Chương 180: hồi mười chín (15)
" Vị Nhan đại gia đã tự trả hết phí tổn hôm qua rồi. Số tiền này xin khách quan nhận lấy số tiền này. "
Thanh niên kia đảo mắt, đoán chừng Thánh Thủ thần thâu làm phúc không muốn được trả ơn. Đồng thời lại cố tình làm nhiều chuyện như thế để giữ thể diện cho Xích Tùng tử, thầm khen lòng dạ y độ lượng.
Hai đứa nhóc thúc ngựa nửa ngày, thì đến một dòng sông lớn, tục gọi là Sa Hà. Đến đây hai đứa tìm một nhà thuyền hỏi đường đi Nhạn Môn quan, thì y nói:
" Chỗ này cách Nhạn Môn quan mười ngày đường nữa. Sắp tới sẽ có một tiêu cục vận tiêu về phía bắc, lên tận Thái Nguyên. Tôi sẽ sắp xếp cho hai người đi cùng. "
Hai đứa nhóc không khỏi ngạc nhiên:
" Chúng tôi đi từ Nam Kinh lên đây, tính ra chỉ mất bốn năm ngày. Tại sao lên Nhạn Môn quan lại lâu gấp đôi? "
Lái đò bèn nói:
" Xem ra hai người lần đầu lên Hà Bắc, Sơn Tây rồi. Phía đông địa thế bằng phẳng, đi ngựa tất nhiên là nhanh. Nhưng phía tây đồi núi nhấp nhổm, rừng sâu nước độc, lâu hơn cũng có gì lạ đâu? "
Hai đứa nhóc nghĩ chúng không thạo đường lối, giữa Hàm Đan và Thái Nguyên cũng không thấy có thành hay trấn lớn nào để nghỉ chân trên địa đồ hết. Thành thử, chúng đành cho người lái đò mấy đồng tiền, nhờ y chuyển lời đến tiêu cục nọ.
Thấy Tạng Cẩu và Phiêu Hương cũng có tuấn mã, sẽ không làm lỡ hành trình, nên tiêu đầu họ Chung cũng gật đầu đồng ý để hai đứa nó đi cùng.
Tạng Cẩu nói nhỏ:
" Người này võ công không tính là cao, vậy mà cũng làm tiêu đầu. "
Hồ Phiêu Hương nói:
" Cẩu đi lang bạt một năm, mà hiểu biết còn kém cả tớ. Không phải cứ làm tiêu đầu là có võ nghệ cao cường đâu. Quan trọng là nhân khí, giao thiệp, hiểu không? "
Tiêu đầu họ Chung người Hàm Đan, mở một tiêu cục lấy danh là Đồng Sư. Đúng như những gì Phiêu Hương nói, y chuyên làm ăn ở địa giới tỉnh Hà Bắc, lại bỏ tiền qua lại với không ít nhân sĩ giang hồ. Thành ra người ta cũng nể mặt, để yên không động chạm vào tiêu xa của y.
Lần này, họ Chung được người ta giao phó chuyển một vật quý hiếm lên Thái Nguyên. Thực tình y cũng lo lắng, vì trước đây chưa làm ăn ở Thái Nguyên bao giờ, không biết quần hùng ở đó có nể mặt hay không. Vốn họ Chung cũng định từ chối, song vì thù lao béo bở, nên cũng chặc lưỡi mà nhắm mắt đưa chân.
Đoàn tiêu xa đi chừng ba ngày đường êm đẹp. Sang ngày thứ tư, thì đặt chân vào địa giới tỉnh Sơn Tây. Nhắm chừng thêm nửa ngày sẽ đến Thái Nguyên.
" Qua ngọn núi trước mắt là sẽ đến Thái Nguyên rồi. Mọi người hãy dừng lại nghỉ chân rồi tính tiếp. "
Tạng Cẩu buộc ngựa lại một góc, rồi giở lương khô ra ăn với Phiêu Hương.
Mấy ngày vừa rồi nhờ có tiêu đầu họ Chung giao thiệp rộng, quen biết nhiều mà sơn tặc thuỷ phỉ đều nhường đường cho tiêu xa, không làm khó tí nào. Gặp được trại chủ, bang chủ nào có giao tình sâu đậm với Chung tiêu đầu còn được hộ tống mấy dặm đường. Thậm chí có hai vị trại chủ còn cho thuộc hạ cưỡi ngựa đi trước sang Thái Nguyên, nói mát để quần hào Thái Nguyên nể mặt bỏ qua cho tiêu xa của tiêu cục Đồng Sư.
Vượt qua ngọn núi trước mặt, sẽ đến đích, thành ra mọi người trong tiêu đội cũng thả lỏng tâm tình hơn.
Mà thường những lúc thế này, tai hoạ mới ập tới.
Chỉ thấy trên núi vang lên tiếng kèn lá, phía tây ba tiếng, phía đông ba tiếng… cứ thế hô ứng đáp lại nhau vọng mãi xuống tận quan đạo.
Tiêu đầu họ Chung đã vận tiêu nhiều năm, biết là có biến, bèn hô:
" Mọi người mau tập hợp, ghé lưng vào nhau! "
Nói đoạn, cả tiêu đội hai chục người nhanh nhẹn kết thành một thế trận hình vuông, tiêu xa đặt ở trung tâm.
Hai đứa nhóc nhìn nhau, rồi cũng dắt ngựa đến chỗ tiêu đội, đứng vào cùng một vòng chiến.
Tiêu đầu họ Chung thấy vậy vội nói:
" Hai vị có thần mã, phía trước đã là Thái Nguyên rồi sao còn không chạy đi? "
Tạng Cẩu nhún vai, nói:
" Ông dẫn chúng ta đi cùng, coi như có giao thiệp. Chẳng lẽ vì lúc hoạn nạn lại bỏ mặc nhau chạy trước? Việc của kẻ hèn hạ ấy thứ cho ta không làm được. "
Chung tiêu đầu thấy vậy, hùng tâm dâng cao, nói:
" Hay! Huynh đệ nói phải lắm! "
Kể tiếp chuyện ở thành Cổ Lộng…
Quân của Đinh Lễ chiếm được cửa thành đông, song chuyện còn chưa dừng ở đó. Chiếm được, nhưng cũng phải giữ được mới coi là thành công.
Mộc Thạnh điều viện binh ở ba cửa khác tới, ý đồ muốn đánh bật cánh quân của Đinh Lễ. Ba cửa thành còn lại có thể dựa vào thành cao, hào sâu mà thủ hiểm. Thế nhưng nếu không thể tái chiếm được cửa đông, thì nguy to. Thành Cổ Lộng như con sò khép vỏ, còn cánh quân của Đinh Lễ chẳng khác gì lưỡi dao vừa lách được vào kẽ hở giữa hai mảnh vỏ.
Nếu giờ không đánh lui được y, một khi quân Trần mượn cơ hội tràn vào, tất sẽ mất thành.
Đáng tiếc là Đinh Lễ quá hung hãn, muốn đánh lui được cậu chàng vốn không phải chuyện dễ. Mộc Thạnh đã cụt một tay, nếu đánh chắc chắn không phải đối thủ của Đinh Lễ. Lão không còn cách nào, đành phải giao siêu đao cho Hoàng Phúc ra nghênh địch.
Hoàng Phúc cưỡi bạch mã, tay vác siêu đao, dẫn quân xông vào cửa đông đánh nhau với đội quân của Đinh Lễ. Tướng vác chuỳ thúc ngựa lên ứng chiến, nào ngờ quần nhau được hai ba hiệp thì đã bị Hoàng Phúc dùng biến chiêu đánh hiểm một nhát ngang thắt lưng, thiếu chút mất nửa cái mạng.
Đinh Lễ thấy lão dũng mãnh như thế, biết bên phía quân Trần trừ mình ra không còn ai là đối thủ của Hoàng Phúc, bèn thúc trâu xông lại gần.
Hoàng Phúc thấy một tên thiếu niên hỉ mũi chưa sạch cắp gậy cưỡi trâu lao đến ứng chiến, bèn cười ha hả mà quát:
" An Nam hết người rồi sao?! "
Đinh Lễ thấy tiếng đối phương rung chuyển vang như trống đồng, biết là kẻ kình địch công phu nội gia cao cường. Nhưng Hoàng Phúc miệt thị nước Đại Việt như thế, cơn giận này sao nén? Thế là, cậu chàng kéo sừng Đại Thắng một cái, quát lên đáp lại:
" Ọooooooooo "
" Con trâu dốt đặc cán mai này! Bảo bao nhiêu lần là cấm có được át lời tao. Ngu như bò!! "
Miệng quát con Đại Thắng, nhưng côn của Đinh Lễ thì đã tìm đến ngay mặt của Hoàng Phúc.
[Côn của tiểu tử này dài đến năm thước, hắn không sợ nó vướng víu cũng phải ngại nó nặng nề chứ?]
Hoàng Phúc thấy Đinh Lễ vung cây côn sắt đúc đặc vừa to vừa dài, không khỏi lấy làm lạ. Binh khí không phải cứ nặng cứ dài là tốt, quan trọng là phù hợp. Côn sắt của Đinh Lễ dài đến bốn năm xích. Cứ coi như cậu chàng huy động được cây gậy đó tự nhiên, thì lúc tác chiến cũng vướng trái vướng phải, khó mà triển lộ được võ nghệ.
Lí thuyết là vậy.
Nhưng từ lí thuyết đến thực tế, lại là cả quãng đường rất rất dài. Đạo lí này anh bạn Lí Bân đã được tự mình thể nghiệm…
Chỉ thấy Đinh Lễ vung thanh bổng sắt nhẹ nhàng như không, phối hợp với bước chân của con Đại Thắng cơ hồ hoàn hảo không một kẽ hở. Lúc thì cậu chàng đỡ trái, khi thì lại gạt phải. Nhưng dù đánh thế nào đi chăng nữa thì cây côn sắt vẫn thuỷ chung chỉ làm khó một mình Hoàng Phúc.
Hoàng Phúc mới đầu còn có phần chủ quan, nhưng về sau thần sắc ngưng trọng hẳn. Siêu đao trong tay vũ động, biến hoá khôn lường, chợt ẩn chợt hiện giữa bóng côn của Đinh Lễ.
Lão bị trúng một đấm của Khiếu Hoá tăng ngay ngực, bây giờ cứ vận nội lực là toàn thân nhói lên ê ẩm như bị kim đâm. Biết nội thương mình chưa lành, thành thử Hoàng Phúc cũng không hao phí nội lực để đánh với Đinh Lễ, mà chọn đấu xảo.
Đinh Lễ có thần lực trời sinh, xem chừng còn mạnh hơn cả Hồ Đỗ luyện thành bốn tầng Lý Thân thần công. Hoàng Phúc lại không dám vận nội lực, thành ra cứ phải tránh trái tránh phải, kình phong trên thây côn thổi quét làm da đầu lão mát lạnh, râu tóc bay phấp phới.
Hai bên quần nhau hai chục chiêu, bất phân thắng bại. Đến lúc này thì Hoàng Phúc đã đại khái nắm được thói quen xử lí, phong cách ra chiêu của Đinh Lễ.
Lão vờ chém hụt một đòn, dụ Đinh Lễ theo đó đánh vào sơ hở lão để lộ. Đang lúc đánh nhau nảy lửa, cậu chàng không kịp nghĩ nhiều, theo bản năng thúc côn nhắm ngay ngực Hoàng Phúc. Lão chỉ chờ có thế, bèn nghiêng mình, siêu đao trong tay đánh một đòn chém móc xéo lên độ hai xích, nhằm ngay vào mỏm vai của Đinh Lễ.
Đinh Lễ nhíu mày, rõ ràng có thể liều lĩnh thu côn lại kịp song lại chẳng thèm cản chiêu, mà hoành côn từ đâm thẳng thành quật ngang.
[Hắn điên sao?]
Hoàng Phúc thầm nghĩ, hai tay nhấn thêm lực vào cán đao.
Nào ngờ…
Con Đại Thắng đột nhiên rống lên, đầu đánh mạnh sang mé tả. Chỉ nghe bình một tiếng, siêu đao của Hoàng Phúc bị sừng trâu quật trúng, thiếu chút thì rời tay.
Cốp!
Côn sắt của Đinh Lễ vừa vặn tìm đến, đánh trúng ngay vào be sườn của Hoàng Phúc. Vết thương cũ của lão còn chưa lành, nay lại chấn động thêm làm lão suýt thì ngã ngựa.
Biết không đánh nổi nữa, Hoàng Phúc bèn giục ngựa bỏ chạy.
Đinh Lễ đang hăng, toan đuổi đánh, thì từ đằng sau đã có tiếng Lê Hổ quát lên thất thanh:
" Lễ! Lui binh mau! "
" Cái gì? Chủ công? Nhưng… "
Đinh Lễ nhìn ra xa.
Chỉ cần chờ đại quân đến chi viện, đánh toàn lực thêm một canh giờ, thành Cổ Lộng ắt sẽ bị phá. Tại sao lúc này Lê Hổ lại đến đây, muốn cậu thu binh??
" Địch tập! Ai Lao đánh lén!! "
Lời tác giả:
Vậy là không hoàn thành được rồi, ôn thi tối mắt tối mũi. Hồi hai mươi của truyện đành hẹn độc giả trong tháng tới vậy. Chỉ xin bật mí một chút là hồi hai mươi sẽ là một cao trào nhỏ của thiên thứ hai.
Về vài lời nhận xét phần nào ác tâm, cũng như bảo vệ của độc giả:
_ Về lịch sử, hay tư liệu dùng trong truyện, tác đã nghiên cứu hết khả năng. Song một mình chèo chống con thuyền này, khó tránh khỏi việc sai sót. Nếu bạn đọc có thể góp ý, bổ sung, tác xin tiếp thu và chân thành cảm ơn. Còn những comment theo kiểu chửi đổng, không luận điểm luận cứ, tác xin phép không nhìn
_ Về phong cách. Chà. Trước thì tác cũng vướng vào một vụ lùm xùm về cái này rồi (cmt công kích của bên bất đồng ý kiến vẫn còn dưới mục bình luận). Tác không dám đại diện cho ai cả, thế nhưng thoại của nhân vật trong truyện tác đã tham khảo truyện cười, truyện cổ và các tích dân gian để sát với lời ăn tiếng nói cha ông ta nhất. Còn về hành văn dẫn truyện, tác đang cố học theo lối văn biền ngẫu rất được các vị trí giả thời xưa nước ta ưa dùng (cụ thể là đã tham khảo Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, Truyền Kì Mạn Lục và trong các bộ chính sử mình từng xem cũng dùng). Nên nếu độc giả vẫn nghĩ đây là văn phong Trung Quốc, thì tác cũng không còn gì để nói
Một chút dông dài, mong mọi người bỏ quá. Hồi hai mươi sắp tới sẽ tri ân một trong các nguồn cảm hứng của tác, nên có lẽ sẽ còn phải xin độc giả thêm mấy phút. Kính mong thông cảm