Chương 356: Giải Quyết Nan Đề

Vạn Biến Hư Ảo

Chương 356: Giải Quyết Nan Đề

Chương 356: Giải Quyết Nan Đề

Không chỉ vậy, điều đáng nói nhất là nước và không khí đều đang được cải tạo rõ rệt.

Băng ở các thung lũng tại hai cực đã bắt đầu đi vào khai thác. Chúng được giã đông cho vào thùng chứa và vận chuyển tới các khu công nghiệp để tiến hành tinh sạch, bằng cách loại bỏ các hợp chất độc hại, cuối cùng mới được cất chứa vào các bể lớn, dùng cho hoạt động của người dân sau này.

Lượng nước ở hai cực có tổng dung tích khoảng 100 tỷ tấn, đủ để phục vụ cuộc sống sinh hoạt của con người trong mấy trăm năm. Đương nhiên, điều kiện này chỉ đạt được khi chúng ta không làm ô nhiễm chúng.

Phía Thịnh Thế đã gửi lên các cấp lãnh đạo những đề xuất bảo vệ tài nguyên Mặt trăng, trong đó có đất, nước và không khí.

Ở Trái Đất, con người được sử dụng miễn phí các loại tài nguyên này, hoặc chỉ cần chi ra một lượng kinh phí rất thấp, nhưng tại đây, điều đó là không thể. Nên biết, phía Thịnh Thế đã bỏ ra một số tiền rất lớn để tìm kiếm, cải tạo và duy trì các nguồn tài nguyên ở trạng thái tốt nhất, vì vậy sẽ không có chuyện đem ra miễn phí cho người khác sử dụng bừa bãi.

Các quốc gia vốn thiếu thốn thì người dân, khi lên Mặt trăng sẽ biết quý trọng tài nguyên. Nhưng nhiều quốc gia luôn tự cho mình là phát triển, tự cho mình là thượng đẳng, lại thường sử dụng rất lãng phí. Cho nên, phải có một bộ luật chi tiết rõ ràng, để tránh xảy ra những xung đột không đáng có.

Dịch bệnh hoành hành, quái vật xuất hiện những năm gần đây đã để thế giới thấy rõ bộ mặt "thượng đẳng" và nền văn minh "dân chủ" chỉ là một cú lừa. Khi mà dường như càng "văn minh", càng "thượng đẳng" thì đám người này càng tự đắp lên trên mặt mình những lớp vỏ bọc thối nát....

Đồng thời với việc xử lý vấn đề nguồn nước, các kỹ sư cũng tiến hành phân tích các đặc tính của khí quyển Mặt trăng lần cuối, trước khi bắt đầu cho lắp đặt các hệ thống thanh lọc không khí.

Sau 1 năm thay đổi lực từ trường và trọng trường, sức hút của mặt trăng với tầng khí quyển của nó đã tăng lên nhanh chóng, kéo theo mật độ các phân tử trong không khí cũng dày hơn rất nhiều. Hiện tại đã tương đương một nửa tầng khí quyển Trái Đất.

Sự thực này khiến mọi người rất kinh ngạc, nhưng nhìn vào biểu hiện của các thành viên phi hành đoàn, không có bao nhiêu bất ngờ khi thấy số liệu thống kê, thì khán giả mới giật mình tỉnh ngộ: Thịnh Thế đã tính trước được điều này.

Tầng khí quyển tăng lên là tín hiệu tốt để thực hiện chương trình cải tạo các thành phần trong không khí.

Thành phần không khí ở Mặt trăng hiện tại cũng không khác bao nhiêu so với trước đây, chúng bao gồm natri, kali, argon, radon và các đồng vị poloni sinh ra do phân rã phóng xạ và giải hấp nhiệt từ bề mặt Mặt Trăng, trong khi helium và neon có nguồn gốc chủ yếu từ gió mặt trời...

Các thành phần bản chất kim loại tồn tại trong không khí chứng tỏ sự "bụi bặm" của khí quyển nơi đây, nhưng những thành phần này sẽ dễ dàng được giải quyết bởi các nhà máy thanh lọc không khí ở 10 khu công nghiệp đã được xây dựng trên khắp Mặt trăng. Trong khi đó, Hydro và Heli có trọng lượng rất nhẹ, nó sẽ tự thoát ly khỏi tầng khí quyển theo thời gian.

Điều đáng nói là không khí Mặt trăng không có thành phần cần thiết cho hoạt động hô hấp của con người.

Oxy, carbonic và ni-tơ cần được đưa vào bầu khí quyển, nhưng ở Mặt trăng, để tạo ra chúng không phải là điều dễ dàng.

Oxy có thể lấy từ phản ứng khử quặng oxit. Trong khi nguồn Carbon và Nitơ lại rất hiếm. Phương án thích hợp nhất là lấy những thành phần này từ Trái Đất.

Khác với sự thiếu thốn của Mặt trăng, Trái Đất đang ngộ độc CO2. Sự gia tăng loại khí này khiến Trái Đất nóng lên trong vài thập niên gần đây. Bây giờ, nếu lấy đi một lượng thích hợp và mang chúng lên Mặt trăng thì quá tốt rồi. Đây chính là một mũi tên trúng hai đích.

Thịnh Thế đã chuẩn bị đâu vào đấy.

Thay vì vận chuyển ở dạng khí rất phức tạp và khó khăn, Nitơ và CO2 đều được hóa lỏng hoặc hóa rắn, sau đó lưu trữ trong các bình chứa đặc biệt.

CO2 dạng rắn hay còn gọi là băng khô, cùng với các bình Nitơ lỏng, từ sớm đã được các phi thuyền vận chuyển từ Trái Đất tới Mặt Trăng. Thông qua các trạm kiểm soát ở các khu công nghiệp, chúng bắt đầu được đưa vào bầu khí quyển.

Đồng thời, từ dây chuyền tinh chế quặng, Oxy đã được sinh ra liên tục. Không chỉ có Oxy, Ozôn cũng được tạo ra và đưa tới tầng khí quyển ngoài, có vai trò bảo vệ Mặt trăng khỏi các tia sóng có hại tới từ Mặt trời và vũ trụ như các tia cực tím.

Dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, tỉ lệ các thành phần trong không khí dần được thay đổi, quá trình này mất tròn 38 ngày mới hoàn thiện.

Giờ đây, không khí trên Mặt trăng, cơ bản đã có thể phù hợp với điều kiện sinh hoạt của con người.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn chưa để mọi người cởi bỏ đồ bảo hộ, bởi vì nhiệt độ trên hành tinh vẫn còn dao động tương đối cao, từ 43 độ C cho tới âm 15 độ C tùy thuộc vào ngày đêm. Ngoài ra, môi trường vẫn còn nhiều tia xạ phát ra từ các mỏ quặng dưới lòng đất.

Nhưng có thể tin tưởng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.

Phải biết, nhiệt độ ban đầu khi chưa cải tạo là rất khắc nghiệt. Khi mà ban ngày, nhiệt độ trung bình lên đến 107 °C, còn ban đêm nhiệt độ là rất lạnh, tới âm 153 °C. Mặt khác, nồng độ phóng xạ trong không khí cũng gấp 121 lần so với hiện tại.

Do đâu mà có sự cải thiện lớn như thế?

Nguyên nhân phải kể đến chính là quá trình thay đổi từ trường và lực trọng trường, sự gia tăng của loại lực này, khiến lòng đất ổn định hơn. Các khối lục giác được Thịnh Thế chôn sâu xuống đất, không chỉ tăng cường sức hút đối với lớp bề mặt, đồng thời, chúng còn tạo một lực đẩy ngược lại phần lõi Mặt trăng, làm hạn chế di chuyển các dòng Mắc ma ra ngoại vi, khiến mặt đất và không khí được "hạ nhiệt".

Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém, đó là tầng khí quyển ngày đã ngày một dày hơn. Tầng khí này sẽ tạo thành một "lớp lá chắn", giúp hạn chế hấp thu nhiệt từ Mặt Trời.

Tập hợp hai nguyên nhân này, giúp Mặt trăng ngày càng "mát hơn". Dự kiến sau khoảng 3 tháng, mức nhiệt sẽ dao động tương đối phù hợp với sức chịu đựng của con người.

Việc giải quyết phóng xạ cũng không quá phức tạp, khi mà hầu hết những tia này đều xuất phát từ các mỏ quặng. Chỉ cần khai thác đi, môi trường sẽ theo đó được cải thiện, cho nên đây cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Trong thời gian chờ đợi, các thành viên của phi hành đoàn vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ.

Thêm sáu chuyến vận chuyển lương thực thực phẩm, cũng như các nguyên vật liệu cần thiết từ Trái Đất. Đặc biệt, ở chuyến bay cuối cùng, chuyến bay thứ sáu, bọn họ còn mang theo các loài cây, và háo hức đem ra trồng thử.

Các loại cây này đều có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt tốt, vì vậy rất dễ dàng sống trên vùng đất mới. Nhưng khi mọi người nhìn vào lại có cảm giác rung động thật sâu. Bởi vì chúng được coi là những thành viên đầu tiên có thể "sống" trên Mặt trăng, đồng thời chính là dấu hiệu chứng minh con người đã hoàn toàn có thể bắt đầu sinh sống trên hành tinh này.

50 loại cây, mỗi loại 500, có hạt giống, có cây con, có cây trưởng thành, tất cả đều được tỉ mỉ gieo trồng và tưới nước đều đặn.

Ngoài hành động trồng cây đầy ý nghĩa này, các công trình cũng dần dần được xây dựng lên.

Vì bắt đầu từ con số 0, cho nên vấn đề quy hoạch rất dễ làm. Tuy vậy, Dương Tuấn Vũ cũng bỏ ra rất nhiều tâm tư.

Suy đi nghĩ lại, đã là nơi ở mới thì nên lựa chọn những điều tốt nhất, vì thế, hắn quyết định sử dụng hệ thống quy hoạch của thế kỷ 22.

Tổng cộng có 3 cấp đô thị: Loại 1, loại 2 và loại 3.

Trong đó:

Loại 1 có diện tích 8.000 Km2, loại 2 có diện tích 5.000 Km2, và loại 3 có diện tích 3000 Km2.

Mỗi đô thị sẽ bao gồm 1 khu vực ở chính giữa, là trung tâm chính trị, 8 khu dân cư xếp xung quanh. Trong đó cứ giữa 2 khu dân cư sẽ là 1 trục dọc. Trục này sẽ bao gồm Trung tâm Kinh tế - Văn hóa, Trung tâm Dịch vụ - Giải trí, Trung tâm Trường học - Bệnh viện. Tổng thể quy hoạch sẽ tạo thành một hình tròn, các khu vực sẽ giống như những lát bánh gọn gàng xinh đẹp.