Chương 258: Hồi hai mươi tư (3)
Phủ nhà họ Lê chăng đèn kết hoa, trước cửa dán hai chữ Hỉ thật lớn. Trong sân bày mấy mâm cỗ cưới liền, rượu nồng dê béo đếm không hết. Pháo trúc nổ đì đùng, kèn sáo kéo vang nhà vang cửa. Cả làng ai nấy đều tranh thủ hôm nay mà chè chén cho vui, uống đến nỗi không còn biết trời đất là gì. Con Đại Thắng là phàm ăn tục uống nhất. Một mình nó xơi hết một con dê béo, một con heo nái, lại uống thêm ba bốn vò rượu ngon cho trôi thịt. Thế là cu cậu no nứt bụng, say quắc cần câu nằm một đống ở góc sân, thỉnh thoảng lại kêu ọ ọ một tiếng trong mộng…
Lê Lễ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Thận họp thành một bọn. Ngồi cùng mâm có Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú, Vũ Uy đều là những người mới đến. Hai bên một bên ma cũ bên kia ma mới, ngoại trừ Nguyễn Xí tuổi còn thiếu niên chưa tiện uống rượu ra, thì bảy người này bèn bày trò đọ tửu lượng một phen xem ma cũ là anh hùng hay ma mới là hào kiệt. Nguyên bản Đinh Lễ định chơi ăn gian tính thêm phần con Đại Thắng, nhưng con trâu ham uống đã xỉn ngất đứ đừ từ lúc nào rồi, thành ra lại thua về người.
Vũ Uy là trước từng chống nhà Hồ ý muốn phục hưng nhà Trần, sau vì thất bại mà vào Thanh Hóa mở một trang trại, cũng có thể tính là nửa cái viên ngoại. Song vị viên ngoại này ngoài mặt là làm ăn tử tế, yên ấm ở nhà làm phú hộ, nhưng trong tối thì ngấm ngầm chiêu hiền nạp sĩ, lập thành một sơn trại. Quân Minh hễ tải tô thuế vơ vét được qua chỗ y thì thể nào cũng bị đánh cướp, sau đó viên ngoại Vũ Uy sẽ ra mặt hiến một phần tiền thuế bị mất cho quân Minh để khỏi bị nghi ngờ. Tô thuế cướp được lại phân phát cho người trong vùng, dùng để cứu nạn dân khỏi chiến hỏa.
Y làm người ngay thẳng, thế là bàn với nhau phe mình mỗi người tự uống ba chén cho công bằng.
Thành ra ma mới ma cũ cứ chén chú chén anh, kêu la inh ỏi cả một góc, cười nói ầm ĩ. Dân tình cũng biết là ngày vui, chẳng ai nói gì. Có người hứng lên còn chạy sang mâm của họ phụ họa đôi ba chén gọi là. Bảy người cứ tì tì từng chén hạt mít, nói đủ chuyện trên đời, càng nói chuyện càng thấy hợp tính. Vậy mới nói rượu vào lời ra. Rốt cuộc thì trừ có Nguyễn Xí làm bình vôi không uống, ma mới ma cũ gì cũng nối đuôi con Đại Thắng gục đứ đừ trên bàn tiệc hết.
Nguyễn Xí lúc này mới lóc cóc lấy nghiên mực bút lông ra, quẹt cho bảy người thành lem nhem luốc nhuốc như mèo hoa hết cả bọn. Dân làng chung quanh thế là được thêm mẻ cười bò, chỉ cái bàn nọ mà ôm bụng mãi không dứt.
Thời buổi chiến tranh loạn thì có loạn, nghèo thì có nghèo, song chính vì thế lại càng không thể thiếu những cuộc vui. Ngày ngày lo bị bắt phải tòng quân, đêm đêm sợ bị tóm đi phu dịch, nếu không có những ngày thế này để tranh thủ mà xả hết ra, không khéo người ta phát điên lên mất.
Bên ngoài huyên náo vui vẻ bao nhiêu, thì trong phòng cưới của hai vợ chồng trẻ yên tĩnh bấy nhiêu.
Lê Lợi khép cửa sổ, ngăn những tiếng nói cười cuối cùng bên ngoài, lại vào trong buồng, nói:
" Đấy Lữ ra mà xem, mấy cái anh Đinh Lễ này lớn đầu rồi mà còn chẳng đứng đắn, để thằng Xí nó bôi mực lấm lem đầy mặt. "
Thực ra Lê Lợi cũng biết một khắc đêm xuân đáng nghìn vàng. Người thường đã như thế, thì với người sắp ra trận như chàng, thì một khắc đêm xuân ấy còn quý hơn nữa.
Nhưng lúc này khép cửa buồng rồi, bỗng nhiên yên tĩnh quá. Lê Lợi tưởng như có thể nghe được cả tiếng ngọn lửa đèn cháy leo lét. Quanh buồng bây giờ thắp nến đỏ, sáp nến chảy xuống tưởng như có cả tiếng kêu.
Chàng bỗng thấy ngột ngạt, nửa ngường ngượng mà nửa lại thấy hơi khó xử. Thế là buột miệng nói một câu không đầu không cuối như thế.
Lúc này Ngọc Lữ mặc một cái áo cưới vừa may, ngồi một bên mé giường. Lúc nàng mặc quần áo của người ở trông nhà đã đằm thắm, sắc sảo. Nay vận đồ cưới, trang điểm lên, đeo trang sức thì đã có thể dùng từ " lộng lẫy " mà hình dung. Trịnh Ngọc Lữ cúi đầu, mặt hơi hồng lên như trái xoan. Vẻ đẹp của người con gái cũng như là tấm lụa vân vậy. Vốn lụa có hai hoa văn, một nổi một chìm. Đẹp người thì đã hẳn, nhưng đẹp nết nữa thì càng hiếm thấy.
Trịnh Ngọc Lữ bèn nói:
" Mình còn gọi em như thế sao? "
Lê Lợi lúc này mới chợt hiểu, hai người đã làm đủ lễ nghi, chiếu cáo tổ tiên làng xóm, cũng tức là đã thành vợ thành chồng rồi. Hai tiếng " vợ chồng " gọi trong lòng, ngường ngượng mà thích thích.
" Tôi quên. "
Chàng bèn gãi gáy, ngồi xuống bên cạnh vợ.
Hai người nắm lấy vạt áo, vân vê một lúc, thỉnh thoảng lại đánh mắt nhìn trộm người bên cạnh. Người nọ thấy người kia cũng ngượng nghịu như mình thì vừa vui vui vừa sốt ruột.
Rốt cục, Lê Lợi ho khan một tiếng, quàng tay qua vai nàng. Ngọc Lữ nương theo thế đó, đầu tựa khẽ lên vai chồng.
Hai người im lặng một thoáng…
Chợt, Lê Lợi bỗng lên tiếng:
" Mình còn nhớ lần đầu tôi với mình gặp nhau không? "
" Đương nhiên là nhớ. Hồi đó tự nhiên bà… à u bảo em xuống Hóa châu chờ và giúp đỡ một thiếu niên ngờ nghệch, đừng để y chết sớm quá. "
Nàng nói xong thì bật cười, tiếp:
" Lúc ấy em cũng không nghĩ cái cậu ất ơ chẳng biết làm người ấy sau lại làm chồng mình. "
Lê Lợi nghĩ lại, thấy hồi đó mình quả thực như đứa trẻ ranh chưa hiểu thế sự, nhìn đâu cũng chỉ thấy chuyện xấu xa đen tối bất công, trong tim chỉ một lòng muốn phản kháng cái thiên hạ xấu xa này…
Còn nhớ lúc dẫn đầu dân khổ lao nổi dậy, chàng đã dõng dạc mà quát lên:
" Nếu ông trời đã mù mắt, hôn ám bất công, thì có nghịch lại ý trời, cũng phải vén chín tầng mây mà đi tìm một ánh dương quang. "
Nhưng hiện tại, trải qua cũng nhiều chuyện, vào sống ra chết nơi chiến trường chàng mới nhận ra.
Thực ra trước giờ chỉ có con người ta là thay đổi, thế gian vẫn như vậy mà thôi.
Thời loạn hay thời bình, cũng vẫn có những bất công như thế cả. Không phải ác bá cường hào cưỡi cổ dân đen, thì là ngoại xâm giặc cướp đè đầu trăm họ. Nhưng muôn thuở có trời thì có đất, có âm ắt có dương, có ác thì cũng có thiện. Nhân quả tuần hoàn, có đen có trắng, lúc phân minh khi lẫn lộn, lại muôn màu muôn vẻ…
Ấy mới là " đời ".
Có lẽ, chỉ cái người từng lăn lộn trong bão táp mưa sa, mới biết quý lúc trời yên biển lặng. Cũng chỉ có người lênh đênh trên sóng gió, mới biết nhớ đất mẹ dịu êm.
Lê Lợi bỗng nhiên nắm lấy tay vợ.
Ngọc Lữ giật mình một cái, hơi tỏ vẻ ngượng ngùng, nhưng không rụt tay lại.
Bốn mắt hai người chạm nhau.
" Lữ. Rất có thể tôi sẽ… Mình có đi với tôi không? "
Chàng biết hôm nay là ngày vui của hai vợ chồng, thế nên nuốt câu nói gở trở vào bụng. Nhưng tuy là một câu không đầu không cuối như thế, nhìn ánh mắt chàng, Trịnh Ngọc Lữ đã biết ý chồng, bèn hỏi lại:
" Mình có biết hôm em đến bảo u gả em cho người ta, u đã bảo gì không? "
" Chuyện này… u không nói gì với tôi cả. "
Lê Lợi đáp. Kì thực chàng có biết sơ sơ chuyện Ngọc Lữ xin được gả đi qua lời u, nhưng lúc ấy bà Thương đã nói gì thì bà nhất quyết không chịu bật mí. Lê Lợi lúc ấy cũng nóng lòng, nên không hỏi kỹ.
Ngọc Lữ đưa tay lên vuốt nhẹ vào tóc chồng, bảo:
" Lúc ấy u bảo mình giờ ho hem, đã quen được em chăm sóc rồi, bây giờ em mà theo chồng thì sao mà dạy kịp một đứa khác? Nên u bảo em thư thư một dạo, thể nào cũng tìm được cho em một tấm chồng ưng ý. Quả nhiên ít bữa sau mình về đến Lam Sơn, lấy thánh chỉ đến cưới em về nhà. "
Lê Lợi im lặng. Lời ấy tuy là có ý giữ nàng Ngọc Lữ lại, nhưng cũng có ý là u chàng giờ đã yếu lắm rồi, được ngày nào là quý ngày ấy chứ cũng không mong gì chuyện trường thọ được nữa.
Hương tóc nàng theo ánh lửa thoảng qua khiến tim chàng lại đập bình bình như trống canh.
Ngọc Lữ nhìn vào đôi mắt chàng, chậm rãi nói tiếp:
" Người ta nói xuất giá theo chồng. Thiếp đã là vợ của chàng, theo lí phải đồng cam cộng khổ với chàng, sao lại có chuyện ngại khó ngại khổ kia chứ? Lại nói, nếu Lê Lợi mà không có chí đánh giặc Minh, đòi lại giang sơn gấm vóc, thì đâu phải người đáng để thiếp giao phó cả đời? Nếu chàng vì chuyện cưới xin với thiếp mà mất đi đấu chí, định bo bo giữ mình, cả đời sống an nhàn chốn thôn quê sơn dã thì xé tờ thánh chỉ ban hôn đi. "
Nàng bỗng nhiên đổi xưng hô, lời lẽ trịnh trọng, ý chí sắt đá.
Lê Lợi nghe lời ấy, hiểu tâm ý của nàng, không khỏi cảm động.
Lúc này ánh nến hồng ửng lên gò má nàng, tưởng như lấy ngọc trắng soi dưới ánh lửa hồng, đẹp không bút nào tả xiết. Dưới ánh nến, gương mặt thanh niên anh tuấn mà hàm hậu. Hai người chỉ thấy bụng ngực nóng ra như có than, chậm rãi nhắm mắt ngả xuống giường…
Hôm sau…
Lê Lợi cho gọi các tướng vào, nói là có chuyện quân cơ cần phải bàn gấp.