Chương 227: Ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch
Có điều, Lý Đông cũng không tập trung được lâu bởi lúc này đột ngột điện thoại của hắn vang lên từng hồi chuông quen thuộc.
Lý Đông tỉnh lại từ trong trầm tư sau đó vươn tay cầm lên điện thoại rồi nói:
- Mẹ, con đây!
Đầu dây bên kia lập tức vang lên tiếng nói có phần gấp gáp của Phùng Nhu:
- Đông hả con… Cha mẹ đang chuẩn bị lên Hà Đô đưa nhà bác Thản đi cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai. Con có quen biết ai ở bệnh viện không? Cha mẹ lạ nước lạ cái không biết lối lang gì cả.
Lý Đông nghe xong thì kinh ngạc hỏi lại:
- Bác Thản? Không phải là bác Thản bạn thân của cha đấy chứ?
Phùng Nhu xác nhận:
- Ừ, là bác ấy. Khổ, cả gia đình không biết ăn phải cái gì mà bị ngộ độc nặng. Bệnh viện tỉnh đã tiến hành sơ cứu rửa ruột nhưng bác sĩ tiên lượng xấu nên yêu cầu chuyển lên tuyến trên để xử lý. Haizzz… hi vọng là mọi chuyện sẽ không quá tệ. Ăn uống bây giờ sợ thật đấy, ở chợ mẹ nghe có mấy nhà bị rồi. Kiểu này phải tự sản tự cung thôi chứ cứ dùng đồ ăn ở ngoài thì biết lúc nào tới lượt mình vào viện.
Nghe mẹ mình than thở, Lý Đông liền lên tiếng:
- Vâng, nghe mẹ nói con cũng thấy hãi quá. Mà tình hình gia đình nhà bác Thản cụ thể thế nào mẹ? Bị hết cả nhà à?
Phùng Nhu thở dài trả lời:
- Vợ chồng bác Thản với cái Lan thôi, thằng Nam đi nhậu với mấy đứa bạn nên may mắn tránh được. Có điều nó giờ cũng không biết làm thế nào, nhà lại neo người nên bố mẹ phải đi theo giúp hai bác đây.
- Uhm… ra là vậy. Được rồi, cha mẹ cứ đưa hai bác với cái Lan lên đây đi, con sẽ nhờ người quen sắp xếp để gia đình bác ấy được chăm sóc tốt nhất.
Phùng Nhu tuy không biết Lý Đông hiện tại là làm lớn như thế nào có điều nàng năng lực của con trai mình là không có gì nghi ngờ nên vui mừng đáp lại:
- Tốt rồi. Vậy khi nào lên gần tới nơi mẹ gọi nhé.
- Vâng!
- Ừ, thôi mẹ chạy vào trong đây, xe cứu thương chuẩn bị di chuyển rồi. Nhớ để ý điện thoại đó, có gì mẹ còn gọi.
- Con biết rồi mà! Mẹ yên tâm!
Cúp điện thoại, Lý Đông khẽ cau mày đưa tay vuốt vuốt trán. Vụ việc này vô tình đã nhắc nhở cho hắn biết rằng thời kỳ của thịt ngâm chất bảo quản, rau phun chất kích thích và tồn dư quá mức thuốc bảo vệ thực vật đã bắt đầu.
Theo Lý Đông thấy tình hình bây giờ cũng không khác so với đời trước của hắn là bao. Vấn nạn an toàn thực phẩm vẫn còn chưa được chính phủ quan tâm một cách đúng mức, nếu tình hình này vẫn tiếp tục như vậy thì chỉ dăm bảy năm sau thôi nó sẽ mang tới những hậu quả khôn cùng và thực sự là một quốc nạn.
Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng bệnh nhân ung thư nhanh nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân ung thư trẻ hóa ngày càng nhiều. Bộ gien giống nòi bị phá hoại nghiêm trọng và người ta hẳn sẽ ám ảnh vô cùng khi chứng kiến từng hàng người đau đớn vật vờ nơi hành lang bệnh viện chờ đợi cái chết giáng xuống.
Nguyên nhân sâu xa của những việc này chính là bắt đầu từ lòng tham của con người. Những người sản xuất vì có thể tiêu thụ mạnh sản phẩm của mình đã không ngại đưa ra những sản phẩm kích thích vật nuôi và cây trồng tăng trưởng cũng như sản xuất ra hàng loạt các chất bảo quản thực phẩm lâu dài mà không cần quan tâm tới chúng độc hại tới đâu. Người nông dân vì có thể nhanh chóng thu hoạch được nông sản cũng bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực có thể mang tới cho người dùng mà sử dụng thuốc kích thích và bảo vệ thực vật vô tội vạ nhằm tăng năng suất. Tới lượt các thương nhân, vì làm căng túi tiền mà nhập thực phẩm có nguồn gốc độc hại hoặc hàng cũ hỏng phun hóa chất để làm tươi làm mới sau đó tuồn ra thị trường…
Cả một xã hội vì đồng tiền mà tự đầu độc lẫn nhau tạo nên một thị trường thực phẩm hỗn loạn mất khả năng kiểm soát. Vai trò của các cơ quan chức năng của nhà nước tỏ ra không hữu hiệu khi ngày ngày thực phẩm bẩm như muôn ngàn dòng chảy lưu thông trên khắp mọi ngả đường mà không có biện pháp quản lý thích hợp. Theo đó, con đường từ miệng tới dạ dày đã trở thành con đường ngắn nhất đưa người ta ra nghĩa địa.
Thật là đau đớn! Chỉ vì đồng tiền mà người ta bán rẻ lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng để tự tay phá hủy giống nòi dân tộc mình. Họ không phải không biết nhưng họ vẫn làm, ví dụ ngay như những người nông dân họ vẫn còn không dám dùng rau củ mình trồng, phải tự khoanh ra một khoảng đất riêng để sản xuất riêng cho gia đình mình ăn kia mà?
Có điều, biện pháp này thật cũng nực cười. Họ không ăn rau độc nhưng còn thịt cá, còn hoa quả, còn bánh kẹo thực phẩm khác thì sao? Bọn họ đâu có sản xuất riêng được mà dùng? Và thế là vẫn phải đi mua từ bên ngoài và cuối cùng vẫn phải ăn đồ độc hại. Đầu độc người khác rồi người khác đầu độc lại mình, cái vòng luẩn quẩn diễn ra và tất cả cùng dắt tay nhau đi vào bệnh viện chịu hành hạ của bệnh tật.
Lý Đông nghĩ tới những điều này mà không khỏi bất giác rùng mình, hắn thật không muốn thấy đất nước lại một lần nữa lâm vào thảm trạng như vậy nhưng rốt cục hắn có thể làm gì đây?
Ngồi ngẫm nghĩ một hồi, Lý Đông chợt nghĩ tới nước Nhật nơi người dân nổi tiếng sống thọ và khỏe mạnh mà một phần nguyên nhân trong đó chính là thực phẩm ở nơi này đã được quy chuẩn ở một điều kiện rất cao đối cả với nông sản trong nước cũng như nhập khẩu.
Lý Đông nếu muốn ra tay ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn thì hoàn toàn có thể học hỏi cách làm của người Nhật. Xử lý một cây cỏ dại thì phải tìm tới được gốc rễ của nó và căn cơ của thực phẩm bẩn của Việt Nam chính là nằm ở hai điểm mấu chốt, một là phải định hình lại phương thức sản xuất của nông dân và hai là xây dựng lại quy trình kiểm soát của nhà nước cùng những chế tài xử lý khi có sai phạm.
Về điểm thứ nhất, Lý Đông thấy vấn đề của Việt Nam hiện nay chính là lực lượng nông dân quá đông đảo nhưng chủ yếu lại sản xuất thủ công manh mún, phi tập trung dẫn tới năng suất thấp, chi phí cao thiếu hiệu quả. Ai cũng có nhu cầu kiếm tiền để nuôi sống bản thân và con cái do vậy với các hình thức canh tác và chăm sóc truyền thống không thể mang lại thu nhập tốt, theo đó người dân mới phải sử dụng tới các loại chất kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực phẩm độc hại.
Lý Đông sẽ không tự cho mình năng lực lớn tới mức có thể tập trung hóa và cơ giới hóa toàn bộ nền nông nghiệp trên cả nước, điều này là quá mất thời gian và công sức bởi nó còn liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp về pháp lý đất đai, phân phối lợi ích, vốn vay cũng như đặc thù canh tác từng nơi.
Lý Đông rõ ràng không đủ tinh lực để làm điều đó theo đó biện pháp hắn nghĩ tới chính là là chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp để giảm áp lực sinh tồn từ việc sản xuất thực phẩm bẩn. Thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn giàu mạnh thì chắc chắn phải dựa vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao chứ không thể trông cậy vào gạo, bắp, rau củ, mía đường, cao su được.
Việt Nam đúng là một nước nông nghiệp nhưng điều này không có nghĩa là không có thể thay đổi. Lý Đông không thấy có bất kỳ lý do hợp lý nào để buộc Việt Nam chỉ có thể là một quốc gia nông nghiệp mà không thể là một nước công nghiệp cả. Việt Nam hoàn toàn có thể như Mỹ, Nhật đi nhập khẩu nông sản của nước khác với các điều kiện tiêu chuẩn gắt gao để tiêu dùng mà không cần phải tự mình sản xuất.
Cứ thử so sánh đơn giản, một con chip bằng ngón tay giá vài triệu USD sẽ bằng bao nhiêu tấn gạo? Hoặc đơn giản hơn là một chiếc điện thoại thông thường cũng đã ngang với vài tạ gạo. Vậy thì nên làm cái nào, nên bỏ cái nào không cần nói ai cũng hiểu?
Việt Nam nếu trước khi Lý Đông trọng sinh có thể là trăm bước khó đi, mục tiêu công nghiệp hóa xa vời giống như người si nói mộng thế nhưng bây giờ đã có Lý Đông tại thì tham vọng này đã không còn là ảo tưởng.
Chỉ một thời gian không lâu nữa thôi, khi các dây chuyền sản xuất các sản phẩm mới của Kỷ nguyên mới đi vào hoạt động sẽ tạo ra một lượng việc làm cho lao động phổ thông vô cùng khổng lồ. Bằng việc phát triển hàng loạt các nhóm nhà máy công nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ tại các tỉnh thành, chúng sẽ thu hút dần đội ngũ lao động trẻ từ bỏ sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm công nhân trong các nhà máy bởi thu nhập từ đây cao và ổn định hơn từ làm nông lại không chịu cảnh mưa nắng nên gần như sẽ là một xu hướng nghề nghiệp được lựa chọn.
Về phần những lao động trung niên không thể thích ứng với dây chuyền công nghệ, Lý Đông cũng đã tính tới một quá trình chuyển dịch sang mô hình sản xuất trang trại ở quy mô công nghiệp hóa.Theo đó với những vùng có lợi thế về quỹ đất lớn, chất lượng đất phù hợp và cơ chế cho phát triển nông nghiệp thông thoáng, hắn có thể hình thành các vùng sản xuất tập trung với sự tham gia theo một mô hình khép kín và bài bản từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến tới tiêu thụ.
Thực tế mà nói, các địa phương có đủ điều kiện kể trên ở trong nước cũng không phải quá nhiều do vậy Lý Đông còn tính tới việc phát triển nông nghiệp ở hải ngoại. Hắn thậm chí có thể đưa rất nhiều nông dân theo cùng để phụ trách sản xuất. Sản phẩm theo đó sẽ không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà có thể là nhiều quốc gia khác nữa.
Lý Đông hắn một khi tham gia vào lĩnh vực nào là phải làm lớn, có định hướng rộng mở chứ không chỉ là tư duy bó hẹp cục bộ quẩn quanh với một địa phương nào đó. Lý Đông đã làm nông nghiệp thì cũng phải giống như Israel, Mỹ, Nhật… làm một nền nông nghiệp lớn có ảnh hưởng toàn cầu nếu không quả là cô phụ những gì ông trời đã giao cho hắn.
Nghĩ tới vấn đề này, Lý Đông bỗng lại nhớ tới một người mà thời gian gần đây mới được cả thế giới chú ý, Victor Huy Phan, chuyên gia nông nghiệp đang làm việc tại Úc, nạn nhân trong vụ đối xử bạo lực của United Airlines với khách hàng.
Nghĩ lại cuộc gặp gỡ với Victor Huy Phan, Lý Đông có cảm giác giống như là ông trời sắp đặt để hai người quen biết bởi thật tình cờ là Lý Đông đúng là đang có ý định đưa nông nghiệp tới Úc châu, nơi có quỹ đất rộng lớn màu mỡ, địa hình bằng phẳng và khí hậu tuyệt vời cho sản xuất nông nghiệp. Điểm đặc biệt hơn nữa chính là Victor Huy Phan cũng là người Việt Nam và công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, các điều kiện quả thật quá thích hợp để làm người cầm trịch cho dự án này. Tính toán như vậy xem ra Lý Đông sẽ phải sớm có một cuộc tiếp xúc với ông ta để thăm dò về đề xuất của mình rồi.
Điểm thứ hai trong phân tích của Lý Đông chính là xây dựng lại quy trình kiểm soát của nhà nước cùng những chế tài xử lý khi có sai phạm. Việc này thì lại cần sự tác động về mặt chính trị cũng như cần tới những biến chuyển nội tại để có thể thay đổi dần tuy nhiên Lý Đông tin tưởng rằng cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế đất nước, sức mạnh và vị thế đất nước đổi thay, đời sống người dân được nâng cao thì những yêu cầu đối với chất lượng hàng hóa tiêu dùng sẽ được thay đổi đáng kể, nhà nước sẽ buộc phải thay đổi các tiêu chí kiểm định nhằm thích ứng như một quy luật tất yếu và các quốc gia muốn giao thương với Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận luật chơi mới này. Những hàng rỏm, hàng kém chất lượng, hàng độc hại nói chung bao gồm cả thực phẩm cũng sẽ phải tuân thủ những quy định do Việt Nam đặt ra mới được nhập khẩu ngay cả đó là sản phẩm tới từ các quốc gia phát triển cũng không ngoại lệ. Làm được điều này, Việt Nam sẽ giống như Nhật, nơi người dân có thể đi mua sắm mà hoàn toàn yên tâm, hoàn toàn tự do không một chút áp lực nào đối với sự dối trá của các nhà cung cấp.
Việt Nam khi đó chắc chắn sẽ không phải là một quốc gia bệnh tật, một quốc gia ung thu… người dân sẽ được khỏe mạnh, được trường thọ và sống một đời sống an toàn không độc hại.