Chương 6: hồi ba(2)
Nhưng kị binh dưới trướng của Mộc đa phần không biết nội lực, chẳng giỏi khinh công. Mấy người chạy đầu nghe Mộc Thạnh thét vang vội ghìm cương ngựa, nhưng đã không còn kịp nữa. Vài chục kị binh vì quán tính mà rơi xuống hố bẫy tua tua chông nhọn, gần một trăm người khác thì bị chính đồng bạn của mình xô xuống mà tử vong.
Nháy mắt đã tổn hại một phần tư quân số toàn là tinh anh, hai mắt Thạnh như muốn phun ra lửa. Y hét:
" Thằng ranh khốn kiếp!! Để tao cho quân đốt phá sạch trại của mày xem mày có hàng hay không!!! "
Nói rồi, cho quân sĩ vòng qua hố chông, hướng thẳng về phía doanh trại nhà Hồ mà đánh úp lại. Quân Minh vừa chạy, vừa hét vang trợ uy, lại còn lớn giọng khiêu khích quân Đại Ngu đang đánh nhau trên sông. Hồ Nguyên Trừng cũng bị đem ra so sánh với hai người Trương, Mộc. Ai cũng nói kẻ trước chỉ đáng xách dép cho hai người sau. Mục đích đơn giản là để quấy nhiễu đối phương, làm sĩ khí sa sút.
Trên soái thuyền, hoa tiêu ở đuôi tàu chạy tới chỗ Hồ Nguyên Trừng đang đứng, báo:
" Tướng quân, địch đã vào lồng. "
Hồ Nguyên Trừng thấy thế, bèn nhẹ nở nụ cười ấm áp như gió xuân. Y nói:
" Nói với nhóm của Hồ Đỗ, Hồ Xạ cứ y kế mà làm. "
" Dạ, tướng quốc. "
Thám báo chắp tay vái, kế lại chạy ra phía sau thuyền, vừa đi vừa luôn miệng lẩm bẩm thán phục tướng quốc. Chẳng bao lâu sau, tiếng tù và giục lui quân vang lên từ phía đội thuyền nhà Đại Ngu. Các binh sĩ thấy mình đang thắng, tự nhiên lại rút chạy thì không khỏi ngớ người ra một lúc. Thế nhưng quân lệnh nặng như núi, các thuyền đành phải lục tục quay đầu, làm như muốn thu binh rút chạy. Trương Phụ trông thấy cảnh này, lại nghe loáng thoáng tiếng gào thét của Mộc Thạnh, không khỏi lấy làm mừng rỡ.
" Kế sách thành rồi!!! Các tướng nghe lệnh, dong thuyền hết cỡ truy kích chiến thuyền Đại Ngu, nhất định phải bắt được Hồ Nguyên Trừng về đây!!! Ai bắt sống được y, thăng quan tam phẩm, vàng thưởng năm cân!!! "
Binh sĩ nghe được lệnh này, nét hưng phấn lộ rõ cả ra ngoài mặt.
Đoàn binh chèo hết sức, dong thuyền hết lực, cốt sao đuổi kịp thuyền chiến nhà Hồ là được. Hồ Nguyên Trừng một mặt cho pháo thủ ra sau đuôi thuyền bắn vào quân Minh rất rát, mặc khác lại để một toán chiến thuyền cỡ nhỏ, nhẹ có trạng bị pháo Thần Cơ quay lại bọc hậu. Dù không cản nổi thế giặc, song dốc hết tấy thảy vẫn làm chậm được bước tiến của chúng. Lúc hết đạn, thì binh tốt trước vứt hết pháo xuống sông, sau nhảy tòm xuống mà bơi vào bờ. Dân Nam thạo thuỷ tính, rất lành nghề lặn. Quân Minh có dùng hoả mai bắn đuổi theo, nhưng sức đạn được nước giảm bớt, khiến thương vong ước chừng chỉ mấy chục người.
Lại kể chuyện Mộc Thạnh xông vào trại Hồ. Y giật tung liếp, chém bục vải lều ra. Nhưng bên trong chứa toàn là bù nhìn và các bao tải, chẳng biết chứa vật gì. Trên mặt đất nơi nào cũng có rơm cỏ khô khốc - vốn là điều tối kị của việc dùng binh. Lại có cả một mùi kì quái thoang thoảng trong không trung, nghe lạ mũi nhưng Thạnh không nói được cụ thể ấy là hương gì.
Mộc Thạnh mơ hồ nhận thấy có sự bất tường, đang muốn gọi quân sĩ tản mát tứ phía tạm thời rút lại quan sát, thì ở hướng tây chợt vang lên tiếng cười của tướng Đại Ngu là Hồ Đỗ:
" Tả tướng quốc căn dặn, Mộc tướng quân không cần phí sức. Mai hoa tặng quân tử, quân Đại Ngu thân làm chủ nhà sao có thể không tiễn đưa Mộc tướng quân ngài một mồi lửa? Bay đâu, bắn tên!!!! "
Hồ Đỗ đưa tay chém một nhát, lập tức có một tốp cung kị binh lao ra, lắp tên cháy vào cung bắn… về phía doanh trại của nhà Hồ.
Mộc Thạnh nhìn vô số vệt lửa cam rực kéo dài trên bầu trời thành những đường mềm mại cong như đuôi giống chu tước trong truyền thuyết. Y chột dạ, rồi nhớ lại những bao lớn chất dống trong các lều:
" Nguy!!!! Hoả dược!!!! Mau rút!!! "
Song… đã muộn.
Trên đất đầy cỏ khô, cái mùi lạ mà Mộc Thạnh ngửi thấy chính là mùi mắm tôm nhàn nhạt dùng để che đậy hương thơm của dầu và mỡ trét đầy các vách lều, lại lợi dụng rơm khô để náu đi hoả dược rắc trên đất. Nay vừa bắt lửa, cả trại trong nháy mắt bùng cháy. Những bao hoả dược chất trong lều xếp sát nhau, các rãnh giữa cũng được đổ đầy thuốc nổ. Nay thuốc bị nóng, dẫn lửa đốt vào các bao thuốc làm chúng thi nhau bạo tạc.
Oành!
Các vụ nổ làm hơi nước bị nén lại thành từng đợt sóng triều có thể nhìn được bằng mắt thường, lan toả với tốc độ chóng mặt. Nó đập rách các lều vải, đánh vỡ lồng ngực đám quân Minh đang tìm đường thoát thân.
Các vụ nổ xảy ra nối tiếp nhau theo kiểu dây chuyền, hết cái lều này tanh bành lại đến lều khác tan tác. Ngay cả những tên lính Minh đã nhanh chân chạy khỏi lều cũng bị dư âm thổi văng. Vải lều bị hoả dược nổ tung xé toạc, bị lửa đốt cháy, rồi lại nương theo lực đẩy của vụ nổ bay ra tứ phía như một đàn bướm đỏ rực. Chúng quất cả vào mặt vào cổ binh sĩ nhà Minh. Vải ướt dầu, bén vào áo xống dưới giáp trụ rất lẹ.
Sĩ tốt nhà Minh bị đau vội vàng lăn tròn, quằn quại trên đất theo bản năng loài người để dập lửa, nhưng mặt đất hiện giờ không phải lửa đỏ thì cũng toàn là vải chưa cháy thấm đầy dầu, trơn tuột mỡ. Dính phải lửa trên người binh sĩ, chúng lập tức bắt cháy ngùn ngụt. Sức lửa vì thế càng thêm mạnh. Kị binh nhà Minh như rơi vào một biển lửa, hãm vào một toà hoả ngục. Tiếng kêu khóc trong đau đớn, tiếng gào rú đầy giận dữ gầm vang nhưng chẳng được đáp lại.
Mộc Thạnh hớt hải chạy khỏi đám lều trại, râu cháy khét, mặt đen nhẻm vì muộn than. Sau lưng y, bóng người rực lửa đổ rạp xuống, đôi tay vẫn đang duỗi ra như vừa đẩy ai đó thoát khỏi biển lửa. Tay y xiết chặt chiếc siêu, miệng gào to:
" Hồ Nguyên Trừng! "
Kị binh của nhà Minh tổn thương thảm trọng, chết và bị thương đến hơn một nửa. Số khác kẻ bỏ cả giáp trụ để chạy cho nhanh thì ra được, người thì vừa kéo theo đồng bạn đang quằn quại vừa chới với vươn tay về phía những người đã thoát thân.
Ai nấy đỏ hoe đôi mắt, máu khô két đôi môi, rồi cố gắng đưa tay mình ra. Chỉ một chút nữa thôi, những ngón tay sẽ lồng vào nhau. Song ngọn lửa đã chồm lên như một con ngựa hoang đàng, nghiền nát hi vọng cuối cùng của những người còn kẹt trong doanh trại.
Giữa sự sống và cái chết cách nhau chỉ một lằn ranh.
Khói xộc vào mũi, chèn hai lá phổi, binh sĩ lắc mạnh đầu, lấy hai tay vỗ mạnh mặt mình để cố giữ bản thân tỉnh táo. Song vô hiệu. Đã không còn nghe thấy tiếng thều thào hấp hối của đồng bạn trên lưng, cũng chẳng thể nhìn thấy một chút ánh sáng nào ngoài ánh lửa. Chân bốc cháy, gối như tan chảy, binh lính của Mộc Thạnh cắn chặt răng, gào to:
" Sống… cho tôi… "
Dồn hết sức mình, họ ném đồng bọn trên lưng về phía bên ngoài doanh trại. Khi tiếng " bịch " mơ hồ vang lên xa xa, họ mới mỉm cười với đôi môi và vành tai đang bốc cháy rồi bất tỉnh giữa một biển lửa ngập trời.
Nhìn những cái xác đen thui nằm bất động trên mặt đất bên ngoài doanh trại nhà Hồ, Mộc Thạnh thấy mình như bị đấm liên hồi vào ngực. Lão nhớ tới mấy tên thuộc hạ trẻ tuổi, nhanh mồm nhanh miệng. Rồi nhớ các lão chiến hữu đã cùng mình chinh chiến nhiều năm. Mới rồi còn cưỡi ngựa rong ruổi hành quân, mà nay chiến hữu thuộc hạ đều đã hoá thành than cốc, vĩnh viễn nằm lại chốn này.
Bất giác, Mộc Thạnh tự hỏi lão dẫn quân nam tiến là đúng, hay là sai? Vì ai, và vì cái gì? Không có câu trả lời nào ngoài những tiếng nổ ì ầm ngoài xa, và tiếng lách tách của những ngọn lửa đang cháy tàn.
Thấy có ánh lửa, Nguyên Trừng lập tức cho giương cao một lá cờ cuôi nheo nhỏ màu đen, phất qua lại bốn lần ra hiệu:
" Ngừng chèo, phản công tổng lực! "
Quân sĩ chấp hành nghiêm lệnh, một vòng đại pháo dội tới tấp vào chiến thuyền quân Minh đang tiến sát. Tàu của Trương Phụ chìm hơn mười chiếc, quân Minh trên thuyền uống no nước sông. Kẻ biết bơi phải dìu người sắp đuối vào bờ.
Hồ Nguyên Trừng cười vang, đang muốn hạ lệnh quay đầu truy kích, đột nhiên sắc mặt tái xám lại. Chàng dùng hai tay ôm ngực trái, hai hàng chân mày nhăn lại vì đau.
" Tướng quốc, tướng quốc! "
" Trời ơi, tướng quốc sao thế này?? "
Lính lác ở cạnh chàng lập tức bát nháo cả lên. Nếu nói linh hồn trong quân Hồ là ai, thì câu trả lời không phải Hồ Quý Li, cũng không phải Hồ Hán Thương mà chính là Hồ Nguyên Trừng. Nay thấy y đau đớn đến quỵ một gối, binh sĩ ai nấy đều lo lắng ra mặt.
" Ta… không… "
Ộc!
Dù đã nhanh chóng bụm miệng, nhưng máu vẫn thấm qua kẽ tay của chàng. Hồ Nguyên Trừng đưa tay ra xa miệng và nhìn, máu đen chảy đầy các kẽ ngón và đường chỉ tay. Chàng muốn đứng dậy… lúc này mà không thấy chàng nơi đầu thuyền thì e lòng quân sẽ loạn mất. Hồ Nguyên Trừng gồng hết sức mạnh của mình, loạng choạng đứng dậy. Nhưng mới đi có mấy bước chàng đã ngã sấp, lần này không đứng lên nổi nữa. Bụng co thắt và quặn đau từng hồi, chàng cứ nôn máu liên tục tưởng như có thể xổ cả ruột ra vậy.
Từ khoang thuyền bước ra một ông già tóc trắng phau, râu tết thành đuôi sam. Ông dùng mấy ngón tay bắt mạch Nguyên Trừng, lại khẽ bóp vào hai má chàng để quan sát đầu lưỡi.
" Mau! Mau đưa tướng quốc vào lều nghỉ ngơi. Ngài ấy có triệu chứng trúng độc, đem thuốc giải đến đây nhanh lên. "
Có hai binh sĩ xốc nách Nguyên Trừng lên, dìu chàng vào trong khoang thuyền nghỉ ngơi. May thay trước khi đi, chàng đã chuẩn bị sẵn một số thuốc thang để giải độc, đặc biệt là nọc rắn, rết và bọ cạp. Điều đáng lo ở đây là Hồ Nguyên Trừng không biết võ công, thể trạng chỉ ngang một thư sinh bình thường. Chàng uống thuốc giải vào, sắc mặt thoáng lấy lại chút huyết sắc.
" Lão Bộc… ta đỡ rồi. "
" Tướng quốc chớ ngồi dậy vội, độc dược trong cơ thể người rất là đáng sợ, thuốc giải phổ thông chỉ có thể khiến nó hoà hoãn lại thôi chứ không hoá giải nổi đâu. Trong lúc này, kị nhất là hoạt động mạnh và động nộ, sẽ khiến máu chảy nhanh hơn làm độc đi vào tâm tạng. Tướng quốc hãy nghỉ ngơi sớm. Nếu có gì cần căn dặn, lão Bộc này sẽ nói thay người. "
Biết lão Bộc chỉ muốn tốt cho mình, Hồ Nguyên Trừng không cố ngồi dậy nữa. Chàng thở dài cởi áo giáp mình ra, nói:
" Lão cho người mặc áo này, giả làm ta. Có chết cũng không được dong thuyền tướng của ta đi trước. Ngoài ra Hồ Xạ, Hồ Đỗ hay nổi máu anh hùng, dù thân hoài bản lĩnh nhưng cũng có hạn chế lớn. Phải nhớ, tuyệt đối đừng để hai tên ấy dông dài với hãn tướng như Mộc Thạnh, mặc kệ giá nào cũng phải giết y đi. Kẻ này ba mươi chiêu đã trảm được Lương Dân Hiến thì không phải hạng dễ ăn đâu. "
" Lão đã biết rồi… "
Kỵ binh của Thạnh bị Hồ Nguyên Trừng dùng một mồi lửa thiêu chết gần nửa, tức đến độ giậm chân bứt râu, chửi bới liên tục. Kế sách ấy vốn là chiêu vườn không nhà trống năm xưa Hưng Đạo Vương dùng đối phó quân Nguyên - Mông, nay được Nguyên Trừng vận dụng biến chuyển nhuần nhuyễn để giết địch, cũng như là câu bình cũ rượu mới vậy. Còn bẫy chông khi trước chỉ là để khiến Thạnh và kỵ binh của hắn mất cảnh giác với chiêu đốt trại này mà thôi.
Nay bầy ngựa bị tiếng nổ hù đến sợ bể cả mật, đã chạy tứ tán chả biết đi đâu để mà tìm. Thạnh muốn lui binh, cũng cần thời gian rất dài. Nay đằng trước có một cánh quân như hổ như sói, y làm sao dám đưa lưng của quân mình ra cho đối phương thả sức đánh được.
" Lão già chết tiệt dám giết Dân Hiến, để Hồ Đỗ này làm đối thủ của ngươi!! Ba quân đứng yên chờ lệnh, bản tướng quân chưa nằm xuống không ai được phép tiến lên. Ai trái lệnh xử theo quân pháp. "
Mộc Thạnh vội vàng vung siêu thủ thế, nói lớn:
" Các huynh đệ dẫn người chạy mau, để ta bọc hậu!! "
Vừa dứt lời thì Hồ Đỗ đã giục ngựa xồ tới. Vũ khí của Đỗ là một cây việt lớn (một loại rìu chiến cổ). Trong các loại binh khí trên lưng ngựa, đao và rìu là có lực chém mạnh nhất. Nay y ngồi trên lưng ngựa, mượn đà tiến tới lẫn lực của cánh tay và eo, đủ biết nhát phạt này sẽ dữ dội tới mức nào.
Nhìn Đỗ hùng hổ gióng trống khua chiêng là vậy, nhưng trong mắt Thạnh thì một chiêu này lại toàn là sơ hở. Y cười khẩy, nói:
" Trò trẻ con! "
Tay y lướt trên thân siêu, rồi nắm chắc vào phần ngọn của phần cán, đoạn ngay bên dưới lưỡi sắc. Vốn là một binh khí dài, được cầm như thế thanh siêu chẳng khác nào biến một con dao làm bếp hơi sắc bén hơn bình thường một chút.
[Còn tưởng Mộc Thạnh đáng sợ như thế nào, hoá ra chỉ là lão già hồ đồ. Thế thì không cần e ngại lão.]
Hồ Đỗ thấy đối phương chẳng những không nghiêm cẩn đối địch, mà lại thu ngắn tay cầm của siêu lại thì chỉ khịt mũi một cái coi thường.
" Mộc Thạnh, lũ chó bắc quốc chúng mày có câu nhất thốn trường, nhất thốn cường kia mà?? Hôm nay xem bố mày dùng chính cái đạo lí ấy xẻ mày làm hai đây. "
Mộc Thạnh đáp gọn:
" Nhãi ranh vô tri. "
Lưỡi búa sắc bén mang sức mạnh chẳng khác nào bổ núi chặt sông bổ nghiêng sang càng lúc càng gần. Hồ Đỗ chắc mẩm, dưới cú đòn sấm sét này Thạnh hẳn phải bị chém đứt làm hai khúc.
Nào ngờ Thạnh đã sớm vận công, toàn thân nén khí không phát chỉ đợi đúng thời khắc này. Lúc mà Hồ Đỗ vung rìu lên hết cỡ định chém, thì Thạnh đã tung mình nhảy lên tránh thoát cú phạt hiểm hóc. Đỗ thấy vậy vội dồn hết sức, lưỡi việt thoáng nhanh một chút, tiện đứt luôn đế giày của Thạnh. Chỉ chậm nửa cái hô hấp là Mộc Thạnh đời này chỉ có thể ngồi nằm, song y nào có thèm quan tâm? Trong lúc thân thể còn ở trên không, y đã nhắm chuẩn ngay dây cương Đỗ đang cầm. Nay chỉ việc chộp lấy nó, mượn đà đu lên lưng ngựa. Dây cương bị Mộc Thạnh giật ngược ra sau khiến con ngựa chồm lên, hí vang liên hồi. Đồng thời, lưỡi siêu của Thạnh đã dí sát vào cổ Đỗ. Thắng thế toàn diện, y mới cười lớn:
" Thằng oắt con, người Việt chúng mày không phải cũng có một câu gậy ông đập lưng ông hay sao??? "
Hồ Đỗ bị lưỡi siêu sắc nhọn ép tới cổ càng lúc càng gần, biết rằng lúc này không buồn tay khỏi dây cương là chết chắc. Y đành phải lỏng tay nắm yên để nghiêng người ra sau, hai chân trượt khỏi bàn đạp. Phịch một tiếng nặng nề, Hồ Đỗ ngã lăn quay ra đất. Mộc Thạnh cướp lấy con ngựa, ngồi ngay ngắn trên yên. Y vừa cười vừa nói:
" Thiên Triều ta còn có câu nhất thốn đoản nhất thốn hiểm, tiếc là đám mọi các ngươi ít học, không hiểu lời lẽ của thánh hiền. Sống cũng chỉ làm chật đất. Đi chết đi! "
Nói rồi, vung cao siêu sắt lên, vận kình muốn bổ xuống. Song trước lúc ấy, đôi tai y đã hơi động đậy. Một tiếng vút rất nhỏ vừa bật lên trong không khí, kình phong nhọn hoắt đã dí tới sát lưng.
Choang!!!
Không kịp quay đầu, Thạnh chỉ biết rút lấy một mũi tên từ ống tên bên đùi, dùng thủ pháp phóng tụ tiễn để ném nó ra sau. Biết sẽ không ngăn nổi đòn công bất ngờ của kẻ địch, y vội thúc ngựa chạy lên trước, gỡ cây cung sau lưng xuống. Nói đoạn Mộc Thạnh quay đầu lại, dùng thế hồi mã cung trứ danh của người Mông Cổ bắn liên tiếp ba mũi tên về phía kẻ đánh lén.
Lại có tiếng vút khẽ vang lên, hai mũi tên nữa vọt ra từ bóng tối của khu rừng. Mỗi người bắn ra tổng cộng ba mũi tên, cả sáu chuẩn xác đụng mũi vào nhau ngay giữa bán không. Choang một tiếng giòn tan, tên của Mộc Thạnh bị lực lớn bắn ngược lên không trung, xoay tít mù mấy vòng liền. Còn ba mũi tên do người thần bí bắn thì cắm thẳng xuống đất, lút tận non nửa thân tên.
Mộc Thạnh thấy vậy, quát:
" Đám An Nam các ngươi chỉ biết núp trong tối, đánh lén người khác thôi sao? "
" Mộc tướng quân, ngài là người dẫn quân tập kích doanh trại, vậy mà còn lớn tiếng được ư?? Quả không hổ là dân tộc dựng nên Vạn Lí Hậu Thành, bái phục. "
Bước ra từ khu rừng, là một thanh niên mặc áo giáp lưới. Dáng người y thấp hơn, mặt mũi cũng không nanh ác bằng Hồ Đỗ nhưng lại cho người khác một loại cảm giác âm hiểm. Đặc biệt là đôi mắt xếch và làn da trắng bệt ấy. Sau lưng y đeo hai chiếc nỏ lớn, ở eo lại đeo hai cây khinh nỏ. Vừa bước ra, y đã trào phúng Mộc Thạnh. Câu nói của y hàm ý chửi người Trung Quốc là một lũ mặt dày vạn dặm như cái tường thành họ xây, nhưng chả ai hiểu nổi nên cũng không có người nào hưởng ứng.
Mộc Thạnh còn tâm tư nào mà để ý hắn có trào phúng hay không??? Mắt y vằn đỏ lên, răng nghiến lại nghe kèn kẹt. Hai tay nắm chặt thành quyền, y nói mà như quát:
" HỒ. NGUYÊN. TRỪNG. Mộc Thạnh ta quyết không đội trời chung với ngươi!!!! "
Mộc Thạnh gằn giọng rất mạnh, ngữ khí tràn đầy sự phẫn hận. Dù biết rõ y đã đoán được chuyện gì đang xảy ra trong cánh rừng nơi ánh nắng không lọt tới, Hồ Xạ vẫn nói bằng giọng trêu tức:
" Mộc tướng quân yên tâm, binh sĩ dưới trướng ông đều đang được phục binh của tướng quốc chăm sóc cẩn thận. Tiếc là không biết danh tính, bát tự nên khó mà để họ nhập thổ quy an, nên đành phải vứt lại đó. Đợi khi tướng quốc tra cẩn thận tên tuổi ngày sinh sẽ tự tay làm bài vị, chôn cất từng người một đàng hoàng. Tất nhiên, sẽ mất một vài ngày, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Nhưng chẳng sao, vì đằng nào sĩ binh của ông thì cũng chẳng đi đâu được, Mộc tướng quân đồng ý chứ??? "
Liên tiếp trúng phải kế hiểm khiến Mộc Thạnh thoắt cái như già đi mấy chục tuổi. Hồ Nguyên Trừng nắm bắt tâm lí của y thực sự quá tốt, làm y có cảm giác bản thân như một con lừa ngu xuẩn bị người ta dắt mũi dẫn vào lò mổ.
Hai mắt long đỏ, Mộc Thạnh gào lên:
" Lũ oắt con, lũ mọi rợ. Cứ lao cả vào đây đi, một mình Mộc Thạnh này sẽ giết hết đám các ngươi không còn manh giáp. "
Hồ Xạ bĩu môi, nói:
" Mộc tướng quân, cần gì phí sức giãy dụa? Bây giờ ông tự sát, còn có thể chết toàn thây đấy. "
Hồ Xạ đang ba hoa, không ngờ đến Mộc Thạnh lại thúc ngựa phóng tới chỗ Hồ Đỗ. Siêu sắt của y loé lên ánh thép, bổ xuống một cú với khí thế như trời long đất lở. Y dường như đã chẳng thiết sống nữa, liều mạng muốn lôi Hồ Đỗ theo.
Hồ Đỗ định học Mộc Thạnh cướp ngựa lại, tiếc là công phu non kém hơn nhiều. Y mới chỉ nhảy lên được vài tấc thì siêu của Mộc Thạnh đã chém thẳng xuống. Y vội dùng việt để đỡ, nhưng đã chậm! Cây việt của Hồ Đỗ bị Thạnh dùng một siêu chém làm hai nửa. Song đà tới vẫn chưa dùng hết, lực cũ hãy còn dồi dào. Siêu của Thạnh cứ thế chém mạnh vào ngực Hồ Đỗ, xuyên qua giáp trụ, nhẹ nhàng phá bung mỗi lớp da, xẻ tan từng tấc thịt. Hồ Đỗ chẳng kịp kêu lên một tiếng, một vòi máu đỏ tươi đã bị lưỡi siêu của Thạnh kéo tung vào không khí. May là vết chém không sâu, nên Đỗ chỉ thấy đau chứ không có gì đáng ngại. Mộc Thạnh hoành siêu lại muốn trảm bay đầu Đỗ, thì Hồ Xạ đã kịp thời phát ra liên tiếp hai mũi tên ứng cứu. Thế tên bay rất gấp, Mộc Thạnh chỉ đành múa siêu gạt vội, từ bỏ việc chém chết Hồ Đỗ. Ngực đầm đìa máu tươi, Đỗ gầm lên:
" Không được can thiệp!!! "
Y múa nửa cây việt, làn da thân trên dần chuyển sang màu hồng trái đào. Đặc biệt là gương mặt, hầu như đỏ chót lên như là có tích máu dưới da vậy. Hồ Đỗ giơ rìu lên cao, bổ mạnh xuống một nhát.
Mộc Thạnh còn đang đề phòng Hồ Xạ đánh lén, đột nhiên thấy bên cạnh nổ bung lên tiếng rống mạnh kinh hồn như long ngâm hổ khiếu. Không kịp vận công đề phòng khiến khoé miệng y hơi ứa một tia máu, khí huyết trong khoảnh khắc này hoàn toàn tán loạn.
Kình phong mãnh liệt thốc thẳng vào bên sườn, gần như khiến Thạnh ngã khỏi lưng ngựa. Việt của Hồ Đỗ còn chưa chém tới, mà con ngựa Thạnh cưỡi miệng đã ộc máu.
Hồ Xạ cười khẩy, nghĩ thầm:
[Thần công mà Lý Thân (*) truyền lại quả nhiên phi phàm. Hồ Đỗ mới luyện được tầng thứ nhất, mà đã mạnh như hổ sói rồi.]
Lý Thân, còn được gọi là Lý Ông Trọng, người làng Chèm sống vào thời Hùng vương cuối cùng Duệ Vương, đầu đời An Dương Vương. Ông còn có phong hiệu là Thượng Đẳng Thiên Vương, tương truyền sở hữu thần lực trời sinh vô địch thiên hạ, chấn đắc cổ kim. Song sự thực lại hơi khác sử sách ghi lại.
Chỉ người trong hoàng tộc biết, Lý Thân thời trẻ từng luyện qua một bộ võ công cổ quái không ai biết tên đến tầng thứ chín, nhờ đó mới có sức lực bạt rừng phá núi, chắn sông tát biển. Không rõ thần công ấy tên gì, nhưng trong sách cổ có ghi lại đặc điểm của nó. Đối với năm tầng đầu, càng luyện lên cao thì da dẻ người ta càng đỏ, đến tầng thứ năm thì mặt lúc nào cũng như gấc chín. Song bốn tầng phía sau cứ luyện được một tầng, da người ta lại nhạt màu đi đến khi hoàn toàn lấy lại sắc thái bình thường mới thôi.
Năm xưa Lý Ông Trọng sang nước Tần làm quan, trấn thủ ải bắc khiến người Mông sợ hết hồn vỡ mật, không dám nhòm ngó đất đai thổ nhưỡng bên đó nữa. Vua Tần Thuỷ Hoàng trọng dụng tới nỗi gả cả con gái cho, hiện vẫn còn tượng của bà ở Đình Chèm. Không biết trong thời gian này Lý Thân có từng dạy ai môn thần công này hay không, nhưng mấy trăm năm sau vào thời Tam Quốc xuất hiện một tướng tài là ông Quan Vũ, tức Võ Thánh. Ông này mặt đỏ như gấc, có lẽ có liên quan ít nhiều tới Lý Thân năm nào.
Lại kể Lý Ông Trọng sau có về thăm quê cũ, có ý nhớ nhà không muốn qua Tần làm quan nữa. Người Hung Nô không thấy bóng Thân ở quan ải, lại bắt đầu vùng lên nhiễu nhương. Doanh Chính ban lệnh gọi Lý Thân về rất gấp, song ông giả chết chối từ. Tức giận, Tần Thuỷ Hoàng xuống chiếu bắt Lý Thân: " chết phải thấy xác. ".
Không muốn hai nước Lạc Việt – Đại Tần phải gặp nhau bằng đao kiếm, Lý Thân tự vẫn để giữ một tấm lòng son với hồn thiêng tổ quốc. Trước khi chết, ông lại tiếc thần công sau này có thể sẽ thất truyền, cho nên đã khắc lại cách luyện lên cột đình làng Chèm. Đáng tiếc là chữ Việt cổ (**) đã thất truyền kể từ khi An Dương Vương mất nước, nên hơn ngàn năm đã qua mà chẳng mấy ai học được pho thần công cái thế ấy.
Truyền nhân của bộ võ công này ở trời nam ta phải kể đến dũng tướng Dã Tượng. Chẳng biết bằng cách nào, nhưng ông đã có duyên luyện thần công vô danh đến tầng thứ bảy. Từ ấy khí huyết cuồn cuộn như sông Hồng mùa lũ, có lực lớn đến ngàn cân. Một cú đấm của ông có thể đánh nát đá xanh, một cái hẩy có thể xô đổ cây già trăm tuổi. Hưng Đạo Vương lấy tên Dã Tượng cho ông, phần vì ông thiện nghề thuần voi khiển tượng, phần vì sức ông mạnh ngang ngửa ba bốn con voi lớn cộng lại.
Lại nói về Hồ Đỗ trong một lần du ngoạn phương bắc vô tình tìm được năm tầng đầu của thần công được phiên sang Hán ngữ và khắc trong động đá ở vùng Sơn Tây - cũng là nơi phát tích của Quan thánh Quan Vân Trường, mới luyện thành tầng thứ nhất. Vì khẩu quyết ghi trên vách đá qua năm dài tháng rộng đã bị mài mòn đi mất bốn câu quan trọng, nên phải bị thương mới kích phát được thần lực.
Hồ Đỗ đột nhiên đại phát thần uy, sức mạnh tăng vọt cơ hồ chỉ trong nháy mắt. Mộc Thạnh không kịp đề phòng, thế là phải ăn thiệt thòi lớn.
Bị đánh ngã xuống ngựa, y nổi giận thét dài, múa siêu lao xồ về phía Hồ Đỗ. Đỗ đã phát động được thần công, tự tin vô cùng:
" Hồ Xạ, chớ có nhúng tay vào, bằng không lát nữa chém luôn cả ngươi. "
Hồ Xạ phẩy phẩy tay không nói gì, hàm ý nói Hồ Đỗ cứ tự nhiên mà đánh. Nào ngờ, còn đang đinh ninh chiến thắng đã nằm gọn trong túi quân Đại Ngu thì bên kia mặt sông đã có tiếng hò reo vang dội.
" Đại Minh vô địch! Thiên Triều vô địch!! "
Hồ Xạ giật mình nhìn sang, chỉ thấy trong hàng ngũ quân mình một thuyền đã tách khỏi toàn quân quay đầu xuôi gấp về hướng nam, mà các thuyền còn lại dù không trúng đạn chẳng dính tên vẫn cứ thi nhau chìm nghỉm không rõ lí do.
(*): Còn gọi là thánh Chèm, nay ở làng Chèm vẫn còn điện thờ. Có tích kể hồi nhỏ ông đã đủ sức xé xác một con giải (ba ba) lớn bằng tay không. Đáng nói là con ba ba này đủ lớn để kéo được một phụ nữ xuống sông (trong tích kể, nạn nhân là mẹ của Lý Thân)
(**): sách Thanh Hoá quan phong viết năm Thành Thái thứ 15 (1903) từng đề cập tới loại chữ viết riêng của người Việt cổ. Một vài sử liệu của Trung Quốc cũng miêu tả mẫu tự này " như đàn nòng nọc đang bơi ". Có lẽ vì muốn đồng hoá dân ta, Triệu Đà đã phá huỷ đa số văn tự bằng chữ cổ này.