Chương 98: hồi mười ba (1)

Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 98: hồi mười ba (1)

Trên thế gian lắm chuyện li kì
Trong thiên hạ nhiều người quái lạ

Sau khi diệt đi nhà Hồ, nước Đại Việt chính thức bị đặt làm một quận dưới triều nhà Minh. Bấm đốt tay nhẩm ngày, tính ra đến nay đã được hơn bốn tháng.

Trời bước sang tháng chín, cũng đã qua tiết trung thu. Tất nhiên năm nay dân tình chẳng ai có thì giờ đâu mà thưởng trăng mừng hội như thời nước còn an thịnh. Hào trưởng nghĩa sĩ thi nhau nổi dậy khắp nơi, chiến hoả cháy lan ra khắp cả nước.

Song cả Trương Phụ và Mộc Thạnh đều là kiêu tướng dày dặn kinh nghiệm sa trướng, quân dưới quyền toàn là tinh binh hãn mã. Mà nghĩa quân nói đúng ra chỉ là một đám ô hợp, không phải nông dân quen cày lạ kiếm cũng là anh trò nghèo chỉ biết bút nghiên. Cho dù có thêm đại nghĩa dân tộc, thì cũng chỉ là một đám cát có lí tưởng mà thôi. Thành ra nghĩa binh khắp nơi bị đánh cho thua liểng xiểng.

Vó ngựa tung bụi mù trời mù đất, hai con kiện mã chạy trối chết trên đường lớn.

Trung niên cưỡi con ngựa trắng mình mặc áo tơi, đầu đội nón tre chạy trước. Thớt ngựa da dẻ bóng lưỡng, bốn vó săn chắc khoẻ mạnh, lông bờm mượt mà dài, ánh mắt sáng như lửa. Rõ ràng không phải giống ngựa tầm thường.

Đuổi theo sau là con ngựa đốm, trên chở một thanh niên tuổi chừng đôi mươi đổ lên. Y bận y phục đơn giản, lưng dắt một thanh hổ đầu đao.

Thần sắc hai người rất khẩn trương, ra roi gấp gáp mười phần, không phải bị người ta đuổi giết thì cũng là đi trốn nợ.

Mà giờ đang buổi loạn lạc, nhà Minh xiết thuế ruộng nương rất gắt. Ngay đến người có tiền muôn bạc vạn mà còn chưa chắc mua được gạo mà ăn, thành ra lí do thứ hai rõ ràng không khả thi mấy.

Lại nhìn gần hơn, thì thấy cậu thanh niên cưỡi ngựa đốm chính là Lê Hổ.

Cậu này vốn là con nhà hào trưởng, tiền bạc không thiếu, ruộng nương trong nhà dư dả, thế nên có thể bỏ hẳn lí do trốn nợ đi.

Thế thì chỉ có thể là nguyên nhân thứ nhất.

Hai người họ đang bị truy sát…

Trung niên nọ cơ bắp cuồn cuộn, lồng ngực nở nang rắn rỏi, hơn nữa nắm tay cực kì hữu lực. Một thân ngoại công luyện tới mức không tệ chút nào, hoả hầu có ít nhất bảy tám phần.

Võ công Lê Hổ không tính cao, nhưng cũng là hạng tam lưu, trên giang hồ chỉ cần cẩn thận là có thể đi lại thoải mái.

Người truy sát hai người họ ắt phải có võ công cao cường lắm.

Hai người không dám lơi lỏng, một đường chạy thẳng từ Thiên Trường (Thanh Hoá) lên Trường Yên (Ninh Bình). Cưỡi ngựa không dừng vó mấy ngày liền, khó có thể giữ được tinh thần sáng láng.

Mà như thế thì càng dễ phạm sai lầm.

Người Nam có một đặc điểm kì lạ.

Đó là sức sinh tồn, thích nghi cao đến khó tin.

Chỉ mấy tháng sau khi nhà Hồ diệt vong, mà dân tình đã bắt đầu cuộc sống bình thường rồi. Tất nhiên, cũng do chính sách cai trị của nhà Minh hà khắc, nên càng phải cố mà làm cho có cái bỏ vào miệng. Tay làm hàm nhai, các cụ vẫn dạy như thế.

Lúc hai người Lê Hổ cho ngựa chạy đến kiệt sức, thì gặp ngay một quán nước ven đường.

Con đường lớn nối liền hai phủ chính, lại nằm cạnh ruộng lúa mênh mang, có quán nước cho dân cày âu cũng chẳng có gì làm lạ.

Mắt thấy địa phận Trường Yên chỉ còn mấy bước, hai người bèn buộc ngựa nghỉ chân, gọi một ấm chè tươi giải khát.

Trong quán có một bà chủ đang ngồi têm trầu. Khách hàng duy nhất là một gã ốm o đang ngồi uống nước, trước mặt có đĩa sắn luộc.

Dưới ruộng có một tên lực điền thúc trâu cày, chính đương kéo đến luống ngay sát bờ ruộng, cách quán nước chỉ mấy bước chân.

Cạch.

Tráp cày gãy đôi.

Gã lực điền càu nhàu cúi xuống, loay hoay không biết làm thế nào cho phải.

Bà chủ thấy thế mới gọi:

" Ới chú ơi, tráp gãy rồi thì buộc trâu lên đây uống chén chè hạ hoả rồi nhẩn nha ta nghĩ tiếp. "

Gã kia vừa leo lên, vừa làu bàu chửi hết tiên sư trời đất đến thánh thần thiên địa nào bẻ gãy toi cái tráp cày của hắn mới đóng.

Thoạt nhìn, tưởng như một buổi trưa bình thường như bao buổi trưa khác nơi thôn quê.

Trước mọi cơn bão luôn có một khoảng lặng.

Hai người Lê Hổ cũng lờ mờ ngửi thấy mùi bất ổn, thế nên vội vã trả tiền trà, toan đứng dậy.

Tháng tám vừa thu hoạch, chính ra đang buổi nông nhàn. Lúc này thì đào đâu ra nông dân đi cày?

Bỗng nhiên tên còm nhom lên tiếng:

" Bạn bè trên giang hồ gặp nhau ở đây, không mời nhau được chén chè đã vội bỏ đi như thế à?? "

Chỉ nghe cạch một cái, y đã vùng ngay dậy, hai con dao sáng loáng được rút ra từ trong chiếc khố đang đóng. Y múa chuỷ thủ tít mù, đoạn vung tay rạch liền mấy nhát về phía hai người.

Lê Hổ vội bạt hổ đầu đao, chém vào hai thanh chuỷ thủ. Chỉ nghe keng một tiếng giòn tan, cả hai mỗi người lui năm bước.

Đáng nói là hổ đầu đao vốn là vũ khí để chém, bổ. Trong các loại binh khí, chỉ có rìu đọ được lực trảm của đao. Còn chuỷ thủ là vũ khí ngắn chuyên để cận thân, đánh lén.

Thế mà hai người đều phải lui lại năm bước, chứng tỏ nội lực Lê Hổ không bằng gã còm nhom.

Trung niên nọ xấn lên, tung quả đấm to như miệng bát định bồi cho gã còm một nhát, thì tên lực điền đã phi tới. Chỗ hắn đứng vừa vặn chặn kín đường lui của hai người. Lòng bàn tay hắn đen xì, nhưng chẳng phải màu đen nâu nâu của bùn mà hơi ngả tím. Rõ ràng là một loại công phu độc chưởng, cách luyện có lẽ tương tự thiết sa chưởng.

Nào ngờ trung niên sớm đã có đề phòng y sẽ ra tay, thế nên khi gã lực điền vừa tung chưởng, ông đã hạ eo nhoài người tới, giáng cho một cùi chỏ vào ngay ngực. Gã lực điền to con là thế, trúng phải đòn nặng ấy cũng ngã nhoài ra.

Bất thình lình, bà già bán nước cũng tung người lên, tóm lấy hai cái kim châm để lẫn với têm trầu trên bàn phi vào hai người. Cả Lê Hổ lẫn trung niên đang ngưng thần đối địch, nhất thời không chú tâm. Công phu ám khí của bà hàng nước lại không yếu tí nào, thành ra cả hai đều trúng chiêu hiểm.

Hai người chỉ thấy chân tay hoàn toàn tê bại đi cơ hồ chỉ trong giây lát, thoắt một cái thôi, cả hai đã ngã phịch xuống nằm co ro dưới đất.

Ba tên sát thủ chẳng biết ai phái đến lừ lừ đi đến chỗ hai người. Nơi đáy mắt chúng cơ hồ có thể thấy rõ mồn một hai chữ " tiền ".

Trung niên cắn răng, thều thào:

" Cậu nhóc, Trần Ngỗi này liên luỵ cậu rồi. "

Chẳng là sau khi rời Tây Đô, hai người bọn Lê Hổ cứ bất an. Họ lo lắng âm mưu được đề cập tới trọng bức mật thư của Trương Phụ là thật. Dầu sao, hai người vốn dĩ đã có ác cảm với sơn trang Bách Điểu.

Thành ra, cả hai mới tức tốc lên đường về Thiên Trường tính nhờ quần hùng nghe ngóng tin tức, xảo hợp sao lại gặp ngay Nhật Nam quận vương Trần Ngỗi chạy từ Thăng Long xuống, chính đang bị sát thủ của sơn trang Bách Điểu truy sát, bèn giúp đỡ đánh lui kẻ địch. Được biết là ông đang muốn đến chỗ bà con xa là Trần Triệu Cơ ở Mô Độ trú tạm. Thế nhưng bị truy sát gắt quá, phải vòng xuống tận Thiên Trường.

Thế nhưng xui xẻo sao một trong bốn tinh của sơn trang Bách Điểu là Quạ tinh cũng có mặt ở đây. Y cả ngày sục sạo khắp trấn nhỏ chẳng chịu đi cho. Ba người phải náu trong nhà trọ ba hôm liền nghe ngóng không dám đi đâu.

Rốt cuộc, Phạm Ngũ Thư bèn nảy kế giả làm Trần Ngỗi, chạy về hướng nam. Còn Lê Hổ theo hướng ngược lại, dẫn Nhật Nam vương theo hướng bắc lên Trường Yên, tìm về Mộ Đô.

Nào ngờ chỉ còn cách Trường Yên một sải đất thôi thì bị tóm.

Ba gã sát thủ bàn nhau. Gã còm nói trước:

" Người ra giá chỉ cần đầu người, không cần bắt sống. Chẳng bằng cứ cắt cổ ở đây rồi mang đi. "

Bà già bán nước lên tiếng:

" Không được. Từ đây lên sơn trang Bách Điểu đường đi hiểm trở, ngựa khoẻ đi cũng phải mất bảy tám ngày. Ngộ nhỡ trời oi bức, thịt rữa hết chẳng nhận ra được thì làm sao nhận tiền? Đúng là cái lũ óc ngắn nông cạn chỉ biết nghĩ trước mặt. "

Tên thô tráng cãi ngay:

" Nhưng mang chúng theo cũng phiền phức chả kém gì. "

Cả ba đang tranh luận ỏm tỏi, thì bỗng cuối đường có tiếng cười truyền tới:

" Cắt đầu luôn cũng ngại, mang theo thì sợ phiền. Thôi để đấy, mỗ đến phân giải cho. "

Cả ba cùng giật mình, quay sang quát:

" Ai đấy?? "

" Ngư dân, dân chài lưới ấy mà. "

Từ con đường lớn xà vào quán nước đúng là một chàng ngư phủ.

Y ăn mặc có phần tuỳ ý xuề xoà. Quần thì ống cao ống thấp, tay áo thì dài lượt thượt. Đã vậy vạt áo còn buộc túm lại ngay trên rốn một quãng. Trông thực chẳng ra sao hết.

Thế nhưng ba gã sát thủ nghe y tự xưng là ngư phủ, lập tức đề phòng mười phần.

Ngư phủ là hạng người sống như thế nào?

Ngủ trên đầu sóng dữ, thức gối lên gió mạnh. Đây vốn là loại người chỉ hơi không cẩn thận thôi, là có thể ngã lộn cổ xuống nước. Không làm mồi cho cá, thì cũng chết đuối.

Kẻ nào lại dám mặc cái áo tay dài lượt thượt, quần ống cao ống thấp thế kia đi sông đi biển??

Y không phải ngư dân??

Ba tên sát thủ tự thắc mắc.

Đáp án cho câu hỏi đó chúng vĩnh viễn không thể nào có được.

Bởi…

Điều cuối cùng chúng được nghe trong đời là tiếng cười đầy giễu cợt của quái khách:

" Đơn giản lắm. Hai người kia cứ để mỗ dẫn đi, còn thủ cấp thì ba người các ngươi tự lấy của mình mà nộp. "

Trước con mắt sững sờ của Lê Hổ, ba kẻ nọ từ từ đổ gục xuống. Từ yết hầu chúng chảy xuôi xuống một tia máu mảnh như sợi tơ, thoắt cái đã thấm ra đầy đất.