Chương 72: Thiên địa bất nhân

Khí Vận Quốc Gia

Chương 72: Thiên địa bất nhân

Chương 72: Thiên địa bất nhân



Phòng nghị sự,

Đinh Liễn lúc này quay sang hai vị đạo trưởng bên Đạo Giáo là Trương Ma Ni và Văn đạo sĩ:

- Kính thưa nhị vị Đạo trưởng, vừa nãy chúng ta đã nghe đại sư Khuông Việt bên Phật Môn khai thị về chế độ đẳng cấp Bà La Môn và lý niệm của Đức Phật rằng: Chúng sinh bình đẳng. Vậy nhị vị có thể khai thị cho chúng ta về quan điểm của Đạo môn được hay không?

Trương Ma Ni và Văn đạo sĩ nhìn nhau, sau đó Văn đạo sĩ hơi gật đầu. Đạo trưởng Trương Ma Ni lúc này mới mở kim khẩu:

- Kính thưa bệ hạ. Kính thưa chư vị cao tăng cùng chư vị đại nhân. Bần đạo đại diện Đạo Môn xin được giải đáp quan điểm của Đạo gia chúng tôi về sự phân chia giai cấp như sau.

- Giáo chủ của Đạo gia có tên là Lão Đam hay Lão Tử. Sau được suy tôn lên làm Thái thượng lão quân. Có thuyết lại cho rằng nguồn gốc của Đạo Gia là Hồng Quân Lão Tổ. Ngài có thần thông Nhất Khí Hóa Tam Thanh tức một hơi thở phân hóa ra làm ba người hay còn gọi là Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh.

Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn,

Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn,

Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân, giáng thân Lão Tử là Tổ Đạo Giáo.

Theo truyền thuyết về Phong Thần thì:

Đạo Đức Lão Tử và Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn là bậc Chưởng Giáo của Xiển Giáo, Đức Thông Thiên Giáo Chủ là Giáo Chủ Triệt Giáo.

– Xiển Giáo là Giáo Phái tu tập mà mỗi vị Đạo Sĩ hay Đạo Sư thường chỉ thu nhận 1-3 đệ tử mà thôi. Những đệ tử này được lựa chọn rất kỹ lưỡng, họ thường là những bậc thượng căn thượng trí, có Tiên Phong Đạo Cốt ẩn hiện nơi mình. Nếu họ gặp Đạo, nghe nói Đạo liền hoan hỉ tu tâm dưỡng tánh, một đường thẳng tiến trở nên trọn lành đạt Đạo.

Do vậy giáo phái này dùng tên Xiển Giáo.
Xiển trong xiển dương, khuếch đại.

– Triệt Giáo là Giáo Phái mà các vị Đạo Sĩ hay Đạo Sư ra sức độ duyên cho chúng sinh từ cỏ cây, sắt đá, cầm thú, phi nhân cho đến con người…
Khi nhìn thấy chúng sinh hữu tình hữu duyên, có thể kết duyên với Đạo để đào luyện cho tinh tấn, trở nên trọn lành thì đều có thể trở thành đệ tử của Triệt Giáo.

Cũng vì lý do tận độ chúng sinh cho nên mới có tên Triệt Giáo.

Triệt trong triệt để, thấu suốt.

Về sau này, do vài lý do bất đồng quan điểm giữa các môn nhân hai Giáo phái mà gây nên chia rẽ, hiềm khích nhau.

– Người tín giả của Xiển Giáo thì xem thường, coi môn nhân của Triệt Giáo là đám đội lông mang sừng thì phàm tánh còn nhiều, sao học đòi tu Tiên. Họ dị nghị luôn cả Đức Thông Thiên Giáo Chủ, là vị thượng tôn nhưng ở chung với đám lông sừng riết thì khó tránh khỏi để lòng tư ý thiên vị cho hạng phàm tục.

– Người tín giả của Triệt Giáo lại lấy lý do người Xiển Giáo có sự phân biệt, xem thường thân phận của môn nhân Triệt Giáo cũng như thiếu tôn trọng, lễ độ với tôn sư là Đức Thông Thiên Giáo Chủ. Thế nên họ muốn đòi lại công bằng cho Giáo Phái mình, vì cả hai vốn dĩ cùng một gốc từ Đức Hồng Quân Lão Tổ phân tách ra hai đường lối mà thôi.

– Những trận thiệt chiến, hỗn chiến cho đến bày binh bố trận để triệt hạ đối phương của môn nhân Nhị Giáo gây chấn động thiên địa. Những trận chiến ấy được nhắc đến trong điển tích Phong Thần Ký, ghi chép lại về các trận đấu Pháp trong cuộc chiến tranh của hai nhà Thương – Châu.

Cuối cùng Đức Hồng Quân Lão Tổ phải xuất hiện để giải mối bất hòa của hai bên, để mọi tín giả lưỡng Giáo nhìn nhận nhau là huynh đệ đồng môn tuy khác dòng pháp tu luyện.

– Cho đến nay, những hậu bối Đạo Gia nhiều người vẫn còn mang định kiến, chấp niệm và xem Triệt Giáo là bàng môn tả đạo chứ chẳng phải Chánh Đạo như Xiển Giáo.

Đó là điều sai lầm lắm vậy.

– Bởi lẽ việc tu tập chính là tu tâm dưỡng tánh, để thân tâm trở nên trọn lành, chung sống hòa đồng nhân ái giữa người với Thiên Địa, với muôn vật loại sinh linh trong khắp Thiên Địa.

Nếu là một hành giả tu Đạo, việc cần làm là sửa mình chứ chẳng phải phán xét đánh giá kẻ khác. Tìm về với gốc của muôn loại lý sự là Đạo thì cần phải mở lòng, mở trí để hiểu đúng và đủ thương yêu với muôn loài vậy.

– Môn nhân Triệt Giáo hàng hà sa số. Họ đã cố gắng hết mình để đào luyện thân tâm, nguyện học lấy chữ Tâm, chữ Tình của thế gian nhân loại.

- Nhưng có không ít hành giả vì gặp phải sự khinh miệt, bị đối xử như là súc sinh, tà ma yêu quái mà đau khổ, bất tín với nhân loại rồi quay ngược lại đáp trả, oan gia tương báo với những kẻ miệt thị họ. Hành xử của họ khiến người ta càng có lý do để phán xét họ là yêu quái hại người…

Thống khổ!

Trong Tâm có Đạo, nhìn chúng sinh sẽ thấy Đạo.

Trong Tâm có Yêu Tà, nhìn chúng sinh chỉ thấy Yêu Tà.

Trương Ma Ni dừng lại một chút rồi sau đó nói tiếp.

- Đấy là truyền thuyết ghi chép, còn cụ thể thực tế như thế nào bần đạo cũng khó mà nói cho rõ. Ở đây, tài liệu xác thực nhất là bản kinh thư của Đạo giáo chúng tôi là Bản Đạo Đức Kinh do Ngài Lão Tử để lại. Trong đó, có đoạn:

"Trời đất bất nhân, vạn vật vi sô cẩu" nghĩa là: Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh thần bất nhân, coi trăm họ như chó rơm".

- Đất trời, cũng như bậc thánh nhân đại giác ngộ, có cái Đạo riêng của mình, sống vô vi, thuận theo tự nhiên, không tư vị thiên vị bất cứ ai, bất cứ điều gì.

- Quy luật vận động lạnh lùng của tạo hoá là lẽ biến dịch tất yếu, cực thịnh ắt suy, vật cực tất phản, mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc - sinh, ắt dẫn tới mùa Hạ đơm hoa kết trái - vượng, rồi tuần tự phải đến mùa Thu tàn tạ - suy, mùa Đông sự sống thu liễm ẩn tàng - mộ, để lại chờ đợi mùa Xuân, khởi sinh lần nữa. Vòng sinh tử tuần hoàn ấy là lẽ tất yếu.

- Trong vòng sinh sinh diệt diệt, con người sinh ra, lớn lên, bệnh tật, rồi chết, những nền văn minh, phát triển đến đỉnh, rồi suy tàn, biến mất. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, chưa thấy bất cứ ai, bất tử trường tồn, tất cả đều tuân theo hành trình sinh diệt lạnh lùng của trời đất. Đấy cũng là lẽ vô thường của vạn vật.

- Vì thế, mà đối với đất trời, với lẽ biến dịch, chẳng có ai, có điều gì được coi trọng, đúng thời thì sinh, nghịch thời thì diệt, vạn vật cũng chỉ như chó rơm dùng trong khi cúng tế, lúc đang dùng thì quý, được cất kỹ trong rương bọc vải gấm, thầy cúng chay tịnh mới dám mang ra, dùng xong thì bỏ, cúng tế xong thì quăng ra đường.

- Cái bất nhân của trời đất lại là cái Nhân rộng lớn sinh ra vạn vật, che chở vạn vật, quân bình vạn vật, là lòng vô tư không thiên vị, "không vì kẻ rét mà dẹp mùa Đông".

- Trang Tử sau này đã giải thích rõ cái "bất nhân" ấy trong bài Sô Cẩu trong hình ảnh cái ống bễ của thợ rèn. Lòng của cái ống bễ trống không, nhưng công dụng một hô một hấp thành ra vô tận, nên càng động càng ra hơi, trong không - trống rỗng, mà sinh có.

- Lòng cái ống bễ chính là hình ảnh tượng trưng cho quy luật quân bình của trời đất: trong không có cái có, cái không gọi ra cái có, cái tĩnh gọi ra cái động, cái động lại chuyển về cái tĩnh.

- Từ đấy, mà thánh nhân nên noi theo gương của trời đất: "Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu". Bậc thánh nhân vì thế cần sống vượt lên trên mọi yêu ghét, thấu hiểu lẽ biến dịch, quy luật vận động tất yếu của đất trời, để lựa chọn được con đường sống đúng với Đạo.

Hiểu được con đường vô vi xuất thế ấy, bần đạo mới hiểu được Lão Tử, Trang Tử hiểu được lẽ buông bỏ sống thuận theo tự nhiên của bậc thánh nhân. Tư tưởng này có nét khá gần với tư tưởng về lẽ vô thường của Phật giáo.

- Phật giáo là tôn giáo của giác ngộ, để có thể giác ngộ, con đường giác ngộ là con đường diệt khổ, cần có định lực lớn lao trên con đường tu tập, tránh bị quấy nhiễu bởi ngũ uẩn, bởi vọng tưởng của tâm, của tham sân si, cũng chính là con đường nhìn nhận vạn vật là vô thường.

- Để có được định lực, ngoài ý thức, còn cần giới luật, nhà sư hay đội mũ che kín tai cũng là một trong các hình thức để tĩnh tâm, tránh khỏi những tạp niệm vọng tưởng từ đời sống hàng ngày. Đấy là "mũ ni che tai" đối với hành trình tu tập.

- Lão Tử chủ trương Vô vi, Khổng Tử lại chủ trương Hữu vi. Quan điểm của Khổng Tử là cần nhập thế, can thiệp vào việc đời, cần tu thân và hành đạo, khẳng định vai trò của tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức.

- Học thuyết của Khổng Tử trở thành khuôn vàng thước ngọc suốt hàng nghìn năm, vươn tầm ảnh hưởng khắp các nước đồng văn. Vì thế, mà "mũ ni che tai" đối với đạo Khổng và quan niệm đạo đức ảnh hưởng hàng nghìn năm từ đạo Khổng là hành động tiêu cực, trốn tránh cuộc đời, không quan tâm đến tốt xấu trước mắt, không quan tâm đến thăng trầm của thế cuộc, sống ích kỷ, bàng quan, chỉ bo bo giữ lấy đời sống cá nhân của mình.

- Vậy thì mũ ni che tai là sống như bậc thánh nhân, hay mũ ni che tai là sống ích kỷ, hèn nhát. Tất cả cuối cùng vẫn là câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng.

- Mặt trăng là cái đích, là mục đích, là chân lý, ngón tay là con đường, đừng chấp vào con đường, hãy nhìn vào mục đích. Mũ ni che tai là con đường. Mục đích của kẻ bàng quan chỉ để lo lợi ích bản thân, sống ích kỷ, thì đấy là thái độ sống đáng phê phán. Thánh nhân thấu hiểu lẽ đời, hay kẻ tu hành muốn đạt đích giác ngộ, thì cần mũ ni che tai để tiệm cận được cái nhìn vô thường, "bất nhân" của thánh nhân.

- Nhưng Khổng Tử cũng là thánh nhân, Khổng Tử yêu cầu hữu vi, nhập thế, tu thân hành đạo, tức là phủ nhận con đường mũ ni che tai của thánh nhân. Vậy thì Lão Tử đúng, hay Khổng Tử đúng.

- Bần đạo cho rằng đấy cũng vẫn là lẽ vận động kỳ diệu của tạo hoá. Có âm thì phải có dương, có ngày thì phải có đêm, nhưng trong âm có dương, trong ngày đã chuyển dần sang đêm, trong đêm đã có sự chuyển mình của ngày.

- Đấy cũng chính là hình ảnh của Thái cực, của lẽ vận động của đất trời. Âm hay dương cũng đều sinh ra từ Thái cực. Lão Tử và Khổng Tử cũng là hai mặt âm dương, là Vô và Hữu, nhưng đều bắt nguồn từ quy luật tự nhiên của đất trời.

- Lão Tử không có nói rõ về giai cấp xã hội bởi giai cấp xã hội thuộc về Nhân Đạo. Còn sự bình đẳng của đất trời lại thuộc về Thiên Đạo. Nghĩa là Thiên Đạo không phân giai cấp nhưng con người thì có phân giai cấp.

- Xiển Giáo chủ trương phân giai cấp nhưng Triệt giáo lại chủ trương Chúng sinh bình đẳng tức xóa bỏ giai cấp. Thế cho nên bần đạo khó mà đánh giá đúng sai, chỉ nêu ra đây một cách khách quan nhất để cho bệ hạ và chư vị đại nhân tham khảo và cân nhắc.

Trương Ma Ni nói đây thì ngừng. Đinh Liễn và chư quan trầm ngâm suy nghĩ.

----

Nguồn:

Tam Giới Toàn Thư.

Nhà văn An Hạ - Báo C.A ND