương, nhưng chính mình cũng bị tổn thất nặng nề. Binh sĩ Thiết Huyết Trấn chết đi một người là mất đi một người, nhưng tám vạn quân Đế quốc Kinh Hồng tử trận, đối với người Đế quốc Kinh Hồng mà nói cũng không phải là một con số quá lớn. Thời gian trôi qua, đến khi Đế quốc Kinh Hồng điều động tập trung binh lực đối phó Thiết Huyết Trấn, lúc ấy Thiết Huyết Trấn sẽ gặp phải tình thế hết sức gian nan.
Vận mệnh luôn luôn đảo điên như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu như Liệt Cuồng Diễm không chết đi, Thiết Huyết Trấn sẽ tuyệt đối không thể nào chạy tới thành Bình Dương nhanh như vậy. Khi đó số phận của Thiết Phong Kỳ cũng chỉ có thể là bị tiêu diệt toàn quân. Thế nhưng Liệt Cuồng Diễm chết đi, Thiết Huyết Trấn không thể đánh chiếm Hàn Phong quan, nhờ vậy Thiển Thủy Thanh mới dẫn theo Thiết Huyết Trấn rời khỏi đầm Thiển Thủy đi suốt ngày đêm, kịp thời tới cứu Thiết Phong Kỳ.
Chúng ta không thể xác định lợi hại được mất trong chuyện này, nhưng đối với các chiến sĩ Thiết Phong Kỳ còn sống mà nói, dĩ nhiên sinh mạng còn có thể kéo dài. Đối với các chiến sĩ đã chết đi, cái chết ấy lại hoàn toàn vô nghĩa.
Nhưng quan trọng nhất chính là, những người còn lại của Thiết Huyết Trấn, không biết tương lai trên mảnh đất Đế quốc Kinh Hồng sẽ ra sao...
Lúc này, Thiển Thủy Thanh cúi nhìn mảnh đất nhiễm đỏ bùn và máu dưới chân mình, gió thổi qua, gương mặt của những xác chết vặn vẹo kích thích thần kinh của hắn.
Hắn biết rằng trên đất khách quê người, một trận chiến thành Bình Dương đương nhiên là trận thắng đầu tiên của Thiết Huyết Trấn từ lúc tiến vào Đế quốc Kinh Hồng cho tới nay, nhưng cũng có thể là một lần điên cuồng cuối cùng của Thiết Huyết Trấn. Tương lai, nhất định bọn họ sẽ phải trải qua những tháng ngày bị địch đuổi giết và chạy trốn.
Giây phút ấy, hắn ngửa mặt lên trời gầm to:
- Ông trời hỡi, Thiển Thủy Thanh ta vĩnh viễn sẽ không chịu thua ông! Ông có thấy không, câu 'Hổ lạc bình dương' của ông đã bị ta phá giải! Ta đã nhìn thấy sự sắp xếp của ông, cho nên ta mới chạy tới nơi này! Thiển Thủy Thanh ta là 'Long khốn thiển than' chứ không phải là 'Long tử thiển than'! Cho nên ta sẽ không chết! Nếu ý trời có lợi cho ta, ta sẽ nghe theo, nếu bất lợi cho ta, ta sẽ chống lại! Ta làm được, ta sẽ làm được! Nếu ta đã là Long, vậy nhất định một ngày nào đó ta sẽ thoát khỏi Hệ thống cấm nói bậyg giam chết tiệt này! Lúc ấy thế giới bao la, trời cao đất rộng, mặc tình cho Thiển Thủy Thanh ta ngang dọc tung hoành!
- Ta thề!