Chương 23: Quy luật cung cầu

Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 23: Quy luật cung cầu

Chương 23: Quy luật cung cầu


Nguyễn Vô Niệm đối với kế hoạch tương lai của mình vô cùng tự tin, thế nhưng Lê Bang Cơ đương nhiên không quan tâm lắm, hắn liền nói.

- Hiền đệ, với tài hoa của ngươi có thể có nhiều cách để báo đáp quốc gia, vì sao cứ phải đi vào kinh thương làm gì. Theo huynh trưởng vào triều, ta tuyệt đối có thể bảo đảm được ngươi.

Lê Khang cũng liền rõ ràng vì sao bệ hạ phải hao tâm tổn trí mà nhét người thiếu niên trước mặt vào trong Cấm quân, rõ ràng là bệ hạ không muốn Vô Niệm phải đi kinh thương. Lê Khang đối với Nguyễn Vô Niệm cũng rất có hảo cảm cũng liền phụ hoạ nói.

- Con buôn ham lợi bội tín, chỉ chăm chăm kiếm lợi cho mình. Đó không phải là chính đạo. Vô Niệm, nghe ta một câu, vào triều làm quan cũng tốt, đi đường quân ngũ cũng tốt, nhưng không nên đi kinh doanh.

Nguyễn Vô Niệm nghe người này một câu không tốt, người kia một câu không tốt cũng không nhịn được nói.

- Uy, các ngươi cũng đừng nên coi thường thương nhân. Ta đảm bảo nếu thương nhân không có quốc gia sẽ loạn mất.

- Thương nhân không sản xuất được, chỉ giỏi lừa lọc kiếm lợi từ người khác. Nếu không có bọn hắn thế gian mới có thể tốt lành.

Lê Khang đương nhiên không đồng ý với Nguyễn Vô Niệm, trong bốn giai tầng thời phong kiến sĩ, nông, công, thương, thương nhân chính là tầng lớp thấp nhất, bị coi thường nhất trong xã hội dù ai cũng biết câu "phi thương bất phú". Điều này đến từ việc nền kinh tế của phong kiến là một nền kinh tế phải dựa vào nông nghiệp, cần phải bảo vệ lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp. Mặt khác lúc này bọn hắn cũng chưa nhìn nhận thấy được tầm quan trọng của thương nhân bởi thương nhân không phải là người sản xuất, cũng không phải người tiêu thụ, dưới con mắt của quan lại, thương nhân là những kẻ mua đi bán lại ăn chênh lệch giá, hút máu dân chúng, không đem lại ích lợi gì cho đất nước.

Thực tế đó cũng là cái nhìn nhận của dân gian trong thời kỳ này, đối với bọn hắn thương nhân trục lợi, bất tín, xảo quyệt, làm giàu bằng nghề lừa gạt "vi phú bất nhân, vi nhân bất phú", cùng với thói quen của người Việt chính là ganh ghét kẻ giàu, vì vậy đối với những người làm giàu bằng con đường buôn bán lại càng thêm khinh thường. Nguyễn Vô Niệm lắc đầu cười nói.

- Đại nhân, ngài biết vì sao thương nhân lại bán giá cao hơn so với giá bọn hắn mua được không?

Lê Khang hừ lạnh nói.

- Đương nhiên là bọn hắn muốn kiếm lợi rồi.

Nguyễn Vô Niệm gật đầu nhưng sau đó lại lắc đầu nói.

- Con người làm ăn chính là vì lợi, giống như nông dân trồng lúa bán ra chẳng phải và vì lợi, thợ thủ công làm ra đồ gốm bán đi chẳng phải vì lợi hay sao, thương nhân tương tự cũng như vậy. Thế nhưng ngài phải xem xét vì sao bọn hắn lại phải bán giá chênh lệch với giá mua, bởi vì bọn hắn còn phải bù vào phí tổn. Thương nhân chính là những người vận chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ bọn hắn không chỉ phải gánh chi phí vận chuyển mà còn phải gánh chịu nguy hiểm khi hàng hoá bị cướp bóc, bị tồn kho hư hỏng hàng hoá, chưa kể đến tiền thuê nhân công, thuê cửa hàng… tỷ giá chênh lệch chính là để bù đắp vào trong đó. Nếu như không có thương nhân khi đó nông dân phải từ đem lúa gạo từ ngoại thành vào bán, thợ thủ công phải tự đem sản phẩm của mình đi chào hàng, khi đó ngài nghĩ họ sẽ bán với giá gốc?

Lê Bang Cơ cùng Lê Khang bị Vô Niệm nói đến á khẩu. Sự hạn chế của thời đại khiến tư tưởng của bọn hắn chăm chăm vào việc bảo vệ nghề nông bằng cách hạn chế thương nghiệp, biến con đường nông nghiệp là con đường có thể làm giàu duy nhất của con người, đồng thời bọn hắn cũng chưa thể nhận ra quy luật cung cầu của thị trường là như thế nào, Nguyễn Vô Niệm cũng không thể nói rõ ràng cho bọn hắn biết, dù có nói bọn hắn cũng không hiểu thế là bắt đầu minh hoạ đại khái.

- Đại nhân có biết vì sao sừng tê, ngà voi, ngọc trai giá cả cao đến như vậy không?

Lê Khang hơi cẩn thận nói.

- Vì chúng hiếm, rất khó kiếm được?

Nguyễn Vô Niệm đối với câu trả lời của Lê Khang vẫn rất hài lòng liền nói.

- Đúng vậy, vật hiếm thì quý. Đó chính là quy luật của cuộc sống này. Như vậy ngài có hiểu vì sao mỗi khi mất mùa thì lương thực sẽ tăng giá hay chưa.

Nguyễn Vô Niệm không có nói thẳng mà để Lê Khang tự ngộ ra, quy luật cung cầu nhìn rất đơn giản, thế nhưng muốn nói rõ ràng lại phức tạp, nói càng nhiều lại càng dễ sai, chi bằng để Lê Khang tự ngộ ra liền ổn, cái Nguyễn Vô Niệm cần chính là chậm rãi cởi bỏ tư tưởng ức thương là được, không cần tạo điều kiện, chỉ cần đừng cấm đoán. Chỉ là lúc này Lê Bang Cơ nói.

- Hiền đệ nói như vậy cũng không sai. Thế nhưng trong lúc thiên hạ đang nguy cấp, bọn thương nhân nắm trong tay lượng lớn lương thực lại không bán ra, há đó chẳng phải là làm cho quốc gia lâm nguy hay sao?

Nguyễn Vô Niệm cũng không phản bác lại Lê Bang Cơ mà nói.

- Đúng vậy, thương nhân đi về phía lợi, nghĩ đến lợi ích cá nhân, vì thế nên thiên hạ cần càng nhiều Đoan Mộc Tứ.

Đoan Mộc Tứ tự là Tử Cống, người nước Vệ sống vào thời Xuân Thu, là một trong mười đệ tử của Khổng Tử, đồng thời cũng là người giàu nhất trong số các đệ tử. Dù là thương nhân thế nhưng Đoan Mộc Tứ là đệ tử thân thiết với Khổng Tử, lại là một trong những đệ tử "thụ nghiệp thân thông" (thực hành thành thảo) lĩnh hội được y bát của Khổng Tử. Đoan Mộc Tứ nổi tiến là người quân tử, trọng chữ tín, chỉ dùng phương thức hợp pháp để kiếm tiền, không thu lợi bất chính, do đó Đoan Mộc Tứ luôn được giới thương nhân trọng vọng. Ý của Nguyễn Vô Niệm ở đây chính là không phải thương nhân nào cũng đều trục lợi bất chính, mà có càng nhiều người thương nhân đóng góp cho đất nước, do đó thay vì ức thương thì cần càng nhiều thương nhân không chỉ có tài mà còn có đức thì mới phát triển được quốc gia.
- Nếu như có thể phát triển thương nghiệp mà nói thuế mà triều đình thu được cũng không phải chỉ có chừng đấy năm nay đủ năm sau đói mà có thể tăng lên gấp mấy lần từ thương nghiệp.

Nghe Nguyễn Vô Niệm nói đến đây Lê Bang Cơ liền không khỏi hứng thú nói.

- Hiền đệ sao có thể đoán như thế, nói cho ngu huynh nghe một chút.

Quốc khố đầy kho chính là mong ước của Lê Bang Cơ, từ lúc lên ngôi đến nay Đại Việt năm thiếu năm đủ, mấy lần động binh quốc khố liền trống rỗng, khiến cho Lê Bang Cơ có thật nhiều ý định muốn triển khai nhưng không thể vẫy vùng được, muốn làm cách mạng cũng phải có kinh tế mới được chứ. Thế nhưng Nguyễn Vô Niệm lắc đầu nói.

- Ây, nói cho huynh trưởng nghe lại có ích gì chứ, dù sao thiên hạ này quyết định vẫn là thiên tử.

Lê Bang Cơ thấy mỡ heo treo lại để heo nhịn đói như vậy càng gấp vội nói.

- Chúng ta là huynh đệ, ở đây lại có bác Khang làm quan trong triều, nếu đây thực sự là lương sách ích nước lợi nhà để bác Khang đệ trình lên cho bệ hạ xem xét cũng tốt. Cũng coi như là tạo phúc cho bách tính, mà việc làm ăn của hiền đệ cũng sẽ được chiếu cố.

Nguyễn Vô Niệm nghĩ nghĩ một chút, quả thực đúng như vậy. Hắn liền ngồi xuống ghế nói.

- Huynh trưởng biết rõ hiện tại thuế thương nghiệp của triều đình thu chủ yếu là từ việc thu từ các thuyền bè vận tải, xe đò thông quan và thu thuế dựa trên khối lượng của hàng hoá đi.

Lê Bang Cơ gật đầu, trên các sông đều có đặt trạm thu thuế, các cửa quan ải cũng có, mỗi khi tàu thuyền, xe đò muốn đi qua sẽ có người kiểm kê hàng hoá, đo cân nặng hoặc đo theo kích thước tàu rồi dựa và đó mà thu thuế. Nguyễn Vô Niệm nói tiếp.

- Vậy huynh trưởng có từng nghĩ đến việc nếu khuyến khích cho thương nghiệp phát triển, thương nhân càng nhiều, nhu cầu vận chuyển hàng hoá sẽ tăng. Mà ở nước ta bởi quan đạo không thuận, vận chuyển hàng hoá chỉ có thể đi bằng đường thuỷ, như vậy hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ càng nhiều triều đình chẳng phải thu thuế được càng nhiều hay sao?

Lê Bang Cơ cùng Lê Khang không khỏi sửng sốt, bọn hắn quả thực chưa nghĩ đến điều này, bởi thương nghiệp thực sự không được coi trọng, lượng đóng thuế của thương nghiệp khá ít ỏi nếu như so với thuế nông nghiệp. Thế nhưng qua việc Nguyễn Vô Niệm nhắc nhở Lê Khang mới để ý, Đại Việt bách phế đãi hưng (nhiều việc dang dở đang đợi hoàn thành), thương nghiệp vẫn chỉ mới bắt đầu chớm nở, thế nhưng nếu tính tỷ lệ thu thuế hằng năm so với quy mô thì quả thực thu lợi trở về rất lớn. Nguyễn Vô Niệm lại nói.

- Chưa kể thương nghiệp phát triển, hàng hoá đưa vào thị trường ngày càng nhiều, các thương nhân muốn bán được hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau, bọn hắn hoặc phải làm cho hàng hoá của mình tốt hơn hoặc phải hạ giá bán, nguồn cung lớn hơn cầu thì giá cả sẽ hạ xuống, điều đó đối với lê dân bách tính chẳng phải là trăm lợi mà không có hại hay sao. Có thể triều đình lo lắng nếu thương nghiệp phát triển người người đi buôn thì lại càng không cần phải lo lắng. Thiên hạ bao la thế nhưng cự phú lại có mấy người đây, không phải ai cũng có thể đi buôn bán, vì vậy bọn hắn cũng chỉ có thể làm nông mà thôi, không hề làm dao động đến căn cơ.