Chương 311: Hồi hai mươi sáu (17)
Lần nữa, lại không có người…
Trương Phụ lúc này đâm tức, bèn gọi hai nhóm thám quân lại, tra hỏi kỹ càng một phen. Nhưng lão mắng vốn, hăm dọa cỡ nào thì quân dọ thám cũng chỉ nói rằng:
" Hầu gia đánh trận quân kỷ như sắt, bọn tôi có trăm nghìn lá gan cũng chỉ có một cái đầu này thôi, còn phải giữ lại cho vợ con chứ. "
Rồi phân trần là thực sự nghe thấy tiếng mái chèo khua nước giữa dòng, lão mới trầm mặc lại.
Đến lần thứ ba, thứ tư…
Vẫn là vậy.
Ám hiệu cất lên, quân Minh ngồi chưa ấm chỗ đã phải vùng dậy, thủ sẵn vũ khí phòng hờ.
Pháo lại bắn, nhưng không trúng ai cả.
Lúc này, Trương Phụ đã thấy mơ hồ có chuyện không ổn.
Nếu là oan hồn, hà cớ gì không quấy phá Hậu Trần? Quân Minh đã bắn ba loạt pháo, nhưng phía Đặng Dung lại tuyệt không thấy khai pháo lần nào. Nếu như nói người cầm quân lão lược như Đặng Dung lại không đề phòng quân của lão vượt sông đánh lén thì Trương Phụ là kẻ đầu tiên không tin.
Nhưng sự thực mà lão không thể nào gánh vác được, đó là tuy lão thì giữ được bình tĩnh, kẻ dưới thì đã cáu điên lên rồi.
Năm lần bảy lượt bị người ta quấy phá, nghỉ không được, đứng không xong, sao mà không nổi giận cho được? Trương Phụ trước bèn cho phạt vạ bọn thám quân, trước là an ổn lòng quân, sau lão lại nghĩ:
[Không biết quân Trần làm cách nào mới có thể giả như thần quỷ, nhưng nếu quân ta không được ngủ nghê thì ắt sẽ phải bị vắt kiệt sức. Ngày mai giáp trận với quân giặc được nghỉ ngơi đầy đủ, tinh thần sáng láng, cửa bại sẽ xuất hiện.]
Thế là, lão cho ba quân được phép nghỉ ngơi, bao giờ có tiếng pháo nổ mới cần dậy, ngoài ra chỉ cần một số quân độ hơn ngàn người thay phiên túc trực ở bờ nam con sông là được. Những kẻ này đều là người thuộc Thần Cơ doanh, thiện dùng hỏa pháo. Thế nên, để họ luân phiên túc trực, vừa thấy quân Trần là nhả pháo, thực không có ai thích hợp hơn được nữa.
" Nghe kỹ đây, quân Trần giả vờ tập kích mấy phen, chứng tỏ đã có quyết tâm hạ trại ta. Nội trong đêm nay ắt sẽ có một lần chúng làm thật. Các ngươi nhớ phải nghiêm cẩn đối địch, chớ vì mấy lần trước hữu kinh vô hiểm mà có chỗ sơ sót. "
Lão biết quân Trần thiếu lương, không thể đánh lâu với quân Minh, nên nội trong hôm nay phải thắng được. Bằng không ngày mai Hoàng Phúc đánh được vào bờ, thì quân Hậu Trần ắt phải bại vong.
Đặng Dung đánh giả mấy phen, thấy quân Minh nháo nhào, biết đã thành kế, không khỏi cười nhạt.
Lê Lợi thấy thế bèn hỏi:
" Kế của quan Bình Chương cố nhiên có thể khiến giặc mất ăn mất ngủ, song cũng chỉ là tiểu xảo, chứ doanh trại quân giặc vẫn ở đấy. Nay mai chúng kéo quân từ biển đánh vào, chỉ e ngài Nguyễn Cảnh Dị không chống nổi. "
Đặng Dung bèn đáp:
" Cậu nói không sai. Nội trong đêm nay, chúng ta phải đánh vào được bản doanh của Đại Minh. Việc này cậu biết, tôi biết, Trương Phụ cũng biết. "
" Vậy… quan Bình Chương thứ cho Lợi tôi ngu dốt, nhưng, chẳng phải ta năm lần bảy lượt dùng kế nghi binh chỉ càng khiến Trương Phụ hiểu rõ chúng ta muốn tập kích hay sao? "
Đặng Dung lúc này mới cười, nói:
" Chúng ta đúng là sẽ tập kích trại giặc, nhưng ai nói với cậu chúng ta sẽ tập kích bằng đường thủy? "
" Dương đông kích tây??? "
Lê Lợi lúc này mới hiểu, thì ra ngay từ đầu Đặng Dung đã không có ý định mạo hiểm cho thuyền vượt sông. Cho dù là thuyền nhẹ, đêm hôm tắt hết đèn đuốc, thì muốn vượt con sông hơn trăm trượng trong khi kẻ cầm quân lão luyện như Trương Phụ không hay biết gì thì thực là chuyện nực cười.
Đặng Dung bèn đáp:
" Không sai. "
Lê Lợi bấy giờ lại thấy hơi hoài nghi, bởi kế dương đông kích tây này không khỏi quá khó thực hiện.
Trương Phụ nắm thế chủ động về thời gian, bao giờ giao tranh là do lão quyết định. Mà trước khi khai chiến, lão đã bỏ hẳn ra năm ngày trời cho thám quân lùng sục mấy chục dặm xung quanh nơi hạ trại, đến khi chắc chắn không có một tên phục binh nào mới yên tâm tuyên chiến.
Trước lão chưa có địa đồ, thì còn có khả năng bỏ sót chỗ nọ chỗ kia. Song Phan Quý Hựu sớm đã cho Phụ biết sạch sẽ tướng tá Hậu Trần hay dở ra sao, núi sông phía nam hiểm trở thế nào. Thế nên, tuyệt nhiên không có chuyện lão tính bỏ sót cho được.
Thế thì, phục binh ở đâu ra??
Đặng Dung lúc này mới nói:
" Cậu đang nghĩ, ta đưa quân sang bên bờ bắc thế nào đúng không? "
Lê Lợi thấy thắc mắc của mình bị nhìn thấu, cũng không giấu dốt, gật đầu một cái, ánh mắt lộ rõ ý học hỏi.
Lúc này, Đặng Dung mới tiếp, vẫn nửa úp nửa mở:
" Ngày trước chưa có quân ở phía bắc, hôm nay sẽ có. "
Đạo quân mà y nói đến, tự nhiên chính là do Hoàng Thiên Hóa mời đến, phụng sự dưới trướng của thanh niên vận giáp đen.
Lúc này, chỉ thấy trên đầu nguồn sông Cánh Hòm, có mấy trăm con ngựa lội qua dòng sông rộng bảy tám trượng, hội họp với nhau trên một đỉnh núi. Bỗng nghe soạt một cái, từ dưới bụng ngựa đã có kị sĩ chuyển mình lên, thoáng chốc đã ngay ngắn trên yên cương. Những người này nhổ cây sậy trong miệng ra, đoạn hướng về phía thanh niên dẫn đầu mà nói:
" Tướng quân, có thể đánh được rồi. "
Sau lưng thanh niên giáp đen, chỉ qua một khắc, mà đã có năm trăm quân kỵ.
Hoàng Thiên Hóa đứng bên cạnh nhìn thanh niên trẻ tuổi nọ một cái, chặc lưỡi thầm than. Nếu trước ngày hôm nay có người bảo y, trong vòng một ngày có thể tập hợp năm trăm quân kỵ rải rác trong phạm vi trăm dặm, lại dùng vỏn vẹn một khắc vượt sông Cánh Hòm không gây một tiếng động thì y sẽ cười hắn bị điên.
Nhưng sự thực bày ra trước mặt, có khó tin đến đâu, cũng phải nhận mệnh.
Thanh niên giáp đen nhìn ra sau lưng, chỉ thấy năm trăm quân kị giáp bạc chỉnh tề, thần sắc nghiêm cẩn, ngựa trắng đạp vó, thương bạc tuốt trần, yên lặng chờ hiệu lệnh của mình. Ánh mắt y thoắt trở nên sắc bén, xốc thanh long kích lên chỉ vào phía đông, nói:
" Chiến!! "
Tức thì, giục con ngựa đen bờm vàng, phóng mình lao đi.
Sau lưng, năm trăm quân kỵ cơ hồ là cùng lúc đánh cương, ruổi ngựa đuổi theo sát chủ tướng. Vó ngựa gõ trên đường cơ hồ không thể phân biệt được trước sau, năm trăm quân kỵ tưởng như thở chung một nhịp. Loại tình trạng này chỉ có thể nói là tinh nhuệ đến đáng sợ, ba quân như một.
Hoàng Thiên Hóa chặc lưỡi, rồi cũng dùng khinh công lẩn mất.
Y tự biết, với quân đội cỡ này, mình chạy theo chỉ khiến bọn họ loạn trận thế. Chẳng bằng dựa vào võ công, thuốc độc, âm thầm quấy nhiễu trong tối.
Trương Phụ cho người thủ chắc mặt nam, bỏ mặc phía đông, tây và bắc là có năm nguyên do.
Thứ nhất, quân Trần trước đó bị đánh thua chạy liểng xiểng, bại như núi đổ, chẳng nhẽ còn có thể chia nhỏ đại quân đánh vòng lên tận phía tây?
Thứ hai, mặt tây đã có quân của Mộc Thạnh gườm chắc cánh quân của Nguyễn Súy đóng trên cù lao. Nếu như thực sự có quân vượt sông, đánh từ tây sang, về lí mà nói không tài nào thoát nổi phòng ngự của Mộc Thạnh.
Thứ ba, sông Thạch Hãn rất rộng, chỗ hẹp nhất cũng đến trăm trượng, muốn vượt sông không gây một tiếng động nào thực là chuyện hoang đường.
Thứ tư, lão bỏ hẳn năm ngày cho thám quân lần tìm hết mặt bắc sông một lượt, chỗ nào có thể giấu quân, nơi nào có thể cài người cơ hồ đều bị lật tung lên. Thành thử, khả năng Đặng Dung đặt phục binh ở bờ bắc từ trước là không thể.
Thứ năm, bỏ mặt đông là vì ngoài biển đã có Hoàng Phúc trấn thủ. Bỏ mặt bắc là bởi ấy vốn là đường tiến công của đại quân, quân Trần thua chạy từ bắc vào nam, cho dù có sót cũng là tàn đảng sao gây nên nổi sóng gió?
Quân Minh bị quấy nhiễu cả đêm, tinh thần mỏi mệt, nên đều ngủ thiếp đi. Duy chỉ có Thần Cơ doanh ở mặt nam là chia nhau canh phòng.
Đến canh tư, trời vừa qua giờ sửu, thì năm trăm quân kỵ lấy thanh niên giáp đen dẫn đầu xộc vào đại doanh, tưởng như một thần tướng kéo theo cả một biển mây trắng. Quân kỵ chạy đến chỗ nào, tức thì một tay hoành thương, một tay ném mồi lửa đốt trại. Bấy giờ là tháng chín, qua mùa mưa, tiết trời Sái Già hanh khô. Thành thử chỉ thoắt một cái, cả một góc doanh trại quân Minh đã có lửa bốc phừng phừng, soi rực cả một bờ sông.
Mộc Thạnh, Trương Phụ và binh sĩ Thần Cơ doanh đang thủ lấy bờ sông đều không kịp phản ứng.
Nguyễn Súy vừa thấy lửa cháy, lập tức cho quân nổ pháo, lại lấy thuyền nhỏ vượt sông đánh giáp mặt với Mộc Thạnh, không để lão quay về cứu viện. Đặng Dung cũng cho quân lấy thuyền nhỏ, tắt hết đèn đuốc vượt sông đánh úp vào mặt nam Minh doanh.
Tự nhiên lại có một đạo quân rơi từ trên trời xuống khiến Trương Phụ chẳng thể nào ngờ, đến lúc nhận ra có địch tập thì một góc lớn lều bạt đã cháy bùng bùng. Lão vội vàng xách quan đao chạy ra khỏi lều, lên ngựa. Lúc này binh lính trong trại cũng tỉnh người phần nào, thành thử lão cũng gom được một nhánh quân vài ngàn người, bèn dẫn đầu lao ra đánh chặn quân kỵ. Lại cho người báo với tướng Thần Cơ doanh thủ vững mặt nam, đề phòng quân của Đặng Dung vượt sông đánh trại.
Dưới ánh lửa hừng hực…
Trương Phụ nắm chắc quan đao trên tay, ánh mắt như dao nhìn vào thanh niên vận áo giáp đen dẫn đầu năm trăm quân kỵ, trong lòng có phần kinh ngạc vì tuổi tác của đối phương thực là quá trẻ. Song, lão vẫn quát:
" Chịu chết đi! "
Nói đoạn giục ngựa xáp lại.
Thanh niên nọ cười nhạt, không đáp, nhưng trong ánh mắt hiện lên bảy phần tự tin, ba phần cuồng ngạo. Y đánh gót vào bụng ngựa, chiến mã lắc bờm vàng một cái, ngửa đầu hí một tiếng dài to như tiếng sấm, rồi mới xông vào chỗ Trương Phụ.
Ngựa vừa tung vó, thì con ngựa của Phụ đã lép vế mấy phần.