Chương 69: Hồi mười một (3)
Sơn trang Bách Điểu đột nhiên yên ắng lạ. Phạm Ngũ Thư và Lê Hổ chờ mãi chẳng thấy người ta tìm đến. Kể cả Trần Gia Nghĩa có thâm thù với Ngũ Thư cũng không thấy tăm hơi đâu.
Chẳng có chuyện gì làm, Quận Gió bèn chỉ Tạng Cẩu luyện công. Phạm Ngũ Thư, Lê Hổ cũng ở một góc khác của khoảnh sân. Thỉnh thoảng, Quận cũng chỉ điểm cho vài chỗ. Đến lúc cao hứng, hai bên liền tỉ đấu luôn.
Phạm Ngũ Thư lật thanh Hùng kiếm, giở toàn bộ các độc chiêu của mình ra hòng tấn công vua trộm. Nhanh có, chậm có. Thẳng có, vòng có. Hư có, thực có. Nhưng mặc cho Ngũ Thư dùng chiêu gì đi nữa, cũng chẳng một kiếm nào đụng được tới chéo áo của Quận. Thậm chí thỉnh thoảng còn bị tấm áo tơi của ông quất cho vào mặt.
Ông vua trộm bước với tốc độ không đồng nhất, lúc thì nhanh khi lại chậm, nhưng chung quy vẫn luôn né được kiếm của Ngũ Thư.
Đánh hơn trăm chiêu, Phạm Ngũ Thư đã đổ mồ hôi ròng ròng thấm mệt. Trong khi Quận thì vẫn cứ nhàn nhã, vừa tránh vừa nói:
" Mỗi chiêu, mỗi thức đều chỉ có thể chậm hoặc nhanh. Chậm quá thì không khó để tránh. Mà nhanh quá thì lại dễ phạm phải sai lầm. Thành thử, nếu được chiêu số của địch thủ là nhanh hay chậm, tự khắc sẽ phá giải được.
Lăng Không Đạp Vân chú trọng vào cái tự nhiên, tiêu diêu. Muốn chậm cũng được. Muốn nhanh cũng chẳng vấn đề gì. Miễn sao thuỷ chung địch thủ cuối cùng cũng không đánh trúng, thì ấy là cảnh giới cao thâm nhất. "
Cẩu ngồi một bên vừa nhìn vừa nghe Quận giảng. Nó ngẫm một lúc lâu, lại hỏi:
" Thế nào là nhanh? Thế nào là chậm? Con nghĩ mãi mà chưa hiểu. Nhanh với con là chậm với thầy. Thầy chạy tuy chậm hơn chú, nhưng vẫn né được chiêu thức của chú kia dễ dàng. Thế thì chẳng phải thầy nhanh hơn sao? "
Lê Hổ nghe Tạng Cẩu nói, chỉ thấy tối nghĩa vô cùng. Khái niệm nhanh, chậm trong đầu cứ bị đảo loạn cả lên. Đến cả Phạm Ngũ Thư cũng chỉ mơ hồ nhận ra được điều gì đó. Nhưng không sao cắt nghĩa được.
Quận nói:
" Đúng lắm! Nhanh - chậm vốn là tương đối. Thế nên, hiểu rõ được đối thủ của mình trước khi giao đấu quan trọng vô cùng. Các cụ mới dạy: biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng là thế. "
Lê Hổ, Phạm Ngũ Thư đồng thời trầm trồ ồ lên một tiếng. Chỉ có Tạng Cẩu là tiếp tục suy ngẫm, một câu cũng không nói.
Quận nhìn thấy vậy, thầm cười hài lòng.
Thằng Cẩu chợt vò đầu bứt tai, nhãn châu xoay tròn liên hồi. Hai người Ngũ Thư, Lê Hổ nhìn nó bằng ánh mắt quái lạ.
[Không lẽ tên nó là Cẩu, nên nó cũng bị dại?] - hai người nghĩ.
Tạng Cẩu lầu bầu hỏi:
" Thầy càng nói càng mơ hồ. Hiểu rõ đối thủ bằng cách nào mới được chứ? Chẳng lẽ phải nhìn đối thủ ra tay rồi mới quyết? Nhỡ đối thủ đánh nhanh quá, chưa né kịp đã chết luôn thì biết sao bây giờ? "
Lê Hổ, Phạm Ngũ Thư muốn lên tiếng thử giải nghĩa cho Cẩu. Thế nhưng, họ chợt phát hiện câu hỏi nhìn như có thể giải quyết một cách đơn giản kia lại sâu xa quá tưởng tượng. Đâu phải cao thủ nào cũng lấy nhanh chóng thành danh? Mà ngộ nhỡ gặp phải mà không nhận ra thì phải làm gì?
Một đứa bé tám tuổi, nhưng lại suy nghĩ đến một chuyện ngay cả người lớn cũng không để ý. Tất nhiên, không phải vì nó giỏi hơn hai người, mà vì đối với nó thứ gì cũng mới mẻ, làm nó tò mò. Thế nên đôi khi chính trẻ em lại phát hiện những điều chính người lớn chúng ta thường bỏ qua.
Quận cười, nói:
" Vậy nên mới sinh ra thân pháp, khinh công. "
Tạng Cẩu ồ lên, ra chiều đã hiểu. Hai người kia thì ngớ ra mất một lúc, rồi cũng lần lượt thông suốt.
Phía tây thành Tây Đô có một vòng thành đất, xây dọc theo thế đồi hình núi. Ấy chính là La thành, nơi vững vàng nhất của cả thành.
Thiên Cơ lão đạo đã đứng đợi sẵn dưới gốc tre đằng ngà. Gió thổi luồn qua mái tóc bạc xám thả tung xuống đôi vai.
Hai bóng người hơi lùn xuất hiện nơi cuối con đường, lao tới chỗ ông với tốc độ càng lúc càng nhanh. Kẻ đi trước lưng đeo một cái vung nồi bằng thép, đường kính độ hai gang tay. Mặt vung chạm nổi một con chim thần, mào cong cánh rộng, chân thẳng đuôi dài. Người đi sau thì tay lại đeo một cái nồi gang, trên thân chạm một con rùa to. Tay y thò vào bụng nồi, nắm chặt một cái trục bằng đồng gắn bên trong.
Đó chính là hai anh em họ Đậu. Kẻ nhớn là Trung Kiên, người nhỏ là Trí Dũng. Cả hai đều dòng dõi Lạc tướng, ở Phong Châu giữ Loa thành đã nhiều năm. Hai người cũng im hơi lặng tiếng, ít đi lại trên giang hồ nên thanh danh không cao như bọn Phạm Hách. Nay vì Thiên Cơ lão đạo phát Quần Hùng lệnh mới bôn ba tới tận Tây Đô.
" Kính chào minh chủ. Không biết ngài gọi riêng hai anh em tôi ra đây là có việc gì? "
Đậu Trung Kiên ôm quyền, lên tiếng. Đứa em Đậu Trí Dũng bình thường kiệm lời, đi đâu người lên tiếng cũng là anh trai.
Thiên Cơ lão đạo đã biết tính hai người, bèn nói:
" Chẳng giấu gì hai cậu. Hôm qua Quận Gió đến chỗ tôi, đưa một cuốn mật thư do Trương Phụ gửi. Ngặt nỗi nội dung bức thư lại được viết bằng tiếng Ai Lao. Tôi và Quận không đọc nổi, đành phải gọi hai người đến.
Nói thế này có khi không phải, nhưng mong hai người giúp tôi dịch nội dung bức thư này ra. "
Đậu Trí Dũng hừ một tiếng, đầu gật mạnh. Trung Kiên bèn đáp:
" Chuyện liên can trọng đại, chúng tôi đâu dám chối từ? Đừng nói do chính Thiên Đạo kiếm ngài, cho dù là một kẻ vô danh tiểu tốt nhờ vả tôi cũng sẽ giúp tới cùng. "
" Vậy xin nhờ hai vị. "
Thiên Cơ lão đạo khom lưng, đoạn trao mật thư cho anh em họ. Đậu Trí Dũng nhanh nhẩu mở bức mật thư ra, tranh thủ đọc lướt qua một lượt. Thế mà càng đọc một dòng, bờ vai y càng run lên một chặp, mà lửa giận trong đôi nhãn châu lại càng mạnh lên một chút.
Đến chữ cuối cùng, mặt mũi đã đỏ chót lên như thể sắp có khói thoát ra từ đôi tai. Y gằn giọng:
" Mẹ kiếp cái đồ ăn chó cả lông! Anh xem này! "
Đậu Trung Kiên thầm nghĩ nội dung bức thư ắt hẳn phải ghê gớm lắm, rồi mới nhận bức thư mà đọc.
Sắc mặt Đậu Trung Kiên cũng thay đổi theo từng câu chữ. Trước y còn cố giữ vẻ bình tĩnh khách quan, nhưng rồi cũng không nén nổi lửa giận mà gầm lên.
" Mẹ kiếp! Thật là quá đáng! "
Thiên Cơ lão đạo vội hỏi:
" Hai anh phải thật bình tĩnh. Trong thư có viết gì đi nữa thì nó cũng chưa tới tay kẻ ác. Mau nói cho tôi biết nội dung của mật thư, đặng còn tìm cách giải quyết. "
Đậu Trung Kiên hít sâu một hơi cho bình tĩnh, đoạn kể:
" Minh chủ nói phải. Bức mật thư này gửi đến Phan Chiến Thắng của Bách Điểu sơn trang. Trước là khen ngợi y kích động được võ lâm Kinh Bắc hỗ trợ giặc Minh, sau là giao cho y nhiệm vụ tìm kiếm tông thất nhà Trần. "
Thiên Cơ lão đạo nói:
" Cái trước rõ ràng lợi dụng chúng ta, chẳng tốt lành gì, đến ta cũng phải thấy khó chịu. Thế nhưng việc sau thì nên làm mà. Phù Trần, diệt Hồ. Không tìm được tông thất cựu triều thì diệt Hồ còn có tác dụng chi nữa? "
Đậu Trung Kiên tung quyền đấm vào lòng bàn tay, nói:
" Nhưng chúng đâu có ý định đưa tông thất nhà Trần lên ngôi. Tìm họ, ấy là để thủ tiêu cho bằng sạch. Khi ấy nước Nam vô chủ, quân Minh trong cõi mình đông đến hàng vạn. Chưa kể còn có Bách Điểu sơn trang làm tay sai. Người ta muốn " tiếp quản ", e là chuyện ngay trong tầm tay. "
Đậu Trí Dũng cũng gật đầu, hừ lạnh một tiếng.
Bộp! Bộp!
Bất thình lình, sau lưng ba người truyền đến tiếng vỗ tay nhè nhẹ. Hai anh em họ Đậu giật mình đánh thót một cái. Người nọ đến đi chẳng phát ra lấy một tiếng bước chân, chỉ khi cố ý vỗ tay hai người mới phát hiện ra. Nhiêu đó cũng đủ thấy võ công người này đã gần tới mức đăng phong tháo cực.
Người như vậy, ngoại trừ Thiên Cơ lão đạo ra, trong thành Tây Đô e chỉ còn hai người. Một là vua trộm, kẻ còn lại…
" Khá khen cho hai tên nhà ngươi lại đọc được mật thư của Trương hầu gia. "
Hai người quay lại, phát hiện một trung niên vận áo trắng như mây đang khoan thai bước về phía họ. Áo trực lĩnh, hai vạt thả song song trước ngực.
" Phan Chiến Thắng??!! Tên Việt gian nhà mi dám xuất hiện ở đây à? Đến thật đúng lúc. "
Đậu Trung Kiên cười gằn, đoạn gỡ cái vung sau lưng xuống. Hai ngón trỏ và giữa kẹp lấy nắp vung, mặt vung áp sát lòng bàn tay. Thủ pháp này gần giống thủ pháp sử dụng Nga Mi thích.
Đậu Trí Dũng thì xốc lại cánh tay đeo nồi, thủ thế. Bàn tay trong lòng nồi xiết chặt quanh trục đồng.
Phan Chiến Thắng thản nhiên bước tiếp, ánh mắt chưa từng đọng lại trên người hai anh em họ Đậu. Trong ba người, Thiên Cơ lão đạo là người duy nhất hắn phải quan tâm.
Thiên Cơ lão đạo trầm giọng, nói:
" Giải quyết cho nhanh, chớ để tên bợm đến đây lại rách việc. "
Hai anh em họ Đậu nghe lão nói mà ngơ ngác. Trong ngữ khí của Thiên Cơ, chẳng những lão không có ý ra tay trấn áp Phan Chiến Thắng mà còn định bỏ mặc hai người. Hai anh em còn chưa kịp định thần, thì Thiên Cơ lão đạo đã xoay người bước đi. Mỗi bước nhìn như ngắn ngủi khoan thai lại dài gấp mấy người thường, nên chẳng mấy chốc lão đã mất hút.
Phan Chiến Thắng cười gằn, nói:
" Chà chà. Tiếc nhỉ. Không có Thiên Cơ lão đạo, xem chừng ngày này năm sau là giỗ đầu của hai ngươi rồi. "
Đậu Trí Dũng nhìn anh một cái, thấy trong mắt anh trai loé lên sự giận dữ. Chẳng ai bảo ai câu nào, hai anh em nhất tề xông tới chỗ Phan Chiến Thắng. Vung lướt tới, nước thép phản chiếu vầng dương ánh lên sáng loáng. Nồi đập qua, chất gang xé không khí nặng nề trầm thấp.
Phan Chiến Thắng cười nhạt, vận lực bật lên, tung cả hai cước. Mũi chân phải đá trúng ngay mặt Đậu Trung Kiên, mà gót chân thì văng phải cằm của Trí Dũng.
Cốp!
Hai anh em đồng thời lui lại, tay bụm lấy mặt. Người thì day day má cho đỡ nhức, kẻ thì bẻ lại hàm cho khỏi lệch. Hai anh em cùng thấy đầu lưỡi ngòn ngọt, tanh tanh.
Phan Chiến Thắng nhẹ nhàng tiếp đất, mũi chân điểm lên cọng cỏ tựa như thần tiên giáng trần. Vạt áo trắng phau tung lên rồi hạ xuống, không nhiễm phải dù chỉ một hạt bụi.
" Võ nồi danh bất hư truyền hoá ra cũng chỉ có vậy ư? "
Phan Chiến Thắng cười khẩy, bàn tay phủi phủi vai áo.
Anh em họ Đậu nhìn nhau, rồi gật đầu. Chỉ thấy Trung Kiên dựng thẳng vung nồi dậy, nhìn qua như người chiến sĩ giơ một tấm mộc. Người em thì nện nồi xuống đất, trầm hông thủ thế sẵn sàng.