Chương 278: Bàn điều kiện

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 278: Bàn điều kiện

Chương 278: Bàn điều kiện

Quyển III: Cao Nguyên Sắc Máu

C 42: Bàn điều kiện

- Hòa hoãn ư? Thật là những lời của kẻ thư sinh không biết chút gì?- Lưu Từ đợi khi Vi Công Tín đi mất liền mở miệng chê bôi

Trương Hách nhìn liếc Lưu Từ một cái thật kín, lộ rõ sự không hài lòng. Lưu Từ năng lực không đủ, có điều vì không muốn lắm chuyện nên Trương Hách không nói gì thôi. Tất cả những gì Vi Công Tín nói nãy giờ hắn không nghe sao, Tân Bình đã đứng trước nguy cơ thiếu lương do chiến tranh. Có câu đại quân chưa động lương thảo phải sẵn sàng, Tân Bình mà có nạn đói, thì còn đánh đấm gì. Về phần Thuận Hóa, Lương Khánh Thành chắc chắn không nhả lương thực ra chỉ để giúp Tân Bình có sức đánh Nam Bàn, lão nhất định muốn mọi thứ phải đạt lợi nhuận cao nhất, đó là đánh Chiêm Thành.

- Tướng quân Lưu Từ, có câu chó cùng dứt dậu! Quân ta đang thắng, nhưng đánh nữa thì cũng mệt nhọc, mà nếu chúng đã có ý hàng, thì - Một viên quan bên Thuận Hóa đứng lên, cười cười mà nói.

- Diệt cỏ là phải diệt cả gốc, nếu không gió mưa tới sẽ lại nổi lên từng cụm lớn.- Lưu Từ cố chấp nói, khiến các quan viên Thuận Hóa đều không vui, có người toan nói thẳng vụ thiếu lương, xem Từ định giải quyết ra sao, nhưng Trương Hách đã bảo rót rượu, cùng uống. Uống xong chén đó, không khí trong trại lớn dần trầm xuống, cuối cùng ai về chỗ người nấy.

Khi chỉ còn riêng người Tân Bình với nhau, các quan viên vội tụ lại chỗ Lưu Từ, hỏi tại sao ông lại cố chấp vậy.

- Không phải ta không biết là phải sớm kết thúc chiến tranh, việc đồng áng đang đợi, nhưng các ông cũng nên nghĩ qua, tại sao tay tướng Trương Hách đó không để mọi người tiếp tục phản đối. Thuận Hóa cũng cảm thấy ý kiến đánh tới cùng là hợp lý.

- Ý ngài là sao?

- Các ông tính xem, giờ mà rút quân đi, nếu quân Thượng lại làm phản thì sao? Lại tập hợp một đạo quân mới ư? Trưng binh, di chuyển lên, vận lương theo, giao chiến, đàm phán,... đều hao tổn cực lớn... Một lần không tốn bốn lần không xong, chẳng thà như ta vừa nói, đánh thêm, diệt cỏ tận gốc.

- Đại nhân, nói vậy cũng không sai? Có điều, sắp tới lúc phải bắt tay vào vụ mùa,...

- Đó là lý do ta mời mọi người tới cùng thương nghị. Ta cho rằng vụ này, ta nên bỏ.

- Bỏ ư?

- Đúng, bây giờ đang lúc then chốt, không thể tùy tiện đem con bỏ chợ, phải đánh tới cùng. Ta nghĩ chúng ta ở gần Nam Bàn, nếu trên này mà lại phản loạn, ta có thể yên tâm mà làm ăn sao. Chỉ còn bình định được nơi đây, thì mới ổn. Phần lương thảo, ta nghĩ phải làm sao để Thuận Hóa toàn lực chi viện.

- Họ sẽ cho sao?

- Ta phải thuyết phục họ. Cũng như ta, Thuận Hóa cũng muốn tráng đinh của họ về để cày cấy ruộng đồng, như thế nếu quân ta chịu thay quân họ trấn giữ nơi đây, để tráng đinh họ về, thì họ cũng phải trao đổi lại chứ.

Lưu Từ phân tích một phen, các quan viên đều gật gù khen là phải. Chỉ có viên tướng Hà Văn Huy là nhíu mày liên tục. Lưu Từ thấy vậy, nhưng không hỏi, đợi tới khi mọi người đi hết, ông ta mời Hà Văn Huy lại để nói chuyện riêng.

- Vừa nãy thấy ông bạn có ý kiến phản đối, phải không?

- Tướng quân Lưu Từ, ta chỉ thấy ngài nghĩ việc quá dễ dàng, quân ta trải nhiều trận thua gần đây, lòng quân sao kiên định mà chiến đấu tới cùng được. Một khi quân Thuận Hóa lui, quân tâm quân ta nhất định dao động bất an.

- Gian nan mới thấy người tài, tướng quân Hà Văn Huy, ông không nghĩ tới việc kiến công lập nghiệp sao? Việc đánh mất đồn Thượng Bàn tuy không thể hoàn toàn trách ông, nhưng cũng khiến ông có vết nhơ, nay dùng Nam Bàn để rửa sạch vết nhơ ấy, cơ hội hiếm có, ông muốn buông tay ra sao?

Lưu Từ vừa dụ dỗ vừa đe dọa, Hà Văn Huy làm mất đồn Thượng Bàn, dẫn tới Bắc Bình thất thủ, vì còn thời chiến nên chưa bị luận tội, nếu như giờ đây kết thúc cuộc chiến, người ta bắt đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, Hà Văn Huy chắc chắn bị luận tội. Đó cũng là lý do Lưu Từ muốn Tân Bình tiếp tục chiến Nam Bàn, trong những trận chiến ban đầu với quân Thượng, do thiếu kinh nghiệm, Lưu Từ tạo nên những quyết sách sai lầm mà hậu quả vẫn còn tới giờ, hắn phải lập đại công nào đó để át đi tội cái đã.

Ở bên kia, Trương Hách cùng với đám quan lại Thuận Hóa cũng bàn bạc công chuyện.

- Đại nhân, tên Lưu Từ cản trở việc hòa đàm, cốt cũng vì bản thân hắn mà thôi. Hắn ban đầu gây họa, giờ muốn đoái công chuộc tội mà thôi. Cần gì phải để ý tới hắn.

- Đúng vậy đại nhân, vụ mùa đã tới gần, các tráng đinh bên ta cũng nên rút về lo việc đồng áng.

- Các vị, không đơn giản vậy đâu!- Một tỳ tướng của Trương Hách lên tiếng- Tên Lưu Từ đó kiên quyết đòi chiến, đúng là vì bản thân, nhưng tôi nghĩ hắn không phải hạng ngu xuẩn mà không có cớ danh chính ngôn thuận.

- Cớ nào chứ?

- Người Nam Bàn là lũ mọi rợ, ít nghĩ, chúng rất dễ bị kích động lần nữa.

- Chúng dám sao?

- Sao chúng không dám. Hiện giờ chúng hoảng loạn, sắp thua, sắp chết hết, dám ký kết mọi điều khoản. NHưng khi ta rút quân rồi, chúng ổn định lại, thấy những thứ phải làm, phải cống nạp, bắt đầu hối hận, rồi người Chiêm bơm bít, rồi lại phản loạn, ta lại phải dẫn quân lên,... cứ thế mà làm vài lần, quân ta cũng chết mệt, lương thực tiêu hao so với việc tiếp tục chiến tranh bây giờ cũng chưa chắc là kém, mà việc huy động quân nhiều lần sẽ chỉ làm tráng đinh sợ chiến tranh hơn mà thôi.

- Cái này,...

- Thế tên Lưu Từ ấy sẽ định làm gì? Giết sạch dân Nam Bàn ư?

- Hắn đâu ngu. Tôi nói rồi, hắn muốn lập công chuộc tội. Khả dĩ nhất chính là việc tiếp tục thêm một vài trận chiến nhỏ, chém đầu vài tên tộc trưởng, lấy thêm ít của cải về, phần thì tiêu, nhưng đa số là đút lót cho các quan viên để được che chở. Muốn làm thế, hắn sẽ cần ta chi viện lương thảo, vũ khí,... còn lính của ta có thể rút dần. Tôi cho rằng đó là điều kiện để trao đổi của hắn.

- Nếu tráng đinh được rút về, vụ mùa này sẽ không có vấn đề gì? Chưa kể rút bớt quân là bớt thương vong. Tôi thấy có thể được

- Ông nói vậy mà nghe được sao? Tên Lưu Từ ấy là loại vớ vẩn, định bắt thóp ta mà ông định chịu à.

- Hiện tại thỏa hiệp sẽ có lợi hơn.

- Được rồi, được rồi.- Trương Hách hắng giọng, các quan viên, tỳ tướng vội im lặng, đợi ông ta quyết định.

- Việc đàm phán vẫn tiếp tục, cơ bản là chúng ta sẽ rút hết quân Thuận Hóa và một phần quân Tân Bình về, chỉ để lại một phần nhỏ ở lại là đủ. Quân Chiêm đã chạy, dân Nam Bàn chả còn tinh thần gì nữa, giữ lại nhiều quân mà làm gì. Quân đội Tân Bình được phép ở lại một phần ba, người chỉ huy sẽ là Hà Văn Huy.

Nghe Trương Hách nói xong, tất cả các quan viên tỳ tướng đều khẽ nhếch mép. Đòn này quả là cao, vừa áp được hết những lý do mà Lưu Từ có thể nêu ra, lại đánh Lưu Từ một gậy vì tội khôn lỏi, định ép bên Thuận Hóa bọn họ.

- Nhưng ta nên khéo léo một chút chăng?

Họ nhìn nhau, bọn người kiểu như Lưu Từ, thành sự không đủ, bại sự có thừa, lại có tính phá ngang, làm chúng xấu hổ, chúng liều thì khổ mình. Vì thế, họ thương lượng mai cần có người sẵn sàng đứng ra đóng vai mặt đỏ để Lưu Từ không làm gì quá mức. Chia cho hắn tí lợi ích, công lao cho xong.

- Vi tiên sinh, hôm trước tiên sinh đường xa đi tới, mệt mỏi, nên chúng tôi còn vài điều hỏi chưa kỹ, hôm nay xin tiên sinh nói rõ hơn một chút.

- Không sao, không sao!- Vi Công Tín tươi cười, lại bắt đầu giảng lại mọi thứ một phen

- Vi tiên sinh, tiên sinh nói rằng lũ mọi Nam Bàn

- Ta nên gọi là dân Thượng cho đỡ sự kỳ thị

- Được thôi, người Thượng thì người Thượng. Theo tiên sinh, người Thượng đã hàng phục, đưa ra những điều kiện hết sức mê người, nhưng dân Thượng đã từng có hành vi phản bội, nổi loạn, dánh phá miền xuôi, tội ác ngập trời, liệu có đáng tin. Lúc này đây chúng vì bị dồn tới đường cùng, gì cũng phải chịu, đợi tới lúc đã hồi sức, chúng quật lại thì sao? Một lần thất tín thì vạn lần bất tin.

- Thưa các vị tướng quân, có câu nói đi thì phải nói lại, dân Thượng làm loạn, đều là vì bị ép. Người Thượng gần đây trồng mía, có tên Vương Vĩnh- con rể quan trấn thủ Dương Quốc Lộ, lợi dụng thân phận, kích độngngười Thượng vì ham lợi trước mắt mà bỏ lúa trồng mía, cuối cùng đói to. Quân Chiêm vì thế có chỗ trống mà vào, kích dân Thượng bạo loạn. -Vi Công Tín khéo léo, dù rõ ràng vì Thuận Hóa tạo thêm chút lực đẩy mới khiến nạn thiếu lương thực trầm trọng, nhưng ông không nói tới, chỉ một mực đổ tội cho Vương Vĩnh lẫn người Chiêm.

- Nếu thế, chẳng phải càng phải dùng binh, người Chiêm có thể quay lại bất cứ lúc nào.

- Đại nhân từng nói rồi, một lần thất tín thì vạn lần bất tin, người Chiêm bỏ người Thượng lại mà chạy, người Thượng còn tin được người Chiêm ư? Không có người Chiêm, quân Thượng chẳng là gì hết, không có phích lịch xa, máy bắn đá hay tham mưu Chiêm Thành, chúng có thể tiến xa tới đâu, nhiều nhất làm loạn một hồi. Tóm lại, Nam Bàn và người Thượng chẳng qua là một chút bệnh ngoài da, không còn quá đáng ngại, chỉ cần nội thể mạnh khỏe, cường tráng, tự nhiên bệnh tật phải lui.

- Thật là vớ vẩn, nếu bây giờ rút hết quân về, sau đó mà đám man mọi này làm loạn thì sao? Lại điều quân lên ư, tập hợp từ đầu, chuẩn bị từ đầu,... tổn hao vô cùng lớn đấy!- Lưu Từ nhìn thấy tất cả quan binh Thuận Hóa bắt đầu xuôi theo ý Vi Công Tín, vội nhảy ra.

- Tất nhiên là không, không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất, việc rút binh, cũng nên từng đợt. Cái này lão không biết việc binh không dám nói nhiều, nhưng xin bổ sung một ý, quân Thượng xin lấy công chuộc tội, đi đánh những nơi còn bất tuân, thì hãy lấy di chế di, để chúng tự diệt lẫn nhau, nguyên khí chúng tiêu hao bớt, thì quân ta có bớt đi vẫn đủ sức trấn áp.

- Đúng là người học rộng hiểu nhiều có khác!- Trương Hách lập tức đứng lên khen ngợi. Hách nhiệt tình, vì Vi Công Tín vậy mà lại đứng ra nói hộ tất cả những điều họ đã tính phải nói với Lưu Từ. Có Vi Công Tín đóng vai mặt đen hộ họ, giờ chỉ còn phải đóng vai mặt đỏ là xong.