Chương 1: Một chút khái quát

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 1: Một chút khái quát

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
.
.
.
Chương 1: Một chút khái quát
Nam Giao Đô Ty là một trong những khu vực hành chính vừa lập ra sau khi Đại Hoa chinh phục được nước Bách Việt. Có thể tóm tắt về lịch sử của cuộc sáp nhập này như sau:

Đời vua họ Triệu thứ 10, vua Triệu Thành Tông, húy Quốc Cường, là một vị vua ăn chơi dâm dật, bắt dân chúng phục dịch việc thổ mộc, ép thuế má nặng nề, làm trăm họ lầm than. Các quan lại từ trung ương tới địa phương cùng với hoàng thân quốc thích thì thoải mái chèn ép người dân, khiến dân chúng bần cùng, hoặc phải bán vợ đợ con, tha phương cầu thực, hoặc bán mình làm nô tỳ và tá điền,…Tình hình nguy ngập khắp nơi khiến nguy cơ những cuộc khởi nghĩa nổ ra, đồng thời từ khắp các biên cương, quân ngoại quốc lăm le bờ cõi.

Năm Vạn Phúc Thứ Mười Hai (một niên hiệu của Triệu Thành Tông), Dương Kính Nghiệp, một võ quan tài giỏi, được sự ủng hộ từ những quan lại có tâm với nước, đã lật đổ Triệu Thành Tông, lập nên triều đại của họ Dương, đồng thời mau chóng tiến hành những cải cách quan trọng để củng cố lại Bách Việt, tránh họa ngoại xâm đang cận kề. Dương Kính Nghiệp lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Vũ An.

Năm Vũ An Thứ Bảy, một tông thất họ Triệu là Triệu Văn Nghị trốn qua Ai Lao, rồi đi lên phương bắc xin viện trợ của Đại Hoa để về giành lại giang sơn. Hoàng Đế Đại Hoa lúc đó là Đại Hoa Thành Tổ, húy là Chu Hữu, liền lệnh cho em trai là Xương Thành Vương Chu Định mang10 vạn tinh binh và 30 vạn dân phu tiến đánh Bách Việt:
- 10 vạn tinh binh lấy từ:
3 vạn lính từ Vân Nam do Vân Nam Tổng Binh- Chu Đường chỉ huy
5 vạn lính từ Quý Châu do Quý Châu Tổng Đốc- Hoằng Thiên Hóa chỉ huy
1 vạn lính thủy từ Lưỡng Quảng do Đề Đốc Lưỡng Quảng- Vương Vạn Tường chỉ huy
1 vạn lính thủy từ Quỳnh Châu do Đề Đốc Quỳnh Châu- Trương Kinh chỉ huy
- 30 vạn dân phu lấy từ:
5 vạn dân dị tộc của Vân Nam (dân Bạch, dân Thái, dân Miêu, dân Hồi Hột,…)
5 vạn dân dị tộc của Quý Châu (dân Bố Y, dân Thổ Gia, dân di,….)
5 vạn dân dị tộc Lưỡng Quảng (dân Tráng, dân Dao, dân Miêu, dân Động,…)
15 vạn tù tội của những nơi đã chống lại Đại Hoa trong những cuộc trinh phạt phía trước: Khương từ Đảng Hạng, Chuẩn Cát Nhĩ, Tích Bá, Kazah từ Tây Vực, Tarta, Nãi Man, Tạng từ Thổ Phồn,….

Năm Vũ An Thứ Tám, quân Đại Hoa tiến vào Bách Việt với sự chỉ điểm của tông thất họ Triệu, đã nhanh chóng đánh cho quân Bách Việt nhiều trận thua đau. Nhưng quân và dân Bách Việt thề sống chết giữ nước, thành ra đà tiến công của quân Đại Hoa đã chậm lại nhiều. Biết rằng cường công thì chỉ tổ tốn xương máu lính tráng, Chu Định liền dùng kế chia để trị. Một mặt, hắn cho họ Triệu quyền tự mộ lính, tự thu thuế, khiến tông thất họ Triệu hết lòng nghi ngờ quân Đại Hoa mà chuyên tâm đấu với họ Dương, khiến lính Đại Hoa được nghỉ mà dân Bách Việt đấu đá đẫm máu. Thứ hai, 30 vạn dân phu đi sang, Chu Định cho họ canh tác nông nghiệp tại những cánh đồng mà trước đây là của dân Bách Việt, nay không còn ai ở do chiến tranh, điều này cho quân đội Đại Hoa một nguồn lương thực dồi dào. Thứ ba, Chu Định cho người đi mua chuộc những kẻ có lòng dạ phản chắc, ham sống sợ chết, tham vinh hoa phú quý tới độ có thể bán nước cầu vinh, tạo thành lực lượng tay sai.

Sau một năm chuẩn bị, vạn sự đã có đủ, Chu Định nhanh chóng tung quân đánh bại người Bách Việt, truy lùng họ Dương, đẩy họ phải trốn sang Ai Lao. Còn với Triệu Văn Nghị, hắn được phong làm vương như một phiên thuộc của Đại Hoa, nhưng đồ cống nạp thì cực kỳ hà khắc. Thế nhưng điều này lại làm Triệu Văn Nghị thấy thoải mái, vì đòi đồ cống vẫn đỡ hơn là không trả nước cho hắn. Thế nhưng hóa ra Triệu Văn Nghị nghĩ ngây thơ quá, sau 3 năm liên tục đòi cống nạp cao giá, những tên tay sai mà ngày trước Chu Định mua chuộc đã sách động lòng dân, gây loạn, giúp Đại Hoa có cớ can thiệp. Thế rồi lấy lý do quốc chủ Bách Việt không có năng lực, Chu Định liền phế Chu Văn Nghị, xóa tên Bách Việt và lập ra Nam Giao Đô Ty- tức là đơn vị hành chính cấp một của Đại Hoa, nhưng dân bản địa đông hơn dân Đại Hoa vừa chuyển đến.

Sau khi thành lập Nam Giao Đô Ty xong, Chu Định đã ở lại và xây dựng vùng đất này thành một bàn đạp cực kỳ tốt để chuẩn bị công cuộc tây chinh qua các tiểu quốc ở cạnh Bách Việt như Miến Điện, Xiêm La, Ai Lao, Chân Lạp rồi lấn sang đất Thiên Trúc ở bên cạnh. Tất nhiên, chiến tranh thì tiêu hao sẽ cực kỳ lớn, nên việc này phải chậm mà chắc, không thể hấp tấp vội vàng. Cũng vì vậy, Đại Hoa tiến hành đầu tư vào Bách Việt rất cẩn thận: một mặt phải khiên vùng đất này trở thành chủ lực cho những cuộc chiến liên miễn sắp đến, mặt khác phải khiến người dân ở đây không nổi loạn khi đã được võ trang.

Để làm được điều này, triều đình Đại Hoa tiến hành các biện pháp chính trị- kinh tế- quân sự- văn hóa liên hoàn:

Về chính trị, Đại Hoa xây dựng những lực lượng tay sai từ trung ương tới địa phương để ngăn cản sự đoàn kết và phản kháng của dân Bách Việt. Tiếp đó, ngoài một phần dân phu đã đến Bách Việt lúc trước, một phần lớn dân Hoa và các tộc thiểu số được đưa xuống Bách Việt, tiến hành đồng hóa và làm hỗn loạn, từ đó dễ bề cai trị nơi đây.

Về kinh tế, Đại Hoa thi hành những chính sách bóc lột nặng nề dân Bách Việt: thuế, kiểm soát hàng hóa, thu mua ác ý những mặt hàng chiến lược như sắt, muối, gạo,… đồng thời đưa ra những điều ưu đãi cho dân Đại Hoa và bè lũ tay sai. Điều này làm kinh tế Bách Việt phát triển què quặt, phụ thuộc mạnh vào triều đình Đại Hoa. Hơn nữa, người dân di cư từ Đại Hoa xuống hoặc những kẻ đã hàng phục thì được cho những chỗ đất tốt, những trọng điểm kinh tế, còn dân Bách Việt bị đẩy ra vùng biên thùy, vùng hẻo lánh, chỗ khó canh tác làm ăn,…

Về quân sự, quân đội Địa Hoa duy trì lực lượng tinh nhuệ ngày trước đã vào Bách Việt: 10 vạn, chia ra đóng giữ những chỗ hiểm yếu: các thành trì lớn, những vừa lúa, hải cảng quan trọng, … Quân tay sai tuy vẫn có, nhưng trang bị không chỉ kém hơn một bậc, lại còn phải chịu giám sát của Giám Binh người Hoa mới được, nên lực lượng này gần như không có khả năng nổi loạn thành công. Đồng thời, nếu như các lực lượng quân đội Đại Hoa được đóng quân gần nguồn cung cấp lương thực hoặc các thành trì lớn để dễ bổ sung quân giới, lương thực hoặc người, thì quân tay sai Bách Việt thường là lính thú đóng ở biên ải, luôn đúng trước nguy cơ chạm mặt lực lượng quân đội các nước như Ai Lao, Lan Xan, Chân Lạp, Chiêm Thành, …. rất cần chi viện từ phía sau nên không thể không nghe lời các chỉ huy Đại Hoa,

Cuối cùng, văn hóa, thứ đã giúp Bách Việt tự chủ bấy lâu, thì người Hoa càng quyết tâm tàn phá thông qua việc đốt bỏ kinh sách của người Bách Việt viết, đưa kinh sách người Hoa dùng, lại đưa các nền văn hóa, tôn giáo mới từ những vùng đất Đại Hoa chinh phạt được du nhập vào Bách Việt, khiến người Bách Việt chỉ trong 20 năm đã hỗn loạn về văn hóa, cổ kim chống đối lẫn nhau, xung đột văn hóa, tôn giáo ngày càng trầm trọng.

Sau 16 năm thi hành các chính sách trên, về cơ bản thì Nam Giao đã mất khả năng chống đối và buộc phải chấp nhận thân phận nội thuộc. Đáng lẽ, triều đình Đại Hoa nên tiếp tục chính sách đồng hóa bắt buộc thêm chừng 10- 20 năm nữa, thì vùng đất Nam Giao này sẽ mãi mãi nằm trong cương thổ Đại Hoa, nhưng lần lượt hai nhân vật quan trọng nhất đảm bảo thi hành những chính sách trên chết đi: Đại Hoa Thành Tổ Chu Hữu và Xương Thành Vương Chu Định. Sau khi hai nhân vật này chết, hoàng đế kế tục là Đại Hoa Thành Tông Chu Củng Lượng quyết định củng cố quyền lực thông qua các cuộc chinh phạt: Cao Câu Ly, Đông Doanh, Đột Quyết, Tây Bắc Hãn Quốc, Miến Điện, Thiên Trúc, Chiêm Thành, Chân Lạp…

Trong bốn cuộc chinh phạt Chiêm Thành, Chân Lạp, Miến Điện và Thiên Trúc, do nằm ở vị trí thuận lợi xuất quân, Nam Giao là một trong những nơi bị ép phải điều động nhân- vật lực nhiều nhất, khiến người dân Nam Giao nhanh chóng có thái độ bất mãn với triều đình Đại Hoa, đồng thời những lực lượng mong muốn khôi phục Bách Việt cũng dần dần hoạt động trở lại. Tiếc là quân đội Đại Hoa vẫn rất mạnh, nên Nam Giao vẫn giữ nguyên tên gọi là Nam Giao Đô Ty.

Tuy vậy, các cuộc chinh phạt của Đại Hoa Thành Tông Chu Củng Lượng đã không đạt được kết quả như ý: trừ Đông Doanh và Cao Câu Ly bị chinh phục và sáp nhập thành Đông Doanh Đô Ty và Liêu Đông Đô Ty, thì tất cả những cuộc chiến khác đều thất bại thảm hại: tổn hao binh sĩ, lương thảo, tiền bạc,… khiến những thế lực trước từng ủng hộ Chu Củng Lượng nay lại ra chiều chống đối. Để có lại sự ủng hộ, Đại Hoa Thành Tông Chu Củng Lượng quyết định tăng thêm sưu thuế tại những vùng đất vừa chiếm được không lâu: Đông Doanh, Liêu Đông, Nam Giao, Thổ Phiên, Tây Vực,… cùng với việc đánh thêm thuế vào những sắc dân khác dân Hoa như: Khương, Miêu, Bạch, Thái,…. Không chỉ tăng sưu thuế, cống phẩm quý hiếm cũng bị yêu cầu tăng sản lượng: trầm hương, gỗ quý, ngà voi, ngọc trai, đồi mồi,… làm đời sống dân chúng những nơi này càng thêm khốn khổ. Thậm chí ở nhiều nơi, dân chúng đã tìm cách đi tới những vùng xa xôi hẻo lánh mà những chính sách thuế má của triều đình Đại Hoa không vươn tới được, bất chấp sự nghèo khó, giao thông bất tiện hay là cả sự nguy hiểm luôn rình rập.

Làng Hồng Bàng cũng là một nơi như thế, nó được lập ra bởi những người không chịu nổi thuế má khắc nghiệt của Đại Hoa, trong làng có 3 họ lớn là - Đào, Đỗ và Hoàng. Đây cũng là 3 dòng họ khai làng, họ Đào xuất thân từ trung nông, họ Đỗ là tiểu thương còn họ Hoàng là lính thú. Vốn xuất thân lính thú, nhân một đợt đi tìm hiểu địch tình, nhận thấy địa thế vùng đất mà ngày nay là làng Hồng Bàng có thể ở được, cụ tổ họ Hoàng đã bàn bạc với những người khác, trong đó hai họ Đào, Đỗ là ủng hộ nhiệt tình nhất. Rồi thời cơ thuận lợi, họ liền di dời lên đây sinh sống.

Khi di dân lên đây, để tránh bị phát hiện từ quan quân triều đình, làng Hồng Bàng gần như tự cô lập mình, tự sản tự tiêu, trừ những mặt hàng không thể tự sản xuất được như muối, sắt, vải,… thì họ mới đi trao đổi, mua bán. Hơn nữa cũng không xuống thành thị hay quận huyện trao đổi mà thường lên những chợ của người Thượng.

20- 30 năm trôi qua, tình hình Nam Giao cũng có cải thiện hơn, khi Đại Hoa Thành Tông Chu Củng Lượng chết, Đại Hoa Thường Tông Chu Lại lên ngôi, cho giảm tô thuế, lao dịch tại những vùng đất mới chiếm đóng, củng cố sản xuất, hòa hảo các sắc dân trong Đại Hoa. Cùng lúc này, những người trẻ tuổi ở làng Hồng Bàng cũng đã sớm chán ngán sự nghèo khổ và tù túng trong làng, quyết định ra khỏi làng tìm cơ hội đổi đời. Hoàng Văn Định cũng làm thế, cho dù tài năng có hạn, thủ đoạn không có gì, chỉ có sức khỏe hơn người.

Lúc này, thương mại đường biển phát triển mạnh mẽ giữa Nam Giao với các nước như Chiêm Thành, Chà Và, Lữ Tống, Thủy Chân Lạp,… nên các đại thương nhân rất cần người phục vụ trên thuyền. Thấy giá cao, lại cậy sức khỏe, Hoàng Văn Định nhảy lên một con thuyền buôn. Con thuyền này là của một thương nhân lớn, tên là Hoàng Tư Trịnh, người này buôn bán khắp các nước trong nước ngoài, tiền muôn bạc vạn, thuyền ông ta đóng lớn như chiến thuyền, có cả đại pháo, có thể đánh đuổi cả hải tặc.

Tiếc thay, nhân họa dễ phòng, thiên tai khó tránh, một trận bão lớn đã đánh chìm thuyền, trừ Hoàng Văn Định cùng người thiếp của chủ thuyền là Văn Nguyệt Nga, còn lại không ai sống sót. Lúc này Văn Nguyệt Nga đã có thai, nên nhờ hoàng Văn Định cùng cô quay lại nhà của Hoàng Tư Trịnh, định mẹ nhờ con mà quý. Nhưng Văn Nguyệt Nga chỉ là thiếp thất, chính thê của Hoàng Tư Trịnh vốn không đã ghen ghét, nên liền vu cho cô là sao chổi, sát phu, định đánh chết tại chỗ. May mà Hoàng Văn Định cứu kịp. Không còn nơi nương tựa, người thân lại ở xa xôi tít tắp, Văn Nguyệt Nga đành ủy thân cho Hoàng Văn Định, cùng người thanh niên nghèo khổ thành vợ chồng.


Ban đầu thì người nhà ông, nhất là cha mẹ Hoàng Văn Định thấy con trai mình thực ngốc, vì mang vợ con người ta về, dù gì thì khác máu tanh lòng, đứa con đầu tiên của Nguyệt Nga không được ông bà ưa. Văn Nguyệt Nga sinh ra trong nhà có của ăn của để, được giáo dục cẩn thận, lấy chồng trước lại là người giàu, tất nhiên không kham nổi việc nhà nông, thành ra rất vô dụng khi mới về, càng làm cha mẹ chồng ghét. May sao, Hoàng Văn Định kiên trì nên mẹ con cô được ở lại nhà của Hoàng Văn Định. Cuối cùng thì chút chữ nghĩa và tài lẻ cô học được cũng phát huy chút tác dụng khi giúp mấy người trong làng lập sổ sách khi đi buôn bán, làm giấy tờ, viết thư, … nên có chút thu nhập, thành ra cô cũng không còn bị chì chiết nhiều như lúc đầu. Đến khi Văn Nguyệt Nga sinh cho người chồng mới một đứa con trai, mọi việc càng thêm tốt đẹp. Đứa bé tên gọi Hoàng Anh Kiệt.