Chương 12: Luận thế
Chương 12: Luận thế
Hoàng Anh Kiệt chỉ đạo mọi người xong xuôi, mới đi vào nhà gặp đoàn người họ Bùi. Lần này họ lên bất chợt là vì muốn bàn riêng với Kiệt chuyện làm ăn. Ngày trước họ không biết rằng tiền lời từ những đồ kia lại lớn đến thế, nên chấp nhận chia lợi nhuận 9-1, họ lấy 9 phần lợi nhuận, Kiệt chỉ có 1 thành. Nhưng bây giờ, lợi nhuận cao quá, dù 1 phần lợi của Kiệt cũng đã là quá mức cao, nên họ Bùi sinh lòng tham, muốn lấn tới. Lần này họ lên đây để nói ngọt nhạt, đòi Kiệt tự giảm phân nửa lợi tức của mình.
Lần này làm việc có hơi mất mặt, nếu Kiệt kiên quyết làm căng thì khó thành, nên Bùi Duy Linh đành nhờ cha là ông Bùi Duy Lại. Bùi Duy Lại là thương nhân sành sỏi, từng đi khắp đại giang nam bắc, từ Bách Việt, Đại Hoa, Các vương quốc Cham Pa, Cao Câu Ly,… nên thông tỏ lòng người, hiểu được việc đàm phán.
- Trước tiên, cho lão xin lỗi thay đứa cháu trai ngỗ nghịch của lão cái đã.
- Xin cụ chớ phiền lòng, trẻ con tranh chấp hơn thua với nhau là việc thường. – Kiệt nói thế, khiến hai bên càng lúng túng hơn, vì cậu còn nhỏ tuổi hơn cả Duy Sơn.- Nhưng lần này các vị tới, không biết là có chuyện gì không?
Họ Bùi trước tiên dùng tư thế hòa đàm,dùng việc họ phải bỏ vốn hoàn toàn để làm đồ, còn Kiệt ngồi không để hưởng lợi, nên xin Kiệt bỏ ra nửa số lợi tức được hưởng để cho họ Bùi có thể mở rộng thêm cơ sở kinh doanh mới. Họ nói thêm rằng dù đồ bán rất chạy, nhưng để làm được điều đó, họ cũng phải bỏ ra nhiều tiền để có được hệ thống phân phối, các cửa hàng, chi phí vận chuyển…
- Được! Các ông nói rất có lý, tôi đồng ý chuyện giảm lợi tức! Nhưng đổi lại, tôi cần các vị chuyển khoản lợi tức đó sang dạng thanh toán khác.
- Dạng thanh toán khác.
- Đúng thế, tôi cần nhân lực: người lao động khỏe, thợ giỏi, phụ nữ còn trẻ khỏe. Các ông làm cách nào thì làm, cứ trừ hết vào lợi tức của tôi là được.
- Cậu cần nhiều người thế để làm gì chứ?
- Việc ai nấy lo, không cần các vị nhọc lòng. Nếu các vị đồng ý, ta viết giấy làng bằng ngay.
- Cũng được!- Bùi Duy Linh nghĩ đi nghĩ lại, cũng không thấy có gì hại cho mình, nên đồng ý ngay và luôn. Không ngờ mọi sự lại hanh thông đến thế, biết thế không cần nhờ cha già ra mặt làm gì cho mệt.
Trái với sự vui mừng của người con, người cha Bùi Duy Lại cực kì đăm chiêu suy nghĩ, ông nhanh chóng gọi hai người trung niên còn lại vào hỏi chuyện.
- Các ngươi nghĩ chuyện hôm nay ra làm sao?
- Thưa cha vợ, con xin nói thẳng, tên nhóc đó không phải hạng tầm thường đâu. Câu đối nó nói về nghề hốt phân là ý làm vua đấy.- Người đàn ông nói trước là Nguyễn Văn Phi, con rể của Bùi Duy Lại, anh rể của Bùi Duy Linh. Ông ta là một tú tài, văn hay chữ tốt, ngày nhỏ được cho về nhà họ Bùi ở rể để tiện việc đèn sách. Tuy hay chữ, biết kinh sử xong Nguyễn Văn Phi tài cũng bình bình, Bùi Duy Lại từng nhận xét rằng tài của người con rể này cùng lắm chỉ làm được chức tri huyện vào cái lúc thời bình là cùng.
- Dựa vào một câu đối của đứa trẻ mà đã có ý suy tôn, tôi thấy chưa hợp lý. Tuy nhiên, chí của nó không nhỏ thì đúng thế thật. Chiêu dân, mộ thợ, dạy chữ, luyện binh, đấy đều là hành động phản loạn. Nếu như nhà ta chỉ muốn làm đại phú thương, vậy đây là cơ hội trời cho, chỉ cần một phong thư mật báo, họ Hoàng tất bay đầu. Lúc đó tiền lời không phải chia bôi, cũng là cái lợi.- Cùng là người ở rể, nhưng Võ Tông Khải lại được đánh giá cao hơn. Y không học lên tú tài, mà chỉ là người chuyên tháp tùng anh rể Bùi Duy Linh đi xem hàng, nhưng lại toàn ở những chỗ nguy hiểm trùng trùng, mặt hàng toàn đồ quốc cấm, đủ để hiểu cái tài và cái gan của y ra làm sao.
- Làm vậy thật bất nhẫn quá.- Nguyễn Văn Phi vội can
- Vậy nếu họ Bùi ta không muốn làm đại phú thương!
- Bảy chữ: nói ít, nhìn nhiều, làm dứt khoát.
Nghe tới đây, đến Nguyễn Văn Phi cũng bắt đầu hiểu ra, gai ốc nổi khắp người. Câu này rất đơn giản, họ Bùi trước hết phải câm cái họng lại, không làm bất cứ điều gì khiến Hoàng Anh Kiệt thấy bài xích, rồi từ từ thẩm thấu vào, tập trung quan sát xem Hoàng Anh Kiệt đang làm gì, kế hoạch ra sao, bố trí thế nào. Một khi đã thấy đây là mối đầu tư đáng đầu tư, thì dù phải bỏ sách vốn gốc, cũng phải làm.
- Ai có thể làm được!- Bùi Duy Lại hỏi tiếp
- Xin cụ cho cô cháu gái út Bùi Khả Nghi ở lại đây làm tin, con xin ở cùng để chăm sóc. Có gì sẽ thông báo sau ạ!
- Được! Văn Phi, Tông Khải, cả hai cùng ở lại đi, sẽ có ích lắm đấy.
- Vâng!- CẢ hai cùng dạ ran.
Việc Bùi Khả Nghi ở lại làm Kiệt khá ngạc nhiên, vì rõ ràng với uy tín của họ Bùi đâu đến mức phải làm thế. Nhưng thôi, thế càng chắc. Lần trước trình bày việc canh tác kiểu mới cho Bùi Duy Linh mà không được coi trọng, Kiệt không nghĩ rằng ở đây có cái khỉ mốc gì để họ để ý tới cả, nên cũng mặc họ đi khắp nơi thăm thú.
Chỉ có ở mấy ngày, mà Nguyễn Văn Phi và Võ Tông Khải đã thấy kinh ngạc không thôi. Thứ nhất là về tổ chức hành chính đã rút gọn hết mức có thể, mà vẫn đảm bảo khả năng tương tác giữa dân xuôi và dân thượng, kiểm soát được các mặt đời sống: làm việc, thu thuế, dạy chữ,thực hiện nghĩa vụ quân sự,….
Thứ hai, về mặt kinh tế, dù thông qua nhà họ Bùi làm trung gian, các giống nông sản ở đây mới được bán đi có lãi, nhưng rõ ràng nông sản ở đây là thứ vô cùng tốt, chưa kể các loại đã qua sơ chế phần nào: mứt, hoa quả khô, …
Thứ ba, việc dạy thứ chữ mới khiến dân trí được nâng cao, bất cứ việc gì đều dễ thông tỏ từ trên xuống dưới trong thời gian cực ngắn.
Thứ tư, quân đội tuy chưa được võ trang và tôi luyện qua máu lửa chiến trường, nhưng khí thế và kỉ luật đã rất tốt.
Thứ năm, toàn thể dân chúng ở đây trên dưới một lòng, hăng say lao động, thực hiện tốt công việc được giao, không so bì tị nạnh, là điển hình cho nền thịnh trị của một quốc gia.
Năm điểm trên cho thấy Kiệt đã có ý thức và có kĩ năng trong xây dựng quốc gia, với Nguyễn Văn Phi thì thế đã đủ, nhưng Võ Tông Khải vẫn đăm chiêu. Nếu trị quốc giỏi có thể là vua hiền mà cũng có thể là tôi sáng, mà mỗi người lại đáng giá khác nhau, đầu tư sai là không được. Nếu đầu tư quá tay cho kẻ tôi sáng, thì là lãng phí, mà đầu tư nhỏ giọt cho vua hiền, cũng chưa chắc đã không bị ghi thù. Chưa kể thời này người Hoa vẫn rất mạnh, nếu có biến gì chưa chắc thế lực nhỏ như cái mắt muỗi của Hoàng Anh Kiệt đã trụ lại được.
Thế rồi, Võ Tông Khải quyết định hỏi thẳng Kiệt. Nhân hôm lễ trung thu, sau khi xem múa lân, rước đèn- cái này Kiệt phổ biến cho người dân ở đây chơi y trong kiếp trước. Lần gặp mặt này, Võ Tông Khải cũng chả giấu diếm gì, nói luôn vào đề:
- Cậu định tụ binh làm loạn chăng?
Câu nói bóc trần những gì Kiệt mưu tính, nhưng cũng vì thế khiến Kiệt có phần an tâm, vì đây cùng lắm chỉ là bài kiểm tra mà thôi.
- Đúng. Bách Việt nằm ở khu vực trung tâm, nam giáp các quốc gia Cham Pa, bắc có Nam Chiếu, Đại Hoa, tây là Ai Lao, Miến Điện, đông thông biển lớn, là đất dụng võ của kẻ anh hùng. Ngày nay, vua Đại Hoa là Thường Tông ỷ quân đông, nước lớn thường xuyên đánh chiếm các nước khác, tuy là thắng nhưng đã hao mòn khí lực, rồi hễ có trận thua thì ắt như núi đổ, không tài nào ngăn. Hễ Đại Hoa có biến, nam có các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, bắc thì Nam Chiếu, tây là Ai Lao đều sẽ coi Bách Việt như miếng ngon không được che đậy mà dấy quân lên chiếm. Hoằng Hạo là tên tướng người Hoa, cậy chút tài mà ăn trên ngồi chóc, tất sẽ nghĩ cách để bảo toàn thực lực, chắc gì đã có tâm với người nước ta. Để người ngoài lấy ăn, sao không cho người trong nước tự giữ.
Hay! Võ Tông Khải suýt nữa thì vỗ đùi khen ngợi. Nêu cao đại nghĩa là bước đi đầu tiên mà mỗi nhà chính trị phải làm được. Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì sự mới thành. Có tính chính danh, không sớm thì muộn sẽ quy tụ được lòng người.
- Hoằng Hạo ở đất ta đã lâu, tất nhiên có tay chân thân cận, lại thêm là y thay Vua Hoa cai trị, nên vẫn rất hùng cường. Đại Hoa là nước lớn, ý thức bành trướng của họ càng lớn, nên dù thế nào họ sẽ vẫn cố duy trì sự thống trị tại nơi đây. Chưa kể các nước ngoại bang thì như hổ rình mồi. Khó khăn chồng chất, kẻ muốn làm việc lớn tất phải có chuẩn bị sớm: người ngựa, lương tiền, địa bàn, … Có chuẩn bị đầy đủ, thì khi cơ hội đến mới nắm được.
- Vậy cậu định làm vua hay là làm tôi?
- Có minh chủ, thì phò minh chủ, không có minh chủ, thì tự thay. Chí ít, vẫn còn dăm bảy năm nữa! Thời đại này, vua chọn bề tôi, cũng như bề tôi chọn vua, phải thực cẩn thận.
- Vậy cậu bảo họ Bùi chúng ta nên làm gì?
- Thời thế chưa tỏ tường, nên tôi không dám nói bừa. Nhưng tôi nói thật, họ Bùi là thương nhân, mà thời loạn thương nhân tất là chỗ moi tiền. Nếu được, họ Bùi nên sớm chuyển đổi cơ cấu, giảm tiền, tăng đất, ở chỗ xa xôi mà màu mỡ, canh tác kiếm sống thì có thể an phận. Còn nếu muốn làm việc lớn, oanh oanh liệt liệt, đến chỗ tam công lục bộ, thì không gì bằng thương mại biển, sắm thuyền to, mua khí giới, nhất là hỏa khí, thao luyện tư binh, đợi ngày có biến.
- Ý của cậu, tôi xin về nói lại với cha vợ và bác cả. Còn quyết thế nào, đành xem phúc đức họ Bùi vậy.