Chương 86: Dân Ta Phải Biết Sử Ta

Nhất Thống Thiên Hạ

Chương 86: Dân Ta Phải Biết Sử Ta

Chương 86: Dân Ta Phải Biết Sử Ta

"Hay lắm. Tầm nhìn của khanh đã chứng tỏ trẫm trọng dụng khanh không hề sai lầm. Huyền Trân, còn khanh? Cái nhìn của khanh về những kế sách của Trung Văn như thế nào?" Lý Hạo hỏi Trần Huyền Trân.

"Những cải cách mà anh Văn đã nói đều hợp lý vào thời điểm này. Tuy nhiên dân nữ xin nêu thêm hai vấn đề nữa mà dân nữ băn khoăn đã lâu. Thứ nhất là tiền tệ, như anh Văn đã nói tiền do triều đình đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa, chủ yếu là vì nước ta không có đủ các mỏ vàng, bạc, đồng để đúc ra hàng loạt, dân nữ nghĩ nước ta cần phải tìm ra nguồn nguyên liệu nào đó dễ tìm hơn để sử dụng thay cho đồng tiền. Thứ hai là giáo dục, học chế nên mở rộng hơn các thời trước, không cấm con em nhà thường dân đi học và cho cả nữ cũng có quyền được học. Dân nữ mạnh dạn nói thêm, tài liệu học tập như giờ chỉ gồm những bộ tứ thư, ngũ kinh thì chưa đủ, cần phải dạy cho người dân học các nghề thủ công để cho người người đều có thể gắng công xây dựng đất nước." Trần Huyền Trân nói liền lạc như tiếng chim hót trên bầu trời.

Trần Trung Văn là người tôn thờ đạo Khổng, đạo Mạnh, khi nghe em gái bàn về chuyện tiền tệ còn gật gù khen phải, nhưng khi em nói đến vấn đề giáo dục thì Trần Trung Văn phản bác ngay: "Huyền Trân, sao em có thể nói ra những lời đại nghịch bất đạo như vậy trước mặt hoàng thượng?"

Huyền Trân không đáp lời anh mà nhìn chằm chằm Lý Hạo. Giơ tay về phía Trần Trung Văn, Lý Hạo xua tay nói: "Trung Văn, đừng nói thế. Huyền Trân nói chí lý lắm. Huyền Trân, khanh quả xứng với hai chữ anh thư. Có anh em các khanh phò trợ, trẫm thực có phúc phận sánh ngang bằng trời."

"Nhưng mà... Bẩm hoàng thượng..." Trần Trung Văn ngập ngừng nói.

"Ha ha, trẫm hiểu khanh muốn nói gì. Có lẽ bây giờ khanh chưa thể chấp nhận được việc nam nữ bình quyền, cho đàn bà đi học là sai trái. Nhưng sau này khanh sẽ hiểu, khi toàn dân cùng học cùng làm mới đem lại lợi ích to lớn như thế nào cho dân tộc, cho tổ quốc." Lý Hạo cười cười ngắt lời Trần Trung Văn. Trần Huyền Trân thực đúng như cha của nàng nhận xét, khả năng nhìn xa trông rộng còn hơn hẳn người anh của mình, cái nhìn của nàng có thể nói là vượt hẳn rất nhiều thời đại.

Lý Hạo vỗ bàn đánh bốp, dường như nhớ ra điều gì, trầm giọng nói tiếp: "Bàn tới chuyện học hành, trẫm mới nhớ tới nên thay đổi cả cách học bây giờ, đặc biệt là học sử. Hai khanh đã biết, từ thời Bắc thuộc tới nay, chúng ta chỉ biết học Bắc sử, lịch sử của người Hán. Còn sử Việt lại bị bẵng đi mà không đem ra dạy cho con cháu của dân mình. Cho nên dân Việt cũng chỉ thảo luận với nhau về Hoàng Đế, Xi Vưu, Tần Thủy Hoàng mà hiếm khi nói đến Hùng Vương, An Dương Vương. Lúc rảnh rỗi bàn chuyện thế sự, thì ai ai cũng chỉ biết đến những trận chiến xâm lăng của Tần Thủy Hoàng, những trận chiến ác liệt của Lưu Bang và Hạng Vũ, trận Xích Bích đầy tính truyền kỳ của Tào Tháo với hai nhà Thục, Ngô, mà có mấy ai hiểu được khi xưa An Dương Vương đã đại chiến với Triệu Đà như thế nào, Ngô Quyền đã đại phá giặc Bắc trên sông Bạch Đằng ra sao? Trẻ con chỉ được học về trận chiến giữa các đời vua Trung Nguyên từ xưa, mà không biết được trước đây tướng quân Cao Lỗ đã chế ra nỏ thần mà đánh tan giặc Tần do Đồ Thư chỉ huy, danh tướng Lý Thường Kiệt cổ vũ nhuệ khí quân ta với bài thơ hùng tráng Nam Quốc Sơn Hà để mà đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống trên sông Như Nguyệt. Dân chúng chỉ biết cái nhục bị người Hán đô hộ, mà quên mất cái hận thành Cổ Loa bị Triệu Đà phá cho tan nát. Dân chúng chỉ biết đến cái đau bị giặc Bắc thống trị, mà không nhớ đến những trận chiến hào hùng của Mai Thúc Loan, Đinh Bộ Lĩnh, Bà Trưng, Bà Triệu. Cay độc hơn nữa là ngay cả truyền thuyết dân gian Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Việt ta, cũng bị bọn chúng chỉnh sửa lại là hai người đều do tổ tiên người phương Bắc bọn chúng sinh ra. Để rồi dần dần, người Việt về sau đều cho rằng dân Việt có nguồn gốc từ người Hán. Không, trẫm không thể để chuyện đó cứ mãi xảy ra được, dân ta phải biết sử ta. Sau này, trẫm chắc chắn sẽ cho toàn dân được học hành, học về lịch sử dân Việt, khiến cho người Việt mãi mãi tự hào là con rồng cháu tiên, là hậu duệ nòi giống Lạc Hồng."

Nghe những lời oán than của Lý Hạo, Trần Huyền Trân dịu dàng nói: "Hoàng thượng nhắc đến tính trọng yếu của sử làm cho dân nữ vỡ lẽ ra được nhiều điều hơn. Chỉ mong sau này hoàng thượng vẫn giữ được tinh thần như hiện tại, xứng đáng là bậc minh quân lo cho dân cho nước."

"Hôm nay trò chuyện với hai khanh, trẫm có thể nói ra những lời từ ruột gan đã là thống khoái lắm rồi, còn cần gì hơn thế. Chuyện tương lai hãy để tương lai trả lời. Chúng ta có vượt qua được những khó khăn, chông gai hiện tại hay không mới là điều đáng để bàn tới." Lý Hạo nói.

"Tương lai?" Hai anh em họ Trần nghi hoặc lẩm bẩm.

"Chỉ là một thuật ngữ để chỉ những chuyện xảy ra về sau mà thôi. Trần Trung Văn, khanh hãy cho trẫm biết bước đi kế tiếp của khanh là như thế nào." Lý Hạo biết lỡ lời, cười trừ lái sang chuyện khác.

Lý Hạo cùng với hai anh em họ Trần bàn chuyện hơn nửa giờ nữa mới thôi. Khi nghe kế hoạch của Trần Trung Văn về chuyến đi sắp tới, lâu lâu Lý Hạo lại đưa ra những kiến giải góp ý, thường là những kiến giải của hắn đều nhằm vào những chi tiết nhỏ nhặt và bổ sung thêm một số âm mưu giúp cho cuộc hành trình của anh em Trần Trung Văn được hoàn hảo hơn.

Tới lúc mọi chuyện đã bàn xong, Lý Hạo chần chờ ra vẻ muốn được nói chuyện phiếm với Trần Huyền Trân. Trung Văn là kẻ tinh tế, nên hắn rất thức thời lui vào nhà bảo là cần soạn sách vở đi ngày mai đi dạy, rồi yêu cầu em gái phải ở lại hầu chuyện vua.

Mặc dù Lý Hạo rất sung sướng, nhưng hắn khôn ngoan không biểu hiện ra ngoài, giữ nguyên cái vẻ đạo mạo, chính nhân quân tử giả vờ của hắn. Sau đó bắt đầu xuất ra những tuyệt kỹ tán gái hòng chiếm được trái tim người đẹp. Nào là dò hỏi quan tâm, kể chuyện trên trời dưới đất, bàn chuyện chim chóc hoa cỏ tứ phương, có lúc lại xổ ra một tràng thơ của vĩ nhân nào đó.

Xui thay cho hắn, đến tối mịt hắn vẫn phải chưng hửng ra về. Hắn tận tâm tận lực khua môi múa mép hòng làm cho nàng cởi nón ra, nhưng rốt cuộc mặt người đẹp vẫn chưa được nhìn, tới cả bàn tay cũng chẳng được nắm. Có mỗi cái tiến triển là khi mĩ nhân đang đứng ngắm hoa, hắn mặt dày lại đứng kế bên mà ngửi được mùi hương quyến rũ tỏa ra trên mái tóc nàng. Lúc ấy hắn thừa cơ chìa tay qua tính nắm lấy bàn tay nõn nà của nàng, thì hắn chỉ nắm được một nhành hoa đỏ thắm, kèm theo tiếng cười như chuông bạc của nàng từ xa vọng lại.